Tuesday, May 31, 2011

KỶ NIỆM MỘT VÙNG QUÊ -- hồi ký


BIỂN HÀM TÂN



Em gái vườn quê

cuộc đời trong trắng
dầm mưa dãi nắng
mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.

Anh biết mặt em
một chiều bên thềm
giọng hò êm đềm
và đôi mắt em lóng lánh sau rèm.

Ai hát ngoài ao
chung ngồi giặt áo
giọng hò êm quá
mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng.

Anh cuốc vườn sau
mặt trời trên đầu
ruộng vườn lên màu
vì em ước mong đây đó chung lòng.
...

Duyên quê - Hoàng Thi Thơ

*********************************************************************


Phân hiệu trường xã Sơn Mỹ huyện Hàm Tân thời gian này còn mang tên tỉnh Thuận Hải là một trong những trường quê vùng đồi dốc cao ngó ra vịnh Hàm tân biển xanh bát ngát bốn mùa gió lộng. Các thầy cô giáo ở đây có được một niềm an ủi khi phải làm việc trong chật vật khó khăn của thời bao cấp đó là những ngày hè thầy cô cùng học trò ra tận biển để tận hưởng luồng không khí mát rượi không tốn tiền mua từ biển thổi vào hay những con còng con cua núp dưới lớp cát khi sóng đánh vô. Tiếp nối xã Sơn Mỹ, xã Tân Thắng nhờ kế cận bờ biển nối dài về Bình Châu , Bưng Riềng cũng có được "kho trời đât" vô tận này.

Những đêm mùa câu mực, một vùng biển ban đêm lấp lánh muôn vàn ánh đèn thắp sáng từ hàng ngàn con thuyền và thúng. Tôi đứng trên đồi cao nhìn về biển - cả một vũ trụ của hàng ngàn ánh sao đèn lấp lánh không thể nào đếm xuể.

Đó là ký ức của tôi về biển cùng ngư dân vùng này. Riêng trên các đồi đất cao vùng gia đình tôi sống dành cho nông dân cùng tiều phu những gia đình gắn liền mạch sống với đất rẫy cùng cây rừng . Từ hai bàn tay, cái cuốc cây rìu người dân đã tạo ra vô số luống khoai nương sắn. Rừng xanh dần dần biến mất theo miếng ăn của con người khi đất ruộng hiếm hoi. Thay vào đó các đồi trồng cây hoa màu phụ chạy dần về núi Đất hay núi Bể. Rừng còn bị bị san bằng- đốt phá cho những gánh than hay những thớ gỗ xây nhà dựng cửa. Trẻ con sau những giờ phụ mẹ cha vào rừng nhặt than, trỉa bắp các em cũng có những giờ hạnh phúc học hành với các thầy cô bên cạnh mái trường đổ nát xiêu vẹo có khi loang lỗ dấu đạn chiến tranh.

Vợ tôi và các cô thầy khác từng có cơ hội gần gũi với người dân bên nương khoai rẫy bắp, cùng đói- cùng no với trẻ con vùng kinh tế mới, dấu ấn một thời gọi là bao cấp. Tôi không quên hình ảnh các thầy cô hàng tháng phải đạp xe về tận huyên xếp hàng từ sáng đến chiều chờ "dài cổ" mới mua được tiêu chuẩn mỗi ngừoi hai lít dầu hôi cùng vài lạng(trăm gam) thịt heo. Chuyện mới kỳ vì ai cũng thích thịt heo loại "nhiều mỡ", thì ra các cô thầy ưa mỡ để rán ăn dần trọn tháng.

Đời sống thấy cô tuy khổ nhưng dù sao cũng còn khá hơn các em vì các em có khi phải thắp đèn bằng dầu "mù - u" kiếm trong rừng vì dầu là những thứ gì thuộc loại "hiếm quý". Những đêm tôi đi rẫy về trễ nghe tiếng 'ê - a' các em học bài vọng ra từ các mái tranh làm lòng tôi xao xuyến. Ánh đèn lù mù le lói chiếu ra từ các mái tranh nghèo . Tiếng học bài của các em nhỏ tôi nghe như phần nào giảm đi nỗi hoang sơ nơi thôn dã. Ngày mai các em còn tới lớp cũng 'ê a' tiếng đọc bài theo nhịp thước của thầy- của cô tại ngôi trường mà gia đình tôi đang trú ngụ.


Hình trắng đen chụp năm 1986, học trò lớp 3 chụp chung với cô giáo tức là vợ tôi cạnh ngôi trường cũ, vách hông trường đã đổ nát trong chiến tranh, nên qua cửa sổ chúng ta thấy một khoảng sáng trắng



Nghèo là nghèo chung , khổ là khổ chung tất cả đều chia sẻ nhau những cơ cực. Ngày TẾT THẦY CÔ hàng năm học trò nghèo không có chi có khi lại xách luôn cả xâu cá mới câu được đem biếu cô. Có em lại đem những lon bắp hay nhũng gì trong vườn các em có được đem tới thầy cô lấy thảo. Giờ nhớ lại tôi không quên được nét ngây ngô chất phác của các em học trò vùng quê thuở ấy.

Cô Ph được đổi về dạy gần nhà tại xã Sơn Mỹ Hàm tân và cùng dạy học với vợ tôi tại phân hiệu trường Sơn Mỹ này khá lâu. Thời bao cấp lưong cô thầy vài ba chục đồng, chủ yếu nhờ vào tem phiếu. Cô Ph cũng không ngoại lệ. Ngày tháng chắt chiu nưôi con heo đen, gầy dựng hạnh phúc cho cô đó là ngày cô đám cưới. Ngày cưới của cô gần kề, con heo cô nuôi cũng vừa lớn là chủ lực chính cho buổi liên hoan trong vùng thôn dã, là tất cả hi vọng cô đặt vào gần một năm trời chăm sóc cho nó miếng cám ngọn rau. Con heo đen ăn ròng cám chuối, vùng gần biển đôi khi cô cũng thêm cho nó một ít cá vụn . Xóm làng ai cũng xuýt xoa khen con heo mau lớn, thịt con heo này chắc là ngon lắm !

Ngày hạnh phúc tức là ngày cưới của cô Ph đã đến. Giáo viên cùng trường như vợ tôi phải tới dự thôi. Vậy là tôi có được một ngày tạm dừng rìu rựa, ở nhà ru con cho vợ tôi đi dự đám cưới. Thời gian này nhà tôi đang tạm trú tại ngôi trường đổ nát mà vợ tôi vừa dạy học vừa ở với gia đình. Còn tôi dĩ nhiên là phu trường tự nguyện không có trợ cấp, dù sao gia đình tôi có một nơi che mưa đụt nắng là may mắn lắm rồi .

Đứa con gái của tôi năm vẫy đạp trong nôi. Nhờ trời tuy khoai sắn nhiều hơn cơm nhưng con tôi lớn nhanh như thổi, trong thôn ai cũng khen , các cô thầy đi ngang đều ưa nựng bé. Tôi vừa ru con vừa ngóng tai nghe tiếng pháo đám cưới cô Ph bên thôn kế cận nhưng hoàn toàn im lặng. Tôi chợt nhớ ra làm gì thời này mà có pháo! nhất là ở vùng thôn quê rẫy bái như vùng này.

Cái nôi tre méo mó chốc chốc rung rinh theo vẫy đạp của con gái tôi . Tôi vừa ru con tôi vừa ngó vách tường vôi loang lổ vết đạn . Mái trường một vách cưối đã sụp đổ tạm thay bằng những liếp lá buông cùng ván rừng. Qua khung cửa sổ tôi còn thấy được biển Hàm tân xanh ngắt ẩn hiện sau những hàng cây bạch đàn . Thấp thoáng vài con thuyền chài nhấp nhô trên sóng biển. Cứ mùa mực về trời càng chiều càng nhiều thuyền ra khơi . Khi màn đêm vừa buông xuống là muôn ngàn ánh đèn câu mực sẽ thi nhau lấp lánh trên vịnh Hàm tân . Mực là nguồn kinh tế là tiền là vàng cho ngư dân vùng thị xã La Gi. Người dân quê vùng cao tôi đang ở đây an phận với gánh than bó củi , hay thúng khoai " triêng" sắn , ngày ngày mịt mù trong nương rẫy cho đến lúc về nhà thì đã lên đèn , những ngọn đèn dầu mù u tỏa những làn khói xám xịt.

đèn biển mùa câu mực hàm tân


Hôm đó dù mất một ngày đi rẫy nhưng tôi đã sống một ngày có ý nghĩa vì vợ tôi có một ngày thoải mái cùng vui vẻ với đồng nghiệp bạn bè cùng bà con trong thôn xóm, còn tôi được một ngày gần con. Tôi làm sao quên đựơc hình ảnh vợ tôi phải bỏ một ngày may bằng tay mấy tất vải thun tiêu chuẩn cho ra cái áo mới để đi ăn đám cưới. Hình ảnh những chiếc áo dài đã thực sự biến mất vào thời gian này thế vào đó là những chiếc áo Bà Ba hay sơ mi kiểu nữ .

Lòng tôi còn ghi đậm mớ thịt heo vợ tôi bới về sau khi ăn cưới vì thương chồng con thiếu thốn ở nhà . Đó là những lát thịt heo tôi ăn ngon nhất trong đời và cứ suýt xoa khen mãi. Con heo đen đó là cả một gia tài của một cô giáo vùng quê chắt chiu nưôi lớn , cả một ước mơ của dân áo vải quần thô, sắn khoai thay gạo. Đó là những lát thịt heo mang nặng tình nghĩa vợ chồng. Đó là kỷ niệm khó quên cho tôi về một vùng kinh tế mới - nơi có mái trường rách nát tả tơi cùng đám học trò nghèo ngây thơ đến tội nghiệp.

Kỷ niệm một vùng quê nghèo tính thời gian bằng tuổi con gái tôi hôm nay. Thời gian trôi mau thật thấp thoáng mà đã hai mươi mấy năm qua. Hôm nay nhìn cái tủ lạnh của nhà tôi đầy ắp thức ăn, thực lòng tôi chẳng tha thiết ăn gì. Chợt nghiệm ra rằng khi qua xứ Mỹ tôi chưa lần nào có lại cái cảm giác ngon lành năm xưa như mấy lát thịt heo trong ngày cưới cô Ph. Bao nhiêu hình ảnh lần lượt hiện về trong trí nhớ tôi: vợ tôi tất tả ra về những miếng thịt heo đùm trong chiếc mũ vải, ngày cưới cô giáo làng không áo dài không tiếng pháo, đám học trò lem lưốc vùng quê , những gánh than và những rẫy sắn trải dài bất tận…

Đóng lại cánh cửa tủ lạnh chợt tôi buông tiếng thở dài.

Đinh Phúc
nhớ về vùng đất rẫy


CHÂM NGÔN
Poverty is not a shame, but the being ashamed of it is
nghèo không nhục nhưng xấu hổ vì nghèo mới nhục


Thursday, May 26, 2011

PHỐ ĐÊM

phố đêm đường vắng quạnh hiu
thằng bé bán mỳ vẫn bước chân
lang thang trong trời đông lạnh giá (1)




M ùa đông lại về, có cái thú nào hơn nằm trùm mền thật kín để lắng nghe tiếng mưa rơi sau vườn. Tiếng tí tách của những giọt mưa đưa tôi về laị quá khứ thật xưa, những mùa đông Quảng trị, khung trơì của kỷ niệm, của những ngày mưa gió lạnh lẽo nhưng kỷ niệm thì thật êm đềm, một thời bé bỏng, trẻ con.

Đã nhớ thì tôi phải nhớ những đêm đông! Làm sao tôi quên được cái mền dạ của lính nặng chịch và thật dày. Tôi thường nằm thu mình trong cái mền ấm áp đó mà nghe tiếng mưa đêm rào rạt lên khóm chuối sau vườn. Có tiếng rao bánh mỳ trong đêm, tiếng rao thoảng đưa trong gió hú đêm trường…

-mỳ ồ..mỳ nóng ồ..

Cứ thế tiếng rao của thằng bé bán mỳ rõ dần. Tôi vội tung mền bật dâỵ chạy ra đường đón mua mấy ổ mỳ đêm.

Ánh điện đường vàng vọt chiếu xuống làm phản chiếu màn mưa dai dẵng đang rơi nghiêng nghiêng theo chiều gió. Thằng bé bán bánh mỳ, đi chân đất, đầu đôị chiếc nón lá cũ mèm. Mùa đông nó vẫn chỉ một cái quần đùi, tấm ny-lon ưu tiên che chở cho bao bánh mỳ khỏi ướt.

Tôi đoán là thằng bé này chắc hẳn là lấy bánh mỳ tận lò mỳ Đắc Lâp và nó đã lầm lũi đi bán rao trong mưa đêm cũng mấy tiếng đồng hồ. Bao mỳ còn lại chẳng bao nhiêu, lạ thay mấy ổ mỳ vẫn còn hâm hẩm nóng.

Mưa vẫn rơi lộp độp trên chiến nón rách, không kể ướt và lạnh nó để phần lớn miếng ny-lon choàng quanh bao mỳ cho thật kỷ. Nó như muốn chuyền hết hơi ấm của thân mình cho bao bánh mỳ. Nó chỉ mong những ổ mỳ còn lại mãi được nóng, được dòn, cho vừa lòng khách.

Tôi biết những ổ mỳ còn lại này chưa hẳn là phần lời của nó đêm nay. Và ngày mai là gạo, là cơm, là cả một trời hi vọng của mẹ của em nó đang ngóng đợi ở nhà.

Miền trung khốn khó, một Quảng trị đất cày lên sõi đá, nắng dãi mưa dầu. Những em bé đêm đêm phải đi bán bánh mỳ lấy đồng lời về nuôi mẹ nuôi em. Tôi nhớ về một thuở chiến chinh có một lớp tuổi thơ Quảng trị không được may mắn như tôi vì tôi được cắp sách ngày hai buổi đến trường, đêm về giá rét được ấm áp trong cái mền dạ lính cùng bếp than đỏ hồng.

Trong cơn mưa bất tận, thằng bé bánh mỳ vẫn lầm lũi đi, tiếng rao trầm buồn lan trải trong không gian lạnh vắng.

-
mỳ ồ..mỳ nóng ồ..

Âm thanh đó như một thứ gì tôi nghe buồn da diết,cô đơn,và chiụ đụng trong đêm trường. Một mình, thống khổ, tiếng rao của thằng bé bán bánh mỳ vẫn đều đặn vang lên trong đêm mênh mang len lỏi qua bao con đường vắng. Bầu trời đêm đông không như trời đêm mùa hạ; mùa có tiếng con nít chơi đùa, reo vui vang ra từ mấy con hẻm phố, mùa có nhiều tiếng rao của mấy o bán chè, hay trứng lộn, hoặc tiếng rao cuả mấy xe phở về khuya.

Trời đêm mùa đông. Mùa giáng sinh sắp đến, người ta đang đoàn tụ dưới những mái nhà ấm cúng, riêng thằng bé bán mỳ vẫn mãi bước chân cô đơn. Mùa này nó không còn thấy mấy anh học trò chăm chỉ ôn bài dưới ánh đèn đường; họ từng là khách hàng đắc ý nhất của nó. Dưới ánh đèn hiu hắt vàng vọt nó chỉ thấy một màn mưa vẫn mãi nghiêng nghiêng theo gió.

Rồi muà đông lạnh lẽo qua đi thì nắng lửa Hạ Lào ập đến. Lớp nhựa đường mềm nhũn ra trước sức nóng hầm hập như thiêu như đốt, thấy rõ cả những dấu dép, dấu giày hằn trên đó. Giờ đây lại là mùa để chiếc thùng 'cà-rem'(2) màu xanh có ghi số quằn nặng lên đôi vai gầy guộc của thằng bé bán mỳ. Đời nó là thế, không bao giò ngơi nghỉ, vẫn một nhịp điêụ trầm luân!
-Cà-rem nề..cà-rem mới ra lò nề..
Cứ thế, thằng bé vừa rao vừa cứ lê bước đi trên các góc phố Quảng trị. Những cơn gió lửa Hạ Lào làm lớp nhựa đường như muốn bốc hơi, không khí như sôi lên làm cảnh vật trở nên lung linh huyền ảo.

NẮNG HẠ LÀO THỔI QUA LAO BẢO NHƯ THIÊU ĐỐT ĐƯỜNG PHỐ QUẢNG TRỊ

Ngày xưa có những tuổi thơ Quảng trị cực như thế đó.

Tôi chợt nhớ về một định kiến sai lầm ngày đó khi người ta phân biệt về đẳng cấp xã hội giữa giàu và nghèo . Trớ trêu thay, thành kiến lạnh lùng và tàn nhẫn này lại gieo lên những tấm thân bé bỏng gầy guộc của một lớp trẻ thơ kém may mắn đó là những đứa bé bán bánh mỳ hay cà rem - những em đó ngày cũng như đêm lang thang trên các góc phố miền trung như Quảng trị và Huế kiếm sống cho gia đình:

-"Răng? ưa đi bán bánh mỳ hay cà rem hử !?"

Trong lòng tôi dâng trào nỗi thương cảm cho thân phận một lớp trẻ thơ phải gánh chịu oan khiên từ ý nghĩ khắt khe của xã hội.

Nhớ về những hẽm phố lạnh lẽo mùa đông và những ngày hè nắng cháy da Quảng trị thường chen lẫn tiếng rao quen thuộc từ những thân phận ngưòi phải hứng chịu gian nan quá sớm . Nhưng cũng từ những đói nghèo và gian khổ đó, những đứa bé bán cà-rem hay bánh mỳ năm xưa tự khẳng định mình là những người con hiếu đạo có tâm hồn cao đẹp mà tôi phải nghiêng mình khâm phục./.

San Jose mùa giáng sinh 2006

chú thích:

(1) bài này edit lại từ bài "TIẾNG RAO KHÔNG QUÊN"
(2) Cà-rem: creme tiếng Pháp quen gọi vào thời đó-hay là kem tiếng VN

Saturday, May 21, 2011

ĂN NEM LỤI SÃI





Thuở ăn hàng của tôi xem ra nó cũng xưa lắm rồi so với nhịp độ phát triển của đất nước hiện nay. Tuy thế khi tâm hồn mình còn gắn bó với những yêu thương và tiếc nhớ với những gì mộc mạc bình thường hay nói khác đi những nét đời bình dị của một thuở đã qua thì chúng ta nên nhắc lại . Chúng ta nhắc lại để nhớ về tuổi nhỏ một thời vui chơi với hương đồng cỏ nội, lang thang bắn chim câu cá cạnh bờ tre sông nước. Tôi còn nhớ một lần cựu sinh Nguyễn Hoàng tại California tổ chức du lịch, đi xứ Mễ tây Cơ năm 2004, thầy Lê nghiêm Kính có nhắc lại lời một nhà văn một câu đại khái như sau "quá khứ và kỷ niệm như một chiếc gối thật êm ái cho chúng ta tựa vào những lúc trống vắng để an ủi tâm hồn người nhất là khi tuổi "đã về chiều"...tôi nghĩ rằng lời nói của thầy thật thâm thúy vì chúng ta là những lớp người đã đến lúc ngoái đầu lui về dĩ vãng .Riêng tôi hay nhớ về những gì bình dị và chân chất, vô tư,những thú vui thời tuổi trẻ trong vùng kỷ niệm mà nhà văn Huy Phương có nói ở trên để làm "chiếc gối kê êm ái nhất " cho đời mình.




Nét bình dị đời thường này dĩ nhiên như bạn như tôi bắt nguồn từ một thành phố nhỏ, nhưng dáng vẻ bình yên bên dòng sông hiền hòa nước lặng lờ trôi. Thành phố Quảng trị, không chút xô bồ không xa hoa phù phiếm đến nỗi muốn có một chầu nem lụi thì phải về tận Sãi.Tôi bắt đầu nhắc về NEM LỤI SÃI, không phải vì hiếm hoi mà nem lụi Sãi nổi tiếng, thực tình nó ngon thật. Hương vị hấp dẩn làm chúng tôi không thể nào làm ngơ. thế là có những buổi chiều bọn chúng tôi cùng nhau trên mấy chiếc honda "vù" về tận Sãi để thưởng thức cho được mới nghe.

Xin các bạn khoan vội cười cái tuổi học trò sao quá "ăn hàng" như tôi và mấy đứa bạn khác và hãy miễn chấp cho những gì hiếm hoi của thành phố Quảng trị thì làm chi mùi thơm hấp dẫn nem lụi Sãi thoát khỏi những cái mũi của bọn tôi cho được !


Mấy chiếc honda của chúng tôi từ trên tỉnh về phải qua cái cầu nhỏ bắc qua nhánh sông cắt ngang đập Rì Rì. Tên đập Rì Rì không biết người dân mình hiện nay còn dùng khộng . Tôi cứ nhớ mãi cái cầu này tuy nhỏ nhưng chiếc honda phải vọt lên bục cao, tôi phóng lên với tốc độ nhanh làm chiếc honda chỏng cả bánh trước non nửa mét. Qua cầu tụi tôi vòng qua xóm Hà, cái xóm e ấp một thời "nón lá nghiêng che" e lệ của mấy cô nữ sinh Nguyễn Hoàng, ẩn hiện bao đời dưới hàng tre xanh ngắt từng chứng kiến và chở che cho mấy mối tình lãng mạng mà ai là "người trong cuộc" thì có quyền nhớ lấy đó thôi. Qua cầu Sãi, chiếc cầu sắt hoen rỉ mà tôi chưa bao giờ thấy nó được sơn sửa lại, chúng tôi quẹo trái vào chợ Sãi.


xóm Hà bên dòng sông Thạch Hãn

Quán nem lụi vừa là nhà ở vừa làm quán bán hàng đón khách ngay ngõ vào chợ. Khách ăn hàng dựng xe hai bên con đường nhỏ. Mấy cái bàn gỗ thấp cùng mấy chiếc ghế nhỏ đóng vội vàng ọp ẹp. Nói thì nói vậy khách ăn hàng chẳng màng chi chuyện ghế bàn , người từ trên tỉnh về đây chủ yếu về để thửong thức mấy lụi nem thơm nức mũi từ bàn tay O bán hàng làm ra thôi. Những lụi nem gọn nhỏ, than đựng trong mấy cái trét đất- mấy lụi nem đang nhỏ mỡ xì xèo. Khói và hương nem lan tòa tràn ngập mái quán thấp lè tè vươn ra khắp xóm làm mấy khách quê nhóm chợ về phải ngó vô.Trước quán O chiều chiều là đầy cả xe như đang nhóm hội, hội của những "kẻ ăn hàng".

Chúng tôi kêu nem từng đợt, những lọn nem tròn nhỏ phơn phớt chín vàng lóng lánh mỡ được xâu qua những chiếc que tre vót nhọn một đầu. Bánh tráng bột lọc mỏng O cắt thành hình tam giác, dịu mềm dẻo dai đủ sức ghém một lọn nem vào giữa nhúm rau sống tươi mát gồm mấy miếng vả cong cong cắt mỏng, những lát khế chua mựot mà cùng mùi rau thơm mát cả miệng. Tất cả gọn gàng trong cái vị cay cay của cải non ba lá mới lên . Nhờ bến đò gần chợ nên thứ rau sống này O ra tận giữa giòng Thạch Hãn rửa sạch. Chén nước lèo nho nhỏ dĩa tỏi ớt be bé xinh xinh .Ăn nem lúc này mà quên chai bia LADE Con Cọp hay chai 33 cũng COn Cọp là điều "thiếu sót lớn". Thuở này bia LADE coi bộ thịnh hành, bia Mỹ cũng có nhưng dân mình ưa xài hàng nội hóa thôi, những chai bia LADE con Cọp được đóng trong mấy cái két(Caisse) gỗ, 12 chai luân lưu từ Sai gòn đi khắp mọi miền.


cải non ba lá mới lên

Quán nem lụi SÃI được loan truyền xa vì nó ngon, nó thấm thía,ăn như thể "ngậm mà nghe". Từ lụi nem cho đến rau sống nước chấm (tức là nước lèo tôi hay quen gọi)không chê vào đâu được ! Những múi tỏi, những trái ớt chìa vôi thật cay trồng lên từ lòng đất Sãi hay ngay cả những con heo được nuôi lớn từ ruộng vườn quê hương như được gói ghém lại trong 3 chữ NEM LỤI SÃI dưới bàn tay khéo léo gọn gàng của O bán hàng, hòa lẫn tiếng mỡ cháy xì xèo trên lớp than mỏng đỏ hồng kia. Tất cả khách hàng và quán như thu mình lại tận hưởng những gì đơn sơ bình dị từ bàn tay người QT làm ra dưới mái tranh thô sơ ám khói.

Khung trời Quảng trị ngày xưa là vậy đó,người Quảng trị cùng chia sẻ nhau những gì đang có- khiêm tốn bên giòng sông trong xanh uốn mình qua mấy lũy tre quê, ôm ấp một vùng kỷ niệm. Rồi hương vị trứ danh của quán nem lụi ngày xưa chợ Sãi đã đi vào lịch sử của lớp người ăn hàng như tôi cùng bè bạn. Văn hóa ẩm thực đã trở thành di sản chung, hương vị chung cho người dân xứ Quảng quê mình.

Rồi tất cả- tất cả- lần lượt trôi về miền quá khứ. O bán nem lụi xa xưa đó tôi chằng còn nhớ tên, O có còn không hay đã thuộc về dĩ vãng ?

Một ngày đò xuôi về hạ lưu sông Thạch , đò qua chợ Sãi khách ngó lên tự hỏi trong lòng "không biết quán NEM LỤI SÃI còn không?

Có chiếc đò ngang nào đang ra giữa giòng sông Thạch, dáng ai rửa rau giữa giòng nước trong xanh làm tôi chạnh nhớ về cái quán nem lụi năm nào .

Đinh Hoa Lư một ngày vào HẠ May/ 21/ 2011

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...