Lời mở đầu.
Bà Nội chúng tôi, tiếng Huế hay gọi là Mệ Nội theo lời ba tôi kể lúc từ đất Quảng (Quảng Nam) đi ra xứ Huế bán vải mới gặp Ông Nội. Mệ họ Trương (Trương thị Nhạc) Nhưng sau này có thể trên bia mộ chí người làm bia có thể nghe theo âm phát mà khắc là Trương thị DẠT?
Chữ Nhạc là theo lời và chữ viết của ba tôi ghi trong gia phổ trước đây.
Dưới đây là Di Bút của phụ thân tôi viết trên Gia Phổ gốc cũ tại Truồi ngày trước
NHỮNG BÀI VIẾT CỦA NHIỀU TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN THANH QUÝT QUÊ BÀ NỘI
VỀ LÀNG THANH QUÝT
Báo Đà Nẵng
nguồn
Làng Thanh Quýt nay thuộc xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn nổi tiếng không chỉ vì đang sở hữu 5 di tích văn hóa lịch sử mà còn rất nhiều điều đặc biệt khác.
![]() |
Đình làng Thanh Quýt. |
Đôi nét lịch sử
Nhìn vào bề dày văn hóa người ta cứ nghĩ Thanh Quýt là một làng cổ của Quảng Nam ra đời vào thời Huyền Trân công chúa sang làm dâu Chiêm quốc năm 1306 hay ít ra là từ 1402 khi Hồ Hán Thương cử Phạm Nhữ Dực vào làm Chánh Đô án phủ sứ phủ Thăng Hoa khai khẩn vùng đất mới. Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng thủy tổ của 7 tộc họ lớn của làng (Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn, Nguyễn Bá…) đều là các quan đại thần theo Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm năm 1471 sau đó ở lại trấn nhậm vùng đất mới, lập nên làng Thanh Quýt. Vì thế lịch sử của làng chỉ mới bắt đầu từ giữa thế kỷ XV, chậm hơn so với một số làng khác gần một thế kỷ.
Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú khi nghiên cứu gia phả các tộc họ của Thanh Quýt chỉ thấy mới có 17, 18 đời và nhất là dựa vào giọng nói không giống các làng lân cận đã cho rằng làng được thành lập còn trễ hơn, vào đầu thế kỷ XVII, khi Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam năm 1602 . Ông cho biết: “Khi các tộc họ vào Cẩm Sa và các vùng khác trong các năm từ 1402 đến 1471 thì đất Thanh Quýt người Chiêm đang ở. Và suốt 200 năm sau đó người Việt tôn trọng lãnh thổ của người Chiêm ở Thanh Quýt cho đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam. Suốt 200 năm người Việt không xâm chiếm đất của người Chiêm đang ở mặc dầu họ phải ở nơi cát trắng khô cằn. Họ sống bên cạnh người Chiêm và không hề có ý định lấn đất dù họ nắm quyền lực. Ít ra là ở Thanh Quýt điều đó đã xảy ra” (Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb Đà Nẵng năm 2012, trang 201). Luận điểm của Hồ Trung Tú không được số đông chấp nhận nhất là những người Thanh Quýt vì họ cho rằng chưa nói sớm hơn nhưng từ năm 1553, Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” đã cho biết Thanh Quýt là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong với tên gọi là Kim Quất. Đến Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 thì Thanh Quýt có tên là Thanh Quất, một trong 18 làng thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (chứ không phải Điện Bàn).
Dưới thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ Dinh Quảng Nam được viết năm Gia Long thứ X (1812) làng Thanh Quýt thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh (năm 1822 đổi thành huyện Diên Phước) phủ Điện Bàn. Dưới thời Khải Định vào năm 1918, làng Thanh Quýt là một trong 15 xã thuộc tổng Thanh Quýt (bỏ chữ Trung).
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) Thanh Quýt thuộc xã Thanh An, huyện Điện Bàn, đến năm 1946 sau lần hợp xã lần hai lại thuộc xã Điện Hòa. Sau năm 1954, thuộc xã Thanh Trường.
Sau năm 1975, Thanh Quýt lại thuộc xã Điện Thắng, một trong 16 đơn vị hành chánh của huyện Điện Bàn. Theo Nghị định số 85/2005/NĐ/CP ngày 7.7.2005 xã Điện Thắng được chia làm 3 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam. Thanh Quýt nằm trong địa bàn xã Điện Thắng Trung.
Dấu ấn đặc thù
Vì sao làng vốn có tên Kim Quất, một tên gọi có gốc Hán Việt rất… sang trọng lại bị đổi thành Thanh Quýt, một từ Nôm thuần Việt mang tính bình dân? Vấn đề này được lý giải tương đối hợp lý là vì kỵ húy tên gọi Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng. Còn việc dùng từ Nôm thuần Việt mang tính bình dân hơn từ có gốc Hán Việt, mang tính bác học cũng là điều dễ hiểu vì đó là đặc điểm chung của người Quảng. Hồ Trung Tú cho rằng: “Có đến 1/3 từ gốc Hán Việt, hoặc hơn nữa đã không được người Quảng Nam sử dụng. Có nghĩa là người Quảng Nam không thích nói chữ, tức không thích dùng từ gốc Hán, từ trong sách vở mà thích dùng các từ bình dân, thuần Nôm, đơn giản, thô mộc” (Sđd trang 161).
Vào thời chúa Nguyễn, làng Thanh Quýt thuộc huyện Lễ Dương phủ Thăng Hoa chứ không phải là huyện nào khác của phủ Điện Bàn. Điều này góp phần củng cố thêm nhận định bản đồ hành chánh của Quảng Nam thời các chúa Nguyễn rất khác so với thời nhà Nguyễn. (Ngược lại một số làng của huyện Lễ Dương phủ Thăng Bình thời nhà Nguyễn như Liễu Trì, Thanh Ly, Tiên Đóa, Tuân Nghĩa, Trà Đóa, Cẩm Lậu lại thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn dưới thời chúa Nguyễn).
Có điều rất lạ là giọng nói của người Thanh Quýt. Đây là một “ốc đảo thổ ngữ Quảng Ngãi” giữa lòng Quảng Nam. Làng Thanh Quýt có giọng nói không giống với các làng lân cận, thậm chí không giống với giọng nói của đa số làng của Quảng Nam. Họ không nói mi, tau, răng, rứa, mô, tê… mà lại nói mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy… rất giống với giọng nói của người Quảng Ngãi, Bình Định. Người đầu tiên giải thích hiện tượng này là Hồ Trung Tú. Theo ông sở dĩ như vậy vì làng Thanh Quýt mới được thành lập, sau năm 1602 nên họ chuyển sang nói tiếng Việt chậm hơn, gần như đồng thời với Quảng Ngãi. Ông viết: “Bảy tộc tiền hiền Thanh Quýt đến Thanh Quýt khi mà chính quyền và người Việt đã khá ổn định và đông đúc ở các khu thị tứ dinh trấn như Hội An, Cẩm Sa, Thanh Khê và tiếng Việt đã khá phổ biến. Theo Ô châu cận lục và tự điển của Alexandre De Rhodes thì giọng Quảng Nam lúc này đã khá rõ nét. Tuy vậy có một số làng Chăm vẫn không chịu nói tiếng Việt. Và lúc này Nguyễn Hoàng vào (1558 hoặc 1602 - NV) cùng với những thiết chế chính quyền mạnh mẽ, họ mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt… Và thời điểm làng Thanh Quýt chuyển sang nói tiếng Việt gần như đồng thời với Quảng Ngãi” (sđd trang 201) . Người ta khó chấp nhận việc làng Thanh Quýt thành lập từ sau năm 1602 nhưng lại dễ chấp nhận luận điểm của Hồ Trung Tú về “ốc đảo thổ ngữ Thanh Quýt” vì trước và sau ông chưa có người nào đưa ra lời giải thích hợp lý hơn.
Đậm đặc di tích
Điều đặc biệt nhất là hiện nay Thanh Quýt là làng có nhiều di tích lịch sử nhất tỉnh, với 5 di tích trong đó có 1 là cấp quốc gia và 4 là cấp tỉnh. Di tích cấp quốc gia là lăng mộ của Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy (1727-1800), người từng làm quan dưới cả hai thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, là thầy của Nguyễn Phúc Dương. Ông được nhân dân Điện Bàn tôn kính về tài năng, sự thanh liêm và lòng thương dân. Mộ ông được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005 và cấp Quốc gia năm 2013.
![]() |
Lăng mộ cụ Trương Công Hy. |
Bốn di tích lịch sử cấp tỉnh là Nhà thờ Tiền hiền tộc Trương Công, Lăng mộ của tiền hiền tộc Trương Công là Trương Công Trung, đình làng Thanh Quýt và nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.
Đình làng Thanh Quýt là dấu tích ngôi đình được làm bằng tranh tre vào đầu thế kỷ XVI để ghi nhớ công ơn các vị tiền hiền, thành hoàng đã có công khai khẩn lập làng, cũng là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa của làng. Ngôi đình đã đi cùng những thăng trầm của làng suốt hơn 500 năm qua (được công nhận ngày 25.5.2008).
Di tích Nhà thờ tộc Trương Công là nơi thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền của một tộc họ lớn có nhiều đóng góp cho làng. Di tích mộ tiền hiền tộc Trương Công làng Thanh Quý là một di tích lịch sử mang tính tín ngưỡng của người Việt, nơi an táng vị thủy tổ Tiền hiền của tộc là Trương Công Trung, người đã có công khai khẩn đất hoang lập nên làng Thanh Quýt (cả hai được công nhận ngày 31.3.2012).
Di tích nhà mẹ Nguyễn Thị Thứ - là nơi thờ, lưu giữ những hình ảnh về Bà mẹ VNAH đặc biệt, “người mẹ muôn đời”, người có chồng, 9 người con, 1 người rễ và 2 cháu ngoại là liệt sĩ (được công nhận ngày 30.12.2011). Hiện nay Nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi cũng đang được hoàn tất hồ sơ để công nhận là Di tích cấp tỉnh.
Trước 1975, ở Thanh Quýt còn có lăng mộ của Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng của Nguyễn Phúc Nguyên và Mạc Thị Giai. Ông là chồng của Tống Thị Toại - người phụ nữ đặc biệt, được mệnh danh là Kỳ nữ họ Tống, với nhan sắc tuyệt vời đã làm chao đảo cả hai phủ chúa Nguyễn lẫn Trịnh. Nguyễn Phúc Kỳ cũng là Tổng trấn Quảng Nam thời mở cửa với cảng thị sầm uất Hội An và sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm. Rất tiếc sau năm 1975, lăng bị xâm hại để lấy đất sản xuất nên con cháu tộc Nguyễn Phước phải dời về Duy Sơn Duy Xuyên. Nếu không Thanh Quýt có khả năng có thêm một di tích thứ 7!
TÁC GIẢ LÊ THÍ
nguồn
=================== ============NGƯỜI LƯU GIỮ KÝ ỨC LÀNG
Câu chuyện kể ở một đám giỗ quê, đôi khi chứa đựng cả lịch sử một vùng đất và ký ức của một đời người, để những ai từng ngụp lặn trong quá khứ luôn thấy mắc nợ với xứ sở…
Tháng mười âm lịch, anh được mời về quê dự một đám giỗ người thân. Gia đình nông dân, tất cả con cháu nội ngoại có chừng hơn 50 người, cả trẻ con. Các cháu nội đóng góp tài chính, cháu ngoại mang về mấy hộp bánh, vài đòn chả, đôi ba ký thịt để cúng ông bà. Có cô cháu vẫn giữ nếp xưa của mẹ, từ hôm trước đã lo nấu một khay xôi đường mang về giỗ…
1. Bà của anh sinh năm 1900, mất đầu năm 1947, lúc ấy cha anh mới ngoài 20 tuổi và anh thì 5 năm sau mới ra đời. Anh không có ký ức gì về bà, chỉ được nghe kể lại vào những ngày giỗ kỵ. Nhưng anh nhớ. Dù những câu chuyện đã hơn 75 năm. Không chỉ là chuyện một người, một gia đình, mà là lịch sử cả một vùng đất phía bắc Quảng Nam…
![]() |
Làng trồng thuốc lá |
T.Đ.T |
Bà là con gái đầu một gia đình nông dân, đông con ở làng La Thọ. Mười bảy tuổi đã giúp mẹ gánh trầu cau đi bán ở chợ Đông Quan, nay thuộc xã Điện Hòa, TX.Điện Bàn (Quảng Nam).
Năm nọ, bà chừng hai mươi, có người làng Thanh Quýt lên La Thọ thuê đất trồng thuốc lá. Họ vào nhà bà gửi gạo nấu cho bữa cơm trưa. Bà nhận lời giúp. Có hôm còn ra chợ mua giùm ít cá, rau cho họ. Người con trai mà sau này bà lấy làm chồng là anh chàng trẻ tuổi nhất trong những người trồng thuốc lá xa nhà…
Sau ngày đi làm dâu, bà vẫn ngày hai buổi chợ với gánh trầu cau cố hữu của mẹ để lại. Buổi sáng ở chợ vải Thanh Quýt và buổi chiều ở chợ Đông Quan, cách nhau hơn 4 cây số đường đi bộ. Chồng bà làm ruộng, cứ mỗi chiều tối lại chờ ở gốc đa bên ngôi chùa đầu làng để “rước” gánh hàng cho vợ.
Trên đường từ chợ, mỗi ngày bà tạt qua đầu làng La Thọ, gửi một gói cá, miếng thịt về cho cha mẹ đẻ. Tối, khi bà về đến nhà là lúc các bà con phía nhà chồng tụ tập đến. Họ thường gửi bà mua giùm những loại thực phẩm, mắm muối mà vì bận việc đồng áng họ không thể đến chợ. Còn bà thì hay nói: “Cứ để tôi (hay em, cháu) mua cho. Tui bán ở chợ quen rồi, nên không ai bán đắt đâu!”… Đã vậy, bà luôn vui vẻ, nên bên nhà chồng và bà con chòm xóm, ai cũng thương quý.
Đến cuối năm 1946, khi “Toàn quốc kháng chiến” theo lệnh của Việt Minh kêu gọi, bà đã sinh hạ đến 6 người con. Năm ấy cả làng Thanh Quýt đều đi tản cư, bỏ lại vườn không nhà trống. Trên đôi gánh của bà là hai đứa con nhỏ và một ít đồ dùng. Còn lại, chồng bà, vừa gánh đồ đạc gia đình vừa dắt những đứa con lớn bỏ làng ra đi. Đường tản cư thăm thẳm. Hết vượt sông Thu Bồn, qua H.Duy Xuyên lại tiếp Phú Cang, Thăng Bình, Hiệp Đức… Gửi con cái ở nhà những người dân sở tại, đứa lớn giữ đứa nhỏ. Bà lại ra chợ, gặp gì mua bán nấy. Vất vả trăm bề. Đói khát không kể xiết. Nhiều người chết đói, chết bệnh trên đường tản cư…
![]() |
Sông Thanh Quýt, dẫn đến chợ vải, tư liệu năm 1967 |
TƯ LIỆU CỦA T.Đ.T |
Đầu năm 1947, không chịu nổi đói khát, con nhỏ thiếu sữa phải uống nước cháo, quẹo quặt, gia đình bà quyết định quay về quê.
2. Làng Thanh Quýt là một làng cổ lớn, ước cũng có từ đầu thế kỷ 16, đất chật lại đông dân. Dân làng ngoài trồng lúa khoai, buôn bán nhỏ còn có nghề dệt vải và trồng thuốc lá.
Làng nằm ven sông và bên đường thiên lý. Qua sông Thanh Quýt dưới triều nhà Nguyễn vẫn chỉ bằng đò ngang, là những chiếc ghe đan bằng tre. Hồi Dương Văn An viết Ô châu cận lục (năm 1555), trong làng vẫn còn hàng chục di tích Chàm. Có vài tháp Chàm đã sụp đổ. Đến năm 1923, bác sĩ người Pháp là Albert Sallet còn ghi lại các dấu vết thờ cúng của người Chàm ở chùa làng, ở gò Giàng, miễu Ông Sỏi, bến Thờ Bà và cả một di tích có tên Vườm Chàm… Nhiều trò chơi dân gian như u mọi vẫn được trai tráng người Việt tiếp tục chơi cho đến những năm 60 của thế kỷ 20. Người lớn tuổi vẫn quấn khăn trên đầu như người Chàm dưới thời Ngô Đình Diệm.
Đến thế kỷ 18, Lê Quý Đôn còn mô tả vải vóc bán ở cảng Trà Nhiêu (Hội An) phần lớn đến từ Phú Bông (Gò Nổi) và Kim Quất (tên cũ của làng Thanh Quýt).
Ở đình làng, phục dựng năm 2006, đại diện 7 tộc tiền hiền đã cho lập hai bàn thờ tổ nghề dệt vải và trồng thuốc lá của làng, kể cả chạm trổ hai phù điêu ở cổng tam quan… như một ký ức không phai và một lời tri ân tiền nhân thuở quy dân lập ấp.
Sau ngày hồi cư năm 1947, bà lại tiếp tục gánh trầu cau ngày hai buổi chợ như trước. Khắp làng, vì là nơi thị tứ, nên quân Pháp đã cho lập 5 cái đồn lính ven quốc lộ, khu Trảng Nhật và ven sông ở phía tây, cạnh làng Phong Lục Đông để án ngữ các đường giao thông huyết mạch, kiểm soát gắt gao nhằm ngăn chặn mọi hoạt động của Việt Minh trong vùng. Gánh trầu cau của bà cũng nhiều lần bị gọi lại và lục tung vì nghi ngờ trong đó có vũ khí hay truyền đơn của kháng chiến…
![]() |
Một di tích ở Thanh Quýt |
T.Đ.T |
Cái bến sông, nơi gần ngôi chùa làng và cây đa cổ thụ ngày nào ông hay đón bà để rước gánh trầu cau mỗi chiều, đã là bình địa sau chiến tranh. Chiến tranh kết thúc năm 1975, ngôi nhà của ông bà cũng bị đốt cháy như bao ngôi nhà khác trong làng, những hàng tre bụi chuối xanh tốt đã không còn dấu vết…
3. Con đông, đời sống cơ cực đã vật ngã bà vào tháng 10.1947. Đến năm 2022, tính ra là 75 năm đã trôi qua.
Mỗi lần giỗ bà, anh luôn nhớ lại lời kể của cha anh và những người lớn tuổi. Năm ấy, sau ngày hồi cư, chỉ trong nửa tháng, gia đình đã chịu 3 cái tang lớn: bà ra đi ngày mùng 3, cha bà ở làng La Thọ ngày mùng 6 và cha chồng bà ngày rằm tháng mười… Tang chồng tang, cả làng rưng rưng nước mắt!
Cha chồng bà, năm ấy đã ngoài 90, coi bà như con gái, ôm thi thể bà mà khóc: “Sao không để cha chết thay con, để con còn nuôi bầy con dại?”. Sau đó ông cho xẻ tấm phản gỗ dành cho hậu sự của mình, đóng áo quan cho con dâu. Đám tang con dâu vừa xong, ông lại xa biệt luôn ông sui gia trên làng La Thọ…
Hơn 10 ngày sau, ông té ngã lúc ra giếng xách nước và ra đi.
75 năm sau, làng Thanh Quýt đang chuẩn bị lên phường thuộc TX.Điện Bàn, anh về dự đám giỗ và kể lại bao nhiêu chuyện cũ cho các lớp em, con cháu. Một cái đám giỗ đậm chất truyền thống. Ngoài nghi thức cúng người đã khuất, con cháu ngồi lại, ăn bữa giỗ đạm bạc, không bia rượu và nhắc lại những ký ức cùng cuộc sống gian lao của tiền nhân chưa đầy thế kỷ trước…
Những kỷ niệm rời rạc, chắp vá, có khi là thiếu sót vài chi tiết quan trọng ấy, mà đứa cháu anh bảo chẳng khác nào chuyện cổ tích, lại cũng là một bức tranh sống động, cảm động về một người, về những người và một vùng đất đã nuôi anh lớn khôn. Để anh tự nghĩ rằng, mình luôn còn mắc nợ!
TIẾP THEO
Theo lời thân phụ tôi kể lại Ôn tôi ít đi đâu, suốt đời bên cạnh mệ, cạnh cái bến đò chèo qua bên kia là chợ Lộc Điền. Tôi vẫn nhớ dù mường tượng cái chợ không bao giờ vắng triêng cháo bột của Mệ và sau này là những cái bánh bột lọc gói của mệ tôi ngày ngày bán ở đó đã mấy chục năm trời. Trong trí nhớ tôi còn in hình ảnh mệ bận cái ướm những lúc trời nóng, lom khom xuống bến đò Xuân Lai (sau này còn gọi là Xóm Bột) ...Còn Ôn tôi làm ông Từ, chăm lo nhang khói quanh năm săn sóc cho cái miếu âm hồn trong thôn xây từ năm 1947 cạnh con sông tháng ngày êm ả trôi về đầm Cầu Hai cách làng một khoảng không xa. Ôn tôi bên bà con làng xóm- người hiền từ đôn hậu nên xóm làng ai ai cũng thnương mến.
Ngày xưa ông Nội trồng 2 cây phượng vĩ trên, theo lời thân phụ tôi kể lại để đánh dấu 2 đứa con trai của Ông là Ba tôi và Chú tôi. Hình ảnh bao năm, CÀNH PHƯỢNG VĨ SOI BÓNG SÔNG TRUỒI trên là hình ảnh thật. May thay nhờ lớp trẻ sau này còn lưu giữ. Sau này vì trận LỤT THẾ KỶ NĂM 2000 do bị ngâm lâu ngày nên hai cây phượng vĩ đã chết. Hiện nay cái miếu thì còn được tôn tạo nhưng ta không còn tìm lại bóng phượng xưa.
No comments:
Post a Comment