Sunday, March 25, 2012

ĐÓM LỬA CUỐI CÙNG

ĐÓM LỬA CUỐI CÙNG




(kỷ niệm những năm tù trại 4 Ái Tử Quảng trị sau 1975)

Đinh trọng Phúc / T3 ATBĐ



Trại 4 Ái Tử đoàn 76 nằm ở khoảng giữa 5 trại tù thuộc đoàn 76 (trước còn gọi là đoàn 74 trước khi trại khi trại Cồn tiên nhập về làm một. Trại nằm gần bên một thôn nghèo hẻo lánh , lác đác một số dân về. Tuy thế tên thôn nghe rất hay đó là Xuân Khê cũng vì thế mà tôi hay lấy bút danh cái tên đó cho dễ nhớ. Làm sao chúng tôi quên được cái cầu từ trại bắc qua con suối lượn lờ qua nhưng lại quanh co uốn khúc xuyên qua mấy ngôi nhà tranh thấp thoáng trong thôn rồi chảy về dưới kia trại 3, trạm xá đoàn qua Ái Tử xuyên về Lai Phước.

Cái cầu Ry bắc tạm qua con suối này là kỷ niệm không quên với những ngày đi rừng khi sao khuya còn sáng lấp lánh đầy trời. Chén cơm lưng lửng trong cái lon gô’ thân yêu’ muôn thuở đó là phần trưa trong ngày. Khi cây gỗ đè nặng trên vai có nghĩa là trưa mới được ăn để có sức vác cây về lại trại .

Chúng tôi, mỗi tổ đã nhận nhiệm vụ 'giao ban' hồi đêm. Côn, Huấn, Huy, Sở, Hạnh, tôi thuộc tổ 2, lán 2 ,khối 4 (khối Trần Vấn người Cam lộ) đứa đòn tay, đứa cột, đứa kèo, rui mèn v.v và vân vân. Cái chuyện đi rừng này là 'kinh nhật tụng' hàng ngày tôi xin phép miễn bàn sâu vì anh em tù ai cũng rành 'sáu câu vọng cổ'. CHỉ tội cho cái bao tử, khi nào cũng sôi 'ồn ột' đòi hỏi có những thứ gì dằn vào cái khoảng trống, những cái bao tử tội tình này chưa bao giờ được đầy sau cái tháng Tư Đen đau khổ ê chề .

"Ngộ biến tùng quyền' có nghĩa là 'cái đói ló cái khôn' chúng tôi luồn vào rừng sắn của trại trong bóng đêm 'tranh thủ' ! Tôi chỉ cần nhổ hai , ba bụi sắn thì đã đầy cái bao cát mang theo. Hồi này đi rừng còn làm khoán theo kiểu 'tự giác' miễn sao chiều về có gỗ là được. Dĩ nhiên không có công an 'kè kè' đi theo như mấy năm sau khi vô trại Bình Điền .

Mang ‘va lô’ là cái bao cát sắn trên vai đương nhiên lên đến rừng tôi sẽ là 'anh nuôi' cho anh em . Chuyện này có nghĩa là tôi sẽ không đi kiếm đòn tay mà mấy anh em khác sẽ chặt thêm mỗi người khoảng ba cây là đủ cho phần tôi. Còn tôi sẽ lủi xuống khe nấu bao sắn này. Sau khi chặt cây xong chúng tôi sẽ 'bồi dưỡng' trước khi về trại .

Con đường lên rừng ‘Anh Tuấn’ thật xa! Tên làng nào dưới miệt Triệu phong lên 'khai hoang' vùng nào thì đặt tên là rừng làng đó. Cái rừng Anh Tuấn cũng không ngoại lệ. Làng Anh Tuấn ở quận Triệu phong bị bắt lên khai hoang trên vùng này xa thật ! Vùng khai hoang của làng Anh Tuấn còn nhìn thấy đường đèo hướng xuống Ba Lòng tức là gần giáp với Hướng Hóa ở phía Bắc . Rừng Trấm nay đã tang hoang rỗng tuếch sau hai năm vừa dân vừa tù khai phá. Gỗ cây về làm trại chúng tôi phải đi càng lúc càng xa hơn. Sau này ngay cả đi củi cho trại cũng đi càng xa như thế.

Tôi vừa đi vừa miên man nghĩ đến hình ảnh buổi chiều vác gỗ về lại trại vừa thoải mái tận hưởng những trái sim 'chín mọng' ngọt ngào từ mấy cái đồi sim bát ngát bao la trên đường về gần trại.

Nhưng giờ đây phải gắng cho mau đến rừng Anh Tuấn đang đợi hướng trước mặt phía xa tít, nơi chúng tôi hi vọng còn nhiều cây gỗ thẳng 'đạt chỉ tiêu".

Trời sáng hẳn chúng tôi mới ngang qua các rẫy sắn của dân. Họ từ những làng xa xôi dưới miệt đồng bằng bị bắt buộc lên đây 'ăn khoai mì thay gạo' . Nhưng sự thật phủ phàng sau khi các rẫy sắn bị heo rừng phá nát, những ngày đi và về xa xăm, tiêu tốn thí giờ, tốn kém cơm đùm gạo bới mỗi người dân chúng tôi thường nghe họ nói chỉ lảnh được vài thúng sắn tươi sau khi trừ công điểm. Rốt cuộc, dân nghèo lai hoàn nghèo, đói vẫn vẫn hoàn đói.

Chúng tôi băng qua vài hẽm núi mới vào được vào nơi rậm rạp hơn , ít dấu chân ngừơi để hi vọng có gỗ thẳng. Chia nhiệm vụ xong, tôi ở lại dưới khe lo chuyện nấu sắn. Hoài niệm về hình ảnh ngày xưa đó chắc ít ai còn nhớ cái thiếu thốn của những người tù, đó là hình ảnh cái hộp quẹt nội hóa làm tại Chợ Lớn nhưng quý hơn vàng . Còn chuyện cái ‘Zippo’ thì đích thực là hình ảnh xa vời . Nhưng nếu ai còn có cái Zippo (tức là hộp quẹt Mỹ) thì cán bộ đã tịch thu lâu rồi làm gì còn trong trại . Vẫn là chuyện của lửa, là nguồn sống là mấu chốt cho 'cải thiện linh tinh', nếu có cái hộp quẹt nội hóa thô sơ đó thì cũng cần có dầu hôi hay xăng và đá lửa ôi thôi "cực kỳ' hiếm quý. Và giờ đây lửa là thứ quý báu nhất cho tôi khi lãnh nhiệm vụ 'anh nuôi' dưới khe này . Và trong tay tôi chỉ còn khoảng 3 cây diêm của hộp diêm THỐNG NHẤT- vuông vuông- sản xuất tại Hà Nội cùng mớ củi khô tôi kiếm được chẻ nhỏ dưới cái khe ẩm ướt này .

Những khúc sắn trắng nỏn nà, trông như 'làn da người đẹp' đang nằm gọn trong cái nồi gang tôi bới theo cho tổ. Hồi này trại 4 chúng tôi có đúc song nồi lấy nguyên liệu từ xe M 113 bị cháy trong rừng. Trại 4 đem về nấu ra thành song, thau, nồi , vá (muỗng lớn) phát về cho lán -khối- tổ . Phải nhắc đến Viễn Khởi người tổ trưởng đúc song nồi của trại 4 Ái tử. Anh Viễn Khởi còn sống hay mất vì thời gian ngắn sau nghe đâu anh trốn được trại và không nghe gì thêm nữa về nhân vật này ?

Tôi phải quẹt đến cái diêm cuối cùng tôi mới nhen được ngọn lửa. Trống ngực tôi đập loạn xạ, tôi chẳng màng đến những con muỗi rừng đang vo ve tới tấp hút máu tôi. Mắt tôi căng tròn, miệng thổi phù phù thì ngọn lửa mới bắt đầu leo lét cháy. Những làn khói yếu ớt từ từ tỏa lên bên hóc đá dưới con khe róc rách, ánh sáng mập mờ vì những tán cây rậm cùng sườn núi trên cao. Những đóm lửa đã bắt đầu nhen nhúm bén vào nhau. Tôi chưa hết mừng - chợt một ngọn gió lạnh vụt qua làm đốm lửa đang cháy vụt tắt. Tôi hoảng hồn, run lẩy bẫy!

Cũng tại quá tự tin nên tôi kiếm quá ít củi mồi khô!

Trời ơi tôi phải làm sao đây? que diêm trong cái hộp diêm "thống nhất' là cái diêm cuối cùng tôi vừa quẹt xong. Nhảy qua bên bụi kia lấy ít mồi khô thì đốm lửa than còn lại này không có tôi sẽ tắt ngúm mất. Tôi thực sự hoảng loạn. Nhiệm vụ của tôi sẽ không thành. Tưởng tượng nỗi thất vọng của mấy anh em khác sau khi kéo gỗ ra, họ đinh ninh sẽ 'chần' một chầu sắn nấu no 'phình bụng' và họ sẽ thất vọng, đau khổ biết chừng nào!!!

_ Chén cơm của từng người đã ăn trước khi vào rừng mất rồi!!!

-Làm răng! làm răng đây hè?!

Tôi thực sự run lẩy bẫy. Những hình ảnh khi đại đội 2 tan hàng tại Lương Mai, Mỹ chánh, đại đội 2 của đại úy Chung, chợt hiện về. Tiếng rên của người lính địa phương quân trẻ mới về trung đội tôi bị trúng đạn ngay loạt đạn đầu- cái chết một mình của đại đội trướng Chung người sỉ quan cao nhất tại Lương Mai. Cái mệt cái hổn hễn và hoảng loạn khi tôi không còn phương hướng giữa đồng ruộng mới cấy Phong Bình ngày 23 tháng 3-1975 cũng không ê chề bằng giây phút này đây:

- Dưới khe một mình tôi không còn giữ lữa cho lòng tin cẩn của anh em đồng đội!

Một tia sáng lóe ra trong đầu tôi!!!

Miếng vải mỏng màu đà tôi vừa vá đắp vào hai bờ vai tôi là cứu tinh lúc này. Miếng vải này đã giúp tôi bớt đau khi trở vai với bó đòn tay hay cái cây gỗ, gánh củi về trại. "xoạt' không cần suy tính , bao nhiêu sức lực của một ý nghĩ 'độc đáo' cho tôi tăng thêm bao sức mạnh. Miếng vải đã là 'cứu tinh' thực sự rồi vì nó có pha sợi ni lon nên dễ bắt lửa vô cùng.

Cháy ! cháy! cháy lên nữa 'đi em' lửa đã lên rồi!

Tôi vui mừng muốn reo lên - muốn hét lên thật to - một mình - dưới cái khe nửa tối nửa sáng như chốn ma quái nào.

Nồi sắn như reo vui cùng tôi - nó đang sôi sùng sục - chiếc nắp nhôm đang đang đè lên mấy lớp lá rừng nhúc nhích theo.

Sắn, sắn, sắn chín rồi, những củ sắn thơm phức được tôi 'trịnh trọng' đổ ra trên lớp lá chuối rừng. Đậy nó xong tôi còn thừa sắn đề nấu thêm nồi nữa. Nồi thứ hai này chắn chắn anh em sẽ chia nhau dấu đem về trại.

Tôi vừa nấu nồi sắn cuối vừa lấy một củ sắn chín ăn, tự thưởng công cho chính mình .

Tôi cất tiếng hú gọi anh em , có tiếng hú đáp lại, chắc họ đang 'mò' ra.

Ngọn gió lạnh lùng quái ác kia xuyên qua lòng khe đang trở lại như muốn 'trêu ngươi' tôi, ngọn gió khi vụt qua cái chổ trống trên vai áo nơi tôi vừa xé mất làm tôi thấy lành lạnh, lạ thay tôi vẫn sung sướng và cất tiếng hú gọi nhau to hơn .

San Jose kỷ niệm tháng Tư Đen 2012

Friday, March 16, 2012

NIỆM KHÚC CHO ÔNG LÃO ĐƯA ĐÒ BÊN DÒNG SÔNG THẠCH


Và từ đó bên hàng lau lả lướt
Khách ngày xưa không trở lại sang sông
Nên mỗi chiều thả thuyền theo bến nước
Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông  ...
(ong lai do lyrics)


NIỆM KHÚC CHO ÔNG LÃO ĐƯA ĐÒ BÊN DÒNG SÔNG THẠCH
  QUA CẦU SẢI HIỆN NAY (photos : Hoang van Cham)


Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

---
(Sông Lấp Nam Định /cụ Trần tế Xương)


Ngả Ba VĨnh Định và Thạch Hãn ,làng Nại Cửu

 


Thời gian phôi pha, bao lớp người QT ra đi bỏ lại đằng sau khung trời kỷ niệm, dải đất quê hương cày lên sỏi đá, những ngày đông giá lạnh sương mờ giăng phủ từng khúc sông quê.
Duy ông lão lái đò vẫn mãi một đời gắn bó bên dòng hiu quạnh; lão vẫn đợi từng người khách sang sông. Ngày xưa lão cũng từng tiễn bao bóng chinh nhân, những người đi không hẹn ngày trở lại. Tự tình nào trong tấm lòng thuần phác của một ông lão đưa đò bên dòng sông Thạch ?

Và sau cảnh biển dâu xao xác cho từng mảnh đời người dân xứ Quảng, có ai về lại bến đò xưa chợt nghiệm ra rằng bóng lão đưa đò năm xưa không còn nữa !
 Bên sông sóng nước đìu hiu.  Chỉ vẳng đưa tiếng con chim bói cá-- phải chăng là hồn lão đưa đò bên bờ tre u tịch.
Một nửa đời người, ta nhìn lại khúc sông xưa nay đã cạn dần. Rồi mai đây cũng có ai đó như cụ Tú Xương nghe trong gió thoảng mơ hồ tiếng ai gọi đò, tiếng con chim bói cá bên bờ lau xưa cùng sông nước cô liêu. Tất cả đều là hư ảnh,đã thuộc về dĩ vãng xa xưa.  
DHL

Sunday, March 11, 2012

QUA CỔNG TRƯỜNG XƯA





SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI
TÁC GIẢ : ĐINH MIÊN VŨ



hồi ký- Quảng trị sau NOEL - cuoi tháng 12/1973

Có một sức lôi cuốn nào đó khiến ngày mãn khóa cùng chọn đơn vị không chút đắn đo tôi chọn ngay tiểu khu Quảng trị, mặc dầu lúc đó với kết quả cuối khóa tôi có thể chọn tiểu khu Định tường tức Tiền Giang bây giờ, nơi gia đình ba mẹ tôi chạy vào từ năm 1972.
Trên đường ra đơn vị tôi không quên ghé Đà Nẵng thăm bà con đang còn tạm cư tại đó vừa lúc Đà nẵng đón Giáng sinh 1973. Thời gian này lại là khi lưu dân Quảng trị thêm một lần chia tay: một nửa vào Bình tuy theo chương trình Khẩn Hoang Lập ấp, một nửa hồi cư về lại quê hương.
Nấn ná ở Đà nẵng chơi đến khi tôi ra trình diện đơn vị thì đã trễ phép. ..Tôi có dịp thăm lại Diên Sanh khi trình diện Tiểu Khu QT ,cồn cát Diên sanh nơi đồn trú của Tiểu khu một vùng đất tôi thấy khô khan và nghèo nàn lắm, đất chưa hồi sinh vì thiếu bóng dân về.

QUA CỔNG TRƯỜNG XƯA

Tôi theo chiếc xe GMC tiếp tế ra trình diện tiểu đoàn cũng như sẽ về đại đội đang đóng quân ở cầu Ba Bến. Chiếc GMC ra đến xa lộ Đại Hàn thì quẹo phải hướng về thành phố Quảng trị. Khó diễn tả nỗi xúc động trong lòng tôi lúc đó, nó cứ trào dâng mãi không thôi. Mới hơn một năm giã từ QT trong cơn loạn lạc của chiến chinh, giờ thì tôi trở về trong quê hương với màu áo lính. Màu áo trắng vĩnh viễn không còn nữa nó đã bay xa và cuốn theo bao nhiêu mộng ước của tuổi học trò. Thực tại hôm nay chỉ là cảm giác nôn nao bỡ ngỡ của một anh lính trẻ ngày đầu về đơn vị mới.

Chiếc xe đơn vị ì-ạch qua dấu vết cũ của ‘bót’ Long hưng, lắc lư chạy theo con đường Lê Huấn hoang phế hướng về Cổ thành, rồi nó quẹo phải…Nguyễn Hoàng đây chăng? Trường cũ của tôi trước mắt chỉ là một đống gạch đá đổ nát hoang tàn. Tôi thật bàng hoàng vì cảnh tan nát của mái trường thân yêu vượt xa sức tưởng tượng của tôi. Ôi chiến tranh chỉ là tàn phá và hận thù. Tôi cố tìm lại vị trí của cái cổng trường nhưng giờ đây chỉ còn lại mấy lõi sắt cong queo.


Cổng đón em vào ôi những tà áo trắng

Cổng tiễn em đi cứ độ trống tan trường

Em có biết không những ngày hè phượng thắm

Là lúc cổng buồn vì cổng biết tương tư…


hững dòng thơ tập tành , non nớt trong những ngày đi hoc, giờ chiếc cổng đó đã thật sự chết rồi còn đâu nữa để biết tương tư. Chiến tranh đã xô đẩy biết bao nhiêu đứa học sinh Nguyễn Hoàng trôi dạt khắp mọi nẽo đường đất nước. Ôi hôm nay tôi trở về đây, bơ vơ bên ngôi trường thân yêu đã chết cạnh một thành phố tan nát, đìu hiu, tất cả đang đứng chịu tang trong cơn lạnh mùa đông nơi miền địa đầu giới tuyến.


DÒNG SÔNG QUÊ TÔI

Đến cầu Ba bến chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua con sông Vĩnh Định, chiếc GMC chạy thẳng vào sân BCH tiểu đoàn, tôi vội nhảy xuống xe lo ‘gôn’ quần , xắn tay áo cho đúng quy cách. Tôi cố gắng chuẩn bị tư thế nhà bình thật nghiêm chỉnh trước khi vào trình diện tiểu đoàn trưởng. Thật sự tôi đã trễ phép gần 2 tuần lễ, biết ăn nói sao với tiểu đoàn trưởng đây? hay là mình lấy lý do gia đình ở tận Mỹ tho tỉnh Đình tường, tôi còn phải thăm bà con chiến nạn đang tạm cư ở Đà nẵng nữa. Tôi hy vọng mấy lý do này cũng tạm ổn.

Tôi đứng nghiêm chào, xưng tên họ, số quân, cấp bậc; bên ngoài tôi cố gắng làm ra dáng bình tĩnh nhưng trong bụng tôi thực sự run run. Tiểu đoàn trưởng trợn mắt gằn giọng hỏi lý do trễ phép, ông to giọng phê phán vấn đề vô kỷ luật của tôi, hơn nữa tôi là một sĩ quan trẻ mới ra trường.

Tội nghiệp cho tôi, ấp úng trình bày lý do trễ phép mong tiểu đoàn trưởng ‘thông cảm’. Hình như Tiểu đoàn trưởng thấy vẽ mặt ‘búng ra sữa’ của tôi ông cũng thấy ‘tội nghiệp’, dịu giọng ông cho phép tôi ra ngoài chuẩn bị qua trình diện đại đội trưởng Lê kim Chung anh người gốc làng BÍCH KHê, đại đội anh đang đóng bên kia múi cầu Ba bến canh BCH tiểu đoàn .

Ra đứng tần ngần ở sân tiểu đoàn, cũng may tôi gặp anh Trần quang Hiền, trưởng ban 3 tiểu đoàn. Anh Hiền coi bộ biết thương khóa đàn em mời ra trường như tôi. Thật đúng với cái tên Hiền anh hiền lành vui vẻ, mới gặp anh lần đầu mà tôi đã thấy gần gũi vững lòng lại sau một phen bị tiểu đoàn trưởng "quạt cho một trận".


Ngả Ba VĨnh Định và Thạch Hãn ,làng Nại Cửu
ngã ba sông Thạch hãn & nhánh sông đào Vĩnh Định chảy qua cầu BA Bến



Chia tay anh Hiền, tôi lại mang ba lô(ballot) súng đạn đi bộ qua lai cầu Ba Bến chiếc cầu mà mấy mùa vắng bóng dân đi. Bên kia ngã ba sông là thôn Nại cửu, làng ngoại tôi, nghe văng vẳng tiếng kẽng liên hồi kêu dân đi ‘sản xuất’ của phía 'bên kia'. Đi ngang giữa cầu trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẵng ngày này qua ngày khác. Đối dân Quảng trị như tôi thì chẳng lạ gì với cảm giác mưa lạnh mùa đông nhưng sao hôm nay tôi thấy cảm giác nao nao buồn buồn của một người đã hết phép và phải về đơn vị mới và hình như tôi có một cảm giác nhớ gia đình ba mạ các em đang ở xa tít trong Nam.







mặt sông Vĩnh định



Có ai về phía thương yêu xa xôi muôn trùng cách biệt,

Một miền quê cũ có con sông mầu xanh bát ngát.

Ai có về chốn xưa giữa nắng ban chiều, xin nhớ

Qua cây cầu bắc ngang sông đào, chốn quê nghèo.

[Dòng Sông Quê Tôi

Tác giả: Phạm Duy]



Tôi dừng lại giữa cầu lặng ngắm nhánh sông đào Vĩnh Định. Con sông vắng vẻ in bóng tre, đôi bờ đìu hiu không một con đò. Dân chưa về hồi cư để cùng nhau xây lại nếp sống thanh bình với đồng lúa xanh cùng bóng mục đồng, hình ảnh ngày xưa tôi thường thấy mỗi lần về thăm quê ngoại Nại Cửu.





VỀ ĐƠN VỊ ANH LÊ KIM CHUNG



Sau khi trình diện đại đội trưởng Lê kim Chung , tôi được nằm chờ tạm ở một căn hầm nằm sát bờ sông để chờ ngày ra giữ trung đội. Đại đội 2 đóng phía bên này sông có nhiệm vụ bảo vệ cho Tiểu đoàn nên tương đối nhàn hạ hơn mấy đại đội khác. Đại đội trưởng Lê kim Chung tính trầm lặng - hình như anh cũng thông cảm khóa đàn em có lẽ những cảm giác bỡ ngỡ đó cũng giống anh những ngày đầu khi anh mới ra đơn vị . Ngoài trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẳng lê thê tưởng như bất tận. Ánh sáng nhạt nhòa của mấy cục pin xài lại từ máy truyền tin trong hầm trú ẩn là cơ ngơi cho tôi ngày đầu tiên về đơn vị mới. Tôi may mắn được nằm trên một tấm ván ép Mỹ cũ kỷ, có lẽ do lính đại đội lên tận Cổ thành đào kiếm đem về đây.



Lính tráng xa nhà thú vui giữa các sĩ quan đại đội là bộ cờ quân đã cũ. Cái nền nhà và vài vách tường còn sót lại của ban chỉ huy đại đội là cơ ngơi cho tất cả mọi người ở đây. Bộ cờ quân là thú vui duy nhất cho anh Chung và mấy sĩ quan khác. Chiều mưa anh Ba, đại đội phó dạo khúc đàn với bản nhạc "DONNA DONNA" tự nhiên lòng tôi lâng lâng xao xuyến.



Chẳng màng đến cởi giày, tôi nằm thừ trên miếng ván kê gần sát mặt đất nên tôi ngửi được cả mùi ẩm thấp và ướt át trong căn hầm. Ngày ra trường tôi tự nguyện chọn về đây kia mà! Tôi đã chọn quê hương Quảng trị vì tôi nhớ nó, vì tôi còn thương cả một vùng trời đầy ắp kỷ niệm.





Tôi cố gắng lấy giấc ngủ, trong cơn lim dim tôi mơ màng thấy những khuôn mặt bạn bè năm xưa trong lớp học hiện về, tiếp đến mài trường Nguyễn Hoàng còn nguyên vẹn…những tà áo trắng xôn xao trước cổng …và mơ hồ trong giấc ngủ mệt mõi tôi nghe phảng phất một thứ âm thanh nào đó của chợ Quảng trị ngày giáp Tết.



Chợt mở mắt tôi nhìn qua khe hở của căn hầm- trời mùa đông chiều xuống thật mau. Tôi nghe đâu đây, hình như dưới chân cầu Ba bến có tiếng con chim bói cá kêu từng hồi buồn não ruột, trên mặt sông Vĩnh định màn mưa phùn theo gió lướt thướt bay./



dinh hoa lu


Saturday, March 10, 2012

a memory at the San Jose State University on friday March 9, 2012

 THE SCHOOL BELL TOWER
PHUC IS IN FRONT OF THE LUTHER  KING JR.  LIBRARY 
GO TO SCHOOL


truoc lop hoc

trong thu vien nhin ra khu dai hoc San Jose

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...