ĐINH TRỌNG PHÚC, H.25
* Bài và ảnh: HUY PHƯƠNG
- Ông thuộc lớp trẻ vào trận khi mới hai mươi tuổi, phục vụ cho đất nước chưa tới hai năm thì bị bắt làm tù binh, đã qua 5 năm tù khổ sai và 15 năm sống cuộc đời một người dân bị bỏ quên trong vùng “kinh tế mới”.
Đinh Trọng Phúc sinh năm 1953, là con đầu trong một gia đình có năm anh em, tại quê mẹ thuộc làng Nại Cửu Quảng Trị, nhưng nguyên quán ở làng Truồi, nơi nổi tiếng có trái dâu ngọt, thuộc quận Phú Lộc Thừa Thiên. Thân phụ ông đã từng làm trưởng chi Công An qua những quận Ba Lòng, Cam Lộ, Hải Lăng.
Thuở thiếu thời, Đinh Trọng Phúc theo học tại trường Nam Quảng Trị và Trung Học Nguyễn Hoàng từ năm 1965- 1972. Sau khi đậu tú tài phần II, Đinh Trọng Phúc bị động viên vào khóa 12/72B trường Bộ Binh Thủ Đức. Cuối năm 1973, ông được phân phối về Tiểu Khu Quảng Trị, giữ chức vụ Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đoàn 105 ĐPQ. Là một người trai trẻ, sau khi tốt nghiệp trung học, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của màu hè đỏ lửa, về phục vụ tại quê hương, Đinh Trọng Phúc nghĩ là mình có thể đóng góp chiến công để giữ vững miền Nam theo gót các đàn anh, nhưng định mệnh quá khắt khe. Ngày 23 tháng 3 năm 1975, tiểu khu Quảng Trị được lệnh rút qua tuyến Mỹ Chánh. Tiểu Đoàn 105 ĐPQ án ngữ tại đây để bảo vệ an toàn cho các đơn vị Dù và Thủy Quân Lút Chiến rút về tuyến sau. Nhưng vào sáng hôm sau, quân Bắc Việt đã tràn qua phòng tuyến, Chuẩn úy Đinh Trọng Phúc cùng toàn đơn vị bị bắt làm tù binh tại chỗ. Đây là “tháng ba gãy súng” mà nhà văn TQLC Cao Xuân Huy đã mô tả trong cuốn sách của ông xuất bản tại hải ngoại.
Các tù binh VNCH bị lột giày và đi chân đất trong đêm đó ra tập trung tại Đông Hà. Mười lăm ngày sau đoàn tù binh bị buộc chuyển đi Ba Lòng, một khoảng đường xa gần 40 cây số. Ngày 21 tháng 5 sau khi Saigon thất thủ, Sư Đoàn 337 ( Đoàn 7) lập 5 trại tù tại Ái Tử để giam giữ gần 3,000 chiến hữu của chúng ta thuộc Khu 11 Chiến Thuật. Đầu năm 1977, Đinh Trọng Phúc có tên trong danh sách 1,000 tù binh mạnh khỏe tại Ái Tử mà Cộng Sản tuyển để đưa ra miền núi Thanh Hóa, phá rừng, làm thủy lợi cho địa phương này. Sau hai năm ở Thanh Hóa, năm 1979, ông được chuyển vào Bình Điền, một trại tù về phía Nam thành phố Huế.
hình tái tạo và lắp ghép tượng trưng
Tháng 8-1980, Đinh Trọng Phúc ra tù và trở về nhà cha mẹ, vì trước đó vào mùa hè năm 1972 , gia đình ông đã vào di dân lập ấp tại Bình Tuy. Ở đây, chỉ có một nghề duy nhất dành cho người tù cải tạo trở về là đốt rừng làm rẫy, trồng bắp, trồng sắn, đi củi, làm than (anh hùng mạt vận lên rừng đốt than). Trong hoàn cảnh ấy, Đinh Trọng Phúc gặp lại một người bạn gái ngày xưa ngồi chung lớp, và hai người đi đến thành hôn năm 1983, gầy dựng một gia đình, sinh hạ được năm người con, nghèo khổ, vất vả và cho tới ngày bỏ quê hương lầm than ra đi.
Ở vùng kinh tế mới, xa đô thị, Đinh Trọng Phúc trong nhiều năm không hay biết gì về chương trình tỵ nạn dành cho các cựu tù nhân chính trị, và một phần do sự bưng bít của chính quyền địa phương, mãi đến tháng 8 năm 1995, gia đình Đinh Trọng Phúc mới đến định cư tại San José, Hoa Kỳ theo danh sách H.25. Mang theo một đàn con nhỏ mà cháu lớn chỉ mới 11 tuổi, gia đình ông phải nhờ vào trợ cấp của chính phủ, cùng lúc Đinh Trọng Phúc xin vào làm trong một hãng điện tử. Năm 2003, Phúc nghĩ đến việc phải đi học trong thời gian còn hưởng trợ cấp, ông vào College được hai năm và muốn theo học ngành Social Science .
Sau một thời gian khá dài đói khổ nơi vùng kinh tế mới, được dịnh cư tại Mỹ, năm 1995 vợ chồng Đinh Trọng Phúc với 5 đứa con được Hoa kỳ cưu mang qua đây, nay tất cả 5 đứa con đều học hành thành công, các cháu đã vào được các đại học Harvard, Stanford và UC Davis . Phúc luôn mang ơn nước Mỹ và cộng đồng người VN tỵ nạn CS nhất là hội Đồng Huơng Quảng trị luôn khuyến khích và tặng phần thuởng khuyến học cho các cháu hàng năm.
Phúc cũng không quên công lao của vợ đã hi sinh cho gia dinh gần 20 năm chịu khó làm nội trợ trong nhà chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cùng sự học hành cho con cái. Riêng Phúc năm nay 61 tuổi nhưng vẫn quyết đi tìm công việc thích hợp với ngành học của mình.
Ông thuộc lớp trẻ vào trận khi mới hai mươi tuổi, phục vụ cho đất nước chưa tới hai năm thì bị bắt làm tù binh, đã qua 5 năm tù khổ sai và 15 năm sống cuộc đời một người dân bị bỏ quên giữa vùng đất cằn cỗi. Gia đình Đinh Trọng Phúc được nước Mỹ cứu vớt, mang tới đây, trong một miền đất hứa để ông làm lại cuộc đời, nhìn thấy các con đang khôn lớn, sống no đủ, được học hành tử tế . Và riêng ông, ông đang trở lại trường học, sau khi đã trải qua những năm tháng chiến tranh, tù đày và những ngày cơ cực, vất vả; mùa thu 2013 ông tốt nghiệp cử nhân Khoa Học Xã Hội (Social Science) tại Đại Học San Jose State California.
Chúng ta hy vọng gặp lại Đinh Trọng Phúc trong tương lai, một Đinh Trọng Phúc thành đạt, biết cống hiến, nhờ vào những ngày kinh nghiệm gian nan trong quá khứ.
2015-02-23 19:34 GMT-08:00 huyphuong le <huyphuong37@gmail.com>:
nhà văn Huy Phương và Đinh trọng Phúc ngày ra mắt sách tại Khu Hội CTNCT San Jose 2014
No comments:
Post a Comment