Thursday, April 14, 2011

CUỐC XE ĐẠP THỒ

Viết tặng những người bạn còn đạp xe đạp thồ xứ Huế

Huế 6/1980
Chiếc xe Bình Điền thả chúng tôi xuống Ga Huế thì trời chưa chiều lắm. Mấy anh em bạn hối hả chia tay nhau vì ai cũng muốn tìm mọi cách nhanh nhất về nhà.

Mấy năm xa cách chốn đế đô tôi nhìn lại Huế có một vẻ gì xác xơ và xa lạ. Tôi cũng như các bạn khác từ rừng xanh núi thẳm về lại chốn thị thành mới biết quê hưong chỉ vài năm mà đã tiều tụy đến não nề. Nhà ga Huế im lìm trong cơn nắng tháng 8, cửa cái bể cái vá, vài ba cái quán cũng đìu hiu trong gió, vài thẩu kẹo vài nải chuối đong đưa.



Những lời mời của mấy người xe thồ đưa tôi về thục tại:

- Đi xe khôn eng?

-chú chú đi xe cháu nì chú?...

Tôi nhìn quanh toàn là xe đạp. Những chiếc xe méo mó, sét rỉ lâu ngày cùng yếu ớt không vẻ gì chắc chắn để làm chuyện chở người. Đến nỗi này sao? Người dân Huế giờ đây lại "sáng tạo" ra một cách làm ăn mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây lần nào. Giờ họ phải tận dụng đến sức lực cơ bắp của mình kiếm đồng tiền bát gạo trong một xã hội ít ai còn tiền để đi. Họ phải bấm bụng giành giựt miếng ăn từ mấy anh xích lô đạp bao năm nay, những chiếc xe lambretta, những chiếc xe đò 2 màu xanh trắng -hình đặc biệt xưa nay mà tôi vẫn còn ghi trong trí óc. NGày xưa người ta cũng đi xe ôm, xe thồ nhưng tệ lắm là chiếc Honda nhấn ga là chạy vù vù thế mà đã than khổ rồi.

Tôi không biết từ chối ai,nhận lời ai đây. Nhìn những ánh mắt cầu khẩn của mấy người đạp xe thồ bằng tuổi em tôi, những nét mắt chưa xóa đi nét vô tư và hồn nhiên của những ngày chỉ biết cắp sách đến trường, áo cơm thì có ba mạ lo; giờ thì chẳng còn chi! (...)

Cũng may có thêm khách và tôi khỏi từ chối ai,và tôi chọn cuốc xe của một em đạp xe thồ bằng tuổi em tôi.

-Về Tây lộc mấy rứa?
-Chú cho 3 đồng à chú..

Thú thật nhìn cái dáng của tôi em đó cũng chẳng nói thách làm gì vì biết chúng tôi là ... cải tạo mà.

Tôi về Tây lộc vì có gia đình em cùng cha khác mẹ với tôi ở trong đó. Xa Tây lộc không biết mấy năm rồi cứ nhớ nồi cháo gà thơm phức của mạ đích tôi hồi đó nổi tiếng trong chợ.

Người thanh niên gò lưng cố đạp qua cầu Sông Hương, chiếc cầu mới xây sau này giờ cũng nét rêu phong rệu rả. Huế giờ này sao nhiều xe đạp quá đi thôi! Tôi cứ hơi lấn người tới trước lòng như muốn mình được nhẹ hơn. Hỏi chuyện thì tôi biết em đạp xe còn đi học nhưng phải kiếm thêm tiền về cho mạ. Em cũng không biết cách gì để giúp gia đình nữa, phương tiện là chiếc xe đạp nhưng lại bon chen lắm mới kiếm ra ngừoi khách. Có khi cả ngày em mới được 1 cuốc xe vừa đủ mua 3 lon gạo.

Xe đã vô cửa Thượng tứ nó cứ rập rành qua mấy đoạn có ổ gà, ổ vịt tôi lại như muốn rướn người lên cho nhẹ bớt đi vì nghĩ đến cảnh cái ruột xe của em bị dằn qua mấy chỗ đá nhăm. Từ đàng sau tôi thấy chiếc áo trắng bạc màu của em đã lấm mồ hôi, hơi thở của em dồn dập, ráng cho xong một đoạn đường nữa để có mấy đồng bạc Bắc mà tôi đã để sẵn mà trả cho em.

Nhớ về quá khứ, đây đâu phải là lần đầu tôi được chở đi bằng xe đạp. Nhưng hồi đó là đi chơi,đi dạo mát vui thú cái tuổi thiếu niên sau những ngày học hành mệt nhọc.

Còn giờ đây tôi là một gánh nặng cho một em mới lớn; em phải đổi sức lực của mình để kiếm vài lon gạo cho mẹ già và mấy em đang đợi ở nhà. Và cái điệp khúc mệt mõi này lại kéo dài trong cái não nùng của buồn tủi của đợi mong.

"eng đi xe không eng?"

Đã mấy mươi năm qua nhớ về Huế(...) tôi cứ nhớ mãi lời khẩn cầu của em nhỏ đạp xe thồ đó mà chạnh lòng thương cho thân phận của em.

Đinh trọng Phúc 13/4/2011

No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...