Tuesday, October 17, 2023

QUÁ KHỨ LƯU DÂN QT TUYỂN TẬP 9

 

QUÁ KHỨ LƯU DÂN TẬP 9

 MỤC LỤC 


1-  CON ĐƯỜNG GIÓ BỤI 

2- MẤY CHỊ EM Thôn ĐỆ TỨ NĂM XƯA 

3- CẢM XÚC VỚI BỤI MÍA SAU HÈ

4- ĐỘC ẨM LÚC BÌNH MINH 

5- HOA MƯỚP NGÀY XƯA 

6- CHUYỆN CÁI LON SỮA BÒ 



============================== 


CON ĐƯỜNG GIÓ BỤI CỦA ANH BÁN BÁNH DẠO 



Hiện tại chẵng khác gì một gốc cây bám sâu vào  quá khứ- một quá khứ tràn đầy hoài niệm cùng lắm gian lao...
(Jules Beaulac) 

*

    Vùng tôi ở dân trồng nhiều cây sắn (người Nam gọi là mỳ) từ thứ nông phẩm này hai vợ chồng mới nghĩ ra một nghề mới nghề chiên bánh ‘thèo-lèo’ đi bỏ mối. Thế là dọc con đường gió bụi của tỉnh lộ 23: Tân thắng, Bình châu, Bông trang, Bà-tô, nông trường Hòa bình rồi tôi vượt sông La-ngà qua tận Xuân Sơn, Bình giã , Ngãi giao, không một quán nào vắng bóng những chiếc túi ny-lon đựng bánh thèo-lèo chiên, xanh xanh đo đỏ tất cả đều từ bàn tay khéo léo của vợ tôi làm ra.

Một chuyến tôi đạp xe đi bán mất ít nhất là 2 ngày. Lên Xuân Sơn tôi ở lại nhà cậu mợ tôi một hoặc hai ngày.  Cậu tôi (Võ đình Cư) sau khi về địa phương làm nghề thợ rèn. Tuy cậu tôi làm nghề vất vả nhưng đắt khách. Núi rừng Xuân Sơn trong thời gian này đang bị ‘bạch hóa’ cho nhu cầu bắp và cây sắn, sau này là cà phê tiêu. Do đó ai cũng cần cuốc rựa thế nên nhà cậu tôi làm không hết việc.

CON ĐƯỜNG GIÓ BỤI 


Tôi sung sướng nhất là những khi bán hết hàng. Bán hết hàng , chuyện này làm cho tôi quên hết cái khổ nạn của đoạn đường về nhà gần 70 cây số. Con đường đất đỏ trên chặng Bà Tô, Hòa Bình hay dưới tôi thì lún cát. Gặp mùa gió chướng phải ráng mà đạp chiếc xe thô kệch nặng nề, phía sau còn đèo một ‘cần xế’ to tướng như một cánh buồm cản ngọn gió ngoài Trung thổi vô. Tôi gò lưng lại, mim môi nghiến răng cố sức đạp. Chiếc xe trước ngọn gió quái ác cứ chầm chậm nhích từng mét một. Gió mạnh đến nỗi có khi chiếc xe thồ "thân yêu " của tôi tưởng chừng ĐỨNG yên lại !

Mỗi chuyến đi bán bánh ram (tức là thèo lèo chiên ) về lại trường cái áo công nhân xanh tôi bạc phếch và khô cứng đi vì lớp mồ hôi MUỐI ướt đẩm theo mấy mươi cây số đường trường ngược gió.

Nghề bánh này một thời gian cũng chẳng còn ai ưa chuộng , tôi đổi sang nghề đi buôn đường. Đường bánh ép từ mía, tôi chở từ chợ Sơn Mỹ lên bán tại chợ xuân Sơn BÌnh Giã nhưng cuối cùng cũng ế ẩm không 'cơm cháo' gì. Cuối cùng tôi quyết định ở nhà tìm rừng đốt than, làm rẫy.


Anh chàng Thạch Sanh bất đắc  dĩ’ 

Hết cảnh khom lưng đạp chiếc xe thồ rong ruổi trên con đường thiên lý tôi lại vào núi chặt hạ cây rừng. Đất Bình tuy thuở này người dân tha hồ đốt phá để tạo ra nương khoai ruộng mía giải quyết sự đòi hỏi của bao tử. Tôi cũng thế từ sáng sớm tinh mơ đã vác búa vô rừng làm bạn với khe với suối, nghe tiếng con công kêu ban sáng hay lũ bìm bịp báo hiệu chiều về. Có đôi khi tôi tưởng tượng thân phận mình chẳng khác chi anh chàng ‘Thạch Sanh bất đắc chí’ hay là ‘anh hùng mạt vận vào rừng đốt than’ nào đó không bằng.

 Người viết chẳng bao giờ quên phút giây cảm khoái nhất là lúc đốn ngã xong một cây rừng  to lớn. Từ lúc tiếng "răng rắc" của thân cây nặng nề chuyển mình cho đến lúc nó thực sự gục xuống  đánh "ầm" trên mặt đất đó là lúc tôi sung sướng tự thưởng cho mình một điếu thuốc ‘rê’ to tướng. Một mình trong rừng sâu, tôi nhìn vào lòng bàn tay sưng lên xọp xuống không biết mấy lần? Những vết chai phỏng cũ chưa kịp lành thì vết mới tiếp tục nứt nẻ nhức đau. Một mình tôi thương cho thân phận mình nhưng chẳng ngày nào dám rời cán rìu cây rựa...

Vừa phì-phà điếu thuốc vừa ngắm mây trời bảng lảng...Biển Thái Bình ngoài xa tít, chân trời kia là thế giới khác và ngọn sóng biển quái ác từng nhận chìm bao con tàu đi tìm cái thế giới đó, sóng đã tấp vào bờ bao xác người vô thừa nhận.

Mùa khô khi nghỉ làm rẫy tôi còn một nghề đó là tiều phu vào rừng kiếm củi bán mua gạo . Thời này một xe củi giúp tôi đổi được nửa thúng lúa , đó là giá trịcho bạn đọc dễ dàng so sánh Tiều phu thời 'giải phóng' còn văn minh hơn vì có chiếc xe đạp thồ làm bạn . Nói đên chiếc xe đa dụng một thời của 'vùng Ba Chiến Thuật' này chắc người lớn tại Long Khánh, Thuận Hải , Đồng Nai, Bà Rịa ắt hẳn còn nhớ . BỘ giàn của nó bằng ống nước, vành xe bằng nắp ống cống kim loại một thời quân đội VNCH dùng , hợp kim này rất nặng , tăm xe cũng bằng sắt nên tổng lại nặng nề. Chiếc xe đạp thồ dang dụng nó là phương tiện vận tải nông phẩm cho nghề làm rẫy khi con bò kéo là dạng 'phú ông' thời này . NGoài rẫy rừng ra, chiếc xe đạp thồ còn là phương tiện di chuyển . Con đường đất đỏ Hàm tân, Bình Châu, Bà tô, Bà Rịa hay quặc lên Hòa BÌnh , qua bến đò Xuân Sơn lên tận Bình Giã , Ngãi giao là con đường 'thân quen' của bao chiêc xe đạp thồ đa dụng 'vùng Ba Chiến Thuật".

Tôi thở dài cầm lại cây rựa tiếp tục phát thêm một vài cây nữa. Trong lòng tôi tự nhủ, “mình gắng thêm chút nữa mau về nhà cả vợ con đang đợi”...

Thế mà gần bốn thập niên qua rồi. Non bốn mươi năm gia đình tôi cùng bầy con dại đã giã từ một vùng đất khổ sang đến xứ người với bao nhiêu thay đổi... Có khi hai vợ chồng cùng ngồi nhớ lại ngày qua mà tưởng như mơ? 

Có một ngày tôi thật lòng tâm đắc khi đọc được câu thơ của Jules Beaulac, một nhà truyền giáo và cũng là văn nhân Gia Nã Đại: "Hiện tại hôm nay  y như gốc cây bám rễ sâu vào  quá khứ- một quá khứ chứa chan hoài niệm và lắm gian lao.." (*) 

Quả đúng! nếu không có một quá khứ ngày xưa đầy gian lao và hoài niệm như ngày xưa thì làm sao chúng tôi, gia đình tôi có được một sức bật khác thường để vươn lên như hôm nay
./.




=================================== 

MẤY CHỊ EM thôn ĐỆ TỨ NĂM XƯA



Tháng ngày mai chỉ còn 'bấm đốt ngón tay'.

từ trái sang: chị cả Võ thị Mai, em gái Võ thị Lý, em gái võ thị Liễu , em dâu Nguyễn thị Lành (Diên Sanh), em dâu Lê thị Hường (Trà Lộc)
ngày thăm chị cả tại Cam Bình Hàm Tân 16/3/2016


về mạ và dì mợ tìm nhau trong buổi xế chiều-ĐHL
*

CÁI NGÀY ĐÓ, từ lúc mấy chị em là những cô gái đôi muơi, ba muơi của Thôn Đệ Tứ năm xưa.Thương làm sao cái cổng đường Thành tức là Cửa Hậu dẫn ra cái quán đầu con đường Ngự về tận mé sông Vĩnh Định, An Tiêm. Xóm Cửa Hậu và con Đường Ngự là hai dấu ấn cho người thôn cũ và con đường thân yêu mang tên Lê văn Duyệt được đặt tên từ lúc ba chị em còn thì con gái. Giờ là những bà già tìm nhau, thăm nhau 'cả mai mốt không còn chộ chắc"?

  Hơn nửa đời người, biệt xứ lưu huơng; trời phuơng nam dung rủi, giang tay đón người dân QT, đâu riêng gì người dân của thôn Đệ Tứ.

Đúng thế, đâu riêng gì mấy chị em già của thôn Đệ Tứ năm xưa và kể cả hiện nay. Cái xóm Cửa Hậu, ngày giã biệt, không phải một Tháng Tư Đen 1975 mà từ Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, không ai là lưu dân QT ma` không đồng cảm cho nỗi đoạn trường 'chạy giặc' ?









Chạy giặc  không biết mấy lần?chạy từ thời Tây đô hộ...rồi nào Mậu Thân, nào Mùa Hè Đỏ Lửa ... người QT, người Thị Xã, người Phường Đệ Tứ gồng gánh ra đi tìm hướng Huế và trời phuơng nam, lận đận truân chuyên "dâu bể" cuộc đời. 

Rồi lần lượt, nào bà con, nào anh, nào em, xóm phường, thôn cũ; người quen, kẻ biết, ai cũng lần lượt "rũ áo" ra đi, giã từ một kiếp trần ai.

Người còn lại? nào chị, nào em, nào bác, nào chú; sao không khỏi giật mình:

- Té ra ai cũng  "kề miệng lỗ"!

Thôi vứt hết, bỏ hết! chữ "buông" giờ mới hiển hiện rõ ràng làm sao?

hình: hai dì và hai mợ người viết tìm về Hàm Tân, Cam bình thăm chị (tức là mẹ tôi)

Chị em, anh em tìm nhau, bạn già tìm nhau, còn được mấy người? còn được mấy ngày?



Chỉ còn chị em hôm nay tìm nhau, nắn bóp tay nhau. Thương "làm răng"! những khúc tay xuơng xẩu, như muốn níu kéo với nhau những lớp tuổi trong buổi 'chiều tà'!

Chuyện của những "mảnh đời" sót lại, chuyện của của người QT tha huơng, trong đó còn mấy chị em già, Phường Đệ Tứ Quảng Trị. Hôm nay nơi phương nam xứ người lưu lạc còn chăng bao kỷ niệm nhạt nhòa? Mong sao con cháu sau này nhớ và giữ hình ảnh người xưa; bà con 'miềng' ly hương không bao giờ ly tổ ./.

ĐHL edition 4/8/2017


=========================================== 

CẢM XÚC VỚI BỤI MÍA SAU HÈ



Bụi mía sau hè giờ đây đã cao. Chuyện lạ, do ở đây kẹo bánh còn ít ăn, huống gì là mía? Bạn bè tới ai cũng 'chê':

- Răng không trồng chi cho đẹp lại trồng mía vậy ôn?

 Xứ này khi đã đầy đủ, ai cũng sợ cái ăn. Nào cao máu, nào cao mỡ, nào sợ đường? Do vậy hình ảnh cầm đốt mía trong tay, cắn nghe ''rau ráu'' giờ này giờ đã vào huyền sử?

Thật vậy, hai cha con về đây, chỗ ở mới, lại trồng bụi mía ngay từ ngày đầu, cho nó cao lên mà... coi chơi! 

"Coi chơi" khác với ngắm nghía. Thiên hạ ngắm hoa đẹp, bụi phong lan, chậu quỳnh, ít lắm là cây cảnh bonsai bên hòn non bộ. Như thế bụi mía hai cha con tôi trồng, được "coi chơi" là chuyện lạ đời?

Bụi mía mau cao thật. Chắc chắn là nó nhờ nước hồ cá trong nhà hay xả ra đây nên nó mau tốt. Nhất là khi nó thấm vào bao phân chôn vào lúc giăm mía năm ngoái. 



Con cái 'đi cày' (đi làm) chưa về. Tôi ngồi một mình nghe tiếng gió chiều xào xạc qua đám lá mía mà ngỡ như đang ở quê nhà?  Ngày đó, vườn mía sau hè của nhà ba mạ tôi rậm rịt. Gió chiều xào xạc qua đám mía lau, những đám cờ trắng phau của đám mía phất phơ theo gió...

***




Chuyện ngày xưa, những bó mía lau chất lên xe bò. Rồi những bánh đường đen bóng sau khi ép xong. Những bánh đường ngọt đậm, là thành quả đợi mong của những ngưòi, ngày ngày hai bàn tay chai lì với cuốc rựa, đi sớm về chiều bên cạnh rẫy nương

Một vùng quê, từ Tân Hà đến Tân Sơn khắp huyện Hàm Tân phong trào mía lau ép đường rộ khắp của lưu dân Quảng Trị. Những ruộng mía tiếp nối nhau bạt ngàn, cờ lau trắng phau dập dìu theo gió núi thổi về. Mùa mưa qua đi, tiếp theo là gió và nắng.  Bao đám mía khô khốc trổ bông là khi mía đường vào vụ. 

Qua xứ nguời tôi cũng trồng vài bụi mía mà chơi. Thiên hạ trồng cây, tôi lại 'lạ đời'? phải chăng  tôi muốn về lại với 'âm thanh' khi lòng mong nghe tiếng "nhạc chiều ru êm" lướt qua đám mía sau hè, đưa hồn tôi trôi về với những ngày gian khổ./.

Đinh Hoa Lư CẢM XÚC  bụi mía sau hè

======================== 

ĐỘC ẨM LÚC BÌNH MINH Hay Chuyện Những Người “Lính Già” Qua Mỹ



Mặt trời chưa lên nhưng tôi hay có cái thú một mình ngồi vườn sau chờ ánh dương lên. Hàng xóm còn im lìm trong giấc ngủ. Trong mấy lùm cam vườn nhà bên cạnh, tiếng vài con chim dậy sớm rời rạc gọi nhau. Ngoài đường thỉnh thoảng có vài chiếc xe đi làm sớm vụt qua.

Tôi chế ly cà phê theo kiểu hồi đó. Cách chế đơn giản chẳng cầu kỳ gì-nghĩa là tôi bỏ sữa đặc, xong bỏ cà phê phin y xưa không khác chút nào. Mùi cà phê này đánh thức khứu giác của tôi. Đem ra vườn tôi ngồi vừa nhâm nhi vừa ngắm luống hành, vạt cải con mới lên, những chậu ớt mọi,,,đằng trước là liếp mướp đắng nghiêng nghiêng...ánh mặt trời từ từ hừng lên rồi tất cả hình ảnh rõ dần.



Hướng đông ngày xưa bên nhà là Biển Thái Bình; giờ đã khác hẳn do nó là bờ đông nước Mỹ. Có thể tôi nghĩ về tình hình chính trị Hoa Kỳ, rồi lan man qua những hình ảnh trong quá khứ. Hôm qua tôi lại viết về Chợ Quảng Trị, một tỉnh ngoài cùng của miền nam VNCH. Tôi chỉ sửa lại từ bài cũ khá lâu nhưng lấy đề tựa khác cho bạn bè chưa đoc. Những suy nghĩ của tôi trong một buổi sáng sớm nó lan man lắm không mạch lạc gì. Tuy nhiên tôi cảm nhận một điều rất thật đó là những suy tư trong một buổi sáng sớm tĩnh mịch.

Vườn rau của tôi vào đầu tháng Mười. Trời đã vào thu hơn hai tuần rồi nên vắng tiếng chim. Thật lạ, bầy chim mới tháng trước nó ồn ào lắm. Nào giẻ, nào chim sẻ nào cu ...giờ nó bắt đầu trốn đâu hết?  Ban ngày sẽ có nhiều bầy quạ và kên kên còn lai vãng hay đậu từng bầy ngoài bìa rừng có cây cao ngất.

Chim bay đi về miền nắng ấm hơn cũng là lúc vườn nhà của tôi bắt đầu tàn dần. Khí hậu bắt đầu lạnh sau những ngày rất nóng non 40 độ C vào hai tuần trước. Vào đầu tháng Mười mọi năm, khi người ta chuẩn bị đón Halloween ngày của Ma Quỷ là mùa thu đến rồi. Những đợt không khí lạnh dần và vườn sau của tôi sẽ còn hai loại rau xà lách và cải là ưa lạnh mà thôi. Có thể tôi sẽ trồng nhiều hành ta và kiệu nữa, chúng hợp khí lạnh thu và đông hơn.







Cây trồng đó là những thứ tôi tiêu khiển và có ích cho bếp nhà. Vợ chồng tôi thường tự hào về ‘rau xanh’ tự chế của mình; mấy ai có được. Giàn bầu dài vừa qua thật nhiều trái giờ đã hết rồi. Tuy hết nhưng tôi có đi tặng người quen một số và cảm thấy vui vui trong lòng.

Đó là chuyện mùa hạ, giờ sáng nay tôi đang ngồi đây đón thu cũng như chờ ánh dương lên cao. Những ánh nắng đáng mong đợi do nó ấm áp chứ không nóng nực khó chịu như thời tiết mùa hè tháng trước.

Cà Phê hết, ly trà đã cạn khô. Những dòng nghĩ suy tưởng tượng nhớ nhung nhiều thứ về quá khứ. Bao hình ảnh trộn lẫn đang chấm dứt và tôi đứng dậy thức bà xã tôi dậy để cùng nhau đi bộ thể dục.
Càng già vợ chồng tôi càng thấy cần sức khỏe hơn hết nên hay khuyên nhau cố gắng đi bộ hàng ngày. Những thứ này đâu mất tiền mua, lòng ước mong có được dịp nhìn về quê hương đất nước có ngày thay đổi. Lực bất tòng tâm, những lúc ngồi “độc ẩm vườn sau” chính là lúc tâm tư lắng đọng để một tâm hổn còn nhiều ước vọng làm tôi hay xao xuyến trong lòng./.



Đinh Hoa Lư San Jose một ngày vào đông 2019


============================ 

HOA MƯỚP NGÀY XƯA


[IMG]


Mấy bụi mướp lên mau thật. Lớp lá xanh mượt mà che ánh mặt trời tạo khoảng im rộng. Trong mẩy lỗ trống lấp lánh nắng còn sót lại vài bông hoa mướp vàng đong đưa, đàn ong cuối mùa ăn muộn. Những trái mướp thơm dài ngủng ngẳng, da xanh lục non mượt mà. Đầu trái còn chút hoa khô quéo sót lại, phía trên là trái mướp bụ bẫm căng tròn, những sọc dọc , xanh đậm chạy từ cuống tới chóp cùng trái mướp. Giống mướp huơng hạp vùng đất rẫy, hợp khí hậu, leo giàn. Ba Ti lo ủ thêm phân nên ra nhiều bông cái. Khi những nụ vàng ở đầu bông khô dần, phần trái ở dưới sẽ to mau. Trái vừa non nhưng lại dài.  Thế mà nhờ giàn cao nên không sợ bị chồng chéo, khuất lấp như những cây mướp mọc leo tạm bợ dọc hàng rào.

Những bó cây ba Ti vác từ rừng về không uổng  công Ba chút nào. Mướp hương loại dài lại bán được giá, con buôn vô tận nhà mua. Có khi mẹ Ti đem ra chợ, vừa bỏ xuống là mướp bán hết ngay. Có khi Ti ngồi chơi một mình dưới giàn mướp đang che rợp cả vườn sau nhưng Ti không biết rằng những trái mướp huơng đang đu đưa trên đầu mình là gạo cơm cho  một gia đình, là những gì Ba mừng vui nhất. 

Ti bên thân phụ ngày tết Ất Hợi1995 (quán cà phê chú Đinh hữu Thư thôn Cam Bình, xã Tân Thiện, H. Hàm Tân) năm gia đình từ giã quê huơng 
[IMG]
Rồi gia đình chúng ta ra đi, giã từ đất mẹ cùng những kỷ niệm vui buồn  





Ti dưới mái tranh nghèo năm 1 tuổi 1992  xã Sơn Mỹ, Hàm Tân, Bình Thuận

Ti cùng gia đình ra đi, từ giã vườn xưa. Cả gia đình phải xa vườn điều lộn hột,cái chuồng heo bên cạnh có cây xoài tượng giống Mỹ Tho vừa trổ cành, mái tranh nghèo, và cuối hết là xa cái giàn mướp thân yêu che nắng cho Ti.

 Nhớ sao những trái mướp màu xanh mát mắt, thoang thoảng hương thơm- mùi mướp. Dưới bầu trời quê thênh thang lộng gió, mấy nụ hoa vàng phất phơ. Những con bướm trắng, bướm vàng hay đàn ong tới lui không ngớt...
Cha Me Vien Duong 1984 xã Sơn MỸ, Hàm Tân một vùng quê nghèo cát trắng

Đó là hình ảnh của ngày xưa, của một vùng quê nơi các con chào đời,  một nơi  chứa chan bao kỷ niệm nhọc nhằn.

Đúng hai mươi ba năm qua trong trí nhớ non trẻ của đứa bé từ giã quê huơng lúc vừa tròn bốn tuổi, chắc không còn ghi dấu được gì? Riêng ba chỉ mong rằng, khi con thành công nơi xứ người, đã vươn mình lớn dậy con chớ quên quê cũ. Con đừng quên rằng trong thân thể cường tráng khỏe mạnh của một thanh niên, trong trí óc làm việc của thời đại văn minh, có những 'góp nhặt ban sơ" từ từng lon gạo, từ những trái mướp năm xưa đong đưa trong nắng quê nhà...

Dẫu biết rằng con đường tương lai trước mắt thênh thang rộng mở. Các con đang có quá nhiều cơ hội và chọn lựa tốt đẹp. Ba Mẹ biết thế trong bao mừng rỡ hân hoan, hãnh diện. Nhưng con ơi! mai đây trên  những lối đi huớng đến tương lai nơi Miền Đất Hứa này,  đằng sau có một lối về: đó là quê huơng- là nơi 'chôn nhau cắt rốn' của các con. Những người thân thuộc sẵn sàng dang tay đón bước con về. Một vùng quê có Vườn Xưa, một thưở hàn vi là nguồn sống cho cả nhà mình. Trong lớp bụi mờ quá khứ có hình ảnh mẹ con tảo tần đi bán chợ xa hay cha con đang chống cuốc say sưa lặng nhìn một giàn mướp hoa lá tươi xanh dưới vòm trời lộng gió./.

DHL
update 30/11/2018

"CHUYỆN ĐỜI" CÁI LON SỮA BÒ & MỘT THỜI ĐONG ĐẾM

 


   CÁI LON SỮA BÒ ai mà chẳng biết. Hình dạng cái lon sữa đặc có đường tuy là điều bình dị đời thường thế mà đối với chuỗi thời gian trong quá khứ tôi có một ý niệm rất lạ y như là chuyện "đời cái lon" khó ai tin là nó gắn bó với tầng lớp dân dã ngày xưa cận kề và sâu đặm.


    Ngày xưa hình ảnh vài trái cam đựng trong cái bịt nilon kèm theo cái lon sữa bò là chuyện khác thường rồi. Ít nhất là đi nhà thương thăm người bệnh hay tới nhà ai thăm người quen đang nằm liệt giường chưa dậy. Cũng có thể phái đoàn nào đó đi thăm và ủy lạo thương binh. Như vậy đó là hình ảnh quan trọng chẳng vui chút nào.


       tiệm sữa  lon nestle con chim thời còn Pháp

hộp sữa Bông Trắng còn gọi là Đầu Bò hay Cal Best trước cả sữa Ông Thọ

   Cái lon sữa đó uống rồi chưa hẳn là đem bỏ đi. Cái lon không đó là một đơn vị đo lường gần gũi và cần thiết nhất cho người dân miền trung. 

   Người bán gạo cần cái lon này nhất. Luật bất thành văn 4 lon ăn một ký gạo. Người trung chẳng tính 3 lon ăn 1 lít gạo như trong nam. Cái lon không qua tay người bán gạo cho đến lúc nó đen sỉn đi vẫn chưa vứt bỏ. Hình như nó là vật thân yêu, quyến luyến nên người bán không nỡ vứt đi. Vào chợ, tới hàng gạo chúng ta lúc nào cũng thấy cái lon nằm sẵn trên miệng cái bao gạo mở sẵn hay trên miệng thúng gạo đang đầy. Trong gia đình mỗi lần nấu cơm đều tính lon. Trong nhà tính đầu người lớn mà đong bao nhiêu lon gạo. Nếu có con nít thì đong ít lui. Có ai đó một mình ăn hết 2 lon gạo đó là chuyện khác thường? 

     -Ăn như đi cày 


                       nồi đồng nấu cơm gia đình ngày xưa

niêu cơm 

nồi nhôm nấu cơm mấy chục người ăn khi có việc


Ngày trước, câu này ám chỉ người sức ăn nhiều. Người mình hồi đó hay dùng bao nhiêu lon gạo để tính độ lớn của cái nồi nấu cơm cho gia đình. Nồi nhỏ nhất nấu khoảng 2 lon gạo, cho tới nồi 10. Khi có việc giỗ chạp nấu cơm nhiều, ở thôn quê người ta mượn nồi đồng lớn, thành phố thì có nồi nhôm có thể nấu cho hai ba chục người 

  

ốc gạo

    Khác với trong nam, chợ miền trung hay dùng lon sữa bò để đong các thứ hàng khác. Người bán muối cũng dong bằng lon, bán phân trồng lúa cũng đong bằng lon...thậm chí con mớ ốc gạo từ dưới dòng Thạch Hãn mới luộc xong với lá sả thơm phức cũng đong bằng lon sữa bò như thế. Dạo một vòng quanh chợ còn nhiều thứ cần cai lon đó để làm đơn vị cân đo đong đếm kể khó hết.


                                   sim rừng

                                   dâu rừng

   Quanh ngoại ô thành phố, ban đêm dưới ánh đèn đường o bán hàng dân dã. Trái sim chín, hạt mốc mốc trái hạt sót, trái dâu rừng cũng đong bằng lon sữa bò không hơn không kém. Kể không hết chuyện cái lon không với đời sống dân mình ngày đó.

   Ngày xưa dưới quê thường lên bán gạo ruộng mới xay xong cũng bán cho người thành phố và đong bằng lon. Người viết tuy còn nhỏ nhưng vẫn nhớ mẹ mình dùng 100 đồng thời Cụ Ngô có thể mua hơn năm mươi lon gạo ruộng (gạo trái mùa) thứ gạo giã xong còn màu nâu nhạt, dùng nấu cháo bữa sáng. Một thứ cháo ăn với cá bống kho khô rất ngon và bổ. Gạo ruộng quý, hiếm hơn gạo tạ. Một thời, gạo tạ trong nam ra chứa trong bao đay, một bao cân đúng 100 kg nên bà con mình hay kêu là gạo tạ.


Khó kể hết chuyện "đời cái lon", một hình ảnh đi cùng với cuộc sống đời thường. Có thể coi đó là một kỷ niệm nho nhỏ nào đó nhưng lại gắn bó với bao người thân thương ngày trước. Còn nhiều lắm...


Cái lon hư rồi cũng thành đồ chơi cho con nít trong xóm. Nào mấy thứ để chơi như đá lon, lũ con nít chúng tôi la vang trong đêm hè, điện thoại  alo- alo hai đứa đứng hai đầu, sợi chỉ căng thẳng, mi nghe khôn rứa???... Cũng có khi chúng tôi dùng cái lon hư để nhốt chú dế bên trong để ngày mai thi tài cùng mấy con dế lũ bạn trong xóm...


Đến lúc lớn lên cuộc đời "dâu bể" khó lường. Đến khi vào "tù cải tạo", té ra cái lon sữa bò kia vẫn mãi theo con người. Cái lon không, bấy giờ là "của quý", một cái nồi tý hon giúp đời tù qua cơn thèm khát hay những phút đói lòng./.


No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...