Saturday, April 19, 2025

QUA HẦM RÙ RÌ (hồi ký tù binh)

 



NHA TRANG NGÀY TÔI VỀ

Thế là tôi đã mất một ngày và một đêm trên chuyến tàu chợ vào Nha Trang. Người soát vé báo trước con tàu chợ tôi đi chỉ ghé ga chót là Ga Nha Trang. Chỉ có Tàu Thống Nhất từ ngoài bắc mới đi thẳng vào Sài Gòn. Thời gian ở tù tại Trại 4 Ái Tử, Quảng Trị tôi từng nghe có tàu Thống Nhất. Những bài đăng trên tờ báo Nhân Dân trong cái "căn- tin" tôi có dịp đọc vào cuối tuần, ngày nghỉ lao động. Hai chữ "căn tin" người viết không đặt ra mà trại từng gọi cho cái phòng đọc báo. Những tờ báo Nhân Dân được đóng nẹp cẩn thận, móc trên vách đất của "thư viện tù" trong trại. Có cơ hội, chúng tôi hay đánh cắp vài tờ, giấu vào bụng, về lại lán xé nhỏ để vấn thuốc. Thèm đọc tin, chúng tôi chẳng có chọn lựa nào ngoài những tờ báo Nhân Dân hay Quân Đội Nhân Dân. Tôi nhớ có dịp đọc tập tự truyện nhỏ có cái tên "Cây Đa Bến Cũ" của hàng binh "Phạm văn Đính" hay trung tá Đính trong QLVNCH từng được cho tù đọc tại đây. Tôi nhớ mang máng ông này có thăm trại Một, Ái Tử sau tháng 5. 1975 lúc chúng tôi vừa từ Ba Lòng được chuyển về lập Trại Ái Tử.

Biết bao nhiêu là chuyện...

Gần hai ngày, chiếc tàu chở tôi không có 'dịp may' nào dừng lại chờ tàu Thống Nhất qua mặt nên tôi không hình dung tàu đó nó đẹp, sang, to lớn, màu mè ...ra sao? Khoảng sáu giờ sáng tàu sắp qua hầm đèo "Rù Rì'. Người ta cho biết, và tôi cũng biết khi tàu vừa qua Ninh Hoà, đi vào thêm vài chục cây số nữa thôi.

Tôi đã về lại Nha Trang!

                Bãi Tiên Quân Trường Đống Đế
                        bãi tập chiến thuật 


    Tính từ ngày tôi ra trường, cuối tháng 11 năm 1973 đến tháng Sáu 1980, gần bảy năm giã từ Quân Trường Đống Đế, xa đèo Rù Rì cùng những bãi tập chiến thuật mệt nhoài trong mấy tháng huấn luyện. Mau quá, non bảy năm biết bao biến đổi cho miền nam và cuộc đời những người lính, những đứa tù binh?


                tôi ra trường vừa đúng 20 tuổi đời (24/11/1973)

 Bao đồng đội nằm xuống thì an phận rồi. Họ đã đền xong nợ nước, nợ áo cơm, kể cả nợ đời.

Nhiều người còn lại, chật vật, khốn khổ với hai chữ "ĐỔI ĐỜI” như những mớ rác rưới hỗn độn, đủ màu sắc bị quăng vào và lắc đều trong cái thùng lớn, từng ngày từng giờ. Hình ảnh trước mắt tôi hai ngày nay, kể cả bản thân, bị lắc đều dồn nén trong những toa tàu chợ hôi hám, nóng nực, chật chội.

C:\Users\typei\Desktop\Trung doi 4 Dd 776 Td 15 Khoa 5 B-73 DD..jpg

Tàu đã vào khoảng tối cái hầm. Những ngày huấn luyện giai đoạn hai tại Quân trường Đống Đế, đại đội khóa sinh chúng tôi từng qua lại hầm tàu này. Lúc xuyên hầm, chúng tôi đi sát vào thành hầm để giữ an toàn. Chúng tôi qua hầm xong, chẳng có chiếc tàu nào tới nên chẳng hề có cảm giác ra sao nếu có tàu qua vào giờ đó. Hầm Rù Rì không dài hơn hầm tàu Hải Vân. Tàu qua hầm, đó là lúc tôi tưởng tượng trên đầu tôi, sườn núi Rù Rì- Đống Đế những buổi tập "Trung Đội Phòng Thủ' hay "Trung Đội Di Tản Chiến Thuật'"... đó là những buồi huấn luyện trên núi Rù Rì. Có những buổi huấn luyện khác, tập sát Bãi Tiên có sóng biển bạc đầu, rì rào gió mát. Nào là Đỉnh "Thằng Cù Lần" tức là cái tượng lính sơn trắng trong tư thế “cầm súng thao diễn nghỉ". Nào đỉnh Hòn Khô phải chinh phục nó trước đêm gắn alpha cũng vào tháng Tám năm 1973.


                            đêm gắn Alpha 

Giờ tôi về đây, cũng vào tháng Sáu trong thân thể gầy còm, áo quần tả tơi bạc phếch'? "chiến bại binh' trở về làm sao mà 'oanh liệt, oai hùng' cho được?

                                       TƯỢNG THẰNG 'CÙ LẦN' nay không còn 

Tôi nhớ hai câu truyền miệng trong Quân Trường Đống Đế:
"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xoả tóc đợi chờ ai?"

viền núi Hòn Khô đêm về giống người con gái nằm xỏa tóc...

Tôi chẳng biết tác giả là ai? khóa đàn anh nào trong quân trường? Nhưng chúng tôi cứ truyền miệng cho nhau, dễ quá sao mà không thuộc.
Đêm về, từ "chambre" đại đội 771 ngó lên Hòn Khô, viền núi đen sẫm in hình lên nền trời sáng mờ.  Tôi gật gù tán thưởng, “công nhận trông giống hình 'người con gái nằm xỏa tóc' hết sức!”


"Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ”, “thằng Cù Lần” trên đỉnh 100 m, trước Hòn Khô, ngay sau lưng tiểu đoàn SVSQ 13

    Những cuối tuần đi phép, chỉ 12 tiếng đồng hồ trong ngày. Chúng tôi từ Đống Đế có thể về 'bát' phố Nha Trang. Nhưng Nha Trang, một thành phố dành cho "người yêu Hải Quân, Không Quân" thôi. Đây là tôi viết thật cho cái tâm lý "tự ti mặc cảm" ngày đó, bởi thế tôi chẳng về Nha Trang. Riêng tôi chỉ du ngoạn ngang Cầu Xóm Bống hay Tháp Bà rồi trở lui. Uổng công đánh giày xi- ra láng bóng, ủi áo quần phép phẳng phiu...

Buồn làm sao cho những kỷ niệm lính qua nhanh với nhiều cảm xúc cùng bao nỗi nhớ nhung mang máng cũng lắm, sâu đậm cũng nhiều. Nhưng kết cục, tất cả đều buồn, đều tủi, cho bao nghiệp lính 'đứt gánh giữa đàng'.


Con tàu chui ra hầm một đoạn, tôi thấy Hòn Dung còn đó. Những ngày lính quân trường di hành qua đây, mấy xóm phong cùi, giờ còn tại đó không? tội nghiệp cho “làng cùi”. Chúng tôi lúc đó vẫn mua thức ăn tại bãi tập gần núi Dung, gần họ chẳng e ngại hay lo sợ gì.


BẾN XE NGUYỄN HOÀNG

một quán nước TP Nha Trang 1988 (ảnh khách ngoại quốc)


    Anh xe ôm rồ xe chở tôi tới bến xe Nguyễn Hoàng lúc giờ bán vé gần hết. Hình ảnh những chiếc xe dài liên tỉnh thời trước vẫn còn đó, cũ hơn. Những chữ Hợp Tác Xã Xe Đò ...giờ được thế vào những cái tên tư nhân ngày trước. Nha Trang ồn ào, náo nhiệt hơn Huế. Vẫn có những đứa trẻ bán mỳ và hàng rong đeo theo nài nỉ với chiếc xe sắp chạy. 

Tôi chạy nhanh vào phòng vé ...người ta lắc đầu làm gì có vé giờ này ?
Một anh nói lớn với cụ già:
        -Ra đầu đường đón mới có về Sài Gòn mau lên!
Tôi nghe vậy liền chạy theo họ.
Quả đúng! người ta rành chuyện này. Phải “linh động” tránh bến xe một quảng xa, mấy chiếc rời bến sẽ tấp vào đón khách thêm, ngoài số khách tiêu chuẩn mà vé đã bán. Hợp tác xã xe khách là vậy. Sau này tôi mới hiểu có vậy mới sống còn, nghĩa là biết “linh động” với nhau. Người ta bán vé tiêu chuẩn chỉ ít thôi, theo giá "nhà nước' thì làm sao sống được?

Chiếc xe dài vàng nhạt sà vào.
        -Sài gòn, Sài Gòn phải không- 

' Lơ' xe một tay bám vào thành cửa, đầu nghiêng ra ngoài, hỏi lớn.
Tôi bám theo ba người đi Sài Gòn, khỏi cần hỏi khi nghe họ đi Sài Gòn. Xe đón 'gió' kiểu này không có thì giờ cho hai bên 'kỳ kèo' giá cả. Lơ xe vừa nói vừa kéo, vừa đẩy mấy người khách như 'tống' mạnh vào trong cho người tài xế rồ ga chạy mất như bị 'ma đuổi"?
    -Anh kia dzô đâu?
Thấy bộ dạng tôi, anh chàng 'lơ xe' có thể đoán là người 'ngoài kia' vào. Tôi quên mất là cái mũ cối bằng rơm ép, màu vàng của tôi đang dội trên đầu  nên làm họ lầm là người "ngoài bắc" vào? (sau này tôi tiếc hùi hụi sao không đưa giấy 'ra trại' cho lơ xe? người trong này biết 'tù về' thì không ai ép giá cao bao giờ)
    -100 đồng ‘dzô’ Bình Tuy!
Tôi không nhớ có kỳ kèo với người lơ xe đó không? Tôi chỉ nhớ là đưa ngay 100 đồng cho anh ta; lại còn 'mừng' vì anh ta lôi ra cái ghế phụ bằng gỗ nhỏ, bảo tôi ra lui ngồi tít đằng sau.
Có được chuyến xe vô nam, có được cái ghế nhỏ khỏi phải đứng thế là tôi mừng rồi.  Tuy biết rằng 100 đồng lớn lắm, nhưng tôi còn đủ tiền. Cám ơn tình cảm từ mẹ đích tôi, từ bạn bè, bà con  ngoài Huế, Quảng Trị, Đông Hà, giờ tôi mới ngồi trên chuyến xe khởi hành từ Nha Trang này.
Tuy ngồi sau đuôi xe, lắc và nhồi nhiều nhất, nhưng tôi lúc đó thật thích thú khác xa với hai ngày trên chuyến tàu chợ vừa qua.
Chiếc xe qua ngã ba Diên Khánh bắt đầu quẹo trái vào hướng nam.
"Ba Mạ ơi! cả nhà ơi! con gần đến nhà rồi!"
Lòng tôi lâng lâng, sung sướng; ước gì cả nhà tôi biết được giờ này tôi đang có mặt trong chuyến xe về nhà...


ĐHL edition

Friday, April 18, 2025

HƯƠNG HOA CHẠC CHÌU


hình dây chạc chìu 
từ cây hoang giờ đây cũng như nhiều loại cây hoang dại khác chạc chìu đều thành thuốc nam trị bệnh 

Chào bạn đọc

    Thưởng thức hương hoa từ lâu là thú vui của tao nhân, mặc khách. Chuyện vui thú điền viên người đời thường lấy hoa đẹp và hương hoa làm trọng. Dù cảnh nhà chỉ một chiếc áo bông "nực làm gối lạnh làm mền" như Cụ Nguyễn công Trứ ngày xưa nhưng trong vườn ắt hẳn không thiếu gì kỳ hoa dị thảo...

    Nói về hương hoa cũng có nhiều hương thơm hoa dại nơi dân dã hay nơi thâm sơn cùng cốc, ít ai có cơ hội thưởng thức do người đời ít ai để ý làm gì.  Đã là 'hương dại' thì có mấy ai liệt vào "thế giới của hương hoa". Thật là phí "của trời" người viết chợt nghĩ ra như vậy. Thật thế, dưới trời đất thênh thang, hoang dại ta vẫn có những hương hoa tuy "dại" nhưng lại khá thơm. Thứ hương thơm rất khác với hương hoa thuần túy trong vườn nhà chúng ta. Hương hoa dại nhiều lắm, nếu tinh ý chúng ta có thể nhận ra hoa tuy dại nhưng hương "chẳng dại". Đây là một ý tưởng dị biệt chăng? Chưa hẳn vậy thưa bạn khi chúng ta nhận thấy hoa nhà có loài "hữu sắc mà vô hương" và có loại hoa nhà có sắc có hương nhưng lâu ngày người đời lắm khi sinh ra "nhàm chán". Trong thế giới hoa dại hoang dã lại có những hương thơm "rất lạ" nếu trong đời ai chưa tận hưởng một lần thì đáng tiếc làm sao!

HƯƠNG CHẠC CHÌU






   
    Người viết đoan chắc sẽ có bạn cảm thấy khôi hài với tựa đề của bài viết. Hoa Chạc Chìu là loại cây gì, nghe sao lạ thế? Nhưng đây là chút tâm tình của tác giả về hương thơm một loài hoa mà chỉ có những người tù binh VNCH sau ngày "gãy súng" mới nhớ, để mô tả lại sau Năm Mươi Năm ngày tàn cuộc chiến. 

        Cây chạc chìu là loài cây leo hoang dại, mọc nhiều ở những đồi càn trung du nối tiếp với vùng núi. Xen kẽ trong những vùng đồi càn hay rừng sim, cây chạc chìu mọc tốt ở nhiều bộng mối, thân leo bò ra xa hay vắt vẻo trong nhiều lùm thấp. Người dân vùng trung du, họ lạ gì với những loài hoa dại, nhưng cuộc sống bình dị, có ai để ý hay nhớ về một loài hoa và hương thơm của nó.

    Những bó cây, gánh củi người tù ngày đó cần dây cột. Tìm dây chạc chìu sẽ có những lúc người viết may mắn gặp mùa hoa chạc chìu nở. Bạn sẽ tin tôi, không quá lời khi may mắn ngửi được hương hoa của nó. Dĩ nhiên ở chốn hoang vu mới có và một thoáng hạnh phúc cho riêng mình khi nhận ra hương thơm hiếm hoi từ một loài hoa dại ít ai biết được. 

           Cây chạc chìu mọc nhiều ở các rú càn trung du miền trung

hoa chạc chìu 


    Giữa đồi càn hoang vu, tôi may mắn có giây phút quên đi thân phận. Cứ tự cho ta với trời thênh thang hay "ta với trời bơ vơ" trong bản nhạc nào đó. Thế nào chăng nữa tôi vẫn có một cảm nhận rất riêng về hương hoa chạc chìu, rồi nhớ mãi trong lòng. Thật lòng, tôi chẳng hề cường điệu, ca tụng một hương thơm giữa trời đất hoang vu ngày đó. Lần đầu tiên một người tù dưới mây trời lộng gió, xong hai mớ củi rồi đi tìm dây cột. Khi đang phăng thân dây chạc chìu, tôi tình cờ ngửi được một hương thơm lúc Chìu ra hoa. Người viết tự ví von hay khen ngợi mùi thơm Chìu  "quý phái" làm sao. 

    Hương hoa chìu có thể mang mùi thơm của phấn hương đắt tiền ngày trước. Người thành phố những lần đi đám cưới hay trang điểm của phụ nữ. Một loài hoa giữa đồi vắng hoang vu, một hương thơm như lạc lõng giữa không gian thanh vắng. Có những loài hoa dại, hương thơm thanh thoát, nhẹ nhàng, mộc mạc không đượm gắt như hương thơm ngọc lan thành phố. Hương ngọc lan, người viết cũng từng thưởng thức cho đến giờ thiên hạ cũng sắm sanh với giá đắt tiền. Cảm nhận của người viết, hương thơm ngọc lan quá nồng nàn, đậm khiến cho người thưởng thức bị choáng ngợp trong cảm giác dư thừa. Hương thơm chạc chìu, đậm đà nhưng lại "thanh thoát", không thoáng nhẹ như hương lài ta, nhưng lại người cảm nhận lại có một cảm giác vừa choáng ngợp vừa thích thú với một gặp gỡ bất ngờ. 

Hương thơm chạc chìu được người viết thật lòng ca tụng vừa để nhớ hay "tưởng niệm" về một "ngày xưa bỏ cuộc". Đúng thế, một công mà hai việc, thưa bạn đọc. Lại có một điều hương có thơm thì thơm thật nhưng chắc hẳn không có ai đem về "thuần hóa" thành hoa vườn. Cho đến một ngày khi thời thế thay đổi, quê hương mình mọi thứ đều được người đời tận dụng ra tiền hay thuốc men chữa bệnh cho đời. 

    Không những thế, chạc chìu ngày nay lại được đưa vào thơ văn nữa.  Người viết tình cờ đọc được một bài thơ trên tờ báo mạng Quảng Bình có liên quan đến cây chạc chìu. Bài thơ vô tình minh chứng giúp cho tác giả tại sao lại "ca ngợi" hương hoa chạc chìu đến thế.


Hoa Chạc Chìu

  • 14:23 | Thứ Hai, 19/06/2023
  •  
  • icon gmail
  •  
  • icon facebook
  •  
  • icon youtube
(QBĐT) - 
Quê hương tôi có cây chạc chìu
hoa chạc chìu
Những trưa hè vào rừng hái củi
Hương chạc chìu thầm thơm bên vai
 
Cây chạc chìu
hoa chạc chìu
Như người gái quê tôi
Thơm rất nhẹ mà hương rất lâu
Cánh bé nhỏ mà duyên rất bền
Nâng bước chân trưa hè
 
Nửa đời người tôi về phố thị
Mãi quen hoa lan hoa huệ hoa hồng
Quên mất mồ hôi những trưa hè
Quên mất mùi hương những cánh chạc chìu
 
Cây chạc chìu
hoa chạc chìu
Như người gái quê xưa
Chịu khó chịu thương mộc mạc
Bây giờ nơi quê hương còn không
 Hà Nhật

Người viết thật lòng cám ơn nhà thơ Hà Nhật đã giúp cho tác giả về cái nguyên cớ tại sao tô đậm lời khen về Hương Chạc Chìu. Thưa bạn đọc, thì ra tác giả bài thơ này đã viết quá đúng về những gì người viết mô tả về HƯƠNG CHÌU. Thành thật cám ơn nhà thơ Hà Nhật ở xứ Quảng Bình, một nơi chẳng xa những đồi trung du Ái Tử bao nhiêu.

Phải thật lòng mà suy gẫm, những bài thơ về chạc chìu thì chỉ có những nhà thơ từng sống ở trung du hay gần gũi với thôn làng miền núi mới biết. Từ biết hay có nhiều lần thấy được mấy bụi chạc chìu và nhất là mùa nó ra hoa mới cảm nhận hương thơm chạc chìu và "tức cảnh sinh tình". Cho đến khi thi sĩ miền quê rời nơi thôn dã về nơi phố thị cũng khó lòng quên được một loài hương.

Tác giả viết ra như vậy cũng ngầm ý rằng ắt hẳn những thi sĩ sinh ra cùng lớn lên nơi phồn hoa đô hội thì làm sao biết hay "thưởng thức"  được  mùi thơm chạc chìu ra sao để sáng tác ra những bài thơ chân thật trên. Người viết lại xin mạn phép trích đăng một bài thơ nữa của nhà thơ Đặng Triệu Phong,có gốc gác Quảng Trị 

HOA CHẠC CHÌU
Cho anh chút chỉu chìu chiu.
Anh bứt dây chìu bó củi cho em.
Nếu tuổi thơ tôi không đi chăn bò.
Thì làm sao vượt được dốc Cồn Kho vào Rú Trấm
Làm sao biết hái củi sim bó bằng dây chạc chìu xanh thẩm
và làm sao thấy được một màu tím nép mình trong bờ gai bụi rậm
ơi hoa chạc chìu, hoa chạc chìu
Màu hoa mong manh nhuộm hồn tôi tím ngắt.
Những bó củi sim. Những con bò đeo lục lạc
Mùa đông Quảng Trị tấm áo tơi đan bằng lá kè
và màu màu tím hoa chạc chìu lạnh buốt tuổi thơ tôi!
Tuổi thơ chập chờn. Tuổi thơ nghèo đói
Tuổi thơ lạnh lùng. Tuổi thơ vang dội
Tôi ôm vào lòng tuổi thơ ấy ra đi
Mỗi người đều có một thời trẻ dại để phân ly.
Những đứa trẻ chăn bò lớn lên trở thành người khác
Tôi trở thành kẻ mất em
Vĩnh viễn mất em
Như giọt mưa trên hoang mạc
Tôi hát với hoa trong suốt cuộc kiếm tìm
ơi hoa chạc chìu, hoa chạc chìu
Dây chạc chìu khô giữ nổi bó củi sim
Thì tím làm chi những chiều gió nổi?
Tôi trầm mình trong niềm hoang vu mong đợi.
Còn nhớ đến tôi dây chạc chìu hãy cứ xanh
Hãy cứ xanh dù mối tình đã lỡ.
Hoa chạc chìu, hoa chạc chìu ơi!...
(Đặng Triệu Phong)

Chuyện tình bài thơ trên thật cảm động và mộc mạc biết bao. Tình cảm thuần phát và nguyên sơ bình dị chẳng khác chi cây chạc chìu nơi đồng quê thôn dã. Người viết xin tạm gác qua nội dung tình cảm của thi sĩ họ Đặng nhưng không quên cám ơn về những ý nghĩa vật lý  của bài thơ Hoa Chạc Chìu trên như "bứt, bó..."  trên nó sẽ minh chứng giúp cho người viết trong phần dưới...

SUY ĐOÁN RA SAO VỀ HAI TIẾNG CHẠC CHÌU ?

Những ngày trong trại, người tù binh như chúng tôi thường dùng thân dây chạc chìu để cột những bó củi từ các đồi càn trung du về trại. Lên rừng đốn cây, dây leo trên rừng nhiều thứ nên chúng tôi ít dùng dây chạc chìu do có quá nhiều giăng mắc tha hồ lựa chọn. Thật ra, cây chạc chìu không thích hợp với rừng, chúng mọc nhiều ở các đồi càn ít cây, nhất là các bộng mối, chạc chìu mọc tốt, rậm rạp.

Suy đoán về hai chữ CHẠC và CHÌU 

Theo thiển ý người viết, có thể chữ CHẠC miền trung do có nghĩa là DÂY (hay SỢI ví dụ chạc địu là sợi thun)

Còn chữ CHÌU là gì thế ? có thể là CHÚN  thân dây, nương theo đúng một Chiều, dây chìu tơi ra, mềm và dai. Kinh nghiệm cột- bó dây Chạc Chìu sau khi đã CHÚN làm cho thân tơi và mềm ra, nhưng phải xoắn theo một hướng nhất định thì dây chìu mới khỏi gãy, lúc bó.

Thân chạc chìu nào to quá, ngón tay CHÚN không được, chúng tôi dùng cán rựa đập cho mềm thân ra trước khi CHÚN. "Kỹ thuật" CHÚN thân dây Chạc Chìu quan trọng ở vòng GÚT (thắt) cuối cùng lúc bó cây, nếu không nó sẽ bị gãy nữa chừng. 

Khổ làm sao khi người tù gánh củi về trại, sợi dây đang bó bị đứt giữa đường. Kinh nghiệm nên chúng tôi lúc nào cũng kiếm thêm một vài vòng Chạc Chìu "dự phòng" móc vào gánh củi.





***

                        HOA SIM VÀ TRÁI

    Một hương thơm của loài hoa hoang dại, nhưng đó là một kỷ niệm "dấu yêu" vào những năm tù tội. Cùng với hoa sim, hoa mua, bướm bạc... đẹp làm sao hình ảnh những đồi sim chín rộ.  Đó là lúc người tù binh có những mớ sim chín mọng giúp qua cơn đói trong lòng.

          hoa sim trâu (sim MUA) trái không ăn được

    Chạc Chìu giúp tù bó củi, hương chạc chìu như an ủi phận tù. Chút nào khoan khoái quên đời  trong phút chốc nào đó, ngày xưa.

    Màu tím hoa sim đẹp làm sao. Hoa sim không hương nhưng có sắc. Có điều người tù không quên bao trái sim chín mọng, qua cơn đói lòng. Còn nhiều thứ nữa, tù nhớ lắm chứ ...thế  mà đã 50 năm qua.

    Hôm nay tôi viết cho người, tôi viết cho tôi. Quá khứ đúng nửa thế kỷ qua đi chẳng khác gì giấc mộng nhưng là sự thật. Thế gian lắm chuyện bon chen hay  thay đổi tang thương đau khổ. Chút hương xưa từng an ủi bao người thua cuộc, ngày tháng đó xa rồi./.

edited by ĐHL 

19/4/2025

HOA NHÀ 21/4/2025