KÍNH BẠCH CHƯ VỊ NI SƯ TRÚ TRÌ CHÙA GIÁC MINH
THÀNH PHỐ PALO ALTO, CALIFORNIA
KÍNH
THƯA QUÝ QUAN KHÁCH ĐỒNG HƯƠNG BẰNG HỮU
HIỆN DIỆN TRONG BUỔI TIỄN ĐƯA LINH CỮU CỦA CỤ ÔNG VÕ TỰ BÉ
Chúng tôi toàn thể tang
gia, con cháu chắt dâu rể nội ngoại của Cụ
ông Võ Tự Bé hôm nay đồng xin cúi đầu lạy tạ công đức của tất cả NI SƯ Trú
Trì tại Chùa Giác Minh đã hoan hỷ quang lâm cầu siêu, tiếp dẫn cho Hương Linh.
Chúng tôi cùng xin bái tạ toàn thể quan khách bằng hữu đồng hương đã thương
tình tới tiễn đưa linh cữu của Cụ Ông trong giờ phút sắp tới.
Kính thưa chư vị Ni SƯ cùng
quý quan khách, trước giờ tiễn đưa Linh Cữu, tôi xin mạn phép đại diện cho tang
quyến có đôi lời tiễn biệt Hương Linh trước giây phút đưa tiễn cuối cùng…
KÍNH
THƯA CẬU
Dẫu biết chuyện Sinh Lão Bệnh Tử là định luật thường tình trong cõi TA BÀ này, nhưng mấy ai không khỏi bùi ngùi xúc động trước lúc chia ly nhất là phút giây vĩnh biệt.
Cậu ơi! Giây phút chia
tay làm cháu nhớ hương linh Mợ lúc sinh tiền từng kể cho cháu nghe rằng vào năm
1953 là năm Mợ mới về làm Dâu nhà Ngoại đó là lúc cháu vừa sinh ra đời vẫy đạp
trong nôi, cháu từng được mợ bồng bế nâng niu. Đến lúc cháu lớn lên dưới vùng trời
đất khổ, quê nghèo Quảng Trị cháu chứng kiến một tay Mợ từng ngày tảo tần gian khó- lớp nuôi chồng tiếp tục ăn học lớp nuôi một đàn con lần lượt ra đời.
Cho đến một ngày đầu thập
niên 1960, gia đình cậu mợ cùng các em Ánh -Tuyết- Phượng- Hương phải giã từ vùng
đất cày lên sỏi đá dấn bước vào nam. Cậu, Mợ cùng đàn con giã biệt quê nghèo dấn
bước vào nam đi tìm mạch sống. Ngày đó có đứa cháu nhỏ đứng buồn nhìn theo cậu
mợ cùng bốn đứa con dại ra đi… Cậu Mợ và bốn em cố thu mình trong chiếc xích lô
đạp giã từ Quảng Trị. Thương nhớ làm sao hình ảnh người phu xích lô đang cố đạp,
chở cả nhà cậu sáu người lên tới bến xe như chở một tương lai một hi vọng tràn
trề. Nhưng Cậu như bao lớp trai khác, phải dấn thân theo bước quân hành, thi
hành bổn phận của người trai thời loạn. Để lại phía sau, một minh MỢ tiếp tục đảm
đang nuôi bầy con dại nơi miền nam xa xôi lạ lẫm.
Trận Mậu Thân mịt mùng
khói lửa, Cậu theo cánh quân Liên Đoàn 4 BĐQ ra lại quê hương Địa Đầu Giới Tuyến
Quảng Trị. Năm 1969, cậu Võ Ba hi sinh tại Gio Linh, Cậu ra Ái Tử nhận xác em về. Chiếc băng ca mang xác em trai vào nhà Ngoại lúc
những giọt máu đào còn rỉ chảy. Ngày đưa đám cậu Võ Ba, đi cạnh quan tài có hai
người anh là Cậu cùng Cậu Võ tự Phương
trong màu áo trận rằn ri oai hùng- một chặng đường tiễn đưa cậu Ba về chùa Sắc
Tứ…
Rồi đơn vị Cậu được lệnh
trở vào nam, tiếp tục hành quân vùng sông nước Chương Thiện. Cậu kể cho cháu nghe, một ngày vào năm 1970, đang
hành quân bên này sông, có ngờ đâu bên kia sông, Cậu Võ Tự Phương ngã gục. Thương
cho cậu Phương, trong giây phút cuối đời, chỉ cách nhau một bờ sông nhưng chẳng
gặp được anh mình để nói lời vĩnh biệt. Gia đình Ngoại lại chít thêm vầng khăn
tang cho một người con hi sinh vì tổ quốc.
Mùa Hè
Đỏ Lửa 1972 ập đến, chiến sự lan tràn, gia đình Cậu Mợ không ngại khó khăn
thiếu hụt nhưng vẫn dang tay đón nhận bà con mình từ Quảng Trị chạy vào lánh nạn.
Nhớ thương Mỹ Tho nơi có những con đường đầy lá me bay, những lùm mận chín ngọt
ngào cùng tấm lòng người dân hiền hòa cởi
mở. Chúng cháu không bao giờ quên tấm lòng Cậu Mợ từng sẻ chia đùm bọc cho những người thân chạy vào tạm sống qua chuỗi
ngày loạn lạc. Hành quân xa nhưng lòng cậu luôn đau đáu nghĩ đến gia đình. Có
được bao gạo nào cậu gửi ngay về nhà chia sớt cho nhau tạm sống qua những ngày
chiến nạn. Cậu ơi, cháu không quên hình ảnh Trại Tuyển Mộ Mỹ Tho, Cậu là người đầu tiên trong đời dẫn cháu lên
đường NHẬP NGŨ. Cậu cháu chúng ta nối
tiếp nhau lên đường bảo vệ non sông.
Cảnh biển dâu tưởng thế là cùng, có ngờ đâu Một Tháng Tư Tang Thương 1975 ẬP xuống. Cả một đất nước trong đó có đại gia đình chúng ta, tất cả sống trong ác mộng hãi hùng. Những ngày cậu bị đày ải ra tận Lạng Sơn còn một tay mợ cùng bầy con 10 người cũng như hoàn cảnh bà con miền nam chúng ta đều sống trong một cảnh cheo leo, đen tối. Thương thay cho mợ chơi vơi lạc lõng do phải nuôi bầy con nheo nhóc trong lúc lòng khổ đau quay quắt do Cậu đang bị đày đọa dày vò đói khát trong trại tù tận Hoàng Liên Sơn…
“CÁI CÒ LẶN LỘI BỜ
SÔNG, GÁNH GẠO ĐƯA CHỒNG TIẾNG KHÓC NỈ NON...”
Cậu ơi, ai có sống với
hoàn cảnh của những người vợ lính VNCH
sau tháng Tư Đen miền nam sụp đổ mới thông cảm được nỗi lòng khổ đau trăn trở của
những người vợ, người mẹ có chồng bị tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc. Tâm sự
khổ đau của bao người đàn bà thương chồng đang chết dần mòn nơi trại tù trong
khi lòng quay quắt khi đàn con đang nheo nhóc bữa đói bữa no…kỷ niệm đau thương
của những người vợ lính năm xưa từng hi sinh cho đến sức tàn lực kiệt. Ôi nhớ một
ngày xưa, Mợ từng quảy trên vai cả một GÁNH TÌNH YÊU ra tận núi rừng Việt Bắc xa
xôi ngàn dậm để bới thăm Cậu. Ôi những cục
đường ngọt ngào tình cảm, mấy vắt cơm dẻo thơm nặng nghĩa vợ chồng. Cậu ơi gánh
bới đường xa ngày đó đầy ắp nghĩa tình nhưng lại chứa chan nước mắt lo toan,
thương nhớ của Mợ -một người vợ lính. Một chuyến ra bắc duy nhất nhưng là một
chuyến đi hi sinh tất cả- vốn liếng, nợ
công. Nhưng hình ảnh người chồng ốm o đang héo mòn chờ đợi mợ trong trại tù
Hoàng Liên Sơn chính đó là sức bậc nhiệm
mầu giúp Mợ vượt qua tất cả…đèo cao thú dữ, rừng rậm thâm u. Ôi tình yêu của Mợ quả thật tuyệt vời! Cậu
ơi, ngày Mợ vĩnh biệt ra đi cháu nhớ cậu lảo đảo bước vào nhà và khóc…
NHỮNG NGÀY CÒN LẠI CHẮC
BUỒN LẮM MÌNH ƠI!!!
Có người nhạc sĩ nào đó
đã viết lên bản nhạc Người Lính Già xa Quê Hương nói thay
cho tâm trạng những người chiến sĩ năm
xưa nay thân già còm cõi còn lại trên cõi đời lại thêm một NỖI BUỒN VONG QUỐC gậm nhấm
từng ngày. Tuổi già chồng chất, cộng thêm sự cô đơn mất mát to lớn từ ngày Mợ đi
xa càng làm sức khỏe của cậu suy sụp nhanh chóng…Rồi hôm nay Cậu đang về với Mợ,
cậu sẽ không cô độc nữa.
Cháu tưởng tượng trong
cõi hư không nào đó, Mợ đang mĩm cười nắm tay Cậu rồi cùng nhau nương hồn về
thăm QUÊ MẸ -nơi có một thôn nghèo
bên dòng Thạch Hãn, trước khi nương bóng Phật Quang hướng về miền TỊNH ĐỘ. Cháu xin cúi lạy và cầu mong Hương Linh Cậu ra
đi thanh thản./.
NAM
MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT./.