Mít Kho Làng Bác Vọng.
Tại các vùng quê của miền Nam Việt Nam, người dân thường hay trồng Mít trong vườn nhà. Trái Mít thường được dùng để ăn tươi như nhiều loại hoa quả khác, sau này khi được trồng nhiều ở cao nguyên trung phần, các doanh nghiệp mới sáng chế thêm món mít sấy khô đóng hộp dùng cho ngày tết. Riêng vùng Quảng Điền quê ngoại của tôi, Mít còn đi vào bửa ăn gia đình với nhiều cách chế biến khác nhau.
Sau ngày hòa bình, tôi được Mạ cho đi về thăm quê Ngoại. Quê Ngoại nằm ở huyện Quảng Điền, làng của Mệ Ngoại có tên là Phổ Lại, còn làng của ôn Ngoại có tên là Bác Vọng Đông.
Sau mấy ngày ở chơi làng của Mệ Ngoại, hai mạ con tôi băng đồng về thăm làng Bác Vọng Đông, nơi Mạ, Cậu và các Dì sinh ra và lớn lên. Đoạn đường từ Phổ lại sang Bác Vọng Đông khoảng 10 cây số nhưng ngày ấy tôi thấy xa ơi là xa. Men theo đường đất, hai mạ con đi qua Bầu La, nơi chuyên đan thúng mủng và các dụng cụ bằng tre phục vụ sinh hoạt, qua làng Hạ Lan nơi có Huyện Đường ngày xưa thời phong kiến, men theo bờ sông Bồ hai mạ con tôi về đến Bác Vọng Đông thì trời đã xế chiều.
Miếu Bà Tơ ở làng Bác Vọng
Ra đi từ tuổi còn đôi mươi theo Ba lên Đà Lạt lập nghiệp rồi về làm dâu Ôn Mệ ở Truồi, hơn 30 năm mới về lại làng quê cũ, nơi chôn nhau cắt rốn của cả gia đình có năm anh chị em, đứng trên bến đò Ba Bến có lẽ Mạ bồi hồi lắm. Ngôi nhà cũ của Ôn Mệ đã không còn, Mạ chỉ định vị được vị trí của ngôi nhà Ôn Mệ nhờ vào vị trí ngôi Thánh Đường cũ mà nay cũng chỉ còn cái nền, ngôi Thánh Đường nơi Cậu, Mạ và các Dì nhận bí tích khai tâm Kitô giáo, nơi cữ hành Thánh Lễ cuối cùng của Ôn Ngoại để đưa Ôn về với lòng đất.
Sau một hồi lặng yên cùng ký ức, Mạ dẫn tôi vào một ngôi nhà trong làng, nhà người bạn của Mạ thưở thiếu thời. Trong ngôi nhà tranh vách đất đó, hai Mạ con tôi được cô chủ nhà đãi món ăn mang đậm nét làng quê Quảng Điền, món Mít non kho xương.
Cây mít thì nơi nào cũng có, nhưng mít Quảng Điền nhờ vào phù sa sông Bồ nên thân cây rất to, có thể xẻ ra làm bàn ghế hay làm nhà. Theo lời kể của Mạ thì ngày xưa Ôn Ngoại làm được một ngôi nhà gổ mít đỏ au đẹp nhất làng. Không như những vùng miền khác, người dân làng Ngoại của tôi không cho cây mít nuôi nhiều trái, khi cây mít đậu quả được chùng một hai tháng là bà con lặt bớt trái, chỉ để lại những trái có khả năng phát triển tốt và sinh nhiều múi. Những trái mít hái non được đem luộc, sau đó chế biến các món ăn dùng cho bửa ăn gia đình, các món chế biến từ mít non món nào cũng ngon, đầu tiên là món mít luộc chắm mắm nêm, mít non làm gỏi ăn với bánh tráng và mít non kho xương ăn no không biết chán.
Sau khi ăn xong món mít non kho xương, Mạ và cô chủ nhà bắc chỏng ra hiên nhà ngồi kể chuyện ngày xưa, tôi chạy ngay xuống bếp lục trong đống tro ra vô số hạt mít vùi tro, những hạt mít vùi tro chín đều và thơm lựng, ăn rất bùi và không ngán như hạt mít luộc, có lẽ đây là những hạt mít ngon nhất trong đời mà tôi được ăn tai làng quê Bác Vọng.
Sáng tinh mơ, hai Mạ con tôi ra nghĩa trang của làng để tìm mộ Ôn Ngoại, trong vô số các ngôi mộ nằm giữa ba ngôi làng Hạ Lang, Bác Vọng Đông và Bác Vọng Tây, nơi có dòng sông Bồ chảy qua, có lẽ Ôn Mệ phù hộ nên tôi nhanh chóng tìm được chính xác mộ phần của Ôn nhờ vào tấm bia có hình Thánh Giá và tên Cậu phụng lập, một ngôi mộ đất nằm ven đường, cả mộ và bia mộ đã bị phủ kín bởi loại cỏ ống phát triển rất mạnh nhờ phù sa ven sông. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của Mạ khi tìm ra được mộ phần của Cha mình.
Chia tay quê Ngoại để trở về thành phố, món quà tôi được mang theo là trái mít to ú ụ, đi bộ từ Bác Vọng Đông ngược trở về Hạ Lang, qua bến đò Hạ Lang đi bộ lên tận Triều Tây mới đón được xe lam từ An Lỗ đi vào, đoạn đường khá xa nhưng chân tôi như muốn níu lại, muốn quanh quẩn mãi bên vườn mít, bên bến đò, để được bước đôi chân trần mà cảm nhận cái mát lạnh của nền đất quê Ngoại yêu thương.
Đinh Trọng Bình
No comments:
Post a Comment