Tấm chân tình và lòng tốt của bạn hiền Nguyễn k Hiến vẫn mãi không phai nhạt theo dòng thời gian trôi chảy . Ngày đoàn viên của thầy xưa bạn cũ NH 3/9/2011 Nam CA có thể làm người bạn hiền tên Hiến vui thêm .
Phúc Huệ xin post lại bài viết này như là sự hâm nóng tình bằng hữu dạt dào từ tình đồng môn cũng như những thâm tình cùng giao cảm từ một thời kỳgian khó tại xứ biển Bình tuy năm nào .
Thân
Phúc Huệ
Để dễ nhớ ngày ba tôi chọn ngày tết Tây mà làm ngày đám cưới cho hai đứa chúng tôi vì thế cứ mồng một đầu năm vừa là ngày tết và cũng là kỷ niệm ngày vui của Túy Huệ và Trọng Phúc.
Ngày đó, rất lâu tôi mới nghe lại tiếng pháo, thôn xóm Động đền như rộn rả
theo tiếng pháo cưới của hai bên.
nhà trai đi họ, chú Lý đi trước- Phúc-- lần lượt là: Dũng (con bác Mãn ) & nguyễn khắc Hiến phụ rễ cho Phúc, anh Thuận (đội nón )-- Xiềng (quê Bình Long)'...
Tôi và nàng thành với hai bàn tay trắng; trắng tay rất đúng nghĩa của nó. Khi về với vùng Động đền sáng rừng, chiều rẫy ‘đầu tắt mặt tối’ có cái bỏ bụng là may rồi nhưng nhân duyên tiền định, về lại Hàm tân tôi lại gặp được nàng.
Tình đồng môn Nguyễn Hoàng (vì xưa chúng tôi đều là học sinh Quảng trị)càng thắm thiết thêm tình chồng nghĩa vợ. Khi tôi chưa về, thường khi nàng qua nhà chơi với hai cô em gái tôi mà sau này cùng là dân sư phạm Phan thiết cả, Ba tôi hay hỏi nửa đùa nửa thật:
“Mai mốt thằng Phúc ‘cải tạo’ về, Huệ con làm dâu bác nghe?” nàng gật đầu lấy lệ cho vui, ai dè sau này lại thành sự thật.
song thân bái yết Gia Tiên
bên bàn thờ nhà gái 1.1.1983
Tôi còn nhớ những ngày mơí về lại với gia đình, ngày tháng trôi qua nhanh lôi thôi, lếch thếch mịt mù bên nương rẫy chẳng còn biết "trời trăng mây nước" gì nữa! thế mà ‘đùng’ một cái, ba nàng với ba tôi hai người hay hàn huyên chén tạc chén thù, quyết hứa với nhau rằng nàng và tôi phải nên duyên cầm sắt.
Tôi nghèo mà lại gặp may,đường tình duyên khi đă đến thì không có gì trở ngại. Tôi được ba má nàng thương lại có được mấy em nàng ủng hộ tôi hết mình. Tôi không hiểu sao, hình như đây là tơ duyên tiền định ! Khi hai đứa mới gặp nhau tôi qua lại nhà nàng tôi rất tự nhiên như làm rễ từ lâu vậy.
Tôi cứ nhớ mãi ngày đó khi mới về bên mái nhà tranh, sau nhà tôi chỉ có giàn bầu là giá trị nhất. Giàn bầu đầu mùa chỉ một trái lớn nhất tôi không ngần ngại hái ngay qua tặng nhà nàng. Ba mẹ nàng chắc cũng cảm thông cho tôi nghèo mà lòng thành nên rất cảm động. Giờ nghĩ lại tôi thấy có cái gì đó thật ngô nghê. Mà suy cho cùng thuở này gia tài tôi chẳng có chi ngoài hai bàn tay chai đá "phồng rộp lên " theo nương rẫy ? Ba nàng khi cần lợp nhà sửa cửa đều có mặt tôi, người hay ân cần chỉ bảo giúp tôi từng đường mây sợi lạt.
Trước ngõ nhà nàng có một chàng ‘công tử’(bạn cũ thời tiểu học Q trị) ra dáng nhà giàu, nói chuyện thì nghe chỉ chuyện ‘vàng cây, vàng chỉ ‘ những thứ hồi đó chắc chắn 'ngoài tầm vơi' của tôi rồi. Chàng ta cũng để ý nàng lâu lắm rồi, rào trước đón sau tưởng chừng không còn ai có thể lọt vào được cổng nhà nàng. Đến khi nghe tin bên nhà tôi đi qua nhà nàng làm lễ hỏi rồi chàng ta mới há hốc mồm không tin là sự thật!!!
Khi hai đứa chưa là vợ chồng, nàng dạy học ở Tân Thắng, một xã đa số là người Chăm. Vùng đó mấy ông công an biên phòng rất đỗi ngạc nhiên tại sao nàng dám ‘to gan’ làm quen với một tên ‘phạm’ nàng cũng chỉ cười không nói.
Hai đứa chúng tôi gặp nhau biết thông cảm nhau với tháng ngày hoạn nạn nên nàng với tôi vững tâm nắm tay nhau đi chung một nẽo đường đời.
Làm sao tôiquên được tấm lòng chí thiết của bạn bè từng gắn bó giúp đỡ hai đứa tôi cho ngày cưới. Thuở đó mấy cô bạn giáo viên nhọc nhằn dạy học’thời bao cấp’ mỗi tháng chỉ có vài chục bạc, thêm vài ‘lạng’đường, ít ‘lạng’ mỡ, ưu tiên cho cái nghề ‘bán cháo phổi’ thế mà tất cả không ai bảo ai đều nhịn đi nhường 'tiêu chuấn ' đó lại cho ngày cưới của Phúc và Huệ.
Chiều mồng một Tết Tây, đưa dâu vô ngõ nhà trai, lối cỏ gập ghềnh (anh Thuận, chị Lành, Hồng, Chị Hào, chị Ẩn, Hùng con cậu Kiêm,Cậu Lâm, Cô Dâu, và phụ dâu Trúc. Liên, chị Xíu em con cậu Kiêm..
Đêm trước ngày cưới thật vui, rộn ràng nhất là bên nhà gái vì mấy nàng thức suốt đêm cùng phụ giúp cắt giấy trang hoàng hay nấu nướng, ai nấy nói cười huyên náo, làm cả xóm cũng vui lây nhất là mấy đứa nhỏ tò-mò qua xem quá nửa đêm cũng không chịu về nhà. Vùng Động đền- Tân Sơn nơi chúng tôi ở có nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng đều cùng trang lứa như TUÝ- HIẾN- ĐƯỜNG- THẮNG- NHÀN- HẢI các cô giáo TRÚC -LIÊN …tất cả đều có mặt trong cái đêm đầy ắp tình nghĩa bạn bè. Những lúc cơ hàn đều bên nhau , san sẻ cho nhau những gì thiếu thốn chật vật. Đăc biệt nhất là Hiến người bạn được hai đứa tôi ‘chấm’ cho đi phụ rễ.
Tôi nhớ lại Hiền tẩt tả tìm kiếm khắp thôn mới mượn được một bộ ’vét’, oái ăm thay quần áo lại khác màu. Tôi an ủi:
-Demi-saison thì cần chi là đồng màu Hiến nờ.
Hiến than không mượn ra ‘cravat’, tôi làm ra vẻrành rọt:
-Demi-sai son thì không cần cravat mô!
Phần tôi thì chẳng hơn chi, chạy mấy ngày từ đầu cho đến cuối thôn tôi mới mượn ra được một bộ ‘vét’. Tôi gặp may vì bộ vét tôi mượn đồng màu lại vừa chiều cao của tôi. Còn phải tìm kiếm mượn cho ra giày và cravat nữa! cuối cùng tôi cũng có đủ. Thời buổi đó dân mình chỉ cần một ngày hai buổi ăn no là mừng lắm rồi, có ai còn giữ lại những thứ ‘xa xỉ’ đó làm chi.
Dù sao đi nữa, sáng đi họ qua nhà gái đứa nào nhìn cũng oai ra "phét" lắm, có thua gì hồi trước đâu!
Thế là nhờ vào sự đồng cảm giữa nhà gái và nhà trai, thêm vào tình cảm chân thành của bạn bè đã làm cho ngày cưới hai đứa lần đầu tiên trở lại hình ảnh như trước: cô dâu hai ba thứ áo quần, đi họ và rước dâu có pháo nổ đì-đùng, thứ pháo tống đầu tiên con buôn từ Đà nẵng mời vào chào hàng ở Hàm tân dạo đó. Họ hàng, khách khứa, và bạn bè ai cũng vui, cũng sung sướng tay bắt mặt mừng, tất cả đều như trải cả tấm lòng ra mà vui cho trọn vẹn một ngày vì sáng mai sẽ tiếp tục tay cuốc tay rìu vào rừng hay ra rẫy.
Sau ngày đám cưới thì vợ tôi được đổi về dạy học ở Tân sơn, vì gần nhà nên vợ tôi sáng đi chiều về. Đến khi hai vợ chồng có cu tý đầu lòng phải bồng trống nhau lên tạm trú ở Tân sơn cho vợ tôi tiện bề dạy học. mấy ngôi trường ở Tân sơn sót lại từ thời người dân Quảng trị đi di dân lập ấp năm 1973 lúc này đa số đã hư nát. Hai vợ chồng và "CU RY" đứa con đầu lòng được tạm trú ngay ngôi trường vợ tôi dạy . Căn phòng đó sụp đổ hơn một nửa, chi chít vết đạn giao tranh. Phía vách ngoài cùng trống toang hoác tôi che lại bằng lá buông,cũng chống được nắng mưa, kín gió cho con trai đầu lòng.
Trai đầu lòng(Cu Ry) trước mái nhà tranh của Nội, đăng sau là phòng che bằng lá buông, đặc sản Hàm tân , dành cho Ông Nội) 1984.
Bé Bi 1 tuổi -sinh
21/2/1985
Ngày ngày tôi moi móc số đất bạc màu quanh trường, gánh bổi vun vồng làm ra khoai ,bắp cho vợ tôi đi bán tận chợ huyện La Gi. Vợ tôi còn phải dạy học, tuy vất vả nhưng nàng cũng tạm yên lòng.
Ngày tháng dần trôi, con cái tiếp tục ra đời tại ngôi trường cũ nát này. Khi chống cuốc nghĩ đến những ngày đầu hai vợ chồng tay bồng tay bế đứa con lên tận vùng này , gia tài vốn liếng chỉ một con gà mái ngoại cho, một chiếc xe đạp thồ vay nợ mới có. Giờ đây con cái bắt đầu đông khiến tôi nghĩ đến chuyện phải xin cho được một chân lao công vừa giữ trường nơi tôi cư trú vừa có "tiêu chuẩn" gạo ăn. Tôi bàn với vợ đánh bạo trình lên hiệu trưởng Trần như Hải.
Gia đình tôi tạm trú qua ngày dưới mái trường quê Sơn Mỹ cũ nát này (xây dựng thời di dân lập ấp 1973- vợ tôi đang chụp hình chung với học trò lớp 3 ( niên khóa 1982-1983).
Một ngày có tin hiệu trưởng Hải cần gặp tôi tại văn phòng trường chính đóng tại xã Cam Mỹ cũ. Mừng quá tôi vứt cuốc tất tả đạp chiếc xe đạp thồ chạy đến găp Hải ngay. Thấy tôi đã đến, hiệu trưởng Hải kêu tôi gặp riêng trong văn phòng. Tôi vừa ái ngại vì áo quần còn ướt đẫm mồ hôi cùng hồi hôp ngồi đối diện với Hải.
Tôi thầm nghĩ, “nếu mình làm được phu trường, mỗi tháng sẽ có 10 ký gạo cộng thêm tiêu chuẩn của vợ mình nữa cũng hơn 20 ký, cả nhà mình –thằng Ry, bé Bi, thằng Ky tha hồ ăn cơm trắng khỏi độn, rồi sẽ có thêm 2 lít dầu thắp, nếu hên không chừng có thêm tiêu chuẩn thịt nữa…”!
tiếng Hải đằng hắng đưa tôi về thực tại:
-Anh Phúc à, mấy lâu ni em cũng thấy anh tạm trú ở trường và bảo quản trường rất tốt…
Hải xưng em vì Hải nhỏ hơn tôi mấy tuổi, hơn nữa Hải cũng quen biết với mấy đứa em gái của cả hai vợ chồng tôi.
Hải tiếp tục:
-…em có đề nghị với Phòng giáo dục nhiều lần là Trường cần có một người bảo vệ cho cơ sở vật chất hết mấy phân hiệu, nhưng anh Phúc à..
Tiếng Hải chợt chùng xuống:
-…em quyết tâm đề nghị anh, nhưng phòng lưu ý về phần lý lịch của anh, họ hứa sẽ rà xét lại sau.
Thế là hết! tôi buồn bã chào Hải ra về. Mới hôm kia hai vợ chồng bàn bàn tính tính…chừ thì..bầt giác tôi thở dài. Đường về nhà như dài ra, chiếc xe đạp thồ như nặng thêm chân tôi cơ hồ không còn đạp nỗi.
Vùng tôi ở dân trồng nhiều cây sắn (người Nam gọi là mỳ) từ thứ nông phẩm này hai vợ chồng mới nghĩ ra một nghề mới nghề chiên bánh ‘thèo-lèo’ đi bỏ mối. Thế là dọc con đường gió bụi của tỉnh lộ 23: Tân thắng, Bình châu, Bông trang, Bà-tô, nông trường Hòa bình rồi tôi vượt sông La-ngà qua tận Xuân Sơn, Bình giã , Ngãi giao, không một quán nào vắng bóng những chiếc túi ny-lon đựng bánh thèo-lèo chiên, xanh xanh đo đỏ tất cả đều từ bàn tay khéo léo của vợ tôi làm ra cả.
thiếu phụ 2 con
(1986)
Một chuyến tôi đạp xe đi bán mất ít nhất là 2 ngày. Lên Xuân Sơn tôi ở lại nhà cậu tôi, cậu tôi (Võ đình Cư) sau khi về địa phương làm nghề thợ rèn .Tuy cậu tôi vất vã nhưng đắt khách lắm. Núi rừng Xuân Sơn đang bị ‘bạch hóa’ chạy theo khoai sắn, người dân đang cần nhiều cuốc rựa cậu tôi làm không hết việc.
Tôi sung sướng nhất là những khi bán hết hàng. Bán hết hàng , chuyện này làm cho tôi quên hết cái khổ nạn của đoạn đường về nhà gần 70 cây số. Con đường đất đỏ trên chặng Bà Tô, Hòa Bình hay dưới tôi thì lún cát. Gặp mùa gió chướng phải ráng mà đạp chiếc xe thô kệch nặng nề, phía sau còn đèo một ‘cần xế’ to tướng như một cánh buồm cản ngọn gió ngoài Trung thổi vô. Tôi gò lưng lại, mim môi nghiến răng cố sức đạp. Chiếc xe trước ngọn gió quái ác cứ chầm chậm nhích từng mét một. Gió mạnh đến nỗi có khi chiếc xe thồ "thân yêu " của tôi tưởng chừng ĐỨNG yên lại !
Mỗi chuyến đi bán bánh ram (tức là thèo lèo chiên ) về lại trường cái áo công nhân xanh tôi bạc phếch và khô cứng đi vì lớp mồ hôi MUỐI ướt đẩm theo mấy mươi cây số đường trường ngược gió.
Ri -Bi về thăm 2 cậu Lu và Lô
(1985 nhà Ngoại Động đền)
Nghề bánh này một thời gian cũng chẳng còn ai ưa chuộng ,tôi quyết định ở nhà tìm rừng đốt than, làm rẫy.
Hết cảnh khom lưng đạp chiếc xe thồ rong ruổi trên con đường thiên lý tôi lại vào núi chặt hạ cây rừng. Đất Bình tuy thuở này người dân tha hồ đốt phá để tạo ra nương khoai ruộng mía giải quyết sự đòi hỏi của bao tử. Tôi cũng thế từ sáng sớm tinh mơ đã vác búa vô rừng làm bạn với khe với suối, nghe tiếng con công kêu ban sáng hay lũ bìm bịp báo hiệu chiều về. Có đôi khi tôi tưởng như mình là anh chàng ‘Thạch Sanh bất đắc chí’ hay là ‘anh hùng mạt vận vào rừng đốt than’.
Nhớ lúc chặt hạ cây rừng Tân Sơn Hàm Tân, khi một cây to ngã gục tôi khoan khoái tự thưởng cho mình một điếu thuốc ‘rê’ to tướng. Vừa phì-phà điếu thuốc vừa ngắm mây trời bảng lảng. Ngắm núi ngắm rừng, tôi chợt nhớ về núi rừng Thanh Hóa, Ái tử, Bình điền những nơi tôi đã qua. Giờ thì tôi lại đứng đây, núi rừng Bình tuy, xa xa tôi còn thấy đỉnh ngọn núi Bể. Chếch về hướng Phan Thiết là Đỉnh Nhọn , núi Trà Cú. Nhìn về hướng khác tôi thấy rõ vịnh Hàm Tân, đảo Hòn Bà giống con rùa lớn đang bơi.
Biển Thái Bình ngoài xa tít, chân trời kia là thế giới khác và ngọn sóng biển quái ác từng nhận chìm bao con tàu đi tìm cái thế giới đó, sóng đã tấp vào bờ bao xác người vô thừa nhận.
Bầt giác tôi thở dài cầm lại cây rựa tiếp tục “phát luồng” lòng tự nhủ, “mình gắng thêm chút nữa mau về nhà cả vợ con đang đợi”.
San Jose- Thanksgiving 2004
vochong phuc hue ngay 2 thang 4 nam 2011 San Jose
Đinh trọng Phúc
No comments:
Post a Comment