hình ảnh này mượn trên Internet, chỉ có tính minh họa mà thôi
Thường ngày trên mấy chuyến xe hàng từ Hàm Tân lên Đức Linh hay từ Đức Linh về, khách đi không lạ gì "Ôôn Cóc". Cái tên nghe lạ tai nhưng cũng có nguyên cớ của nó. Tuy mất cả hai chân nhưng nhờ sức mạnh hai tay nên gã phóng nhanh lên đúng phong phóc lên sàn chiếc xe hàng không chút sơ sẩy. Có ai đứng mà trông cái cảnh đó thì trông chẳng khác chi hình ảnh một con cóc đang nhảy.
Tật nguyền như thế nhưng ông ta là người khách thường trực của tuyến xe Hàm Tân- Đức Linh. Nói đến đi lại thời đó, ai cũng nhớ xe cộ quả là thứ hiếm hoi. Vào thời buổi NGĂN SÔNG CẤM CHỢ, đi lại thiếu xe, nhưng người khách khác lạ này lại hay có mặt trên mấy chuyến xe hàng mới là điều khác thường ?
Bạn đọc chắc hẳn còn nhớ, muốn đi đâu xa, trước tiên phải gõ cửa Công An. Ai cũng mong xin cho ra tờ Giấy Đi Lại.
Một thời trên vạn nẻo đường quê hương đều thiếu phương tiện. Khó khăn làm sao cho mấy cái vé xe tại Bến Lagi! Vé thì ít, lại phải ưu tiên một, hai cho cán bộ, cho hưu trí, phục viên... đủ thứ, phần còn cho dân thì vé chỉ còn vài cái.
HẾT VÉ THÌ ĐI 'CHUI', CỨ LÊN XE, VÉ NƠI MIỆNG TA TRẢ GIÁ
người ta nói "chuyện thường ngày ở Huyện..." có thể nói như trên. Người dân phải biết phận mình. Cái điệp khúc thiếu vé, chờ đợi, xin xỏ van nài chi rồi nó cũng quen dần trở thành một cái lệ 'bất thành văn'. Nói cho dễ hiểu hay thời sự hơn đi lại khó khăn là một trong hàng vạn cái khó khăn đương thời, đó là "chuyện thường ngày của Huyện" một thành ngữ của cái thời bao cấp "quỷ tha ma bắt" đáng nguyền rủa trên.
o..o đến phiên tui o ?
cái thời "THỦ KHO TO HƠN THỦ TRƯỞNG"
Đi lại thì ít xe, mua bán thì NGĂN SÔNG CẤM CHỢ. Hình ảnh mấy ôn du kích hay quản lý thị trường một thời là 'hung thần' cho những ai mang danh là "con buôn" hay vận chuyển nông phẩm từ vùng này sang vùng khác. Ai cũng khát khao hạt gạo, ký đường, chút dầu hay tấc vải che thân... Mọi thứ đều thiếu, hiếm, tiêu chuẩn...khó quên câu:
THỦ KHO TO HƠN THỦ TRƯỞNG
Đó là một sự thật 'trần truồng' trong một xã hội TEM PHIẾU làm đầu.
*
NHƯNG BÀ CON CHỚ COI THƯỜNG Ôôn 'CÓC' KHI HIỂU RA CÁCH GÃ CÓ "CƠM TRẮNG CÁ TƯƠI"
Đi lại khó khăn, thế mà Ôôn "Cóc" lại luôn có mặt trên mấy chiếc xe hàng Hàm Tân-Đức Linh mới hay?
Làm sao mà gã leo lên xe? Thế mà chỉ "vụt" một cái, hai cánh tay khỏe mạnh đã đưa cái thân mình cụt ngủn lên sàn xe nhanh 'hơn sóc'? Ai trong xe cũng khen,ông ta giỏi. Người khách bất hạnh đó chẳng bao giờ giành ghế của ai, gã biết thủ phận thu mình ở một góc sàn xe, lổ đổ rác rưới. Khách ngồi trên ai cũng thương hại cho gã. Lơ xe chẳng màng hỏi han, hắn đã quen thuộc cái bản mặt 'ù lì' của người khách này rồi. Lúc thu tiền xe, gã chỉ biết đưa mấy chiếc răng vàng khè ra cười... thế là xong chuyện!?
Đẩy ông ta xuống ư? Chuyện này quá ác, ai làm? Hay là đem ông ta vô Công An? Thôi thôi rắc rối, CA đâu lo chuyện này? Chú tài xế và lơ xe nhiều lần cầu an làm thinh cho qua chuyện. Chẳng mất mát chi bao nhiêu? thôi cho Ôôn một góc trên xe, không ai muốn làm chuyện ác nhân thất đức lại mong xe đi mau qua trạm.
Đó là lúc ĐI. Độ hai hôm sau trên chuyến VỀ, Ôôn "Cóc" còn đèo thêm hai cái "ruột tượng" đựng đầy gạo.
Ôôn "Cóc" ba hoa:
-Bà Con Cho!
Bà con cho sao cứ cho hoài? Bà con nào? Ai tin?
Khách trên xe tạm thời tin lời gã nói. Cứ cho là gã nói THẬT đi. Gã lên Đức Linh "kiếm ăn". Tàn tật thế, làm gì cuốc đất làm nông cho được? Phải đi xin bà con thôi?
qua trạm quản lý thị trường Lán Gòn, xe sẽ ngang cầu Suối Đó trước khi về thị xã La Gi
Xe qua Tân Hà, Tà Mon ngang trạm Lán Gòn, cái trạm người đi buôn Hàm Tân đặt cho cái biệt hiệu 'Láng cón'. Đây là điểm mà bao nhiêu 'trái tim' trên chuyến xe về (cũng như đi) hồi hộp, lo lắng, nhưng ông "Cóc" thì 'tỉnh bơ"!
Mấy người cán bộ Quản Lý Thị Trường chẳng ai 'thèm' hỏi chi về hai cái 'ruột tượng' gạo mà người cụt chân đang ngồi đè lên.
Gã 'đi xin bà con về ăn"- nói vậy thì bà con hay mấy chú du kích gắng mà 'tin' vậy. Rồi chẳng ai làm khó ông ta chút nào. "Cùi không sợ lở", ai dám đụng 'vị khách' này xem nào? tiền xe ư? Ông ta lần nữa, nhe hai hàm răng ra cười là xong!
Chuyến về lại Bến Lagi, hình ảnh lạ lùng đập vào mắt người khách lạ nào mới tới. Khi xuống, con người mất chân này chẳng nhờ ai. Chỉ dùng hai bàn tay, gã nâng người lên và phóng xuống. Hai cái ruột tượng gạo thì đứa lơ quăng giúp cho.
Móc xong hai xắc gạo lên hai vai, gã tiếp tục dùng hai cánh tay di chuyển thân mình nhanh thoăn thoắt hướng về chiếc xe lambro đang đợi khách lên Xã Sơn Mỹ...
*
Kể ngang đây, người viết tin bạn đọc hiểu ra tại sao ông ta được đặt tên là "CÓC". Rõ ràng, con người này phóng đi chẳng khác chi "con cóc", nhất là lúc lên và xuống xe hàng.
Mấy chiếc xe Lambro đời cũ lên Sơn Mỹ hay bị vạ oan do Ôôn 'Cóc' "đi chùa".
Sao mà "chùa"? Do gã đi mà chẳng tốn đồng nào?
Sao mà bị vạ oan?
Người viết xin giải thích:
Mấy chuyến xe hàng chạy than Hàm Tân- Đức Linh tuy bị ông ta 'đi chùa' không trả tiền lần nào nhưng còn 'vớt vát' nhờ đông khách. Đa phần khách đi vé "chợ đen" xe hàng còn 'kiếm chác' được. Mấy chiếc xe Lambro đời cũ lên- về Sơn Mỹ hay bị mất tiền xe do ông chuyên xin đi nhờ?
ngày đó chiếc xe lam hàng ngày từ LaGi phải leo con dốc đấy đất cát để lên lại xã Sơn Mỹ
Bạn đọc có thể cảm thông nếu nhớ ra xe lambro chỉ chở được hơn mười người khách thôi. Ôôn "Cóc" lọt thỏm vào trong sàn xe ngồi ngó ra nhưng chú tài chưa bao giờ dám đòi tiền. Không phải vì sợ ông, mà do chú lái xe lam NỂ tình bà con thôn xóm. Người quê mình nặng tình làng nước. Ai nỡ đòi tiền con người tàn tật lại là người quen biết trong làng?
Tiếng chiếc xe lambro cũ kỹ kêu bành bạch. Rồi nó gầm rú lên cho được con dốc Sơn Mỹ. Tiếng máy nghe 'thảm thiết' làm sao!
"rột rạt, leng keng"... hơn mười mấy người trong xe nín thở. Ai cũng có cảm tưởng chiếc xe ba bánh đến hồi 'rã rời' máy móc đến nơi?!
Chiếc xe lam leo dốc lâu chừng nào thì chú Đỉnh, người tài xế càng nóng ruột chừng đó. Lên xong dốc, chỉ còn non hai cây số là đến Chợ Sơn Mỹ thôi. Chú Đỉnh mong làm răng chiếc lambro lết lên cho đến được Chợ, thả khách xong rồi về nhà ngay. Chú lại tức tốc lo sửa máy, thêm dầu chêm nhớt. Ngày mai chiếc xe Lambro lại tiếp tục hành trình nặng nề khoai sắn đổ dốc về chợ tỉnh Lagi.
Hai xắc gạo của Ôôn "Cóc" này ít lắm cũng gần ba chục ký. Ba chục ký gạo là con số mà ai cũng thèm. Ông ta đã đem được mớ gạo về đến nhà. Nhà gã không xa chợ Sơn Mỹ bao nhiêu. Hai hàng cây bạch đàn theo con đường đất dẫn vô nhà gã "Cóc" cũng chẳng 'lạ" chi với nhiều chuyến gã ta mang gạo về như thế.
Té ra con người tàn tật này là một tay BUÔN GẠO thứ thiệt'!
Không gì là quá bí mật cả. Ai trong thôn cũng biết, nhưng bà con làm thinh để Ôôn "Cóc" kiếm chút cơm hay ý nghĩa đẹp hơn là "nuôi vợ đợ con" đó mà!
Một chuyến đi như thế ông ta lời chẳng là bao, nhưng "năng chuyến hơn đầy đò"!
Người mình ai mà không hiểu câu này? Cụt hai chân, bà con không ai nỡ lòng 'bươi móc', mấy 'eng' du kích tại cái trạm 'Lán Cón' nói trên 'dư sức' biết nhưng cũng lơ đi làm phước cho người đi xe 'đặc biệt' đó kiếm ăn.
*
Nói chuyện 'nuôi vợ đợ con', người viết mới có vài dòng về đời sống riêng tư về gia đình của người tàn tật này. Sau cái thời "KHẨN HOANG LẬP ẤP" tiếp đến cái thời điểm 'trời nhào đất lộn' 1975, khi mọi sự 'lắc lư chao đảo' yên lặng lại rồi, vùng đất cũ Động Đền -Sơn Mỹ chỉ còn lại lớp dân an phận cho số kiếp còn lại của mình.
Trong lớp di dân này dĩ nhiên có người tàn tật mất cả hai chân này. Nhưng Trời còn dành cho gã một cơ hội, như tia sáng cuối đường hầm tăm tối. Mụ T. là gái 'quá sổi' còn sót lại trong thôn, nhờ vậy mới chịu chấp nhận lấy người đó làm chồng.
Mái nhà tranh, không biết ai dựng nên cho hai vợ chồng, khiêm nhường nằm tận cuối rìa làng bắt đầu con đường vô rẫy. Nhà hai vợ chồng ngoài cùng, tiếp đến là những vạt tranh đất đai bạc màu cùng những gò đất mối mọc lên 'vô tội vạ' khoai sắn khó lòng mọc nỗi...
CHA CÚ ĐẺ CON TIÊN
Hình như luật thừa trừ của ông trời luôn có do Mụ T. tuy "quá thì" nhưng vừa lúc lấy Ôôn lại còn 'đẻ được'. Lạ nữa? Mụ T. cho ra đời hai đứa con gái dễ thương làm sao! Đứa nào da cũng trắng bóc, đôi mắt to đen nhánh, cặp lông mày cong vòng. Ai nhìn cũng thích và ưa bồng. Đã đẹp, hai đứa con gái đó lớn lên vài ba tuổi lại thấy hai cái núm má đồng tiền to lồ lộ, nên càng xinh thêm.
Mụ T. bồng con ra chợ Sơn Mỹ không ai tin là con mụ T.. Xong chuyến 'buôn gạo' từ Đức linh về, Ôôn chỉ ở nhà lo giữ con cho vợ ra chợ kiếm 'mắm muối' thêm. Ôôn ngó vậy mà rất cưng con, đó là hai 'hòn ngọc' quý nhất trong đời. "Cha cú đẻ con tiên" ông bà ta nói mà thật. Trong làng xầm xì bàn tán. Ôôn lại bon chen xin cho hai cô "công chúa" cưng vào lớp mẫu giáo trong xã. Con lão đẹp đến thế! cô Nghĩa vừa làm cô, vừa làm hiệu trưởng trường mẫu giáo làm sao chối từ cho được?
*
Mấy đồng bạc Ôôn kiếm ra nhờ vào mấy chục ký gạo từ Đức Linh về đến miền cát trắng ven biển Hàm Tân là mạch sống. Cái thời 'quỷ tha ma bắt' - những chuyện khốn nạn trên xe hàng- những xắc gạo cỏn con bị du kích lạnh lùng lôi xuống. Những bàn tay chới với của những người bị liệt vào giới "con buôn" trong thời "củi quế gạo châu" thế mà Ôôn thoát được tất cả mới hay.
Một thời, Ôôn 'Cóc' chỉ biết nhe hàm răng lởm chởm, vàng khè, cười trừ với mấy ông "quản lý thị trường", du kích hay với lơ xe. Có thể con người tật nguyền này từng một thời mãn nguyện với số phận, tuy mất cả hai chân nhưng biết đâu chính hai cái chân mất đi là 'vị thần cứu độ' cho Ôôn một thời HẠT GẠO QUÝ NHƯ VÀNG. Có nói hay viết gì chăng nữa, hình ảnh Ôn Cóc một chuyện có thật vùng quê tôi ở từng ghi đậm nét thiếu đói của một buổi giao thời.
Gần nửa thế kỷ qua có thể hiện nay còn có nhiều người muốn xóa hay quên đi chuyện cũ. Thế mà có ai đó còn cái tâm ghi lại, hoài niệm ngày tháng cũ ắt hẳn sẽ buông tiếng thở dài. Người kể chuyện chỉ thương cho dân mình từng oằn mình tìm kế sống còn với thuở Can Qua ./.
Đinh hoa Lư 10/7/2015
edition 14.2.2024
No comments:
Post a Comment