Tuesday, June 21, 2011

QUÊ NGHÈO






Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày...

[Quê Nghèo-->


ĐẤT RUỘNG ĐỘNG ĐỀN
Đất ruộng Động Đền nổi tiếng hiếm hoi, một dải đất cát ven biển Hàm tân chỉ ưu tiên dành cho người nào biết chăm chỉ làm lụng chịu khó khai hoang vỡ đất có thể nói từng tấc đất một.

Kỷ niệm ở đây tôi không thể nào quên được những năm sau 1980 thời gian tôi có mặt tại "XỨ ĐỘNG",cái tên của tay sáo có biệt danh là THÀNH TÍN, anh cũng người gốc phường Đệ tứ tỉnh Quảng trị năm xưa .

Lúc độc thân tính tôi siêng năng chịu khó. Tôi không bao giờ bỏ qua bờ tranh bụi lách hoang nào cả vì mong muốn kiếm thêm diện tích cho đám đất bạc màu trên rẫy "CHỒM CHỒM". Tôi còn nhớ một cây cầy cổ thụ to lớn gỗ cứng ngắt thiên hạ ai cũng chê tôi cũng không bỏ sót. Đến khi hỏi vợ xong tôi đi phụ làm ruộng với ba vợ tôi cái tánh siêng năng cũng không giảm bớt mà lại còn tăng gấp bội.

Động Đền hồi này có đến 6 thôn lại phải sống chen chúc với đám ruộng pha cát bạc màu nhỏ hẹp. Đất hẹp đến nổi đứng bên này nói vói qua bên kia vẫn rõ giọng. Hàng trăm gia đình lại phải cạnh tranh nhau từng tất ruộng bờ be và còn có khi mích lòng nhau từng miếng nước dẩn vào đám ruộng cỏn con từng nhà.

Thứ đất này chỉ tốt trong quá khứ vài mùa đầu khi dân QT mới di dân vào tức khoảng sau năm 1973. Những vồng khoai củ to quá cở chưa từng thấy hay những bụi sắn củ lớn đến nỗi ít ai nhổ lên được ! Đó là chuyện hơn 15 năm trước khi tôi về, chuyện mà ai là người dân xứ Động cũng còn nhắc lại . Và người dân xứ Động có người phải từ giã quê hương nghèo khó này mà ra đi biền biệt. Họ đã vào tận Rạch giá, Bạc liêu nơi ruộng đồng 'cò bay thẳng cánh' hay chịu làm phu cao su tại những vùng đất đỏ LONG KHÁNH-BIÊN HÒA.



SAN LẤP HỐ BOM

Tôi thì bám vào những mét đất ruộng cằn cổi này ,'đồng cam cộng khổ' với những ngừơi còn ở lại. Làm sao quên được ngày tháng cần cù chịu khó ; ba vợ tôi mấy đứa em vợ và cả tôi ngày lại ngày san cả hố bom từ lâu biến thành cái hồ ở giữa đám ruộng. Cái hố bom là miếng đất hoang chẳng ai có gan san lấp, thế mà cả nhà tôi dám làm.

Tính kiên trì cùng nhẫn nại là sức bật cho chúng tôi đủ ý chí dám san lấp hố bom mà bà con thôn xóm chưa ai nghĩ đến. Nỗi đau khi cả nhà cùng lê lết cắt từng nhánh lúa nhẹ bấc, mất mùa chỉ còn vài hạt vì đất chẳng còn gì cho cây lúa sinh sôi nảy nở. Lúa cắt không đủ bù giống, có nhà bỏ luôn không thèm cắt nữa . Cánh đồng lổ đổ những đám lúa mất mùa thiếu phân thiếu nước. Những nhánh lúa lép xẹp hạt ngay đơ chỏng ngọn lên trời như " than thân trách phận". Chúng thấp hơn đầu gối buộc chúng tôi cùng hàng ngang vừa ngồi vừa cắt . Những nhánh lúa nhẹ đến nỗi không gây được chút cảm giác nào trong lòng bàn tay. Tôi nhớ hòai những buổi gặt lặng lẻ, sự lặng lẻ buồn bả chua cay. Chúng tôi im lìm làm việc, những động tác chán nản khó tả dù không nói nhưng ai cũng mang tâm trạng giống nhau.

Quê nghèo làm gì có trâu bò, hoàn cảnh bấy giờ trâu bò là cả một gia tài không ai dám mơ. Không trâu bò làm ruộng mấy cha con chúng tôi chỉ nhờ vào cái cuốc bản thật to để cuốc mau hơn, mỗi lát cuốc là tôi phải cắn răng mím môi cố sức lật cho đươc tảng đất lớn lẫn bùn sình. Sức người và những cái bừa "cải tiến" chúng tôi đã bừa lại ruộng trước khi cấy lúa. Sức người và những cái bừa 'cải tiến' này tôi và mấy đứa em vợ thay phiên nhau chòang những sợi dây thừng qua vai xong cùng nhau kéo những đường xẻ thẳng tắp bỏ đậu phụng mùa đất ẩm. Những lúc này tôi mới nhớ lại bài hát "quê nghèo" của Phạm Duy thời kháng Pháp và cảm thấy thấm thía những câu sau:

"Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày..."

Nhưng trớ trêu thay, sự thật của bài hát này lại vận vào số phận chúng tôi không sai chút nào .

KHOAI CÁ BÙ CƠM
Những vồng khoai sau mùa ruộng, rơm rạ còn lại chịu lót làm phân trong mùa khoai đất ẩm. Hình như khoai sắn là những gì đã định phần cho số dân Động Đền còn ở lại như chúng tôi để thấy rằng lúa cơm là những gì quý giá nhất và dầu có bong tay mỏi gối cũng cắn răng san cho bằng cái hố bom to nhất xóm mới nghe ! Trời cũng an ủi cho số phận người dân ở gần biển nhiều khoai thiếu gạo nhờ những mớ cá tươi rói- dễ kiếm trong khi ruộng đồng thiếu thốn bạc màu.

Sát bờ biển là những xóm nhà làm nghề biển. Họ ở sát cạnh nhau, nương vườn nhỏ hẹp. Mùa gió chướng những ngày không đi biển, họ là những nông dân cần cù. Lúc này họ chịu khó khai phá từng mẫu rừng tràm bên bờ đại dương, biến chúng thành nương khoai xanh ngắt. Khoai Động đền ông Trời bù trừ cũng có tiếng ngon vì trồng trên thứ đất pha cát xen lẫn độ mặn của biển.



Mùa rảnh tôi ra biển phụ kéo lưới bờ với ngư dân . Hai toán người già có, trẻ có phụ nhau kéo lưới vào bờ . Thúng không ra xa nên chỉ giăng lưới rùng sát bờ kiếm cá nhỏ thôi . Tình làng nghĩa xóm người nông kẻ ngư ai cũng là lối xóm nhau cả. Mớ cá vụn kéo xong bà con chia nhau sòng phẳng không nề hà kẻ yếu người mạnh. Cứ buổi như thế tôi cũng kiếm được một bao cát cá cơm về cho mẹ tôi làm mắm.


NGÀY VUI CƠM MỚI


Thế là nhà vợ tôi cùng tôi đang đã thành công san cái hố bom. Hố bom đó dĩ nhiên không thể rộng thêm nhưng đất đai cả nhà tôi đổ vào càng lúc càng nhiều . Số phận và kiên trì đã thách đố nhau. Hình ảnh cái hố bom đó đã thực sự biến mất; miếng đất hoang đã hiện thành sào lúa đầu mùa được sức trĩu nhánh. Lúa vàng óng ánh no tròn đầy hạt hòa với niềm vui của ba vợ tôi cùng tôi -người rễ tương lai- cả hai đang đứng bên lề ruộng ngắm say sưa.




Ngày CÚNG CƠM MỚI đến. Ba vợ tôi có lệ hay cúng cơm mới sau khi hoàn tất một vụ lúa dù được hay mất mùa. Mùa cúng cơm mới cái năm mà chúng tôi thu hoạch những gánh lúa đầu tiên từ hố bom nhà tôi vừa lấp nó vui vẻ và háo hức thật. Mẹ gia tôi tất tả ra chợ từ sớm, bà cũng vui lây với niềm vui trúng mùa của chồng con. Mâm cơm mới vừa trưa là đã xong để ba vợ tôi trước là khấn nguyện tạ ơn thổ thần đất đai sau đó cả nhà tôi sẽ cùng nhau liên hoan khi đã hoàn tất một mùa làm lụng cực nhọc.


Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy ...


Làm sao chúng tôi không vui đươc khi từng giọt mồ hôi cùng bàn tay rát bỏng để kiếm ra hạt gạo. Trong niềm vui đơn sơ - bình dị đó, lòng tôi phát sinh niềm thông cảm cho nỗi cơ cực của người nông dân. Tôi mới nhận ra được giá trị của cái nghề chân lấm tay bùn , cảm thông sâu sắc nỗi khổ ở những nơi đất hẹp người đông cùng lúa ruộng bạc màu như Động Đền nơi tôi đã ở.

Những hạt gạo trắng ngần mới thay xong lớp vỏ lúa; chúng vừa rời đồng ruộng chỉ mấy hôm thôi. Giờ đây chúng biến thân thành từng chén cơm thơm ngát cho ngày CÚNG CƠM MỚI. Vừa liên hoan chén tạc chén thù với ba vợ, tôi vừa nhìn ra cánh đồng nhỏ hẹp đang trơ gốc rạ.

Trong niềm vui cơm mới, tôi sung sướng vì ngày cưới của vợ chồng tôi gần kề. Đồng cảm từ những hoàn cảnh nghèo nàn giống nhau, tôi bước vào làm rễ nhà vợ tôi không một điều kiện nào ngoài trừ 2 bàn tay trắng cùng một tấm lòng ngay thật.
...
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Để cho anh trai tráng được gần người gái quệ...



Giữa cánh đồng là con đường đất duy nhất dẫn về LA GI, nơi phố thị cách Động ĐỀN không xa, vài ba con buôn đang gò lưng đạp xe trong mùa gió ngược. Mùa gió chướng đang đến, mảnh đất khô cằn này chẳng còn gì sinh thêm lợi tức. Ngoài biển người dân làm cá cũng chẳng hơn gì; sóng lớn bạc đầu, thuyền- thúng úp phơi trên cát, ít ai ra khơi.

Tôi uống thêm vài ba chung rượu vì muốn vui cho trọn vẹn một ngày - ngày VUI CƠM MỚI- vì hôm sau chuỗi thời gian thiếu thốn đang chờ.


Viết cho ba mẹ gia tôi
Đinh trọng Phúc



Sunday, June 19, 2011

CÂY PHƯỢNG VĨ THÔN ĐỘNG ĐỀN


NHA BA ME TOI THON 6 DONG DEN HIEN NAY DA XAY LAI

HỒI KÝ
Đinh trọng Phúc
(FATHER'S DAY tưởng niệm về BA)



Cơn mưa giông vùa dứt để lại một lớp không khí mát rượi trong lành khắp xóm. Ba tôi ngồi yên lặng trên cái giường ọp ẹp dưới mái tranh của căn phòng lồi đằng trước nhà; ngưởi cứ mãi nhìn qua khung cửa sổ khoét vội qua lớp lá buông vàng úa , cũ nát . Trong không khí ẩm thấp sau cơn mưa dưới mái nhà tranh nhỏ bé, căn nhà tranh thấp lè-tè rên rỉ, kẻo-kẹt, lắc mình theo từng cơn gió giật. Cứ mỗi trận giông trời lại kèm theo loại gió mạnh ở vùng biển Hàm Tân này .

“Hết rồi “ , ba tôi nhẹ nhõm người. Cứ mỗi lần mưa to gió lớn là ngưởi phập phồng lo sợ cho số phận mái tranh nghèo nơi trú ngụ duy nhất cho cả gia đình. Nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng yên.

Xuyên qua khung cửa sổ khoét vội ba tôi lặng yên ngắm cây phượng con người kiếm đâu dưới La GI nhân ông đi có công chuyện. Cây phượng con coi bộ cũng hạp thứ đất ở cái xóm cát Động Đền này một thứ đất đen pha cát nên cây phượng lớn thật nhanh. Mới năm ngoái giờ thế mà nó đã vươn lên ngót nghét gần hai mét rồi. Còn một thứ ba tôi hay để tâm tới là “chú gà gô” nữa . Chiều chiều ông hay giấu mẹ tôi , lén lấy vài nắm bắp khô một loại lương thực ‘cao cấp’ vào thời buổi này ‘ưu tiên’ cho chú gà gô -‘ cục cưng ‘ người . Chú gà ‘gô” cứ được cho ăn nên hay lẩn quẩn dưới gốc phượng này không chịu đi xa .

Chú gà này sau cơn mưa giờ lại đang bận bịu kiếm mồi, mấy con mối bay ra từ mấy bộng chúng . Những con mối thấm nước mưa rả cánh biến thành thứ mồi ngon cho chú gà cưng của ba tôi. Những lúc khác thì chú gà ta cứ đeo theo chân ba tôi chẳng rời . Hơi tức cười tôi nhớ cảnh ba tôi che che nắm bắp sau lưng đi vội sau vườn -"bập bập"- ông kêu chú gà gô về rồi ông thường cho mấy hạt bắp ngon lành.

Giờ đây ngoài vườn còn vài vạt nắng như còn vương vấn một buổi chiều tàn làm lộ rõ màu xanh lục nõn nà mấy nhánh phuợng non nớt mới đâm chồi nảy lá. Ba tôi vẫn ngồi yên đó, bất động trong vùng sáng lờ mờ của cái “chái” nhà chật hẹp kia.

Ba tôi cứ ngắm mãi cây phượng . Hình như người đang nhớ về quê hương . Quê nội tôi, Truối, xứ Huế có thôn Xuân Lai của những chum dâu ngọt lịm . Ba tôi nhớ về một Bến sông ngó qua bên tê là chợ Lôc Điền. Ngày xưa , cái chợ đó Mệ tôi ngày ngày hai bận qua lạị tần tảo nuôi con và chồng . Che phủ cái miếu trong thôn là những tàn cây rộng bế thế từ cây phượng vĩ mà ông tôi đã trồng xưa kia . Ông tôi trồng hai cây phượng vĩ trong thôn để ghi nhớ 2 đưá con trai tức là ba tôi và chú tôi. ( Giờ chú tôi đang ở ngoài quê lo hương khói cho ngôi nhà Từ Đường dòng họ Đinh mới xây lên ngoài đó 2008.)

Tuổi già xế bóng nhớ nhung vế quá khứ thân yêu xa thẳm, ba tôi nảy sinh ý nghĩ rằng bắt chước Nội tôi trống cây phượng vĩ này sau vườn. Người muốn lưu dấu cho con cháu sau này, một kỷ niệm tuy đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa vì có lần người tâm sự :

- “Phượng vĩ là giông cây lưu niên dạng cổ thụ có sức sống dẻo dai cùng thế kỷ.”


Trồng cây phượng vĩ, tôi biết ba tôi đang nhớ về quê hương một nỗi nhớ thương da diết sâu thẳm trong tâm hồn. Với linh cảm nào đó của một người tuổi già xế bóng, qua cây phượng vĩ sau vườn là một khoảnh quê hương thu nhỏ cho Người trong những phút chạnh lòng lưu xứ. Xuyên qua khung cửa, ngoài kia cây phượng đó cũng là Truồi, là xuân Lai, là Huế là cả một khung trời kỷ niệm của ba tôi thời trẻ dại . Và cũng như cái linh tính báo cho ba tôi biết rằng người sẽ không còn cơ hội trở về quê hương thêm một lần nào nữa cả !



chiều chiều ba tôi ra ngồi hướng
vê cố hương xa vời vợi


Có con chim sâu nào đó ngoài kia nghiêng đầu chăm chỉ săm soi cố tìm vài con sâu trên là phượng . Con chim kia thỉnh thoảng kêu vài tiếng chiêm chiếp rời rạc . những giọt mưa còn sót lại ở phấn chót của nhánh là lấp lành trong những tia nắng cuối cùng của một ngày dài buồn tẻ nơi vùng kinh tế mới Động Đền.

Ba tôi chợt hung hắng ho. Chứng đàm kinh niên trong người thỉnh thoảng làm giọng ba tôi khao khao như khan cổ. Sau những cơn mưa , độ ẩm không khí tăng làm ba tôi lên đàm nhiều hơn.

Ba tôi mong ước sao cho cây phượng vĩ này lớn mau hơn nữa. Mà cây phượng này thực sự lớn mau thật; theo đà này chỉ một hay quá lắm là hai năm nữa thôi ba tôi sẽ có dịp chiêm ngường mấy cành bông phượng đỏ thắm vào dịp hè về cho thỏa lòng mong đợi. Máu ‘ máu con tim’ như trong bản nhạc nào đó ngày xưa không lạ gì cho người dân xứ Huế . Nhưng sắc đỏ hoa phượng xem chừng hiếm hoi ở xứ Động đền xóm tôi. Và vì thế, niềm hi vọng , ước ao , cùng trí tưởng tượng hoà lẫn trong niềm nhớ nhung quê hương chất ngất sẽ kết tinh lại thành niềmi sung sướng và hãnh diện vô biên cho ba tôi chỉ bằng sắc thắm phượng hồng .

Mẹ tôi giờ đang bận bịu với gánh hàng chạy hai buổi chợ . Ngày ngày hai buổi , chợ Sáng và chợ Hôm, mạ tôi là “trụ cột “ kiếm ‘mắm muối’ cho gia đình . Một làt nữa đây ba tôi sẽ rời giưòng, rời cái giang sơn nhỏ bé này . Rồi người sẽ ‘ bào’ mỏng mớ khoai làm nồi cháo khoai cùng với mớ cá mạ tôi ‘um’ sẵn .Bữa cháo khoai này chính là bữa ăn tối của cả gia đình tôi nơi vùng đất rẫy , cận sơn cận hải .

Thật tội cho ba tôi , người chưa được dịp ngắm nhìn sắc thắm phượng hồng nở rộ lần đầu thì đã xuôi tay về miền thiên cổ . Ba tôi đã ra đi với tuổi già xế bóng bên cái nghèo lận đận cháo sáng khoai chiều cùng cây phượng sắp sửa ra hoa .

Mười mấy năm qua , mỗi dịp hè về cây phượng vĩ của ba tôi trong xóm càng lúc càng sum xuê sắc thắm. Xóm làng đi qua nhà tôi ai cũng đều trầm trồ khen cây phượng vĩ . Tôi mường tượng trong cõi hư vô nào đó, ba tôi cũng đang ngắm nhìn sằc thằm phượng hồng và người cũng sung sương mãn nguyện khi cảm nhận được bà con lối xóm ngợi khen.

Thời gian sẽ trôi về miền quá khứ,lặng lẽ êm đềm như giòng sông Truồi năm tháng lững lờ xuyên qua cái thôn nhỏ bé có tên là Xuân lai . Truối - quê nội tôi - nơi có những chùm dâu ngọt lịm và mấy cái bánh bột lọc gói ngon nhớ đời.

Nơi đây, quê người - Động Đền có cây phượng nhà tôi đang ra hoa kết trái. Hạt khô từ cây phuợng Ba tôi rơi rụng làm phượng con mọc rai dưới gốc thật nhiều .

Ba vợ tôi ở cùng xóm cũng đem mấy cây phượng con về trồng. Giờ những cây phượng bên nhà vợ tôi cũng lớn nhanh như thổi vì cũng chung một thứ đất pha cát .

Tôi chợt nghĩ rằng, khi ba vợ tôi một mình lặng ngắm những nhành phượng đỏ thắm mới lên trước sân nhà , ông sẽ nhờ đến hình ảnh ba tôi , một người bạn và cũng là tình thông nghị đã kết nên duyên hai vợ chồng tôi . Rối ông ngoại của mấy con tôi sẽ nhớ về kỷ niệm xưa từng chén nước ‘hạt chè’ (một thứ tạm thế cho trà vì không đủ tiền mua nỗi vào thời đó). Ông chợt buồn vì ba tôi ra đi sớm quá , mười mấy năm rồi mà , sao mau ghê !


XÓM PHƯỢNG ĐỘNG ĐỀN

Tôi lại nảy sinh ra một niềm ao ước: tôi ước gì xóm tôi ai cũng lấy giống phượng con từ cây nhà tôi đem về trồng lên khắp nơi. Như thế cứ độ hè về Động Đền sẽ rực rở hẳn lên một màu hoa phượng. Biết đâu nay mai xóm tôi lại được thiên hạ thương yêu mà đặt cho cái tên là XÓM PHƯỢNG không chừng ./.




Tb: ai đi qua cầu Truồi ngó về phía hữu ngạn mùa hè sẽ thấy tàng phượng vĩ đỏ ối ngang bến đò Xuân Lai, sau ngày ba tôi mất giờ 2 cây chỉ còn 1

Sau nhũng trận lụt , cây phượng còn lại bên sông Truồi cũng chết theo . Một thời gian sau chú tôi cũng qua đời (năm 2008)

Tuesday, June 14, 2011

ĐÒ LÊN BA LÒNG

nguồn sông Thạch Hãn - Dakrong

Tựa:

Tuổi ấu thơ ngập tràn trong trí óc trẻ con bao câu chuyện thần tiên cùng những ước mơ thần thoại là những gì êm đềm nhất trong đời người. Đố ai ngược được thời gian trở về lại quá khứ - rồi xin một lần "thôi lớn khôn thêm"! để hoài mộng mơ với những gì nhỏ dại nhất trong cuộc đời. Thôi, ta hãy chịu thua với định luật thời gian ; họa chăng là cố gắng góp nhặt lại những mảnh vụn ký ức, chắp kết thành mẫu chuyện nào đó làm túi hành trang cuối nẽo đường đời .
Đinh hoa Lư ngày những ngày cuối năm 2011


Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến

Thiên Thai(Văn Cao)

[notes: bản nhạc này đã bao lần dịu dàng đưa tôi vào giấc ngủ]




********************************************************



Tôi cứ lần lửa hẹn mãi trong lòng rằng phải viết lại những hình ảnh cùng ký ức của tôi một thời nhỏ dại. Một thời tôi là thằng bé cứ lon ton theo chân ba tôi ngay khi người phục vụ tại Ba Lòng nơi thâm sơn cùng cốc . Tôi nhớ vào năm em gái thứ hai tôi sinh ra đời, mạ tôi bận bịu với em tôi và đây là cái cớ cho ba tôi dắt tôi đi xa.

THÀNH PHỐ CỦA TUỔI THƠ

Trước khi ký ức về Ba lòng tôi phải nhớ về những gì của thành phố Quảng trị vào lúc mà tôi phải tạm xa. Làm sao tôi quên được những quán sách thân quen hai bên con phố chính Trần hưng Đạo: Lương giang , Sáng tạo; đi về ngã tư có quán Tùng Sơn rẽ vào phía chợ có quán sách Văn Hóa. Xuôi về dưới này là Tao Đàn quán sách thân thiện nhất với tôi vì thuận đường về nhà .

Hồi này tôi quen dùng chữ ‘quán’ thay thế ‘hiệu sách’ , ‘tiệm sách’; nguyên cớ là nhớ sao viết vậy cho đúng vào hoàn cảnh lúc này thôi người QT hồi này hay nói quán sách chứ không nói tiệm sách, ngoại trừ tiệm ăn Nhuận Ký, tiệm may Thiện Thành v v giống như trong khai sinh của tôi có khi lại dùng thôn thay phường chẳng hạn.

Thuở này tôi là khách hàng thân quen nhất hay lui tới mê mẫn với mấy cuốn truyện tranh mỏng giá một đồng hay hai đồng hồi đó. Mỗi lần mua được cuốn truyện tranh về nhà là tôi ngấu nghiến đọc. Tôi thả hồn theo trí tưởng tượng của mình nghĩ về những 'tiên ông, tiên bà' thường sống trong những vùng núi non hùng vĩ, mây nước chập chùng, những thác động âm u huyền bí sắc màu huyền ảo .

Ngày ngày cắp vở đến Trường Nam Tiểu học hay cả khi còn lớp vỡ lòng với Thầy BỒi vì hương sư khả kính, mái trường tư đầu đời của tôi người dạy trong nhà gần chùa Tỉnh Hội. Tôi hay ngó lên dãy Trường sơn xanh thẩm xa xa. Trong trí óc ngây ngô tôi mường tượng trong dãy núi chập chùng hướng Tây Bắc đó là thế giới khác , thế giới của thần tiên của huyền thoại thôi; và tôi cứ thắc mắc cái gì "trên nớ hỉ ?"
Thế mà tôi lại có dịp đi với ba tôi lên trên nớ! cái dịp ngàn năm, và như là huyền thoại ...

ĐÒ LÊN BA LÒNG

Trời còn tối nhưng ba tôi và tôi cùng hai chú làm việc với ba tôi đã tới bến đò cuối con đường Gia Long bên chợ Tỉnh . Giã từ ngọn đèn đường vàng vọt gần cuối đường Quang trung, người cảnh sát tan ca gác cuối cùng gần chợ chào hỏi nhóm người của ba tôi vài ba câu chuyện gì đó.Trong ánh sao khuya bác lái đò hình như đã hẹn sẵn lúc nào, ai nấy cũng sẵn sàng cho cuộc hành trình hẹn trước. Chuyến đò này dành riêng cho chi của ba tôi trực chỉ lên hướng ngược dòng sông thạch hãn .



Mái chèo khua nước trong đêm khuya , (hồi này người ta chỉ biết chèo chứ chưa có máy như sau này) . Tôi ngồi thu mình trong khoang đò bên ngọn đèn lù mù nghe tiếng nước róc rách bên ngoài tưởng tựong con thuyền nhè nhẹ lướt đi trong màn đêm dần dà về sáng .


Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
(Thiên Thai)

Ngủ thiếp đi khi nào không hay, chợt tỉnh giấc thì con đò đã chèo qua Cầu Ga không biết khi nào. tôi nghe tiếng ông lái đò loáng thoáng rằng đò mới qua An Đôn Như Lệ thôi. Nhìn lên trên bờ sông còn có chiếc xe GMC nhà binh nào đó chạy vụt qua. Qua khúc quanh của Trấm những địa danh các chú râm ran nói chuyện trên đò tôi mới biết. Và con sông chừng như hẹp lại. Nước cạn dần, mùa khô có đoạn đò chạm đáy không chèo được thế là tất cả mọi người hè nhau xuống đẩy.

Tôi thì được ưu tiên ngồi lại trong đò; tiếng hò lơi của ba tôi và mấy chú thi nhau rầm rập cố đẩy con thuyền qua đoạn cát bồi . Tôi vói tay ra khe hở bên mái vòm con đò, khuấy vào làn nước trong leo lẻo đang đi ngược về phía sau . Nước trong lộ rõ cả làn cát trắng dưới đáy sông .

BÃI CÁT VÀNG

Trời gần trưa con đò được nghỉ gần một khúc quanh sông. Bãi cát vàng bồi lên cạnh khúc lượn của con sông không biết lúc nào . Tôi được rời đò lên chơi trên bãi cát tinh khiết và quý báu này. Trong kia là khu rừng yên lặng, một không gian huyền bí đối với tôi từ lúc sinh ra đến giờ mới thấy. Rừng trong đó thâm u ,ngoại trừ đôi ba tiếng con gì đó kêu rời rạc. Tôi chạy theo con lạch nhỏ xíu chảy ra sông từ trong khu rừng bí ẩn kia. Con lạch nước trong ngần lượn lờ uốn khúc giữa bãi cát vàng, làn nước óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Tôi tha hồ chạy theo con suối nhỏ này cho đến khi nó nhập vào giòng sông mẹ .

Một cảm giác vừa lo sợ vừa phiêu lưu mạo hiểm trong tôi; giữa bãi cát vàng lại ngó vô khu rừng tiếp giáp với núi cao. Không biết trong đó có gì ? Có những hang động thâm u và những ông tiên ông bụt không? Có tiếng kêu tôi về đò, tôi sẽ còn đi nữa ,theo đò ngược giòng Thạch Hãn vào tận những gì bí mật của núi rừng phía trên kia đầu nguồn con sông chảy về hạ lưu dưới kia là Quảng trị thành phố thân yêu của thằng bé như tôi .


Trời gần trưa con đò được nghỉ gần một khúc quanh sông. Bãi cát vàng bồi lên cạnh khúc lượn của con sông không biết lúc nào

[nhờ vào Google tôi đã tìm ra khúc sông cũ có bãi cát vàng -đánh dấu mũi tên màu đỏ- mà con đò của tôi đã ghé lại ]

BỮA CHÁO CÁ TRÔI

Càng ngược giòng, sông càng hẹp, có lúc rừng càng sát lại với con đò. Vách núi hai bên lại càng cao lên tôi phải ngẩng đầu lên để nhìn . Có mấy con rạch chảy ra nước cuộn sóng. Con đò có lúc đi giữa hẽm núi, vài gốc cây vươn mình ra sông . Chợt đò dừng lại gần một vũng sâu nhất. Tôi nghe tiếng ba tôi và mấy chú đi theo lao xao trước mũi đò một lúc sau một cột nước vọt lên cao từ cái vũng sâu kèm theo tiếng "ùm" rúng động khoảnh núi yên tĩnh. Thì ra mấy người đang đánh cá ở đây.


Hai con cá hình dạng con cá gáy rất lớn màu trắng bạc óng ánh ,có vãy lơn vi vàng hươm, được hai chú lặn đem lên trên khoang đò. Suốt đời tôi chưa bao giờ thấy loại cá đầu nguồn sông lớn đến như vậy ! Tôi còn nhớ ba tôi gọi nó là cá TRÔI; mỗi con phải nặng gần 10 ký. Cái tên cá TRÔI làm tôi thắc mãi sau này, có lẽ là cá gáy nhưng vì hồi đó chữ cá gáy có dính líu đến những điển tích thiêng liêng mà người ta kiêng gọi chăng?

Hai con cá khổng lồ được ông lái đò phụ làm, những chiếc vảy tròn, trắng óng ánh bị cạo tơi ra. Mọi người sửa soạn bữa cháo cá nấu ngay trên đò. Chú Đệ, nhảy lên bậc đá cạnh con đò đang neo lại, chú lẫn vào trong những tàng cây bên vách núi. Một giờ sau khi bữa cháo cá trên đò đã nấu xong chú Đệ trở về, một tay cầm cây súng một tay xách buồng cau xanh ngắt. Tôi cứ thắc mắc mãi trong lòng: làm sao trong rừng xanh lại có cau được ? hay là cau rừng? Cau chỉ có dưới đồng bằng trong mấy xóm Thạch Hãn hay Trí bưu, Hạnh hoa ,ngả ba về Quy thiện như tôi hay thấy thôi. Sau này tôi mới biết sau rặng núi kia là những bản làng họ có trồng cau như mình. Cả đò ăn bữa cháo cá trôi tươi rói lấy sức tiếp tục hành trình vì cũng gần đến Ba Lòng rồi, tôi nghe phảng phất ông lái đò bảo vậy.

BẾN ĐÁ NỔI

Trời đã về chiều, núi rừng chuyển qua màu đen nhạt. Con đò vẫn nhịp nhàng khua mái ngược giòng . Mùa khô nước không chảy mạnh nên đò tôi đi nhẹ nhàng hơn. Lúc này tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại chọn mùa khô để lên lại vùng này. Vài cây khô còn vướng lại bên bờ sau mùa lũ trước như không muốn rời xa quê hương hùng vĩ của chúng. Con đò có lúc lại sát rừng đến nỗi tôi còn thấy vài loại cây phong lan lơ lửng trên mấy nhánh cây cao. Có tiếng chim kêu lanh lảnh lạ tai tôi chưa hề nghe, âm vang dội vào vách núi phụ họa thêm cho bản nhạc rừng về chiều.Vài con bìm bịp thoáng bay qua mấy bụi lách đầu nguồn của mấy nhánh khe đang tuôn vào giòng sông nhỏ hẹp nước đập vào vài mõm đá trắng xóa.

Đến rồi !

Ai nấy đều reo lên. Đò đến nơi, Bến Đá Nổi thì đã xế chiều . Nơi con đò cặp vào , một bãi đá thiên nhiên lớp lớp muôn triệu viên đá tròn nhẵn thín, có viên to gần đầu người . Một sự mài dũa thiên tạo tạo nơi này có tên Đá Nổi, món quà quý giá trời cho tặng cho đầu nguồn giòng sông Thạch Hãn. Tôi xuống thuyền vừa theo ba tôi và mấy chú , chần bước rào rạo trên thảm đá lạ lùng mà tôi mục kích đầu tiên trong đời. Giờ địa danh này không biết còn tên không và muôn triệu viên đá tròn trịa bóng nhẵn năm xưa đó không biết còn không?

BA LÒNG - THUNG LŨNG THẦN TIÊN


Tôi vào làng,nói đúng hơn là vào thung lũng Ba Lòng thì trời đã nhá nhem tối . Cho đến sáng hôm sau thức dậy mới nhận chân ra đây là khoảng trời mở rộng cho đầu nguồn sông Thạch .

Một thế giới thần tiên như trong ảo mộng nhưng lại hiện thực cho tôi ngày xưa ấy.
Những liếp nhà tranh ẩn hiện trong làn sương mờ buổi sáng; nơi đây là cả một thế giới khác một vùng cư dân lên đây lập nghiệp hồi nào mà tôi không thể ngờ ra . Tôi đã có dịp rong chơi và ngắm một thung lũng rộng mênh mông, một vùng đất hứa trù phú cho mấy rẫy bắp xanh tươi rung rinh bông bắp , theo làn gió lan truyền mãi tận xa tít hết cả tầm mắt của tôi .



Tôi làm sao quên được mấy nồi bắp tươi nấu xong thơm phức, mùi bắp nếp lan tỏa khắp nơi trong mùa thu hoạch . Những nồi thịt heo rừng chú Đề, tay thiện xạ chú nấu với lá lốt rừng. Những con gà rừng cũng không thoát khỏi bàn tay thiện nghệ của chú ấy .

Tôi làm sao quên được mấy nồi bắp tươi nấu xong thơm phức, mùi bắp nếp lan tỏa khắp nơi trong mùa thu hoạch . Những nồi thịt heo rừng chú Đề, tay thiện xạ chú nấu với lá lốt rừng. Những con gà rừng cũng không thoát khỏi bàn tay thiện nghệ của chú ấy .

Ngày tháng vui chơi trên vùng đất mới có khi tôi tưởng mình đang ở "xứ thần tiên" như trong mấy cuốn truyện tranh của tôi đang cất dưới nhà thật .

Núi rừng trùng điệp bao quanh một vùng đất đìu hiu, xóm làng mịt mờ trong khói núi sương chiều. Tôi như thể bị tách biệt hẳn thế giới con người vì đây là một thế giới của chim kêu vượn hú của mây che bàng bạc , mờ ảo cả lối về .

Một thời gian tôi bỗng nhớ nhà. Thành phố thân yêu Quảng trị, nhà tôi không biết hướng nào ?

Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?


Tuổi nhỏ hay nhớ nhà. Tôi lại có một thứ cảm giác bâng khuâng lưu luyến như 'Lưu Nguyễn ,Từ Thức nhớ trần gian' trong truyện tôi đọc vậy! Rồi trước sau gì tôi cũng phải theo con đò xuôi giòng sông Thạch về lại "cõi trần "- dưới kia là thành phố nhỏ bé Quảng trị đang đợi tôi-- đứa bé trở về từ ' 'xứ thần tiên' .


Đinh trọng Phúc chớm Đông 2010


Saturday, June 11, 2011

CHUYỆN MỘT NGƯỜI HỌ ĐINH VÀ NỀN CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI HOA KỲ





Ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi 2 chiếc máy bay bị bọn khủng bố bắt cóc lao vào toà nhà Tháp Đôi tại Nữu ước WORLD TRADE CENTER thiêu rụi luôn sinh mạng gần 3000 người , một chiếc lao vào tòa Ngũ giác Đài , cùng mốt chiếc rơi trên cánh đồng Pennsylvania đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng vừa kinh tế vừa là chính trị của Hoa kỳ phải đối đầu đó là CHIẾN TRANH CHỐNG KHỦNG BỐ

Nội các tổng thống Mỹ George W. Bush vừa mở ra cuộc chiến tại A phú Hãn vừa thảo ra một đạo luật có tính cách đột biến để giữ vững an ninh cho toàn bộ nước Mỹ vừa có tính chiến lược điều tra ngăn ngừa sự tấn công và thâm nhập của khủng bố cưc đoan Hồi giáo vào Mỹ đó là ĐẠO LUẬT YÊU NƯỚC (Patriot Act).

Luật PATRIOT ACT mà người kiến trúc sư chính không ai khác là một người VN mang họ Đinh tên Việt hay là Đinh đồng phụng Viêt.

Ông sinh tại Sài gòn năm 1968 lịch sử đã đưa đẩy cậu bé Đinh Việt và mẹ cùng gia đình vào Mỹ lúc Đinh Việt mới lên 10 tuổi. Miền đất mới Hoa kỳ đã chắp cánh cho Đinh Việt tiến rất nhanh vào con đường học vấn . Ông tốt nghiệp ưu hạng ( MAGNA CUM LAUDE)cử nhân kinh tế chính trị tại đại học Harvard năm 1990 và cũng giành đươc ưu hạng ( MAGNA CUM LAUDE) khi tốt nghiệp tiến sĩ luật học (Juridical Doctor ) cũng tại trường đại học Harvard . sau khi tốt nghiệp ông Đinh Việt lần lượt được cất nhắc làm với chánh án Lảuence H Silverman sau đó lên làm việc với thẩm phán tối cao pháp viện Hoa kỳ bà Sandra Day O'Connor .

Ông là người giữ trách vụ trong ban tham vấn đặc biệt luận tội truất phế cựu TT Bill Clinton (vụ rắc rối bội thệ trong quan hệ tình cảm với cô nữ sinh viên thực tập MONICA LEWINGSKY ).

Chức vụ cao nhất của ông Đinh Việt trong chính phủ cựu tt George W Bush là Phó Chưởng lý Luật pháp (ASSISTANT ATTORNEY GENERAL OF THE USA) cho chánh án John Ashcroft của chính quyền ông Bush từ 31 tháng 5 2001 đến 31 tháng 5 năm 2003. Trong thời gian này ông là người chủ quản viết ra đạo luật PATRIOT ACT để giúp nước Mỹ chống lại cuộc tấn công của chủ nghĩa khủng bố do Bin Laden cầm đầu.

Nói về bộ luật Patriot Act ngừoi HOa kỳ thường nhắc tới giáo sư Đinh Việt với biệt danh là "MỘT CAO THỦ CHÍNH TRỊ"(political pit bull) nhưng người ta thích gọi ông là một người phục vụ cho tự do "attendant of freedom".

Trở ngược lại thời gian , vào tháng 5 ,2001 khi ông Đinh Việt còn là giáo sư luật tại đại học GEORGE TOWN, chính quyền tt Bush đã để ý ông nên bộ tư pháp Hoa kỳ đã mời ông về cộng tác. Chỉ 3 tháng sau khi TÒA THÁP ĐÔI WTC sụp đổ đã bất ngờ đưa trọng trách của giáo sư Đinh Việt lên một nấc thang cao hơn kèm theo bao nhiêu khó khăn cùng vinh dự. Trong cuôc phỏng vấn cho cuốn phim [B]THE COST OF FREEDOM[/B] , Alison Rótankowski và Chip Ducan đã cho chúng ta biết rằng bộ luật Yêu Nước đã đươc giáo sư Đinh Việt soạn thảo trong thời gian cấp bách chỉ có 9 ngày sau ngày 11 tháng 9 , ông phải sơ thảo 50 điều căn bản để văn phòng chính phủ Bush trình cho quốc hội tức là ngày 19 tháng 9 năm 2011. Và cho đến ngày 26 tháng 10 thì bộ luật được tt Bush ký ban hành.

Rõ ràng với tài năng hiếm có về luật và một điều không ai nghĩ ra về một người VN mang họ ĐINH đã giúp đưa nước Mỹ chèo chống qua những khúc nôi về chính trị an ninh trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của hậu quả cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 vào Hoa kỳ.

Cái chuyện rất thường tình cũng vì tính thẳng thắn về luật pháp ông Đinh Việt vụ cựu tt Bill Clinton lăng nhăng với cô thực tập sinh Monica Lewinsky tại tòa Bạch Ốc- ông Đinh Việt giữ nhiệm vụ chính trong việc đề ra dự án luận tội tt Bill Clinton(IMPEACHMENT) nên khi nào cũng bị bà Clinton tức là nữ thượng nghị sĩ Hillary Clinton bỏ phiếu NO khi thuơng viện Hoa kỳ thông qua chức vụ Phó Chưởng lý Chánh án Liên Bang bộ TƯ PHÁP HOA KỲ từ 2001-2003 với số phiếu áp đảo 96 Yes trên 1 NO mà trớ trêu thay, số 1 này là của bà CLinton . (có lẽ bà còn hận vụ ông Đinh Việt soạn luật để truất phế chồng bà - nhưng may thay ông Clinton thoát do chỉ có 45 /50 số senators cần có để buộc tội tt)

Hiện nay giáo sư Đinh Việt đang trở về dạy lại tại trường cũ là đại học luật GEORGE TOWN ngoài ra ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác .

Đinh trọng Phúc tham khảo từ

[url]http://en.wikipedia.org/wiki/Viet_D._Dinh[/url]
[url]http://www.wired.com/politics/law/news/2004/02/62388[/url]
[url]http://www.duncanentertainment.com/interview_vietdinh.php[/url]

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...