Friday, December 30, 2011

ĐÒ LÊN BA LÒNG



nguồn sông Thạch Hãn - Dakrong


Tựa: Tuổi ấu thơ trong trí óc trẻ con ngập tràn bao câu chuyện thần tiên cùng những ước mơ thần thoại, là khoảng thời gian êm đềm nhất trong đời. Đố ai ngược được thời gian trở về lại quá khứ - rồi xin một lần "thôi lớn khôn thêm"! để mộng mơ với những gì nhỏ dại nhất trong đời. Thôi, ta hãy chịu thua với thời gian ; họa chăng là cố gắng góp nhặt lại những mảnh vụn ký ức, chắp kết thành mẫu chuyện nào đó làm hành trang cuối nẽo đường đời .Đinh hoa Lư cuối năm 2011


Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
Theo gió tiếng đàn xao xuyến
Thiên Thai(Văn Cao)



Tôi cứ lần lửa hẹn mãi trong lòng rằng phải viết lại những hình ảnh cùng ký ức của tôi một thời nhỏ dại. Một thời tôi là thằng bé cứ lon ton theo chân ba tôi ngay khi người phục vụ tại Ba Lòng nơi thâm sơn cùng cốc . Tôi nhớ vào năm em gái thứ hai tôi sinh ra đời, mạ tôi bận bịu với em tôi và đây là cái cớ cho ba tôi dắt tôi đi xa.

THÀNH PHỐ CỦA TUỔI THƠ

Trước khi ký ức về Ba lòng tôi phải nhớ về những gì của thành phố Quảng trị vào lúc mà tôi phải tạm xa. Làm sao tôi quên được những quán sách thân quen hai bên con phố chính Trần hưng Đạo: Lương giang , Sáng tạo; đi về ngã tư có quán Tùng Sơn rẽ vào phía chợ có quán sách Văn Hóa. Xuôi về dưới này là Tao Đàn quán sách thân thiện nhất với tôi vì thuận đường về nhà .

Hồi này tôi quen dùng chữ ‘quán’ thay thế ‘hiệu sách’ , ‘tiệm sách’. Người QT hồi này hay nói quán sách chứ không nói tiệm sách, ngoại trừ tiệm ăn Nhuận Ký, tiệm may Thiện Thành v v giống như trong khai sinh của tôi có khi lại dùng thôn thay phường chẳng hạn.

Thuở này tôi là khách hàng thân quen nhất hay lui tới mê mẫn với mấy cuốn truyện tranh mỏng giá một hay hai đồng . Mỗi lần mua được cuốn truyện tranh về nhà là tôi ngấu nghiến đọc. Tôi thả hồn theo trí tưởng tượng của mình nghĩ về những 'tiên ông, tiên bà' thường sống trong những vùng núi non hùng vĩ, mây nước chập chùng, những thác động âm u huyền bí sắc màu huyền ảo .

Ngày ngày cắp vở đến Trường Nam Tiểu học hay cả khi còn lớp vỡ lòng với Thầy BỒi vì hương sư khả kính, mái trường tư đầu đời của tôi người dạy trong nhà gần chùa Tỉnh Hội. Tôi hay ngó lên dãy Trường sơn xanh thẩm xa xa. Trong trí óc ngây ngô tôi mường tượng trong dãy núi chập chùng hướng Tây Bắc đó là thế giới khác , thế giới của thần tiên của huyền thoại thôi; và tôi cứ thắc mắc cái gì "trên nớ hỉ ?"
Thế mà tôi lại có dịp đi với ba tôi lên trên nớ! cái dịp ngàn năm, và như là huyền thoại ...

ĐÒ LÊN BA LÒNG

Trời còn tối nhưng ba tôi và tôi cùng hai chú làm việc với ba tôi đã tới bến đò cuối con đường Gia Long bên chợ Tỉnh . Giã từ ngọn đèn đường vàng vọt gần cuối đường Quang trung, người cảnh sát tan ca gác cuối cùng gần chợ chào hỏi nhóm người của ba tôi vài ba câu chuyện gì đó.Trong ánh sao khuya bác lái đò hình như đã hẹn sẵn lúc nào, ai nấy cũng sẵn sàng cho cuộc hành trình hẹn trước. Chuyến đò này dành riêng cho chi CA của ba tôi trực chỉ lên hướng ngược dòng sông thạch hãn .


Mái chèo khua nước trong đêm khuya , tôi ngồi thu mình trong khoang đò bên ngọn đèn lù mù nghe tiếng nước róc rách bên ngoài tưởng tựong con thuyền nhè nhẹ lướt đi trong màn đêm dần dà về sáng .

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời

(Thiên Thai)

Ngủ thiếp đi khi nào không hay, chợt tỉnh giấc thì con đò đã chèo qua Cầu Ga không biết khi nào. tôi nghe tiếng ông lái đò loáng thoáng rằng đò mới qua An Đôn Như Lệ thôi. Nhìn lên trên bờ sông còn có chiếc xe GMC nhà binh nào đó chạy vụt qua. Qua khúc quanh của Trấm những địa danh các chú râm ran nói chuyện trên đò tôi mới biết. Và con sông chừng như hẹp lại. Nước cạn dần, mùa khô có đoạn đò chạm đáy không chèo được thế là tất cả mọi người hè nhau xuống đẩy.

Tôi thì được ưu tiên ngồi lại trong đò; tiếng hò lơi của ba tôi và mấy chú thi nhau rầm rập cố đẩy con thuyền qua đoạn cát bồi . Tôi vói tay ra khe hở bên mái vòm con đò, khuấy vào làn nước trong leo lẻo đang đi ngược về phía sau . Nước trong lộ rõ cả làn cát trắng dưới đáy sông .

BÃI CÁT VÀNG


Trời gần trưa con đò được nghỉ gần một khúc quanh sông. Bãi cát vàng bồi lên cạnh khúc lượn của con sông không biết lúc nào . Tôi được rời đò lên chơi trên bãi cát tinh khiết và quý báu này. Trong kia là khu rừng yên lặng, một không gian huyền bí đối với tôi từ lúc sinh ra đến giờ mới thấy. Rừng trong đó thâm u ,ngoại trừ đôi ba tiếng con gì đó kêu rời rạc. Tôi chạy theo con lạch nhỏ xíu chảy ra sông từ trong khu rừng bí ẩn kia. Con lạch nước trong ngần lượn lờ uốn khúc giữa bãi cát vàng, làn nước óng ánh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Tôi tha hồ chạy theo con suối nhỏ này cho đến khi nó nhập vào giòng sông mẹ .

Một cảm giác vừa lo sợ vừa phiêu lưu mạo hiểm trong tôi; giữa bãi cát vàng lại ngó vô khu rừng tiếp giáp với núi cao. Không biết trong đó có gì ? Có những hang động thâm u và những ông tiên ông bụt không? Có tiếng kêu tôi về đò, tôi sẽ còn đi nữa ,theo đò ngược giòng Thạch Hãn vào tận những gì bí mật của núi rừng phía trên kia đầu nguồn con sông chảy về hạ lưu dưới kia là Quảng trị thành phố thân yêu của thằng bé như tôi .


Trời gần trưa con đò được nghỉ gần một khúc quanh sông. Bãi cát vàng bồi lên cạnh khúc lượn của con sông không biết lúc nào ...
[nhờ vào Google tôi đã tìm ra khúc sông cũ có bãi cát vàng -đánh dấu mũi tên màu đỏ- mà con đò của tôi đã ghé lại ]

BỮA CHÁO CÁ TRÔI

Càng ngược giòng, sông càng hẹp, có lúc rừng càng sát lại với con đò. Vách núi hai bên lại càng cao lên tôi phải ngẩng đầu lên để nhìn . Có mấy con rạch chảy ra nước cuộn sóng. Con đò có lúc đi giữa hẽm núi, vài gốc cây vươn mình ra sông . Chợt đò dừng lại gần một vũng sâu nhất. Tôi nghe tiếng ba tôi và mấy chú đi theo lao xao trước mũi đò một lúc sau một cột nước vọt lên cao từ cái vũng sâu kèm theo tiếng "ùm" rúng động khoảnh núi yên tĩnh. Thì ra mấy người đang đánh cá ở đây.


những cành phong lan lơ lững trên cây cao
[ hình tượng trưng ]

Hai con cá hình dạng con cá gáy rất lớn màu trắng bạc óng ánh ,có vãy lơn vi vàng hươm, được hai chú lặn đem lên trên khoang đò. Suốt đời tôi chưa bao giờ thấy loại cá đầu nguồn sông lớn đến như vậy ! Tôi còn nhớ ba tôi gọi nó là cá TRÔI; mỗi con phải nặng gần 10 ký. Cái tên cá TRÔI làm tôi thắc mãi sau này.

Hai con cá khổng lồ được ông lái đò phụ làm, những chiếc vảy tròn, trắng óng ánh bị cạo tơi ra. Mọi người sửa soạn bữa cháo cá nấu ngay trên đò. Chú Đệ, nhảy lên bậc đá cạnh con đò đang neo lại, chú lẫn vào trong những tàng cây bên vách núi. Một giờ sau khi bữa cháo cá trên đò đã nấu xong chú Đệ trở về, một tay cầm cây súng một tay xách buồng cau xanh ngắt. Tôi cứ thắc mắc mãi trong lòng: làm sao trong rừng xanh lại có cau được ? hay là cau rừng? Cau chỉ có dưới đồng bằng trong mấy xóm Thạch Hãn hay Trí bưu, Hạnh hoa ,ngả ba về Quy thiện như tôi hay thấy thôi. Sau này tôi mới biết sau rặng núi kia là những bản làng họ có trồng cau như mình. Cả đò ăn bữa cháo cá trôi tươi rói lấy sức tiếp tục hành trình vì cũng gần đến Ba Lòng rồi, tôi nghe phảng phất ông lái đò bảo vậy.

BẾN ĐÁ NỔI

Trời đã về chiều, núi rừng chuyển qua màu đen nhạt. Con đò vẫn nhịp nhàng khua mái ngược giòng . Mùa khô nước không chảy mạnh nên đò tôi đi nhẹ nhàng hơn. Lúc này tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại chọn mùa khô để lên lại vùng này. Vài cây khô còn vướng lại bên bờ sau mùa lũ trước như không muốn rời xa quê hương hùng vĩ của chúng. Con đò có lúc lại sát rừng đến nỗi tôi còn thấy vài loại cây phong lan lơ lửng trên mấy nhánh cây cao. Có tiếng chim kêu lanh lảnh lạ tai tôi chưa hề nghe, âm vang dội vào vách núi phụ họa thêm cho bản nhạc rừng về chiều.Vài con bìm bịp thoáng bay qua mấy bụi lách đầu nguồn của mấy nhánh khe đang tuôn vào giòng sông nhỏ hẹp nước đập vào vài mõm đá trắng xóa.

-Đến rồi !

Ai nấy đều reo lên. Đò đến nơi, Bến Đá Nổi thì đã xế chiều . Nơi con đò cặp vào , một bãi đá thiên nhiên lớp lớp muôn triệu viên đá tròn nhẵn thín, có viên to gần đầu người . Một sự mài dũa thiên tạo tạo nơi này có tên Đá Nổi, món quà quý giá trời cho tặng cho đầu nguồn giòng sông Thạch Hãn. Tôi xuống thuyền vừa theo ba tôi và mấy chú , chần bước rào rạo trên thảm đá lạ lùng mà tôi mục kích đầu tiên trong đời. Giờ địa danh này không biết còn tên không và muôn triệu viên đá tròn trịa bóng nhẵn năm xưa đó không biết còn không?

BA LÒNG - THUNG LŨNG THẦN TIÊN

[ hình tượng trưng ]

Tôi vào làng,nói đúng hơn là vào thung lũng Ba Lòng thì trời đã nhá nhem tối . Cho đến sáng hôm sau thức dậy mới nhận chân ra đây là khoảng trời mở rộng cho đầu nguồn sông Thạch .

Một thế giới thần tiên như trong ảo mộng nhưng lại hiện thực cho tôi ngày xưa ấy.
Những liếp nhà tranh ẩn hiện trong làn sương mờ buổi sáng; nơi đây là cả một thế giới khác một vùng cư dân lên đây lập nghiệp hồi nào mà tôi không thể ngờ ra . Tôi đã có dịp rong chơi và ngắm một thung lũng rộng mênh mông, một vùng đất hứa trù phú cho mấy rẫy bắp xanh tươi,bông bắp rung rinh theo làn gió lan truyền mãi tận xa tít, hết cả tầm mắt của tôi.

[ hình tượng trưng ]

Tôi làm sao quên được mấy nồi bắp tươi nấu xong thơm phức, mùi bắp nếp lan tỏa khắp nơi trong mùa thu hoạch . Những nồi thịt heo rừng chú Đề, tay thiện xạ chú nấu với lá lốt rừng. Những con gà rừng cũng không thoát khỏi bàn tay thiện nghệ của chú ấy .

Ngày tháng vui chơi trên vùng đất mới có khi tôi tưởng mình đang ở "xứ thần tiên" như trong mấy cuốn truyện tranh của tôi đang cất dưới nhà thật .

Núi rừng trùng điệp bao quanh một vùng đất đìu hiu, xóm làng mịt mờ trong khói núi sương chiều. Tôi như thể bị tách biệt hẳn thế giới con người vì đây là một thế giới của chim kêu vượn hú của mây che bàng bạc , mờ ảo cả lối về .
Một thời gian tôi bỗng nhớ nhà. Quảng trị - thành phố thân yêu dưới xa, bên kia triền núi xanh lam mờ mịt . Cả nhà tôi - mẹ và em tôi dưới đó chắc đợi tin tôi về.



Nhớ quê chiều nào xa khơi
Chắc không đường về Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?

Tuổi nhỏ hay nhớ nhà. Tôi lại có một thứ cảm giác bâng khuâng lưu luyến như 'Lưu Nguyễn ,Từ Thức nhớ trần gian' trong truyện tôi đọc vậy! Rồi trước sau gì tôi cũng phải theo con đò xuôi giòng sông Thạch về lại "cõi trần "- dưới kia là thành phố nhỏ bé Quảng trị đang đợi tôi, đứa bé trở về từ ' 'xứ thần tiên' .


Đinh trọng Phúc chớm Đông 2010

Wednesday, December 28, 2011

Havard chân trời mở rộng




HARVARD MEDICAL SCHOOL




Viết cho con trai của Ba Mẹ, Thế là mộng ứơc của con và giấc mơ của Ba - Mẹ đã trở thành hiện thực. Đại học Havard là một danh từ hay có thể là một "MỸ Từ" mà toàn thể gia đình chúng ta chỉ biết qua sách vở . Những chữ đó là những gì ngoài tầm với và chúng ta chỉ có quyền mơ thôi và đôi khi chúng ta tưởng chừng là Huyền Thoại !
Thật sự Ba Mẹ không ngờ, hoàn toàn bất ngờ, vì con đã đem lại cho gia đình cho BA Mẹ môt một niềm vui quá lớn. Niềm vui này đã làm ba choáng ngợp : cánh chim bằng của con đã cất cánh bay tới đó, ĐẠI HỌC Y KHOA HARVARD .

Trường đại học Harvard một đại học tư thục có tầm vóc hàng đầu thế giới đã chính thức nhận con vào sau một cuộc bình chọn gay go của ban giám hiệu trường với sác xuất cực kỳ nhỏ bé 3 phần ngàn cùng với HỌC BỔNG ĐẶC BIỆT(SPECIAL SCHOLARSHIP) 250,000 đô la cho kinh phí 5 năm hậu đại học.Hai cái may mắn ngoài tầm với của gia đình của BA Mẹ- HARVARD & SPECIAL SCHOLARSHIP- của bà con chúng ta thế mà ba không ngờ cánh chim của con đã bay được tới và đã dám thách đố với thân phận bay vụt qua ranh giới của ước mơ. Ba Mẹ thành thật cám ơn lòng kiên trì và tính chịu đựng trong học tập của con. Ba cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã chấp cánh cho con, đội ơn trời phật cùng uy linh giòng họ đã phò độ cho con . Trong email của chú BÌNH con có đọc dòng chữ chân tình của chú không con : Chúc mừng cháu Khang đã nhận được học bổng sau đại học. Cháu hãy học thật tốt, không chỉ cho cháu mà cả cho ba cháu, cho chú và cả cho những người khác đã không được học ... Cháu hãy học thật tốt để sau này giúp được cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo, những người chịu bất công. Vẫn còn rất nhiều người đau khổ và bệnh tật đang cần sự giúp đở. Khi cháu cứu giúp mọi người chính là cháu đã làm vinh danh dòng họ của mình. Thân ái.

vâng tuy vài dòng ngắn ngũi nhưng chú đã viết rất đúng. Con đường con đang đi và đang tới là con đường cứu người vì "còn rất nhiều người đau khổ và bệnh tật đang cần sự giúp đở." và cái đích cuối cùng không phải vinh thân phì da mà là cứu khổ cũng từ đó dòng họ chúng ta sẽ vinh hiển lây từ cố gắng vượt bực của con. Trong bài essay viết về lịch sử gia đình con đã cố nhớ lại chuỗi ngày cực khổ ở quê nhà một vùng đất rẫy cơm không đủ ăn áo không đủ mặc và ước mơ cháy bỏng của ba những ngày còn mang áo thư sinh dưới vùng trời QUẢNG TRỊ--

Ba của con đã từng mơ về màu áo sinh viên dưới mái trường đại học y khoa Huế . Và tất cả chỉ là ước mơ thôi! biến thiên lịch sử đã đổi thay bao nhiêu hoài vọng của bà con Quảng trị mình trong đó có ba . Đọc bài tự sự của con chị con đã rơi nước mắt chỉ nói thoáng qua cho gia đình vì tôn trọng tính riêng tư của con.

Ba Mẹ chính thức khen ngợi con vì chỉ trong 6 tháng đã lấy xong bằng thạc sĩ và trước đây mới vào đại học Stanford 2 năm sau con đã thi xong MCAT với thứ hạng cao để dự trù cho việc nạp đơn vào Harvard như hôm nay. Con đã có quá nhiều lựa chọn vì ngoài Harvard, hai trường y khoa khác UC San Francisco và Stanford cùng một lúc đã thu nhận con vào trong niên khóa này. Chính có quá nhiều may mắn và ưu đãi cũng là điều ba mẹ lo lắng vì nó dễ phát sinh ra lòng kiêu hãnh cùng tự mãn, chính đó là những yếu tố tiêu cực, kẻ thù của sự thành công của con người. Dù vào trường hợp nào, đức tính khiêm tốn là yếu tố cần thiết cho hạnh kiểm cá nhân để đi đến thành công, và phục vụ xã hội là cứu cánh cho người trí thức nghe con. Mom -Dad at Harvard Medical School

  Ngày 16 tháng 8 tới ,kỳ lạ thay lại trùng vào ngày sinh nhật của BA con sẽ được LÀM LỄ MẶC ÁO - chính thức vào trường tại Boston, tiểu bang Massachusetts. Ba Mẹ sẽ qua đó để chứng kiến phút vinh dự này. Món quà quý báu của số phận, của gắng công bền chí đã trao tận tay con rồi đó ; năm năm hay mười năm tới còn bao nhiêu thử thách đang đón chờ con; con hãy kiên trì và cố gắng với quyết tâm tuyệt vời nhất hỡi người con trai của ba - Mẹ, người chiên sĩ trong mặt trận giáo dục.

cám ơn con lần nữa Ba Mẹ của con San Jose CA , June 6th 2011

Dinh Khang doc dien van tai Stanford bioengineering department
https://picasaweb.google.com/lh/photo/15njx4CxbcYJDevas2tfAw?feat=directlink

************************************************** ********************


Đinh Khang nhận bằng thạc sĩ KHOA CƠ SINH (BIOENGINEERING) đại học Stanford - California 13 tháng 6, 2011 (khang is standing among his Mom, oldest brother, and youngest sister)




************************************************** **************************




WHITE COAT CEREMONY Lễ CHOÀNG ÁO HARVARD -BOSTON , MA

Dr. John Warren founded Harvard founder of Harvard Medical School




Lại một niềm hảnh diện dâng trào nếu ba muốn vứt đi mặc cảm rằng tự cao vì đây là sự thật, dù sự thật nào chăng nữa . Trong 5435 ứng viên nạp đơn vào đại họcy khoa Harvard khóa 2011-2015 chỉ có 845 hồ sơ được phỏng vấn . Và cuối cùng chỉ có 165 ứng viên được thu nhận, tỷ lệ là 165/5435 tức là 3 phần trăm - một tỷ lệ hết sức nhỏ bé. Đó là chưa kể tỷ lệ 3 phần ngàn cho thành phần có học bổng cho hậu đại học như con . Còn nữa! con đã làm hãnh diện cho người VN nói chung cùng quê hương ba mẹ nói riêng vì con là người VN duy nhất trong khóa này .

Đây là lý do tại sao ba mẹ không tìm ra được ngừơi VN nào trong buổi lễ CHOÀNG ÁO này. Từ niềm tự hào này ba mẹ và gia đình thầm đội ơn trời phật cùng tổ tiên chúng ta và nhất là nổ lực vô cùng lớn lao của con. Nhưng từ niềm sung sướng vô biên trên, ba mẹ cùng thương con rất nhiều cho chuỗi ngày phấn đấu học tập làm việc vô cùng gian khổ trước mắt con. Việt Nam có câu ' có công mài sắt, có ngày nên kim' hay Người Pháp có câu: MUỐN LÀ ĐƯỢC !"VOULOIR, C'EST POURVOIR" Thành quả nào cũng có cái giá của nó! gắng lên con ơi, Đinh Khang, đừng bao giờ nản chí.





youtube và hình ảnh tại Harvard 16 tháng 8 năm 2011 Ba Mẹ và em Viên của Khang bay qua Boston MA đến dự lễ CHOÀNG ÁO cho khang ngày 16 tháng 8 2011 sinh nhật của ba Khang BẾN CẢNG BOSTON

Saturday, December 24, 2011

NGƯỜI CON DÂU TRỞ VỀ THEO LỜI KHẤN NGUYỆN





NGƯỜI CON DÂU TRỞ VỀ THEO LỜI KHẤN NGUYỆN


Xây lăng quê Nội Truồi việc thứ nhất

Thế là ngày 2 tháng 8 năm 1995 gia đình con đến Mỹ . Nhờ vào sự chắt chiu dành dụm của vợ con Trần thị túy Huệ , người con dâu mà Ba ưng ý lúc sanh tiền.
sau khi trả hết nợ nần qua năm 1996 chúng con lo xong chuyện Lăng Mộ cho Ông Mệ ngoài làng đúng như lời khấn của con trước mộ Ôn Mệ lúc ra Trung lo giấy tờ 1991 .



gia đình chú Tương (thím Luông ) trước lăng Ông Nội khánh thành 1996

gia đình chú trước lăng Mệ( khánh thành 1996)

Con thực hiện điều này trước cũng muốn cho Ba vui lòng vì khi sinh tiền Ba không làm nỗi mà chỉ ấp ủ trong lòng thôi . Nguyên uỷ là do cái nghèo mà BA đành im lặng .

thế là sau khi chú Thịnh ra Truồi nhận trách nhiệm đem tiền bạc cho chú lo liệu và lăng Ông Mệ đã hoàn thành chính thức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch năm Bính Tý 1996 tức là ngày 7 tháng 8 năm 1996 dương lịch. Chú Tương có nhắn gữi rằng chú xây bình phong trước lăng đề chữ PHÚC để khéo léo ghi nhớ công lao vợ chồng con vì theo lệ thường trong bia chí dĩ nhiên phải đề tên phụng lập ưu tiên là hai mẹ của con là phận dâu trưởng rồi theo thứ tự là chú thứ nam và đồng con cháu cho hợp đạo lý tôn ti .
******************************************************************************
VIDEO NGAY KHANH THANH LANG MO CUA BA NAM 1999

THỨ 2 : THỰC HIỆN TÂM NGUYỆN XÂY LĂNG CHO BA ĐÚNG BA NĂM SAU KHI CHÚNG CON RA ĐI

Chúng con canh cánh bên lòng chuyện trả hiếu cho Ba . Thế là đúng 3 năm như lòng tâm nguyện của vợ con đã trở về laị thôn Động Đền Hàm tân xây lăng cho Ba và tạ ơn xóm làng .

Dâu của Ba đã về xây lăng cho Ba sau 3 năm giả từ quê hương (ngày 9 tháng 5 năm 1999)

Ngày vợ con về chỉ đem theo con gái út là Đinh thị Lâm Thư khi sinh ra mấy tháng còn cơ may đươc Ba gặp mặt và cháu được Ba cầm tay nhắc nhở .

Bà con đều có mặt rất đông . Ngoài làng có chú Tương vô và làm chủ lễ. O Hương con dì Nhỏ Đông hà cũng vô, Cam ranh , Phan thiết đều vô . Sài gòn vợ chồng O Hoà và Dũng cùng 2 cháu Thảo Cường cũng ra. Thương con chú Tương ở Long khánh đều ra. Bên ngoại con Cậu Hoa và Dì Thừa và anh em ngoaị con từ Trị an Bà Rịa đều về đông .Bên vợ con có mặt đông đúc để mừng cho vợ chồng con tròn đẹp đều ước nguyên là hoàn thành chữ hiếu và đạo làm dâu .

Bạn hữu xóm giềng ai cũng tới . Chú Tương thay mặt chị dâu là Mạ con , đứng cạnh nhạc phụ con và cậu Hoa con nói lên tiếng nói tri ân xóm giềng làng nước . Xong việc lăng Ba ai cũng khen cũng cảm động hết .



xã Tân Thiện, Hàm tân B. Thuận
Ngaỳ khánh thành lăng Ba 9/5/1999 DL
Mạ con và vợ con , 2 mẹ con O Hiệp (út Tý) và chú Tương –đứng sau lưng vợ con là O Hương từ Đông hà vô


xong việc thì thân thích ai ai cũng được vợ con biếu một số tiền làm quà tái ngộ. Cái đáng quý là số tiền này kết tinh từ sự dành dụm vén xéo trong ngoài của vợ con mà thành . Chúng con ra đi tuy chưa thành đạt như bạn bè nhưng không bao giờ quên cái lòng hiếu để làm đầu . Xứ lạ quê người không bao giớ đua đòi hưởng thụ mà luôn luôn nghĩ đến tổ tông ông bà và cha mẹ . Đó là niềm trăn trở mà chúng con ngày đêm hằng tâm niệm .

Xong việc xây lăng chú Tương cũng nhắn vào trong phim gởi qua Mỹ chú rất khen ngợi tấm lòng hiếu thảo của vợ con .

Ly hương không ly tổ, mặc dầu đã quá 10 năm viễn xứ nhưng vợ chồng con hằng nhắc nhở con cái luôn luôn nhớ đến tổ tiên ông bà ; nhất là cố gắng chăm lo học hành làm sao sau này rạng rỡ tổ tông .

Có lăng miếu tôn nghiêm cũng là dịp cho con cháu Ba tại quê hương thứ 2 Bình Tuy sau này là tỉnh Bình Thuận tụ hội mỗi dịp ngày đơm tháng kỵ đến .


O Tâm cùng các cháu đứng trước lăng mới của Ba trong dịp tết về


YEAR 2000: TU SỬA TỪ ĐƯỜNG NGOÀI QUÊ TRUỒI


Sau dịp Thanh Minh tu sửa mộ phấn tổ tiên , khang trang lại bàn thờ chú Tương đứng với em Ái trươc bàn thờ tại Truồi 2000



bàn thờ Ông Mệ tại Truồi
Cây có cội nước có nguồn, thời gian như giòng sông Truồi trong xanh lững lờ ngày đêm trôi qua bến nước Xuân Lai . Giòng họ Đinh theo vận nước nổi trôi hiện nay đã thiên cư khắp chốn .

Tuy vậy, chốn Từ Đường thì phận con cháu chớ BAO GIỜ QUÊN LÃNG . Cũng như cây kia tuy nghìn nhánh mà đều phát nguyên từ một cội.

Bởi thế, cho nên lư hương bát nước con cháu phải lo , thứ bậc tuổi tên chớ nên xao lãng – vì sao vậy ?

- Vì KHÔNG CÓ MẢ ĐỐ Ả LÀM NÊN

Lời xưa đã dạy rành rành, bổn phận con cháu ai ai cũng phải nhất tề gánh vác .

Hôm nay nơi chốn viễn phương , một lòng chúng con khấn nguyện Anh Linh Tiên Tổ , hương linh BA khôn thiêng phò trì gia hộ cho chúng con chân cứng đá mềm thập phần chu toàn bao niềm ước nguyện .

Lòng thành chấp bút , khẩn xin ơn trên giòng họ Đinh Trọng gia độ cho con cháu công thành danh toại, sáng lạng tương lai, làm đẹp mặt rạng danh giống nòi .


San Jose California, Hoa kỳ
Ngày rằm tháng chạp năm Ất Dậu 2005
(ngày 14 tháng 1 năm 2006 DL)

Thứ Nam Đinh trọng Phúc
bút hiệu ĐINH HOA LƯ

Friday, December 23, 2011

HỒI KÝ GIA ĐÌNH : BA TÔI và QUÊ HƯƠNG


Lời tựa: thời gian như bóng câu qua cửa sổ, mới đó mà Ba đã ra đi hơn mười một thu rồi. Hôm nay nơi xứ người ngàn trùng xa cách con chợt nhớ đến Ba, nhớ đến những ngày đói khổ nơi quê hương yêu dấu. Ba hỡi, khi nhớ đến Ba con không cầm được nước mằt. Giờ đây chén cơm đã đầy, áo măc đã thừa thì Ba đã khuất núi từ thuở nào. Nhớ ngày xưa Ba con mình khoai sắn có nhau thế mà giờ đây con chỉ có thể trả hiếu cho Ba bằng những dòng hồi ký này thôi, bằng những dòng chữ do công ơn Ba Mẹ cho con ăn học mà thành. Con thành tâm cố gắng lục lọi lại trong tiềm thức những ký ức và hoài niệm mong một mục đích vẽ lại cuộc đời Ba cho con cho cháu thấy và âu cũng là gặp lại Ba vậy.
San Jose January 11th 2006 Thứ nam Đinh trọng Phúc

Núi Truồi ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu..

Bắt nguồn giữa hai đỉnh núi cao là Bạch Mã(1448 m) và động Truồi (1170m) sông Truồi lượn lờ uốn khúc nhiều đoạn rồi xuyên qua cầu Truồi, êm ả đi qua mấy thôn Xuân Lai, Bàng môn xuôi vể hạ lưu mà đổ vào đầm Cầu Hai. Mùa hè khách đi qua cầu Truồi khi ghé mặt ngó về hạ lưu phía tả ngạn sẽ thấy ngay cây phượng vĩ đỏ ối che rợp cả một bến đò: đó là bến đò thôn Xuân lai, ngày ngày đưa khách qua lại bên kia là chợ Lộc Điền, bến đò đó ngày ngày đưa đón khách sang sông , bóng cây phượng vĩ tuổI cùng thế kỷ , cây phượng vĩ được gầy lên từ tay NỘI và bóng miếu kia in dấu chân và hương khói của cả đời Ông.

BẾN NƯỚC QUÊ TRUỒI

NHÂM TUẤT 1922 Ru con con ngủ cho muồi Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu Mua vôi chợ Quán chợ Cầu Mua cau Nam phổ mua trầu chợ Dinh… Tiếng ru con của Mệ đã đưa Ba êm ả chào đời tại thôn Xuân lai, cách Nam phổ cũng chẳng bao xa, lại càng gần bến nước sông Truồi trong trẽo lượn lờ theo dòng thời gian bất diệt. Giọng hò của Mệ, người con gái xứ Quãng ngãi của núi Ấn sông Trà đã theo ông chàng trai xứ Huế ra làm dâu quê Truồi cũng là quê hương của những chùm dâu ngọt lịm. giọng hò đó đã ru Ba khôn lớn và yên lành trong giấc ngũ để Mệ còn qua chuyền đò ngang kịp chuyến chợ chiều, tảo tần giúp chồng nuôi con. qua cầu ngã nón trông cầu cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu…Huế kinh thành hoa lệ cộng thêm ánh sáng văn minh vật chất của thực dân Pháp làm cho Huế thu hút bao nhiêu người từ quê lên kinh đô mưu cầu sự sống.

Cầu Tràng tiền, một món quà mà Pháp đã xây làm quà cho vua KhảI Định được dựng lên bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt của dân đinh, cầu càng xây thêm nhịp nào thì người vợ càng đợi tin chồng càng lâu chừng đó, vì đi làm sưu dịch cho Pháp là làm không công cho họ. Đó là lời Ba đã giải thích cho con được hiểu. Mới mười mấy tuổi Ba đã bôn ba lên Kinh đô Huế kiếm việc làm thuê, nào phụ tiệm may nào phụ thợ lò kem kinh thành hầu kiếm tiền về cho Nội. Lòng hiếu của Ba thương Mệ, chắt chiu từng đồng bạc lận trong áo Ba cố đi bộ theo đường xe lửa Ba về đến Truồi cho đỡ tốn tiền tàu để lấy tiền về cho Mệ. Cái thuở hàn vi ấy khi mà Mệ tảo tần hôm sớm,Ông thì chỉ may đôi ba cái áo xuyến kiểu xưa thì cảnh nhà làm sao ra khỏi cảnh chật vật được. Ba rất hiếu học trong làng chỉ có lớp 3 mà Pháp ngữ Ba đã giỏi lẳm rồi. Thế là Ba bắt đầu phóng tầm mắt xa hơn nữa dấn thân lưu lạc tha phương tìm sự nghiệp; Sài gòn hay phương nam đang lôi cuốn chàng thanh niên trẻ tuổi và người đó là BA.

VÀO NAM THẬP NIÊN 1940

BA 18 TUOI 18 tuồi

Ba bắt đầu ra đi tìm sự nghiệp Theo lời Ba thì mẹ của Ông NỘI là người hoàng phái nên Sài gòn có người bà con bên Mệ của Ba là Nhà in Tôn thất Lễ(cậu của Ông Nội) nên Ba đã dấn bước vào Sài gòn lúc tròn 18 tuổi. Bước chân giang hồ từ đó nhưng cũng giúp Ba mở mang trí óc được nhiều lắm, nhất là tiếng Pháp và tiếng Nhật. Đó là cái thuở Viêt nam vào thập niên 1940, trong Sài gòn lại có bà O con trước của Ông NỘI , O tên là Luyến(?). Bước chân viễn khách đưa đẫy cho Ba gặp Mạ đích của con lúc đó Mạ đang bán thuốc tây tại Đà lạt, đó là lời ba kể. Hồi này chuyện tình của Ba và Mạ cũng có phần trở ngại vì Mạ là gốc công giáo. Nhưng sóng gió nào cũng qua, Ba nhờ thông thạo Pháp và Nhật ngữ nên Ba Mạ về lại miền Trung cũng có việc làm. TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG THẬP NIÊN 1950 Trở lại quê Truồi, lúc này đã có chị Bích và chị Biên. Cố đô Huế với cầu Tràng tiền sáu vài mười hai nhịp ngang đây khi chiếc xích lô chở gấp chị Bích vào bệnh viện Huế nhưng chị cũng từ giã cõi đời vì bạo bệnh lúc mới lên mười(1952). Thời gian này Ba có lẽ đã ra làm Quãng trị và gia đình Mạ đã về Mỹ chánh gần quê ngoại của Mạ ở Ưu điềm. CHị Bích( Nhâm ngọ 1942) và chị Biên (Mậu Tý 1948) đều được sinh ra ở quê Truồi. Bước qua thập niên 1950 Ba ra làm việc Quãng trị cũng là lúc sinh anh Nghĩa (1952 Nhâm thìn) và cái số đào hoa ai xui ai khiến cho Ba gặp mạ đẻ của con và cuộc tình đó càng thắm thiết tại một vùng thơ mộng –Lăng cô nơi Phúc đã tượng hình, và khi nghe tin con được sinh ra ngoài Quảng trị Ba vừa may mắn thoát chết khi bị phục kích bằng mìn nên đặt tên Phúc cho con. Đến khi lên mấy tuổi con có dịp về thăm Lăng cô lại và đã ở lại nhà Bác Hai mấy ngày. Thời gian đó tuy còn nhỏ nhưng con không quên được món đặc sản sò huyết ở Lăng cô mà không nơi nào ngon bằng. Nào ăn sò huyết rồi lại ra ngồi chơi tại bãi cát sát ven bồi ven sóng nước tuy nhiên còn nhỏ nên con đâu dám lội xuống nước khi nào. Lăng Cô chân đèo HảI Vân nơi này hẹn hò của mốI tình lãng mạn giữa Ba và Mạ con và kết quả là có Phúc trên đờI Sau khi sinh O Mỹ (ất Mùi 1955) và O Tâm (Bính Thân 1956) thì Ba cũng làm lên được trưởng chi công an các quận ở tỉnh Quảng trị. Con còn nhớ khi còn nhỏ đã theo Ba lên tận quận Cam lộ khi ba làm trưởng chi trên đó rồi cho đến khi sinh o Hiệp( năm Kỷ Hợi 1959) con cũng theo Ba lên tận quận Ba lòng. Con còn nhớ hồi đó quận Ba lòng chưa mất, mỗI lần lên lại phải chèo đò đi theo giòng ngược lên hướng nguồn sông. Hai ba giờ sáng đò đã rời thị xã Quãng trị ngược lên hướng núi. Thời đó làm gì có máy để chạy đò, phải chèo hơn suốt một ngày đến năm sáu giờ chiều mới đến thôn Đá nổi gần Rà vịnh Ba lòng. Làm sao con quên được lúc chỉ là cậu bé non mười tuổi đi đâu cũng lẽo đẽo theo Ba. Thung lũng Ba lòng dân mình hồi đó trồng toàn bắp, mùa bắp đến con đâu quên được những nồi bắp bốc hương thơm ngát và con cũng không quên được cái tình cảm chan hòa phía bên Quận mỗi lần săn được gà và heo rừng cũng đều đem qua chia cho Chi công an của Ba cả. Sau khi O Hòa ra đời(canh Tý 1960) thì đến Tân Sửu 1961 em Đinh trọng Lĩnh cũng được sinh ra nhưng chỉ năm sáu tháng thì bị cơn động kinh vì quá sốt và qua đời tại bệnh viện Quãng trị(rạng mồng 1 tháng 10 ÂL 1961). Đám của Lĩnh gặp ơn Phật táng tại chùa Ái tử Quảng trị lúc mệ ngoại con tu ở đó và may mắn thay gặp lúc chư tăng đang mùa kiết hạ nên gặp rất đông đại đức hòa thượng ra tiếp dẫn. Đám của em Lĩnh lúc Ba đang về làm ở Đông hà. Đám xong thì ông NỘI từ Truồi mới ra kịp và chỉ thắp hương bên bàn thờ của em con tại nhà Ngoại của chúng con tại 127 đường Lê văn Duyệt thôn Đệ Tứ thị xã Quảng trị mà thôi. Con còn nhớ hình ảnh NộI vừa bước xuống chiếc xích lô vội chạy vội vô bàn thờ khóc ba tiếng và có trách rằng sao lại đặt tên em là Lĩnh sao không biết rằng đó là tên Húy của tổ tiên dòng họ Đinh( tức là ĐINH TIÊN HOÀNG ĐẾ-ĐINH BỘ LĨNH), có lẽ Nội tin rằng vì húy kỵ mà nhà mình bị tổ tiên quở cũng nên. Hồi đó Ba có giải thích rằng vì Mạ con tên là Mai mà tỉnh QT có ngọn Mai Lĩnh là cao nhất (núi Mai sông Hãn) nên Ba cao hứng mà đặt tên cho con trai chớ không về Truồi mà tra cứu cho kỹ càng trước khi đặt tên cho con trai mình.

Hai anh em Nghĩa và Phúc (chụp tại ảnh quán Lido Quảng trị khoảng năm 1960)

Hai năm sau Thịnh ra đời (Quý Mão 1963) thời gian này Ba tiếp tục làm tại Đông Hà, năm Ba có thêm chú Bình ở Mỹ chánh thì O Hương cũng sinh ra tại Đông hà Quảng trị (Giáp thìn 1964). Thế là con lại có thêm em gái (con dì Dỏ) người em gái ra đời tại thôn An Lạc bên giòng Miêu giang Đông hà Quảng trị. Con lại nhớ hè năm 1964 khi Ba đã vào làm tại chi công an HảI lăng. Lúc đó nhà mạ con cũng vào ở với Ba tại Chi. Con vẫn ở học tại nhà mệ Ngoại ở thôn Đệ tứ QTrị nhân dịp nghỉ hè vào Hải lăng chơi. Hè đó Dì DỎ sinh xong em Hương tại Đông hà, dì bồng Hương khi đó mới khoảng một hai tháng tuổi vào trả cho Ba tại chi công an Hải lăng. Mạ con vẫn săn sóc Hương, khi đó Thịnh lớn hơn Hương mấy tháng. Mái sau của Chi Công an Hải lăng nơi nhà mình tạm ở, trên cái đi văng Thịnh và Hương ngày ngày nằm sóng đôi còn mạ con thì lo chăm sóc. Nhưng chỉ vài ngày sau vì tình mẹ dì Dỏ từ Đông hà vào xin Hương lại và Dì nói lý do vì quá căng sữa. Chính cái số đào hoa của Ba làm cho Ba có nhiều anh em tuy khác mẹ nhưng vẫn thương nhau vì chỉ cùng chung huyết thống, chỉ tộI cho thân phận lạc loài như O Hương sinh ra thiếu vắng tình cảm của Ba cũng như bên NộI thì thật thiệt thòi cho Hương nhiều lắm. Ba có biết không, sau cái ngày sụp đổ 1975, một ngày con trong đoàn tù binh trên đường lên Cồn tiên Gio linh tăng gia sản xuất trên đường di chuyển khi dừng chân tạm nghỉ bên cầu Đông HÀ gần thôn An lạc, con đã gặp được o Hương. Hương khi đó là một em bé lạc loài tay đang nách một mẹt bánh mỳ bán cho khách khi xe dừng. Có người quen bên đường, O Dung bạn Mạ con ngườI cùng thôn đệ tứ đã nhìn ra con và o Dung liền chỉ cho Hương nói rằng anh của con đó. Thế là Hương quên cả sợ liên hệ với tù binh mà chạy òa đến bên con, tình huyết thống sao mà thiêng liêng quá Ba a. Mười một năm rồi Hương mới thấy mặt anh mình thế là trên cái mẹt chỉ mấy ổ bánh mỳ Hương cũng trút hết cho con đang mang thân phận người tù cải tạo. Cũng chưa hết, em chỉ có mấy đồng cũng nhét hết vào tay con, lên Cồn tiên tối lại nhai ổ bánh mỳ mà con không cầm được nước mắt. Hương sinh ra, gia đình mình đã là quá thiếu bổn phận thế mà lúc con sa cơ đứa em gái cũng không bao quên được cái tình máu mũ. Khi con lên học lớp đệ thất trường Nguyễn Hoàng Qtrị niên khóa 1965-1966 thì Mạ con và các em phải ra lại thôn Đệ tứ ở chung lại với gia đình bên mệ ngoại con vì chi công an hay còn gọi là chi cảnh sát quốc gia hay bị pháo kich rất nguy hiểm. Con còn nhớ một đêm nọ khi bên quận Hải lăng bị pháo kích và chi công an cũng bị pháo mấy quả 82 ly làm chết oan mấy người tù chính trị đang bị tạm giam ở chi. Thế là Ba phải ở lại làm việc một mình và ăn cơm tháng tại nhà o Hải thôn Diên sanh.

Ba với o Hiệp Chú Thịnh và con chụp tết Ất Tỵ 1965 Tại ảnh quán Lido thị xã Quảng trị

HOA KHÔI ĐẤT MỸ CHÁNH

Như thế sau năm 1965 trong Mỹ chánh trong nhà mẹ con gôm chị Biên, a Nghĩa, O Mỹ, O Hòa và chú Bình. Còn ngoài Quãng trị gồm con, O Tâm, O Hiệp, Chú Thịnh khoảng năm 1966 mẹ con tại Quảng trị bị sa một cặp trai gần đủ tháng đủ ngày theo lời mẹ con nói hậu quả là do đi xe bị dội mạnh và cho đến năm 1967 là sinh chú Trị tức là Trực tuổi Đinh mùi là con út của cả đại gia đình mình. Thời gian 1966 trở về sau thuộc thời của rối loạn chính trị tại miền nam , công danh của Ba suy giảm mạnh. BA không còn làm trưởng chi nữa mà xuống nhân viên vì chế độ cảnh sát đã theo hệ thống quân đội hóa gồm cấp tá và úy mà thôi. Thêm vào đó sự thanh trừng nhau đảng phái và phe nhóm thành phần của BA. sau đám cưới của chị Biên 1966 Ba chỉ có một chiếc xe đạp giàng theo phố Trần Hưng Đạo lên làm tại ty cảnh sát Qtrị, năm 1967 thành cổ Qtrị bị giải phóng lần đầu tiên tại Cửa Hậu thôn Đệ tứ, quán của mạ con bán ngay trước cửa thành này do đó đêm đêm Ba phải lên chợ Tỉnh trú tại nhà quen là phố O Chút gần tiệm Vạn An gần miếu Ông Voi thôn Đệ Nhất đường Quang Trung Qtrị.

CUỘC ĐỜI NGẮN NGŨI CỦA CHỊ BIêN

Chị Biên sinh năm mậu tý 1948 tại quê Truồi. thời niên thiếu cho đến lúc lớn lên thì nhà ở gần chợ Mỹ chánh gần quê ngoại. Nhà mạ gần cạnh giòng sông Ô Lâu trăm năm nước chảy hiền hòa. Khi đến tuổi thiếu nữ thì chị càng đẹp khiến cho dân Mỹ chánh ai hồi đó ai cũng biết, ngay ngoài tỉnh Qtrị cũng đông ngườI thương mến chị Biên. Tốt nghiệp trung học chi đi dạy ấp tân sinh cho gần nhà, hồi đó trường của chị dạy ngay trước mặt nhà mạ sau lưng chợ Mỹ chánh. Chị rất nghiêm, chỉ gằn giọng một tiếng là em út im re. Con gái đến tuổi cập kê năm đúng 18 tuổI chị đi lấy chồng, bao nhiêu chàng trai gằm ghé nhưng chị chỉ chọn người hùng quân đội mà thôi. Kết cuộc anh Lê khắc Kha người quê Ưu điềm đă chiếm được trái tim của chị. Đám cưới năm đó tại Mỹ chánh anh Kha mới còn trung úy tiểu đoàn 2/1 mà thôi. Chị B đi lấy chồng mấy em còn nhỏ dạI khi đó anh Nghĩa mới 14 –15 tuổi, O Mỹ mới 11 tuổi, đám cưới chị B xong thì cả nhà có thuyên chuyển vào Tây lộc Huế thuê nhà khu công chức chợ Tây lộc, số 34 Đường Trần quốc Toản. Thời gian này mạ cũng có nồi cháo gà hàng ngày bán tại chợ Tây lộc, nồi cháo gà của mạ nấu rất ngon ai ăn cũng khen ngợi cả. Con cũng có lần vào thăm Tây lộc lúc này chú Bình mới ba hay bốn tuổi mà thôi rất dễ thương, da trắng trẽo , mắt to lông mi dài uốn cong lên như con Tây hàng xóm bà con ai cũng khen thích hết

. -HÔNG NHAN BẠC MỆNH

Tưởng đời cứ thế êm trôi, Ba cũng có ngườI rễ có chức phận vì sau đám cướI anh Kha lên đại úy và lên tiểu đoàn phó, tiếp đến chuẩn bị cho chức tiểu đoàn trưởng cho nay mai vì anh Kha tốt nghiệp trường võ bị Đà lạt công danh rất vượng. Năm 1967 ngoài Qtrị chú Trị ra đờI tại thôn đệ tứ anh Kha khi đó ở tiểu đoàn 2/1 đóng tại La vang nên hay ghé thăm nhà mỗI lần thấy út Trị mớI mấy tháng tuổI đang nằm vẫy đạp trên cái ghế xếp anh vuốt ve cứ khen rằng giống cả chị Biên đủ thấy trong trái tim anh Kha chị là hình ảnh của chị B mà thôi. Ai có ngờ đâu cái năm này là năm vĩnh biệt của hai vợ chồng anh chị. Một đêm ngày 9 tháng 9 năm đó có anh rễ bác Tám nhà sau xóm ra nhà Ngoại báo tin dữ là chị cùng hai người khác là tài xế lái xe và em chồng là Lê khắc Ngạc đã bị phục kích chết tại cây số 23. Chiếc xe jip của 3 người trên đường vô lại Huế vì anh Kha đã vô Huế rồi, đúng ra trời chiều không nên đi chị vắn số mới xui ra như vậy. Chi khu Phong điền đã đem thiết vận xa ra khu vực ba người bị thảm sát đem xác vô Mang cá Huế. Ba đêm đó đang trú đêm tại nhà O Chút trên phố Qtrị vội đạp xe đạp trong đêm đó về nhà. Con còn nhớ rõ đêm đó mắt Ba đỏ hoe vì thương con quá mức, Ba bước vô nhà Ngoại mà bước chân như xiêu đổ, Ba đã rít biết bao nhiêu là thuốc lào mà không ngăn được cơn xúc động. Ba như nghe trời đất sụp đổ tan tành, chị B đứa con gái mà Ba yêu quý nhất là niềm hi vọng và kiêu hãnh của Ba giờ đã ra người thiên cổ. Trời mới rạng hai cha con vội tốc xe vào Tây lộc. Nhà chồng chị B cũng gần nhà Mạ và cũng gần Cửa Ngăn thành Nội Huế. Bước vào nhà thì đã thấy 2 quan tài của hai chị em nằm cạnh nhau, hai nắp chưa đóng để cho thân nhân nhìn mặt. Con đã tới nhìn mặt chị lần cuối cùng, mắt chị đã thật sự nhẳm như đang ngũ không còn lộ nét gì hãi hùng hay đau đớn, chị đã thật sự trả lại cho đời một kiếp hồng nhan. DướI chân hòm anh Kha nằm dãy dụa khóc la kêu tên chị mà thôi, mặc dầu anh Kha đang bận áo quần lính mà giờ đây chỉ kêu gào thảm thiết mà thôi. Quan tài đứa em trai mới ra trường ra gấp Qtrị để gặp mặt chị dâu ai dè gặp nhau lần đầu cũng là lần vĩnh quyết rồi hai chị em cùng nhau về thế giới bên kia. Oan khiên cho anh lính tài xế, trai chưa vợ cũng bị chết thảm theo nhau. Ngày đưa đám chị lên dốc Nam Giao, anh Kha lại càng kêu gào thảm thiết hơn nữa, mất chị là anh mất tất cả, hình ảnh hãi hùng khi chiếc xe đã bị lật chị đã bị thương bò tới một đoạn xa rồi mà tên giết người vẫn không tha mạng cho một người đàn bà nó đi tớI kêt liễu đời chị. Nhưng làm việc ác thì gặp ác, tên giết người đó vì đã phục kích giết quá nhiều người nên sau này bị quận phong điền phục kìch lại và y đã đền tội ác. Trong cuốn sổ ghi công tác mà Ba mượn đem về nhà cho mọi người coi ngày 9 tháng 9 năm 1967 y có viết rằng đã giết được hai sĩ quan một nam một nữ tức là anh Ngạc và chị B . cùng tài xế, cuốn sổ đó mặc dầu bị một viên đạn Thómpson xuyên ngang chính giữa nhưng mấy dòng đó cũng được đọc ra và đã chứng tỏ rằng một kẻ say máu ngườI thì sẽ bị oan hồn trả báo mà thôi. Chị B và anh Kha lấy nhau chưa có đứa con nào nên sau này anh Kha đi lấy vợ lại tên Thừa con gái Sãi quận Triệu Phong Qtrị. Sau trận Hạ lào 1971 anh Kha vì tánh nóng nãy bị phản binh là thiếu úy tên Cao dưới quyền định bắn chết anh rồi tự sát sau. Ai sui cho tên Cao chỉ bắn anh bị thương ở chân mà thôi. Sau này coi thầy có nói rằng vong linh của chị còn đi theo anh Kha mà phò trì cho anh ấy kể cả lúc bại trận Hạ Lào. Trung đoàn 1 chỉ còn tiểu đoàn anh Kha còn gần 80 ngườI còn tiểu đoàn thiếu tá Lê Huấn thì hoàn toàn tan nát , thiếu tá Huấn cũng bị mất xác luôn. Sau này anh Kha có cho lính xây cái miễu thờ vong linh cả 3 người tại cây số 23 này , nhưng lúc này chỉ còn trơ trọi cái miếu 3 lư hương đó gần một đầm nước còn vạt thông thì đã bị đốn sạch từ lúc nào.

Miễu 3 ngườI xây nơi chị bị thảm sát tại cây số 23 Quận Phò trạch Thừa thiên Sát cạnh quốc lộ 1 A. Hình này chú Thịnh chụp lúc ra quê xây lăng Ôn Mệ tai Truồi và trên đường ra Qtrị ghé chùa Sắc tứ thăm mộ Ngoại cùng chú đây sơ là Đinh trọng L.

Một thời gian còn làm tai trung đoàn 1 thì gia đình anh Kha xây tạI cạnh đường Lê Huấn một thờI gian sau khi lên trung tá thì không còn tác chiến nữa mà làm quận trưởng quận 3 tại Đà nẵng cho đến năm 1975. sau này cũng có đi Mỹ theo diện HO . còn anh Nguyễn hoàng Đoan một thời tay dắt con lúc con còn nhỏ dại đi quanh chợ Mỹ chánh để kiếm cách lấy lòng chị Biên mà không thành, giờ là chồng của nữ ca sĩ Khánh Ly hiện ở Nam California

1968-1972
Sau ngày chị Biên mất cuộc đời Ba càng thấy buồn thảm hơn nhiều. Tiếp đến là trận Mậu thân 1968 Ba suýt chút nữa là bị bắt tại Tây lộc vì lúc này Ba đang ăn tết trong nhà tại Tây lộc. Ngoài thôn Đệ tứ Quảng trị thì xóm Hậu bị đánh mạnh nhất, Tết đó cả nhà con khi đó đang bán mua tại cái nhà của dì Liễu số 65 Lê v Duyệt vì ngay trước mặt thành nên bị hư hại nặng nề. sau khi chạy lên tỉnh lánh nạn 2 ngày về lại thôn đệ tứ thì căn nhà đã bị cháy và hàng hóa quán của nhà mình căn trước cũng bị thiêu cháy hết sạch. Sau này mạ con và Tâm , Hiệp , Thịnh, Trị cùng mạ con lên thôn đệ nhất Quảng trị mà mua bán với Dỳ Liễu con ở phố 34 Trưng trắc chợ Tỉnh, riêng con vẫn ở lại tại nhà ngoại để tiếp tục học. BA dạo này cũng còn làm cho ty CSQG Qtrị, chỉ còn lại chiếc xe đạp làm phương tiện mà thôi, còn xe jeep thì không có nữa vì đã hết chức vụ chi trưởng từ lâu.
 HÀNG CON NÍT:
trái qua: phong(thu)thanh, thủy , thịnh, dưỡng , Liên(bòn con cậu Cư)

 ĐAU BUỐN  NHÀ NGOẠI

phía Ngoại chuổi thời gian đau khổ kéo dài : 1967 dượng Ngọ chồng dì Liễu mất(bị mìn tại Đá Bạc- phú Lộc Huế), 1968 vừa sau biến cố Mậu thân thì Mợ Ga(vợ thứ cậu Cư mất vì bệnh phong đòn gánh) Tiếp đến 1969 cậu võ Ba mất (tử trận 1969 trung đoàn 2, sư đoàn 3), 1970 cậu Phương mất(tử trận Phong Dinh) , 1971 mợ Trần thị Kim Thuợc cũng mất .Tang tóc bao trùm nhà ngoại , mái nhà con sinh ra , lớn lên , học hành biết bao kỷ niệm

Cho đến khi năm 1972 khi đó con đang chuẩn bị học hết lớp 12 thì cả tỉnh Qtrị phải di tản theo mùa hè đỏ lửa cả gia đình mạ con sau gần một tháng tạm trú tại Tây lộc sau đó theo dỳ Liễu vào xin ở nhờ nhà Ô Mười thương gia nước mắm ở đường Hùng Vương Đà nẵng một thời gian ngắn lại phải mua vé máy bay theo Dỳ Liễu di cư vào tận MÝ tho. Ba sau đó được đổi vô làm tại Quận nhất thành nội rồi tiếp đến Đà nẵng và cuối cùng một thời gian ngắn cũng xin đổi vô được Mỹ tho. Vào Mỹ tho BA và nhà mình đều tạm trú tại nhà cậu Bé con 56 Nguyễn Trãi Mỹ tho. Lúc này con đã nhập ngũ quân trường Quang trung sau đó lại ra quân trường Đồng đế Nha trang. Mãn khóa con ra phục vụ tiểu khu Qtrị kể từ cuối năm 1973 chứ không xin về MỸ tho cho gần nhà. Âu cũng là cái số xui cho con như thế sau này mới đi Mỹ theo diện HO được.
Còn cả nhà mình ở Mỹ tho ở tại nhà cậu mợ Bé cho đến ngày sụp đổ 30 tháng 4 năm 1975.

NĂM 1975 & QUÊ HƯƠNG THỨ HAI HÀM TÂN BINH TUY



Sau 1975 cả nhà mình từ Mỹ tho lên kinh tế mới Động đền Bình tuy làm rẫy sinh sống với di dân Quảng trị(đi từ năm 1973 theo chương trình khẩn hoang lập ấp ) rồi Ba cũng như các cậu con ai có dính líu chính quyền cũ phải đi cải tạo. Ba cải tạo tại Đức linh gần Hàm tân con thì cải tạo ngoài Quảng trị rồi bị ra Thanh Hóa sau chót là Bình điền thừa thiên. Ba ở cải tạo ở Đức linh vì già cả nên được cho giữ cái việc chăn bò nên cũng đỡ vất vã, chưa tới 3 năm cải tạo(1977) Ba được tha về lại địa phương là Động đền Hàm tân. Về địa phương Ba đau đầu gối không đi cuốc đất được ở nhà lo chăn nuôi phơi khoai phơi sắn, Tâm Hiệp lần hồi phấn đấu cũng được đi sư phạm, việc rẫy bái thì Thịnh Trực lo hết, 2 đứa em tuy nhỏ nhưng cuốc rất giỏi. Mạ con thì vất vả sớm hôm ngày gánh 2 buổi chợ còn trưa lại phải lo đi phụ cấy lúa với các em con, Mạ con lạI còn phải lo cho Tâm và Hiệp đang học sư phạm ở Phan thiết nữa. Thời gian này con chưa về được căn nhà tranh xiêu vẹo theo thời gian không ai sửa sang, đàn ông lúc này đa số đều còn trong tù ít ai được tha về địa phương. Gia đình các Ngoại con các dỳ các mợ đều ở gần nhau nhưng ai cũng cực khổ đói khát không ai giúp được ai cả. Tuy thế Ba hay viết thư thăm con nhiều nhất Ba đã gởi thư đến Ái tử Qtrị cho đến Như xuân Thanh hóa hay sau này Bình điền Thừa thiên. BA còn nhắc nhở Mạ con ở Tây lộc cố gắng gởi thức ăn vật uống cho con ở Bình điền nữa. Tội nghiệp Mạ con ở Bình tuy cũng vì mấy chuyến bới cho con tận Quảng trị mà hết cả vốn, giá như con biềt nhà mình hồi đó ở Hàm tân đói khổ như thế thì con thà chết chứ không bao giờ để mạ con ra thăm con đâu.


Cánh thư BA gởi thăm con trong tù Thư đề ngày 14 –1-1979 Ba dăn Hòa đang ở Tây lộc thỉnh thoảng gời đồ lên cho con ở trại 3 cải tạo Bình điền, Huế.


Năm 1980 con được về lạI gia đình, lúc này con đã 28 tuổI. vể lạI gần Ba Mạ việc đầu tiên của con là đi rừng đốn cây đem về làm lạI mái nhà tranh đã đến hồI hư nát. Hai tháng ròng rã con đi rừng đốn cây vác về nhà cho đến khi đủ làm lạI cái nhà của gia đình. Ngày tháng bên nương bên rẫy có con về thêm một tay lao động trong nhà cũng đỡ nhọc nhằn gia đình mình. Khoai sắn qua ngày nhưng gia đình mình rất vui là đã đoàn tụ. Con cuốc khoai thì BA lặt rễ, Ba vừa làm vừa hát tiếng Pháp. Je suis un chef de vingt- six soldats, et si je suis absent le Paris est perissable. Con còn nhớ là có ngày Ba đố con như câu tiếng Pháp trên khi muốn nói đó là mẫu tự A vậy. Tuy nghèo BA cũng tha thiết muồn hỏI vợ cho con, vợ con bây giờ đây là ngườI dâu Ba thích nhất. RồI cái gì đến lạI đến, BA rất ý hợp tâm đầu vớI ba của vợ con ngày đầu năm dương lịch năm 1983 là ngày cướI của vợ chồng chúng con cái ngày Ba thích chọn cho dễ nhớ sau này.- Nouvel an- BA hay nói tiếng pháp như vậy đó.

Tuy nghèo nhưng BA cũng muốn cưới vợ cho con Ngày 1-1-1983 là ngày cưới Phúc và Huệ. (Hai thân phụ đang lạy trước bàn thờ nhà gái)

Vợ chồng con về sống chung trong gia đình mình đùm bọc nhau dướI mái tranh nghèo. Chén cơm gạo hẩm mà chỉ dành cho bữa trưa mà thôi còn chiều về thì cắt khoai ra nấu cháo cũng nhờ sống gần biển nên còn đôi ba con cá tươi mà sống qua ngày. Mạ con thì hai bữa chợ gánh hàng tạp nhạp như cau khô thuốc vấn thế mà càng ngày càng vơi bớt đi mà nợ cứ tiếp tục đầy thêm. Nguyên nhân đây là vùng cát trắng đất đai bạc màu không làm gì nuôi đủ con người. Số phận những con người ở vùng kinh tế mới là thế đó, vợ con mang bầu nhưng mấy ký gạo hẩm tiêu chuẩn giáo viên cũng đắp đổI cho gia đình nhà chồng. Rồi lại phải ăn thêm bột sắn thế cơm. Vợ chồng con sinh con đầu lòng dười mái tranh của Nội, ngày ngày Ba ru cháu ngủ rồi bao nhiêu câu hò của quê hương BA đều trao vào tai cháu.

Con trai đầu chúng con dưới mái tranh nghèo của NộI, phía đắng sau là cái phòng che lá của BA nằm ( con rễ bác Phục ở cạnh nhà chụp cho khi họ ở Tây Đức vể thăm nhà Tết Giáp tý 1984)

. .. Nung na nùng núng
Con gái bảy nghề
Hay nằm là một
Dựa cột là hai
Theo trai là ba…


Những câu đồng dao từ thuở xưa Ba đều cố gắng ru cho cháu ngủ tuy thế có khi BA đã muốn ngủ rồi mà thằng cháu còn vẫy đạp trong nôi. RồI vợ chồng con phảI bồng trống nhau lên vùng cao tạm trú mái trường quê cho vợ con tiện bề dạy học. ThờI gian này Thịnh đã xa nhà đi học nghề sư phạm, nhà mình chỉ còn lạI BA Mạ và Trực, cũng may còn có O Tâm phụ trợ cho nhà mình. BA thỉnh thoảng lạI ra Cam ranh O MỸ cũng hay bồI dưỡng thêm cho Ba. Thuở này trong Bình tuy thì có o Tâm ngoài Cam ranh thì có O Mỹ, hai cô con gái đã giúp đỡ cho gia đình qua cơn hoạn nạn nhiều lắm. Con thì ở trên vùng cao sinh con đẻ cái nhiều thêm rẫy nương không đủ sống , làm củI, đốt than, bắp khoai qua ngày kiếp nghèo còn đeo đẵng. Bước vào năm 1990 chương trình đi Mỹ diện HO ra đời, nhà con cũng nuôi mộng ra đi, chạy giấy chạy tờ cũng nhờ em út nhất là phía o Tâm yểm trợ. Ba cũng vui sướng trông chờ. Qua bao nhiêu gian nan chạy ngược chạy xuôi cuối cùng nhà con cũng được phỏng vấn vào ngày 13 tháng 1 năm 1994. Tết năm Giáp tuất 1994 là cái tết vui nhất cho cả nhà mình. Sao không vui được nếu con đi được thì cả trời hy vọng cho gia đình. Tết giáp tuất 1994 sau ngày gia đình con phỏng vấn đi MỸ ai cũng hi vọng.


Ba vui vẽ chụp chung với gia đình con tại nhà bên vợ con- gồm 2 vợ chồng cùng 4 cháu Trung, Khang, Lâm Ân và Viễn Dương nhỏ nhất còn Lâm Thư thì còn nằm trong bụng mẹ.


Mông 4 tềt Giáp tuất 1994 bức hình cuối cùng của Ba Mồng 4 tết giáp tuất 1994 ngày kỵ ông nội hàng năm Tại Động đền cả nhà đoàn tụ vui vẻ nhất vì con đã qua được giai đoạn phỏng vấn HO. Có ngờ đâu đây Là cái kỵ cuối cùng có mặt BA trong đời. Chúng con đóng góp nhau làm sao phảI xây cái nhà cho BA ở để yên tâm trước khi ra đi. Ai dè đâu vì có thai con gái út là Lâm Thư nên phái đoàn MỸ phảI trì hoãn chuyến đi MỸ của gia đình con. Bạn bè kẻ trước nguờI sau lần lượt ra đi chỉ cò gia đình con là còn chờ đợi. rồI chuyện giấy tờ , tái khám lung tung làm cho ai trong nhà mình đều nóng ruột và còn sinh ra tuyệt vọng. Ngày 7 tháng 8 1994 con gái út Lâm Thư của chúng con ra đời. Linh cảm nào xui cho BA cầm tay cháu lại báo trước : Cháu ra đời thì Ông cũng sắp sửa ra đi vậy. Bé Lâm thư được hai tháng tuổi, tháng 9 năm đó Ba bắt đầu bệnh nên ăn uống ít dần đi. Qua đầu tháng 10 Tây lịch tình hình không khá hơn chút nào. Lúc này con tuy chưa đi Mỹ được nhưng vợ chồng con đã bán được miếng đất nơi con ở . Tuy nhiên họ chỉ đưa làm tin cho ít chỉ vàng thôi nhưng cũng nhờ đó mới có khả năng mua thuốc và mời bác sĩ tới chữa trị cho Ba tận nhà và chuyền thuốc tại giường cho Ba. Ngoài Cam Ranh O Mỹ cũng vô săn sóc cho Ba; O Mỹ lại cầm cả bó tiền bỏ vào tay Ba cho Ba vui lòng. Con và em Thịnh đều túc trực thay áo quần và chùi dọn cho Ba . Bác sĩ cũng nói riêng với con là “bi quan lắm” . Chúng con không biết làm sao đây ?biết tìm đâu vàng cây mà đi Sài Gòn chỉ trong vào khả năng tại chỗ của bác sĩ thôi . Giá mà giờ đó chúng con ở Mỹ rồi thì may mắn biết chừng nào ! Em Trực thì chỉ biết chạy qua chùa van vái Phật Tổ gia hộ cho Ba . Linh tính sao năm đó là năm tuổi của Ba (Giáp Tuất 1994) nên ba đã biết trước sẽ về với Ông Mệ .
Cam Ranh và Phan Thiết tất cả đều vô Bình Tuy đầy đủ chỉ có Mẹ quá già nên phải ở lại giữ nhà cho đại gia đình ngoài Cam ranh vô thôi . CHo đến trưa 24 tháng 9 âm lịch lúc 11 giờ trưa Giáp Tuất tức là 28 tháng 10 DL Ba ra đi trong nhẹ nhàng . Gần cả tháng nằm trên giưòng không có cơn đau đớn nào hành hạ Ba cả . Bên gia đình vợ con thì nhạc phụ của con ngày nào cũng qua túc trực vì thật ra trong xóm chỉ có Ba vừa là tình thông nghị vừa là bạn tâm sự sớm hôm với nhạc phụ con thôi . Ba ra đi rồi thì coi như nhạc phụ con lẻ bạn. Con nhớ laị những khi cơ khổ thiếu thốn Ba qua nhờ nhà vợ con , nhạc phụ con có thúng lúa thúng khoai tuy hồi đó là mồ hôi nước mắt đong đầy vào những thứ này nhưng nhà vợ con đều giúp đỡ không băn khoăn ngần ngại chút nào .

[Image] con cháu đông đủ trong ngày đám của Ba ; đứng ngoài cùng là hai cha con anh Nghĩa (cháu Chọi tức cháu đích tôn của Ba)
Khi Ba nhắm mắt anh em bên vợ con đều túc trực . Anh Vũ lo tẩm liệm , em Lâm thì đóng áo quan tinh tươm đàng hoàng . Bởi thế cho nên con luôn giữ đạo rễ con trước là bổn phận sau là nhớ cái tình thông gia cao đẹp đó mà khắc ghi tình nghĩa để đáp đền cho Ba vui lòng nơi chốn Cửu Tuyền .

Anh Nghĩa ở lại cho đến ngaỳ mở cửa mả mới ra lại Cam Ranh .
Ngày đó vợ chồng con có mời đầy đủ xóm làng để tạ ơn bà con cô bác
.

Đúng thất tuần chú Tương ngoài Truồi mới vô đám được . Chú có trách sao ngày đám không cho Chú hay ! nhưng thời đó khó khăn đi lại không cách chi vào cho kịp đám nên chỉ làm khổ chú thôi ; Con mới dời ý để chú vô thất tuần cho rộng rãi thì giờ . Nghĩ sâu ra củng lỗi của con trước . Sau ngày đám tang thi gia đình con cũng về ở chung lại trong nhà để lo hương khói kinh kệ cho Ba và thời này gia đình chúng con lo lên về Sài gòn hoàn tất thủ tục đi Hoa Kỳ . Tuy rất nhiêu khê và rắc rối nhưng con cũng hi vọng đi Mỹ được dù có trễ nãi .

Qua tết Ất Hợi 1995 niềm hi vọng đi Mỹ của gia đình chúng con gần thành chắc chắn khi có thư mời đăng ký chuyến bay . Tết này là cái tết vắng bóng cha già nơi quê hương thứ hai Bình Tuy này . Chúng con ra đi với nhiều trách nhiệm với giòng họ tổ tiên và trong tâm tư có niềm hưa hẹn 3 năm sau sẽ trở lại sau khi lo việc Lăng Mộ ngoài Truồi xong xuôi . Ngày đêm vợ chồng con đều khấn nguyện BA linh thiêng phò trì phò độ cho chúng con chân cứng đá mềm nơi xứ lạ quê người , thực hiện viên mãn những điều tâm niệm trong lòng.

CON TIEP:nguoi con dau tro ve theo loi khan nguyen ...

Saturday, December 17, 2011

NỬA ĐÊM BIÊN GIỚI


Mẹ ơi biên cương giờ đây
trời không mưa mà nhiều mây
nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
nghe gió rung cây đổ lá vàng
sương xuống mênh mang
…(Anh Bằng)




Mẹ ơi, biên cương giờ đây trời vắng quá, vắng cả những đóm sao khuya từng làm bạn với con. Thỉnh thoảng chỉ vài tiếng con tắc kè gõ nhịp trong những hóc cây nào đó hay đôi ba tiếng con mang con hoẵng rời rạc kêu lên trong đêm trường. (…)

. Đêm nay kỷ niệm chập chùng xa vời đang sống lại trong tim con, trong màn đêm biên giới. Giờ đây sau lưng con, khoảng xa vời kia giờ chỉ là một thành phố đổ nát hoang tàn còn ba mẹ và mấy em thì đang ở tận phương nam, đường xa hun hút. Con không biết giờ này trong nhà có ai đang nhớ đến con không? riêng con, đêm nay ngồi đây con nhớ nhà lắm mẹ ạ. Nhưng nhà còn đâu nữa để nhớ ngày tháng ly hương bà con lôi xóm mỗi người mỗi ngả, nhà mình vào tân phương Nam. Thế là từ ngày đó người dân Quảng trị trở thành lưu dân biệt xứ.

Xếp áo thư sinh bao nhiêu mộng ước con đành bỏ lại sau lưng. Ôi Quảng trị, thành phố thân yêu ngày hai buổi đến trường. Bạn, thầy yêu dấu giờ chẳng còn ai trong những ngày ly loạn Con quên sao được từng khuôn mặt thất thần, hốt hoảng của người dân mình ngày phải bỏ xứ mà đi, tứ tán khắp nơi.

Mẹ ơi, mấy tuần nay trên vùng biên giới này con vẫn sốt trong người (…) con chưa về được, tóc con rụng nhiều.Mẹ ơi mấy lúc này con biết đã mang chứng sốt rét trong người, người con gầy rọc đi, nhưng con chưa về được mẹ ơi. (…) chứng sốt vẫn hoành hành trong đơn vị. Mà về đâu hỡi mẹ trong nam thì cả nhà mình đang ăn nhờ ở đậu.(…)

Mẹ ơi con từng gắng nấu sôi nước khe pha miếng sữa lấy sức trong người nhưng con vẫn luôn có cảm giác buồn nôn, trong mình lúc nào cũng hâm hẩm sốt.

Từng giờ từng phút con cố căng mắt nhìn vào màn đêm sâu thẳm phía trước.
Trong đêm có tiếng con dế mèn nào nỉ non rền rỉ, điệu nhạc buồn giữa chốn rừng khuya. mẹ ơi, con đã từng phơi khô một đống cây rừng rễ giống nhân sâm phơi khô để dành trên chốt tự bảo rằng cây thuốc.

Mẹ ơi chúng con nơi này sống bên nhau khổ bên nhau không than vản không phiền hà ai cuộc sống đơn giản đến mức cùng của sự đơn giản chúng con từng chia sẽ cho nhau từng miếng ăn từng điếu thuốc. Lam sơn chướng khí da mặt chúng con tuy đã đổi màu nhưng tình huynh đệ luôn luôn nồng thắm.
Mẹ ơi nhìn anh em còn lại, nhớ những khi hẩm hút bên nhau làm sao con nỡ bỏ nhau mà về lại phía sau cho được.

Thế nên, con chưa về được mẹ ơi./.

Friday, December 16, 2011

VỪA HỌC VỪA LÀM






Qua nước Mỹ tuy là xứ của cơ hội nhưng chúng ta cũng không quên điều căn bản là gắng công trì chí. Khi có công việc làm cũng không quên trau dồi thêm tri thức văn hóa để thăng tiến tay nghề.

Đứa con đầu của vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ; Tốt nghiệp xong kỹ sư KHOA HỌC VI TÍNH computer science (nó khác IT tức là CÔNG NGHỆ THÔNG TIN tại VN) trước tiên cháu phải kiếm việc , vật lộn với tình hình khó khăn về công ăn việc làm tại Mỹ vừa đi học thêm bằng thạc sĩ chuyên ngành;

Đinh Trung phải lấy đồng lưong làm được trả học phí, khỏi mắc nợ vừa làm công việc chu toàn tại hãng cùng những project tại trường . Trong tình hình cạnh tranh gắt gao để giữ đươc công việc tại hãng vừa phải học thêm công nghệ mới trong giáo trình thạc sĩ của khoa Khoa học Vi tính, tất cả đòi hỏi sức chịu đựng và ý chí phấn đấu của Trung.

Hôm nay ngày 16 tháng 12 , 2011 thành quả tốt đẹp đã đến cho Đinh Trung cũng là niềm hãnh diện của ba mẹ Trung cùng gia đình - và người yêu của Trung nữa .




CONGRATULATIONS !


LOVELY
Mom & Dad
Dec 16th 2011

CONGRATULATIONS !











San Jose State cũng là trường của 3 cha con


miu miu khi nao cung di theo ba me



dinh vien duong cung theo ba me

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...