Sau năm 1968 chợ Tây Lộc xây mới với cái tên là chợ Trần quốc Toản. Từ chợ ngó ra phía sân bay Tây Lộc vẫn còn thấy mấy chiếc "đầm già"- L 19 bay lên, xuống. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc Cessna, loại này trông từa tựa như L.19, chỉ khác ở màu sơn- hai màu xanh trắng rõ ràng. Vào thời đó, người ta nói, Cessna hay dành chở cố vấn Mỹ.
Chợ mới Tây Lộc xây xong, mẹ đích tôi bắt đầu bán cháo gà tại đây. Gánh cháo mẹ tôi, nhờ nấu ngon nên khi nào cũng bán hết sớm.
Sau năm 1969, dãy nhà cư xá công chức gần chợ Tây Lộc cũng xây xong. Gia đình mẹ đích tôi may mắn, mua trả góp được một căn. Đã hơn năm mươi năm, đến nay tôi vẫn còn nhớ số nhà 45 Trần quốc Toản -Tây Lộc. Dãy nhà công chức đó gần nhà ông cố vấn Mỹ lấy vợ Việt Nam. Mẹ tôi quen với vợ ông Mỹ đó trong những lúc đánh bài tứ sắc với bà. Quen nhau lâu ngày, bầy con mẹ tôi lại kêu bà đó là dì Hai. Hồi này ông James lại thuê căn lầu gần cư xá công chức đó nên ba tôi mỗi dịp từ QT vào nhà lại tới thăm vợ chồng ông Mỹ đó. Ông James biết tiếng Pháp, trong lúc ba tôi khá rành Pháp ngữ nhưng không biết Anh văn, cũng là dịp cho hai người làm quen, trò chuyện. James xa Hoa Kỳ lâu ngày, về Tây lộc có bạn đàn ông chuyện trò, ông lấy làm thích. Hình như ông James muốn ba tôi làm bạn để rèn luyện Pháp ngữ còn ba tôi thì cũng khoái trong bụng do nhờ có ông James để ôn lại "vốn liếng" Pháp văn của ông đã nguội lạnh từ thời Pháp về nước.
Chuyện không ngưng ngang đây ...
Nhờ tra cứu vào Google tôi tìm lại được hình ảnh cái đồng hồ Timex năm xưa mà ba tôi trao cho tôi vào năm lớp đệ tam giống y hệt cái hình này
Năm tôi lên lớp đệ tam, niên khóa 1969-70, có điều làm tôi sung sướng nhất là được ba tôi tặng tôi một cái đồng hồ hiệu TIMEX. Nói sao cho hết niềm sung sướng của tôi; do đây là chiếc đồng hồ đầu tiên trong đời. Thú thật đồng hồ đeo tay thời đó học sinh làm gì sắm nổi. Ngày nào tôi cũng mân mê cái đồng hồ. Tôi không thể nào quên cái tên TIMEX cùng hình dáng của nó. Khó có ai vào thời gian này biết 'thông cảm' cho cảm giác sung sướng của một cậu học trò được mang cái đồng hồ đeo tay. Cảm giác đó rất khác với thời nay. Thời nay, đồng hồ đeo tay nhan nhản đủ loại, đủ kiểu, bày bán khắp nơi không ai thiếu; thậm chí chẳng ai cần đeo do có trong iPhone rồi.
Người viết lại xin trở lại cái đồng hồ đầy ắp kỷ niệm nói trên. Ba tôi ân cần trao cho con, một buổi thiếu thời như ngầm khuyên khích tôi hãy cố gắng chăm học. Ba tôi có kể, do ông Mỹ nào đó trong Tây Lộc tặng cho ba tôi chiếc TIMEX kia chứ không phải ba tôi mua. Ba tôi có sao nói vậy. Còn tôi thì nhớ lại cái ngày vô Tây lộc (1970), hai cha con tới nhà thăm ông Mỹ đó. Ông về nhà là kêu vợ cái tiếng "darling" cho đến nay tôi còn nhớ. Tôi không quên kể lại cho bạn đọc nghe, tôi có 'dạy' cho ông ta trọ trẹ chỉ hai câu:
- Mình ơi!
hay
-Mình ơi, có chi cho anh ăn không ?
Nhưng coi bộ ông khó nói cho giống cái 'giọng' của tôi- nặng ơi là nặng. Cái ông Mỹ này kỳ thật. Ông ta cứ "lôi" trong tủ lạnh ra bia toàn là Budweiser lon ra uống thay nước thôi. Thật ra hồi đó tôi chẳng bao giờ thấy người Mỹ uống nước lạnh như Mỹ thời này. Tôi lại càng thấy lạ lúc nhìn tay ông ta cứ liên tục cầm lon bia này, uống xong lại sang lon khác, không ngưng... Dù sao ông Mỹ này thuơng ba tôi mới tặng cho ba tôi cái đồng hồ.
Có cái đồng hồ TIMEX trong tay, đêm về tôi hết ngắm ánh sáng mờ mờ từ cây kim chỉ giờ. Tôi lại ngậm vào miệng rồi dùng hai ngón tay bịt vào hai lỗ tai để nghe thử có tiếng kêu dội vào trong "bong bong" hay không? Tôi tin lời ai đó cho rằng đồng hồ mà kêu "bong bong" như tiếng chuông kêu thì là loại tốt. Thời đó, đồng hồ đeo tay phải được lên giây hàng ngày, chưa có loại tự động lên giây như sau này. Một thời, các bác các chú hay mang cái đồng hồ hiệu Wyler của Pháp, có dây nhôm cùng phải cũng lên giây như nhau cả. Thật ra, đồng hồ TIMEX vào lúc đó thuộc về đời mới do người Mỹ đem qua Việt Nam.
***
Cho đến năm 1971 lúc tôi đi thi tú tài, năm đó trên thị trường bắt đầu có đồng hồ SEIKO tự động (automatic) được bán khá nhiều. Thích thì thích, nhưng tôi vẫn mang cái đồng hồ TIMEX của ba tôi tặng thôi. Sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tôi vào lính cái đồng hồ để lại cho gia đình. Đời quân ngũ, 'lăn lộn, bò lết' trên bãi tập, chẳng ai còn mang đồng hồ do quá bất tiện. Đời sống quân trường, mọi sinh họat đều theo tiếng còi. Những người lính mới, răm rắp theo lệnh nên tôi chẳng còn mang đồng hồ theo nữa.
cái đồng hồ Timex này chạy pin, tôi mua tặng con trai tôi năm lên lớp 10 tại Mỹ
Qua Mỹ một thời gian, năm con trai tôi vào lớp 10, bất chợt tôi nhớ đến ba tôi và kỷ niệm cái đồng hồ Timex , thế là tôi đi tìm tại Hiệu Target mua cho ra cái đồng hồ cùng tên Timex để tặng cho con trai mình. Nhưng chiếc đồng hồ thời nay không thể nào giống y cái đồng hồ năm xưa ba tôi tặng tôi được. (tôi xin mở ngoặc không có lumineur như cái ba tôi cho tôi và lên giây vì hồi này chưa có đồng hồ chạy pin). Tôi kể lại kỷ niệm với con trai út, lý do tôi tìm đồng hồ TIMEX tặng cho nó. Tôi thầm ước, có thể con trai tôi không nói nhưng nó lại 'âm thầm chăm học' ít ham chơi, (ngoại trừ games điện tử vì nó thích đi ngành điện toán). Tôi có niềm tin, huơng linh ba tôi cũng phò trợ cho cháu nội, may mắn tốt nghiệp trường trung hoc vùng tôi ở, nó được thủ khoa.
Tính nó kín đáo đến nổi ra trường thủ khoa không cho ba nó biết. Đêm vinh danh thủ khoa tại trường, chỉ có mẹ nó đi theo chơi nhưng cũng không biết con trai mình là thủ khoa của Trường trung học Pied Mont Hills High School năm 2009. Giá như ba mẹ nó biết thì tìm cách đem anh chị nó đi theo mừng và quay một khúc phim hay đem máy hình theo chụp làm kỷ niệm một niềm vui sướng cho cả gia đình.
cùng vợ chồng ac Hồ đắc Nhơn, vc bạn Bùi Bá -Khánh Hội tới chơi tháng 9 năm 2011
May thay, có một ngày có vợ chồng bạn học tên là Bùi Bá đến chơi. Bạn tôi đọc lại cuốn danh sách tốt nghiệp trung học niên khóa của con trai tôi, chợt bạn Bá chỉ vào cuốn brochure nói lớn đầy vẻ ngạc nhiên:
- Ôi! con bạn Thủ Khoa răng mà không nghe nói chi hết vậy?
Tôi quá ngạc nhiên, vội đem tấm bằng của con ra xem lại mới biết bạn mình nói đúng.
hai cha con tại Arena Theater San Jose 2009- ngày con trai mãn khóa trung học
bằng tốt nghiệp Thủ Khoa (valedictorian / summa cum laude) của đứa con trai út niên khóa 2009
chứng chỉ thu nhận của Đại Học Harvard năm 2009
Hè 2009, sau khi nộp đơn lên đại học cháu nó lại được một loạt các trường đại học có tiếng tại Hoa Kỳ như Princeton, Harvard và Stanford và hầu hết các trường UC của California như UC Berkeley,UC Irvine, UC L.A, UC Davis, UC San Diego..cùng các trường khác thu nhận cùng một lúc. Ôi đó quả là niềm hạnh phúc quá lớn cho vợ chồng tôi từ ngày giã từ miền đất khổ để được qua đất nước Hoa Kỳ.
Tôi có niềm tin rằng: huơng linh ba tôi ở chốn suối vàng đã rất hài lòng và mãn nguyện cho cháu con.
NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC GỬI THƯ THU NHẬN VỀ CON TRAI ÚT CỦA NGƯỜI VIẾT
PRINCETON UNIVERSITY
Chuyện hai cái đồng hồ Timex, ba thế hệ: cha - con - cháu , truyền thừa cho nhau cùng một ý niệm chung là 'MONG CON CHĂM HỌC'. Đời tôi, tuy dang dở công danh nhưng ý nghĩa cái đồng hồ TIMEX đầu đời đã hằn sâu trong tâm khảm cho đến hôm nay. Đời cháu của ba tôi, tôi tin chắc rằng sẽ chẳng còn 'dang dở' vì đây là xứ sở của cơ hội. Sức bật đi lên có thể từ ước mơ thầm kín hay sự kỳ vọng từ niềm cảm xúc của con tim.
Cái đồng hồ trong hình của bài viết này là cái Timex mà con tôi để lại khi nó không còn dùng nữa trong thời gian vào đại học. Nhưng tôi sẽ cất nó làm kỷ niệm để nhớ cái đồng hồ TIMEX năm xưa mà ba tôi đã ân cần trao cho tôi và người sẵn sàng chấp nhận sự 'buồn lòng' hay 'coi thuờng ' từ người bạn Mỹ tên James.
dưới mái tranh nghèo (Sơn Mỹ -Hàm Tân tết năm 1992-1993)
***
Hơn bốn mươi năm qua, chuyện ra đi từ thành phố Quảng Trị xa xưa vào năm 1972 đong đầy đau khổ. Trong khói mờ lửa đạn, có những người cố vấn Mỹ giã từ cái xứ sở khốn nạn của chiến tranh. Trong muôn triệu câu chuyện từ quê hương vươn dậy trong đau thương gian khó, có kỷ niệm cái đồng hồ TIMEX của ba tôi. Cho đến nay, khi em trai tôi viết lại bài hồi ức về câu chuyện ba tôi [* thien dinh Trong], chuyện cái đồng hồ và người bạn Mỹ của ba mẹ tôi tại Tây Lộc tên James, tôi mới có cơ hội viết lại chuyện này như để tưởng niệm về hình bóng thân yêu của cha già nay đã khuất mờ trong vùng dĩ vãng./.
kính nhớ hương linh thân phụ
ĐHL 17/3/2015
edit 15/6/2022
=============