Tuesday, November 1, 2016

TÂM TÌNH VỚI CHÁU CON

Tuesday, April 19, 2016

TÂM TÌNH VỚI CHÁU CON


Các cháu thuơng mến,

   Ngày xưa vào thời học sinh có một ngạn ngữ Pháp mà ông đây nhớ hoài: "Cái tôi là cái đáng ghét" (Le moi, c'est bien haissable.) Vâng, đúng vậy. Nhưng có lúc người ta phải đem cái tôi ra, tuy 'chịu tiếng mang lời' nhưng mục đích để lấy mình làm thí dụ cụ thể cho vấn đề gì đó.

Hôm nay ông muốn gửi đến tầng lớp cháu con một sự so sánh giữa tiền tài của cái và sự nghiệp học vấn.

 Vào thời đại hôm nay khi nền kinh tế thế giới phát triển cao, thì của cải vật chất con người trong xã hội , hay nói khác đi đời sống vật chất phong phú của con người cũng tăng trưởng cao đến mức không ngờ. Nhà cửa, xe cộ, cùng các phương tiện phục vụ con người đếm không kể xiết. Hình thức thuơng mãi, hợp tác kinh tế làm ăn, vốn liếng đầu tư cũng tiến bộ đến múc rất nhạy bén, đòi hỏi trình độ học vấn con người phải cao hơn thời trước.

Không ai chối bỏ điều này. Ai cũng cho sự sở hữu vật chất càng cao thì càng tỏ rỏ chỉ dấu thành công của con người.

Trong xã hội thời nay, có người lại bỉu môi " bằng cấp, học hành làm gì cho mệt? bằng cấp mà nghèo 'kiết xác' thì chẳng ai coi ra gì!"  Đó là câu nói của những kẻ xem tiền bạc trọng hơn tất cả. Từ quan niệm đó họ sẽ lao vào cuộc 'săn lùng' tiền bạc bằng mọi giá. Và có nhan nhản những mẫu chuyện trong xã hội hiện nay là hậu quả của lý tưởng “tiền bạc trên hết.” Có những xã hội không cần học hành nhưng vẫn có nhiều tiền đó là xã hội thiếu dân chủ văn minh, xã hội của tham quan, bạo chúa? Thật ra trong xã hội văn minh,  bằng cấp đi đôi với lợi tức cá nhân với nguyên tắc 'học thật bằng cấp thật'.

Nhưng có một điều có phần nào bi quan vì thành công cũng lắm nhưng thất bại cũng nhiều.  Sự phát triển về trình độ giao thuơng, hình thức đầu tư vừa tinh vi vừa khoa học trong thời đại điện toán là con dao hai lưỡi nó có thể làm tiêu tan sản nghiệp một ai đó trong thời gian rất ngắn; lấy thí dụ thị trường chứng khoán , hay kinh doanh địa ốc v.v..

Ngang đây chúng ta thấy rằng giàu có, hay thành công kinh doanh không thể nói là vĩnh cửu, bất biến ; sự sở hữu của chúng ta đối với tiền tài, của cải là phiếm định ;ví dụ Nhà băng có thể xiết nhà cửa , xe cộ hay mọi của cải khác của một người nào đó nếu làm ăn thất bại.

Nhưng có một thứ chúng ta không thể nói là phiếm định mà là bất biến vì nó là của ta, do ta sở hữu và không ai tước đoạt được đó là học vấn và kiến thức. Con đường học vấn, đổ đạt, thăng tiến kiến thức khi đã hoàn thành là những thứ của cải tinh thần của ta. Không có nhà tài phiệt nào, nhà băng nào có thể tịch thâu của cải tinh thần của ta được do chúng đã nằm trong trí não ta rồi. Nói thế, để chúng ta thấy rằng cái sở học rất quan trọng do nó không những giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống vật chất- học cao thì làm lớn lương bổng nhiều, nhà cao cửa rộng là điều chắc chắn. Thứ hai, khi sở học của chúng ta đã tiến triển thì kiến thức cũng phát triển theo giúp ta thành người hữu ích hơn cho xã hội hơn khi vốn học chúng ta quá ít.

Ngang đây, hi vọng con cháu sẽ hiểu thế nào về hình ảnh một người già còn đi học ; đó là ông (hay bác cậu ) đây. Sau đúng ba muơi mốt năm (1972-2003)  'gác bút' và cuộc đời trải dài từ tù tội, đói khổ, nhọc nhằn nơi vùng 'kinh tế mới' trong xã hội CS trí óc tưởng như khô đét không còn chút phản ứng gì với 'chữ và nghĩa' tại trường học ở xứ người. Nhưng với ý chí và sự chịu khó ông đã vượt qua tất cả thử thách của trí não. Ông biết trước dù “đổ đạt” chăng nữa , nhưng tuổi tác cao làm gì có việc làm, phải không các cháu? Nhưng dù già, ông vẫn bắt trí não phải làm việc, phải suy nghĩ. Có lúc ông nghĩ rằng nếu có bằng cấp mà thất nghiệp thì ít ra mình cũng có khả năng viết hay dịch thuật giúp ích cho đời năm ba bài nghị luận. Nhưng có một việc làm tinh thần mà ông (hay bác cậu) đang làm và muốn làm dù khó khăn trong công việc thích hợp riêng cho cá nhân, đó là hoài bão kích động ý thức ham học, hiếu học của lớp cháu con họ Đinh cũng như họ VÕ (cũng như các cháu của ông mang họ khác). 

Ông cho rằng các cháu bắt đầu hiểu lần hồi rằng sự hiếu học của cha mẹ sẽ nêu guơng cho con cái đi theo. Thế đấy, người viết tưởng tượng ra một ngày nào không xa, lớp cháu con như người viết vừa đề cập tại quê huơng VN hay ngay tại hải ngoại đều học hành tấn tới, bằng cấp cao thực tiễn cần cho xã hội, thì tha hồ biết bao nhiêu công ăn việc làm cho các cháu.

 Nói thế, những người không bằng cấp không hoàn toàn là không giàu có, nhưng nếu như lớp người này thất bại mất trắng, thì xem như không còn gì. Chỉ có các cháu những ai học hành thành công, nếu rũi có mất mát về vật chất thì chúng ta cũng còn vốn liếng tinh thần.

Ông tin rằng, khi học vấn thành công, các cháu bắt đầu chú mục vào làm ăn, phát triển tiền bạc, thì đó là bước tiếp nối vô cùng hợp lý.

Một người có kiến thức cao làm ăn khi nào cũng vững vàng hơn một người làm ăn nhưng thiếu kiến thức; nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, Internet...sự tiếp cận, giao thuơng, giao hảo với thế giới càng lúc càng mở rộng, nhạy bén, nhanh và tức thời trên những quy mô càng lúc càng lớn.

Tóm lại, bất cử tuổi nào nhất là trẻ là phải chăm lo học hành trước; đừng quá đặt trọng tâm vào tiền tài quá mức mà bỏ qua tất cả. Thời gian tối quan trọng cho con đường học vấn.


Lời ít nhưng ý nhiều, rất mong cháu con thông hiểu và sớm thành công .

Thân mến

Đinh Hoa Lư
last edition 31/10/2016

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...