Thế là ba tôi đã ra đi đã hai mươi lăm năm rồi. Hai
mươi lăm năm đúng một phần tư thế kỷ thoáng nhanh, thoắt đó thoắt đây, cái năm
người cha già nhắm mắt xuôi tay giã từ cuộc đời lận đận trước ngày gia đình tôi
được tái định cư Hoa Kỳ chỉ vỏn vẹn chưa tới một năm. Có khi vợ chồng tôi lại ước
chi ba tôi từ biệt thế gian trễ hơn một thời gian nữa thì hay biết chừng nào.
Nhưng con người sướng khổ ai cũng có số phần.
Họ Đinh của chúng tôi có quê quán ở Truồi. Dòng họ
chúng tôi thiên cư vào xứ Thuận Hóa cũng đã sáu, bảy đời. Đời ba tôi là đời thứ
bốn. Nghĩ về Truồi, quê nội chúng tôi không làm sao quên được bát nước chè Truồi
và bánh bột lọc và những thứ làm từ bột lọc. Dâu và chè là những thứ đặc sản hợp
với đất Truồi, nhưng nghề bột lọc thì tôi chẳng nhớ có từ bao lâu. Trong trí nhớ
tôi chỉ nhớ hình ảnh bà nội chúng tôi lom khom cắp rỗ bánh bột lọc gói qua chợ
Lộc Điền mà thôi.
Lâu lắm rồi, trong những lần tâm sự ba tôi có kể cho
tôi nghe thưở hàn vi người lớn lên bên bến đò Xuân Lai Quê Truồi. Một thời Pháp
thuộc có cậu thiếu niên từng lên chốn kinh đô tìm việc. Nhờ quen biết bên nhánh
Bà Nội có ông Cậu Tôn Thất giàu có nên có được một chân phụ làm nhà máy cà rem.
Thuở đó cây cà rem là hình ảnh của thành phố khác lạ đối với nơi thôn dã. Cũng
như cây cầu Tràng Tiền hay con đường sắt xây dựng chưa lâu là hình ảnh của chốn
Kinh Đô. Lòng thương mẹ lang thang lên Huế. Kiếm vài ba đồng tiền công nơi chốn
kinh thành hoa lệ. Có khi ba tôi chịu khó đi bộ theo con đường sắt từ Huế vô đến
Truồi. Người đi miết cũng về được Truồi. Đó là cách Người tiết kiệm tiền xe hỏa dù chỉ
vài hào Đông Dương để thêm tiền về cho Mẹ hiền đang tần tảo ở quê nhà.
Cho đến thập niên 1940, mười tám tuổi ba tôi lưu lạc
vào Sài Gòn trong này có nhà in Ông Tôn Thất Lễ tức là Cậu ông Nội tôi tức là
vai vế ngang với bà nội của người. Rồi thập niên 1950 người có duyên nợ với quê
ngoại tôi tức là Quảng Trị khi này mới có tôi ra đời. Các quận nơi quê ngoại Quảng
Trị phần nhiều có vết chân người đi qua nhờ vào công việc.
Cho đến thập niên 1970 cuộc thế đổi dời. Người Quảng
Trị thiên cư vào nam trong đó có gia đình chúng tôi. Và Bình Tuy là Quê Hương
Thứ Hai chứng kiến bao cuộc đổi đời.
Động Đền là quê hương cuối cùng nơi ba tôi chia tay
dương thế. Người ra đi khi tâm tư đang hướng về quê nội. Thế mà đã hai mươi lăm nay qua. Thời gian sẽ nối tiếp thời gian trôi về miền quá khứ. Thời gian sẽ ra
đi lặng lẽ êm đềm như giòng sông Truồi năm tháng lững lờ xuyên qua cái thôn nhỏ
bé có tên là Xuân Lai- Truồi - quê nội tôi - nơi có những chùm dâu ngọt lịm và
mấy cái bánh bột lọc gói cùng miếng nước chè xanh ngon nhớ đời.
Nơi quê người - Động Đền có cây phượng nhà tôi đang ra hoa kết trái cái năm ba tôi ra đi về trời miên viễn. Hạt khô từ cây phuợng rơi rụng làm phượng con mọc rai dưới gốc thật nhiều.
Nơi quê người - Động Đền có cây phượng nhà tôi đang ra hoa kết trái cái năm ba tôi ra đi về trời miên viễn. Hạt khô từ cây phuợng rơi rụng làm phượng con mọc rai dưới gốc thật nhiều.
Thật đúng với cái tạm bợ của thế gian. Nay
hình ảnh lùm phượng hồng đỏ thắm ngày xưa nay đà mất dấu. Hai mươi lăm năm,
đúng một phần tư thế kỷ nó kéo theo những hình ảnh đổi thay. Bên bến đò Xuân
Lai quê Truồi nay hai cây phượng già nay đã không còn dấu vết. Từng tàng phượng
vĩ đỏ ối che phủ bến xưa cũng theo bóng tiền nhân về miền dĩ vãng. Trong ký ức
cháu con thời sau này hãy thắp lên một nén nhang lòng tưởng bóng cố nhân thấp
thoáng đâu đây sau bao tàng phượng vĩ từng tươi hồng như mong ước của tiền
nhân.
Đinh Hoa Lư 21/10/2019 (23 tháng 9 Kỷ Hợi)
Hai Mươi Lăm Năm Ngày Húy Nhật Thân Phụ