phía góc phải là xe mỳ xíu chú Hưng
BẠN PHƯỜNG ĐỆ NHẤT THỊ XÃ QT CHẮC CÒN NHỚ LÒ MỲ VẠN HOA CỦA BÁC NGUYỄN VĂN VỊ
...(đây là trích trong hồi ký của tui)
1968
Trước mặt tiệm Thanh Thanh là con hẻm vào Lò Mỳ Vạn Hoa mà người chủ là bác Nguyễn Vị mấy đời làm phường trưỏng phường Đệ Nhất này. Tôi nhớ con hẻm này do nhà dì tôi ở đây. Dì tôi là em dâu bác Vị. Sau vụ Mậu Thân 1968, mẹ tôi cùng các em tôi lên đây ở chung với nhà dì tôi. Vào sâu trong hẻm, trước khi qua nhà bà Toàn làm nghề sửa kim hoàn , đổi đô la thời đó là đến cái lầu của chú Lành, trung sĩ quân y, anh ruột Cô Hồng, xong mới đến nhà dì tôi, lò mỳ Vạn Hoa.
Nhà bác Vị chủ lò mỳ này có cây đào cổ thụ gần cả trăm năm, người ta đồn linh thiêng. Bởi thế mệ Vị tức là mẫu thân bác Vị hái đào bị "ma xô" sau này khi nào mệ cũng chống nạng. Thân phụ của bác vị cũng là thân phụ của dượng Ngọ (Nguyễn văn Ngọ) tôi nghe đồn là thầy pháp cao tay lắm bởi vậy bị ma nó "thù" làm cho mệ bị gãy chân chống nạng sau này? Tin hay không tin, chứ tôi thì chẳng bao giờ héo lánh dưới cây đào tiên rậm rạp cao ngất này do..."sợ ".
Tôi nhắc nhiều tới nhà bác Nguyễn văn Vị vì tôi khó quên được cái hương vị những ổ mỳ nóng mới kéo trong lò ra cho đến nay dù bao đổi thay tôi vẫn còn nhớ
Lò mỳ nằm sâu nhất trong xóm và cuối ngõ kiệt tôi vừa kể này. Lò xây bằng gạch. Những thanh củi to lớn được đốt bên trong suốt nửa ngày cho lò thật nóng. Xong mới người thợ mới hì hục kéo tro than ra chùi sạch bằng nhũng thanh gỗ dài có quấn bao tải ướt ở đầu. Giả mỳ đầu tiên khi nào cũng cháy nhiều và còn dính một ít hạt than. Lúc này tôi được chú Lô cho mấy ổ mỳ 'cháy', nhưng nóng hổi ăn ngon đáo để. Tiếp tục làm giả thứ hai thì mỳ mới đẹp.
Những cái cần xế đựng mỳ có sẵn mối lái. Những đứa bé bán mỳ cũng vô lấy mỳ ở đây. Giai đoạn làm bột thật là công phu. Toán thợ thanh niên, sức vóc, ủ bột nhồi bột sau khi có thêm bột "la virre " nhập từ Pháp cho nở mỳ. Khối bột mềm mại trắng bóc, thợ rứt ra đều đặn, không quên bỏ lên cái cân bàn. Những con bột trông như những con đỉa lớn màu trắng, nhọn hai đầu đặt dài theo mái chèo gỗ mỏng dẹp. Chú thợ dùng nửa miếng dao cạo thoăn thoắt rạch 1 đường ở giữa từng con bột trước khi chuồi sâu vào lò mỳ. Các đường bột đã đầy lò, chú thợ đậy mấy cái lỗ lò trông như mấy cái lỗ châu mai mà chúng ta hay thấy tại các lô cốt thời Pháp vậy. Mỳ vàng tới, là toán thợ hối hả kéo mỳ ra. Những ổ mỳ nóng dòn, vàng hươm rớt nghe rôm rốp vào những cái cần xế đan bằng tre. Những ổ mỳ nóng đến nỗi lúc này tôi không thể nắm lên tay lâu được. Bạn chớ chê mỳ cháy; nó ngon nhất lúc này. Tôi ăn bao nhiêu chú Lô người thợ chính của bác Vị chẳng nói chi; em út mà!
Sau này thời đại dầu hỏa "lên ngôi" (đúng ra gọi là dầu cặn (diesel) khi đốt nó hôi nặng mùi hơn dầu hoả), lò mỳ không đun nóng bằng củi vì thiệt ra trong thời chiến tranh khó mua củi hơn dầu nhiều. Đốt bằng dầu vừa sạch vừa tiện công hơn. Lò mỳ bằng gạch lò Vạn Hoa vẫn giữ nguyên. Nhưng không đốt than thì lại thế bằng các máy thổi chạy bằng dầu. Những luồng hơi lửa trông như súng phu lửa trong chiến trận mà chúng ta thấy trong phim ảnh, thổi ào ào hàng giờ vào trong cái lò gạch. Khi đủ độ nóng, thợ lò chùi sơ là bỏ con mỳ vào được. Lạ thay tôi thích ăn mỳ đốt bằng lò củi hơn nhiều. Các tiệm mỳ điện sau này cũng có, ví dụ Liên Thịnh nhưng làm mỳ ngọt thôi. Lò mỳ Vạn Hoa công suất nó nhiều, cung cấp nhiều mối buổi sáng và mỳ ra chiều ít hơn dành cho bán tối. Kinh doanh mở rộng hơn, lò Vạn Hoa còn cung cấp những cái thùng 4 mặt kiếng hình khối vuông, sơn màu vàng cho các mối bán mỳ xíu lẻ mượn lâu dài. Nhớ về lò mỳ Vạn Hoa tôi còn nhớ một "thiên tình sử" giữa anh Lô làm thợ và con gái bác Vị tức chị Anh. Chú Lô người Huế lưu lạc Quảng Trị làm với bác Vị. Anh lanh lợi, hoạt bát, đẹp trai. Có điều tôi nhớ chú hát vọng cổ rất hay. Làm lụng với con gái ông chủ lâu ngày, tình yêu phát sinh. Hình như phân biệt giữa giai cấp "chủ tớ" hồi này là lằn ranh ngăn cách sâu đậm, gia đình chị không ưa. Chuyện tình anh chị qua nhiều phen gay cấn lắm nhưng "thề non hẹn biển" nên cũng tới nơi, tức là 'bến đổ tình yêu". Cái miếu âm hồn trong xóm cũng đã lâu năm bên hông nhà chị Chư tức mẹ ca sĩ Khả Tú lâu nay. Nhưng cái thời tôi ở trong xóm này chắc Khả Tú chưa ra đời. Và chị Chư lại bà con với dượng Ngọ tôi mà nay lại ở gần nhà tôi ở San Jose này. Chị Yến, chị đầu của chị Chư thì là vợ của chú Lành, mà chú Lành là anh ruột cô Hồng. Bà con quanh đi quẩn lại, té ra biết nhau cả thôi. Đó là tôi chưa nhắc đến anh Viễn Khởi dòng Tôn Thất đâu trong Huế, tình duyên sao lại tới với chị đầu con gái bác Vị. Chú Khởi một thời có nhiều bàn tán về cái chức chi nghe đâu "to lắm " mỗi lần ra xóm trong bộ đồ lính "rằn ri" đội mũ đỏ mà lại có tài xế lại lái xe "dân sự"? Tôi lúc này là đứa học trò, chẳng để ý làm gì. Lạ lùng thay vào trong trại tù cải tạo sau này bên Ái Tử, lại thấy chú Khởi cũng ở tù nhưng lại làm trưởng khối "đúc song nồi" cho trại, chuyên cưa vụn xe lội nước quân đội M 113 trong rừng về trại nấu lỏng ra mà đúc. Sau này chú Khởi "biến mất" tôi không còn thấy cho đến lúc này cũng "bặt tăm hơi" chẳng biết hỏi ai ...
Mỳ lò Vạn Hoa cung cấp cho chợ QT, các xe mỳ bán quanh chợ, các em bé bán mỳ không rao quanh thành phố nhất là ban đêm..
Nói về các xe mỳ, người phố QT cũ ai cũng nhớ đến chú Hưng. Chú có xe mỳ trong hình ảnh QT cũ giờ còn thấy. Các cô các cậu khách ăn mỳ chú Hưng nhìn vào hình Ngã TƯ Quang TRung Trần H Đạo là thấy ngay. Học trò đi học bữa sáng có mỳ xíu chú Hưng. Khách đi xem xi nê về khuya ghé ngang chú Hưng khoảng 10 giờ đêm vẫn còn chú Hưng đợi khách. Mấy ổ mỳ nóng dòn trên cái lò than nho nhỏ khi nào cũng vừa lòng khách. Mỳ xíu QT nó đậm đà hương vị, qua tay kho của người bán mỳ thân quen chợ Tỉnh làm ai cũng nhớ cũng thương thứ hương vị mộc mạc quê hương của miềng cả. Đêm đông trời lạnh có ổ mỳ xíu nóng dòn như rứa thì chao ôi nó thấm thía làm sao!
xa quê hương dặm đường xa ngái; mỳ xá xíu mỳ thịt nguội trog nam thiếu chi nhưng ai người chợ Tỉnh đi mô xa cũng nhớ về thứ hương vị rất riêng của mì xíu xứ miềng chợ Tỉnh.
Kể chuyện xa xưa từ cái lò Mỳ đốt bằng củi lửa cho đến mấy chiếc xe ba bánh bán mỳ quanh chợ tỉnh. Rồi tiếng rao trầm buồn lan xa quanh thành phố QT đêm đêm những thanh âm lan trải khi xa xa có tiếng đại bác dội về. Bầu trời QT đêm đen vẫn chớp nháy hay ầm ì xa xa ánh chớp của bom đạn từ Trường sơn hay từ vùng Vĩ Tuyến. Tất cả quyện lại với nhau tạo thành một quá khứ mà chỉ những lớp tuổi già QT ra đi cho đến nay nếu ai còn rơi rớt lại trên cõi trần gian này mới cảm nhận được một hoài niệm man mác u buồn của một quá khứ nay chìm sâu trong vùng kỷ niệm
Kể thì kể vậy cho nhau nghe. Những ký ức của con tìm tuôn trào ra đầu ngón tay thay vì ngòi bút
Nhưng đôi khi bạn cũ người xưa có ai đó chẳng tốn chút gì- chẳng nhọc công sức được đón nhận những dòng hoài niệm chẳng mất tiền mua nhưng đáp lại cho người viết những từ 'vô cảm vô tâm'
THẬT BUỒN THAY! (xin xem trích dẫn ở dưới )
đhl
======================
Chuyên người lính đi xe đò về sg là hơi hiếm Trong thời gian này tất cả quân nhân đi phép đều có cấp phương tiên đi máy bay cả huống hồ là si quan có lẽ trên chuyến xe này có quân nhân là sĩ quan thì khó tin đươc
(đây là đáp từ của ông bạn đồng môn về ký ức Đi Giữa Lòng Dân của ĐhL)
=======================
HÌNH NGÃ TƯ CÓ XE MỲ CHÚ HƯNG
No comments:
Post a Comment