Thursday, July 28, 2011

CON TÀU NĂM CŨ



Thời gian trôi mau , phôi pha bóng dáng con tàu năm cũ. Bao nhân ảnh cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ . Từng hồi còi tàu lịm tắt - từng sân ga xa dần và khuất hẳn theo ngả rẽ cuộc đời; tất cả sẽ theo nhau trôi về vùng kỷ niệm.

(DHL)


*************************************************************************





Tôi hay dùng lại tiếng tàu 'HỎA', tiếng ngày xưa bà con QT hay dùng để chỉ tàu lửa. Có khi nào các bạn đang ngồi trong những toa xe hỏa hạng sang như hiện nay, nó có đầu máy chạy bằng diesel tối tân với tốc độ nhanh chợt nhớ đến hình ảnh chiếc tàu hỏa năm xưa ì ạch chạy cùng hú còi inh ỏi không nhỉ ?

Ngày xưa đó, có nghĩa là khoảng thời gian cuối từ 1960 trở về trước khi con đường sắt cận sơn tỉnh Quảng trị còn đi qua những vùng hẻo lánh - hoang vu. Lúc này đường xe hỏa trong Nam vẫn còn xuyên suốt từ Sài Gòn ra đến Đông hà. Thế hệ sinh sau 1970 có thể nhìn thấy những đầu máy xe lửa cổ xưa, đen sì chạy bằng than đá và củi trong sách vở thôi, riêng thế hệ tôi trở về trước còn đươc hân hạnh đi trên những chuyến tàu "cỗ lổ xỉ" này trước khi chúng bị bỏ phế trên những khoảng vắng tại những nhà ga lớn.

Tôi nhớ về cái nhà ga xe lửa Quảng trị thuở đó, nó cách cầu Thạch hãn không xa, bởi thế ngày xưa dân mình gọi cầu này là Cầu Ga. Thời này tôi hay đi tàu hỏa dù chỉ một đoạn ngắn từ Quảng trị vào Mỹ chánh hay từ Quảng trị ra Đông hà. Sau hiệp định GENEVE 1954 trong Nam chỉ có ga Đông hà là ga cuối cùng. Nhà mẹ đích tôi kế chợ Mỹ chánh, mỗi lần tôi từ Quảng trị vào thăm xong tôi đi lên ga xép Mỹ chánh đón cho được chuyến tàu chợ cuối ngày để ra Quảng trị.

Tôi mường tượng hình ảnh cũ, đó là những chuyến 'viễn hành' trong thời thơ ấu. Ga Mỹ chánh trên khoảng dốc cao. Tôi ngồi đợi tàu trong lòng thấp thỏm. Tiếng còi tàu hú từ xa, lúc đầu còn nhỏ nhưng sau càng lớn dần. Từ xa cái chấm đen tròn xuất hiện và cột khói đen ngòm bốc lên ; chúng càng lúc càng rõ dần cùng tiếng rầm rập trên con đường sắt. Tôi không quên được cảm giác hồi hộp khi cái khối sắt đen sì từ từ chậm lại và dừng hẳn trước cái ga nhỏ bé đìu hiu này . Con tàu chợ tạm dừng ít phút lấy thêm khách cùng cho một vài người xuống tàu. Cột khói và hơi nước từ trên cái đầu tròn dài đen nhẵn của đầu máy còn gầm gừ như muốn 'doạ nạt' thằng bé như tôi. Đối với trí tưởng tượng của tôi lúc đó, những bánh xe sắt khổng lồ của đầu tàu cùng với lửa khói hợp lại trông như một con 'quái thú màu đen'. Người phu tàu nhảy xuống, ông vội vàng dùng cây sắt dài hì hục nạy đống lửa và than đang hừng hực tỏa nóng để tăng thêm sức mạnh cho đầu tàu tiếp tục hành trình về nhà ga khác.

Lại hồi còi khác lanh lảnh rúc lên, đằng trước nhà ga người phu trạm phất lá cờ đỏ báo hiệu cho con tàu lăn bánh. Tiếng " sình sịch , sình sịch" đầu chậm sau nhanh, con tàu từ từ rời ga Mỹ chánh, người phu trạm đứng ngó theo; bóng ông cùng cái nhà ga khuất dần .

Đã là tàu chợ thì nó phải chạy chậm thôi lại còn lắc lư nữa nhưng cảm giác của tôi lúc này thấy nó chạy nhanh lạ lùng . Tôi say sưa ngắm những triền cát những vùng rú càn , những triền đồi hoang sơ không một bóng người . Phía trái là núi trường sơn trùng trùng điệp điệp. Cảm giác phiêu lưu mạo hiểm của một đứa nhỏ đi xa theo toa tàu lắc đều. Thỉnh thoảng từ đầu máy một hồi còi kéo lên phá tan không gian tĩnh lặng . Gần đến ga lớn Quảng trị con tàu kéo còi liên tục cùng với niềm vui của tôi, đứa bé đi chơi xa về lại thành phố thân yêu.

Lớn thêm một ít , tôi có dịp vào Huế về thăm quê nội tôi tức là Truồi và tôi cũng có dịp đi tàu hỏa nữa. Rồi tôi còn được theo người lớn cùng lấy vé tàu tại ga Truồi mà vào đến Đà Nẵng . Nói sao hết nỗi vui mừng của tôi với cái thú "phiêu lưu " xa xôi như lúc này . Làm sao quên được hình ảnh sóng nước rì rào khi con tàu chạy men theo bên đầm Cầu Hai, Đá Bạc giã từ cái đầm Lăng cô mà tiến sâu vào chân núi Hải vân .
Nếu chúng ta hiện nay có những phương tiện dồi dào - hiện đại thì mới thấu được nỗi ' gian nan" của chiếc tàu chợ đen đúa năm nào ! Chiếc đầu máy chạy bằng than kia phải ì ạch kéo cả đoàn tàu qua núi Hải vân nơi có những độ dốc khiến nó phải "phì phò " phun khói dày đặc tưởng chừng muốn "ngất lịm " đến nơi .

Cảm giác rờn rợn của tôi tăng lên khi con tàu phải chui qua mấy cái hầm dài xuyên qua Hải vân sơn . Những toa xe không có điện , tối thui như cảnh âm ti địa ngục . Cứ qua một hầm những kẻ thích đùa lại cứ la hét lên như dọa nạt những ai yếu bóng vía . Khói tàu trong hầm chui vào hết trong các toa xe , mùi hắc ín mùi khói than khét lẹt sặc sụa đầy phổi mọi người . Đầu tàu trước khi vào hay ra khỏi một hầm lại hú lên 1 hồi báo hiệu . Cứ mãi vậy cho đến cái hầm thứ thứ 6 - cái hầm dài nhất thì mới qua ranh giới Đà Nẵng. Toa xe sáng lần lên cho đến khi tất cả đều lọt vào khoảng trời quảng khoát bên ngoài. Ai nầy đều hít thở sảng khoái , nhìn lại nhau thì ôi thôi mặt ai cũng có một lớp mỏng đầy muội khói .

Một thuở thanh bình người dân tự thoải mãn với nhưng gì hiện có trong tay . Người ta đi con tàu chợ, nhưng khúc củi to tướng đốt lẫn với than - những cột khói hình nấm phùn phụt bay lên trời cao tiếng còi tàu hú vang dài lê thê nhưng lại đem niềm vui cho khách đi xa đang mòn mỏi ngóng trông.

Làm sao tôi quên được những lúc đợi con tàu về ga cũ. Tôi đã áp tai vào đường tàu cố lắng nghe chấn động con tàu lan truyền từ những dặm xa. Có tiếng còi tàu xa xa âm thanh mơ hồ -phảng phất. Niềm vui của tôi tăng dần khi nhìn thấy làn khói đen từ phía chân trời cùng lúc tiếng còi tàu to dần liên hồi như tiếng reo vui của người con đi xa nay về lại cố hương. Đoàn tàu thân quen đã về bến cũ để đón thêm người đi, lưu luyến chia tay cho ai ở lại. Từng cụm khói tàu bốc cao phùn phụt lên trời, nó vẫn tiếp tục chuyến viễn hành, vẫn tiếp tục chia phôi, sẽ để lại phía sau một sân ga bé nhỏ cùng số phận đợi chờ.

Thời gian trôi mau , phôi pha bóng dáng con tàu năm cũ. Bao nhân ảnh cuộc đời cũng lần hồi nhạt nhòa theo quá khứ . Từng hồi còi tàu lịm tắt - từng sân ga xa dần và khuất hẳn theo ngả rẽ cuộc đời; tất cả sẽ theo nhau trôi về vùng kỷ niệm.


DINH HOA LU
20/7/1954--- 20/7/ 2011

Monday, July 25, 2011

NƯỚC TRÀN THẠCH HÃN



cứ độ tháng mười âm lịch, nước lũ từ muôn khe ngàn suối hướng
Trường sơn tràn về làm đục ngầu giòng sông Thạch Hãn


[dẩn nhập: Một ông anh hàng xóm trước đây, Lê bá Lư, nhân đọc hồi ký đã gởi cho p. vài dòng sau :

lu lu
to me
show details 5:23 PM (1 hour ago)
Reply

Phuc thân,
Rất cảm động khi đọc bài viết của Phúc về cảnh lụt lội quê nhà . Nhưng những hình ảnh như Phuc viết hiên nay không còn nữa vì sông Thạch Hãn đã bị ngăn dòng để làm thủy lợi (Cong trinh thuy loi Đập Trấm Nam Thạch HãnTram ), nên quê ta không còn cảnh lụt như năm xưa . Về nhìn lại sông Thạch Hãn nơi mà ngaỳ xưa chúng mình thường ngâm mình trong giòng nước trong xanh vào những ngày hè sẽ thấy Thạch hãn bây giờ khác với ngày xưa đến không ngờ . Như trong câu thơ của cụ Tú Xương :

Sông kia rày đã lên đồng
Chổ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm đêm tiếng ếch bên tai
Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò ...

(Gởi tặng Phúc và phu nhân tập thơ SÂN THƯỢNG NHÀ EM của Lư vừa xuất bản đầu năm 2008, trong đó có một số làm trong thời gian ở phường Đệ Tứ , thị xã Quảng trị khi còn là HS Nguyễn Hoàng )

Chuc Phuc va gia đình luon vui khoẻ. Thĩnh thoảng có gì vui nhớ gởi cho anh em bên này chia xẻ với nhé .
Lê Bá Lư



youtube Đinh thị Hiệp : Cội Nguồn Quảng trị

http://www.youtube.com/watch?v=HBUarUPHoXs&feature=player_embedded


[thời gian phôi pha Qtrị xưa không còn nữa nhưng mời quý bạn Nguyễn Hoàng hãy sống lại vời Quảng trị xưa qua những dòng hồi ký chân tình của P.]


“Ông tha mà Bà chẳng tha
Làm nên cơn lụt hăm ba tháng mười”

(ca dao)


Thời con nít, tôi vẫn khư khư một ý nghĩ rằng câu ca dao trên chỉ dành riêng về quê ngoại mà thôi . Sao mà không riêng cho được khi hàng năm cứ đúng gần cuối tháng mười âm lịch, bầu trời QTrị chỉ một màn đen xám ngắt , tối ‘sầm sập’ của mưa, của gió, của cái thứ không khí ẩm ứơt nặng nề, tất cả gom lại làm dấu hiệu cho cơn lụt tháng mười đang đến .

Đêm đêm tôi nằm nghe tiếng sấm từ hướng biển, hướng thôn Gia đẳng , Thôn Ba lăng hay Long Quang vọng lên, tiếng sấm đó nghe “ùng ục, ùng ục”, thứ âm thanh thật lạ tai mà mệ ngoại tôi thường gọi là ‘sấm đất’ :

“Ôn Trời sắp mần lụt rồi đó,” Ngoại tôi thường nói vậy .

Thế là đêm đêm tôi nằm ngủ nhưng tai lại cố lắng nghe tiếng sấm “đất’ đầy bí ẩn đó . Tiếng sấm như dưới lòng biển phát ra, dội lên chân trời hướng đông . Thỉnh thoảng tôi ghé mắt nhìn ra khe hở của khung cửa sổ, những tia chớp chốc chốc lại lóe lên chân trời đen thẩm. Lại cũng tiếng ‘ùng ục , ùng ục ‘ từng hồi, trời trở mình như muốn báo rằng: mùa lụt đang về:

“đêm đêm chớp bể mưa nguồn
hỏi ngưới quân tử có buồn chăng ai ? “
(ca dao)


Thành Cổ huong về Con đường Lê v Duyệt va thôn An Tiêm (người trong ảnh là cậu ruột tôi tên Võ đình Cư gốc Nại Cửu Huyện Triệu Phong )


“ Chớp bể mưa nguồn …“ ư ? câu ca dao này xét cho cùng, đó là kinh nghiệm lâu đời của miền Trung, ở đây lại càng trùng hợp với quê ngoại tôi một lấn nữa. Ban ngày hướng mắt lên Trường sơn, tôi chẳng còn thấy màu xanh bất tận của núi rừng như trong mùa hạ nữa. Hướng đó lúc này chỉ là một màn trời đen nghịt: MƯA NGUỒN, mưa đang che núi, phủ rừng ngày này qua ngày khác, liên tu bất tận suốt một tuần . Mưa, mưa lớn lắm, những màn mưa khổng lồ trên đó che luôn cả ngọn núi cao; Động Ông Do, đỉnh Đầu Bò không còn thấy dạng . Tôi còn nghe tiếng sấm sét từ trên đó vọng về . Và rồi cái sự kiện ‘vĩ đại’ mà tuổi nhỏ của bọn tôi hằng mong đợi trước sau gì cũng đến, phá tan nét tĩnh lặng , trầm buốn cái xóm tên là Cửa Hậu thân yêu muôn thuở :

- “ lụt , lụt , bây ơi đi coi lụt .“

Tiếng mấy thằng bạn tôi í- ới kêu nhau ngòai ngõ.

Có gì thích thú cho bằng mỗi năm lũ bạn chúng tôi được dịp cùng nhau chạy về hướng bờ sông coi lụt , để được lội nước , được thỏa thích chứng kiến những gì ‘dữ tợn ‘ nhất của ‘ôn Trời ‘ .

Con đường Lê v Duyệt chẳng bao xa là đến giáp với đường bờ sông ngang cống “Quân Cụ” thông ra sông . Người ta di coi lut cũng đông , giữa đường họ râm ran hỏi nhau :

- “ Lụt năm ni to hơn năm ngoái khôn hè ?”
-“ To hơn chơ nị! ”

Riêng bọn tôi cứ cắm đầu, cắm cổ cố chạy cho nhanh , cho mau đến bờ sông.
Ôi chao ! mới mấy tuần núp trong nhà tránh mưa, trốn gió , giờ ra đây mới thấy giòng sông hiền lành đó đã biến đổi không biết khi mô .

Con sông nhỏ bé giờ chỉ là một biển nước đỏ ngầu , nước mô trên rừng trên núi, nước Trường sơn trùng trùng điệp điệp đổ về dưới “ni răng mà dữ tợn ?”. Nước mênh mang, nước vây khắp chốn , giòng chảy xiết không bến chẳng bờ. Chênh chêch bên kia Bãi cát Nhan biều mất tăm , không còn dấu vết , chỉ còn mấy rặng tre còn ngoi ngóp như cố vươn lên làn nước trên rừng đang ‘hùng hổ’ tràn về mà thôi . Giòng nước đục ngầu , càng lúc càng chảy băng băng, nó cứ ‘cắm đầu cắm cổ ‘ trôi nhanh về biển . Giữa giòng vô số xoáy nước, to có, nhỏ có cứ quay cuồng xoắn tít. Rồi còn thêm vô số thân lau xác lách cứ thế mặc sức theo giòng nước. Chúng như xô đẩy nhau , thi đua trôi thật mau về “thăm” biển cả “Thái Bình” .Thỉnh thoảng theo làn nước dữ kia , nhấp nhô mấy cấy gỗ mục trên rừng trôi về. Nhà ai đó thật gan, nghe đâu vớt được cả đống củi “trời cho” này . Thuở này thiên hạ còn nấu ăn bằng củi, nên gỗ rừng khi trôi về xuôi tấp một mớ vào bờ khiến họ mừng rơn .

Tôi hướng lên Cầu Ga , vẫn còn hình dáng đen xì của chiếc cầu quen thuộc đó. Nó vẫn an toàn, đứng vững , nối nhịp thương yêu hai bờ nam bắc.

-“ năm ni , chắc nước khôn vô chùa mô hỉ ?"

Một ông già vừa đứng ‘”cất rớ” kiếm mớ cá nước lụt vừa lo ngại nói với bọn tôi như thế .

Ngoảnh nhìn hướng cống chùa Tỉnh Hội nước còn một chút nữa là đến cổng ‘Tam quan’, bãi cát trước chùa thì hoàn toàn mất hẳn , nước đang mấp mé bờ đường .
Phía đâp “Rì Rì’ thì không còn nữa , giòng lụt đã cắt ngang . Hướng phía Sãi chỉ còn nhìn thấy hình bóng lũy tre mờ mờ , cong cong - biết tin gì không dưới ‘nớ’? Nước lụt ngăn cách đôi bờ. Chẳng ai dám liều mạng băng mình qua giòng nước đang xé đập “RÌ RÌ “ tràn vào nhánh sông Vĩnh Định . Không ai qua được đoạn đập non nửa cây số bị nước cắt ngang . Tầm mắt tôi gắng nhìn bờ tre phía Sãi như đang rướn mình chịu đựng , oằn oại, cố hết sức ngăn cản giòng nước dữ đang muốn xô đẩy hất tung tất cả để xoáy vô làng .

Tuy người ta biết lụt sẽ hết , nước sẽ rút dần thôi, thế mà khoảng thời gian bị cách chia không về được làng , không lên được Tỉnh, họ xem chừng lâu quá , như cả cuộc đời. Hai bờ lóng nhóng những người thân đang nhấp nhỏm chờ cơn nước rút, họ tưởng chừng như vĩnh viễn xa nhau thật sự đến nơi.

Giờ thì tôi thích thú nhìn mấy con cá trắng nhảy đang nhảy long chong trong cái ‘rớ ‘ mà ông già vừa cất lên. Ông già rung rung cho mấy cọng rều rớt lại xuống nước, đùn mấy mấy chú cá trắng xuống tận đáy lưới, phần nhiều là diếc. Ông già vội hắt hết vào cái vợt nhỏ, xong ông bỏ cá vô cái oi đeo bên thắt lưng. Nhìn mấy con cá trắng làm tôi nhớ đến tô cháo cá diếc với bụng trứng béo ngậy vàng hươm mà mạ tôi thường hay nấu vào mùa này.

Xem chừng nước càng lúc càng dâng cao. Tôi lại nghe phía sau, mấy con đường nhỏ trong “ xóm Heo” (cái tên xóm heo , oái ăm thay lại gần xóm Chùa Tỉnh Hội, khi nghe tiềng chuông công phu buổi sáng thế là dân trong xóm thức giấc, nhưng lại thúc giùm ông thợ “mổ heo” luôn thể _ thật là chuyện khó lòng cho các thầy lúc này không sao giải trừ được nghiệp SÁT SINH )người ta bắt đầu lội nước , xóm thấp hơn mặt đường xe chạy nên nước trong xóm có nơi sâu ngang ngực . Xế trưa nước bắt đầu mấp mé tràn lên đường. Ngang Cống Quân Cụ trước mặt Ty Thú Y giờ này nước đã tràn qua thật rồi. Vài con cá, tôi không biết cá gì, lại “bon chen” trườn mình theo làn nưóc lấp xấp trên mặt đường băng ra sông .

Thằng Mẹo, một đứa trong bọn tôi vắng đi một hồi không thấy hắn đâu, thì ra hắn đang hì hục kéo một nhánh phượng gãy thật to đem về nhà làm củi. Cái thằng -
“ ‘ Ngó rứa’ mà thương nhà hắn dữ thiệt a , thật là thằng con có hiếu , đi chơi lụt hắn cũng không quên chuyện kiếm củi về cho mạ hắn, “, tôi nghĩ thầm trong bụng.

Giữa giòng nước đang chảy băng băng đó tôi lại thấy nhấp nhô một thân cây rừng thật lớn . Ai cũng xuýt xoa chỉ trỏ, tiếc cho một cây củi khống lồ , ước chi nó tấp được vào bờ . Riêng tôi thì chẳng màng chi thứ viêc người lớn; con nít như tôi chỉ một cái thích : lội qua - lội lại trên làn nước đang băng qua hai cái cống :Trại quân cụ , và Ty thú y mà thôi. Nước tràn qua mặt cống khá mạnh, vừa lội tôi vừa hồi hộp, tim đánh liên hồi sợ nước cuốn tôi xuống sông trôi về biển mất thôi.

Cũng còn may, khi lụt về đến đồng bằng thì trời lại ngưng mưa . Nhưng chính thời điểm này lại là lúc bao nhiêu nước trên nguồn dồn hết về đây. Nước đang tràn vào sông đào Vĩnh Định , nước sẽ ngập đồng ruộng An tiêm , Hạnh hoa và luôn cả cánh đồng sau xóm Cửa Hậu bọn tôi nữa đó.

Đây cũng là dịp trong xóm tôi nghe chừng rộn ràng, ‘bát nháo’ hẳn lên vì cái chuyện đi ‘ nơm’ cá ngòai đồng. Hàng năm vào lúc lụt như thế này, rất nhiều cá gáy theo cơn nước lụt lên đồng tìm chổ đẻ trứng. Thỉnh thoảng chúng nó như ‘tức trứng’ thi nhau quẫy trên mặt nước. Đứng xa người ta còn thấy cá quẫy, dân trong xóm đua nhau cầm nơm bươn bả nhào tới, tiếng la tiếng hét ‘loạn xà ngầu’ . Trên cánh đồng giờ này người nơm cá rất đông, nước ngập quá bụng mà chẳng ai lo chi chuyện ướt và lạnh. Có ai đó chém được một con gáy thật to . Có người khi nơm được một con quá to, mừng quá la toáng lên kêu bà con tới phụ bắt .




chèo BÈ CHUỐI

Thằng Mẹo xóm tôi, cái thằng coi bộ việc chi cũng rành. Hắn không biết kết xong từ lúc nào cái bè chuối thật to. Hắn vừa chống bè vừa khoái chí kêu tôi cùng lên bè đi chơi với hắn. Tôi là thằng “nhát gan, thằng thỏ dế” làm gì dám nghĩ tới chuyện lên bè với hắn .

Nghĩ cũng “tội nghiệp” cho cái xóm mới mọc lên sau này, nhà họ sát cánh đồng, bìa ngoài xóm Hậu của tôi. Họ đang bị cái họa “ách nước tai trời” đày đọa , phải đi tránh lụt, phải đi xin “ăn nhờ ở đậu” ít ngày tận xóm ngoài tức mấy chục nóc nhà “ cố cựu” cạnh con đường nhựa tức là con đường Lê v Duyệt trước Cửa Lao Xá. Xóm ngoài này may mắn không bị nước lụt “xâm lăng” . Dĩ nhiên không ai nỡ lòng từ chối, xóm giềng mà !

Ai chà ! cái thích của bọn tôi xem ra cũng ‘ác’ vì bọn tôi sao lại mong cái cảnh lụt lội như thế này mãi để chạy đi xem , đi chơi , đi lôi lụt; trong lúc bà con mình sau xóm lại đang vất vả ngược xuôi khổ sở trăm bề ! Nhưng xét cho cùng thì chính “Ôn Trời” gây họa chứ ai vô đây nữa ! lũ con nít bọn tôi chỉ là vui ‘ ké’ mà thôi !


Cái nhà thằng Bốn , cùng lứa với tôi,(Nguyễn v Bốn) ba hắn có xe đò QTrị- Huế, năm vừa rồi chú Ba , ba hắn ( nhưng hắn vũng kêu chú vì kiêng tên ) mới xây xong cái nhà ngói” thiệt to” sau xóm vì ba hắn bán nhà cũ ngoài đường mua đất sau đồng này có vườn tược rộng rãi vui thú tuổi già. Nền nhà thằng bạn ‘nối khố’ này xây lắm công phu và tốn kém rất ‘hung’ (nhiều). Cát đổ nền, ba hắn (xin lỗi tức là chú hắn) thuê xe lấy tận bờ sông chở về, mất cả tháng trời mới xong . Nội cái nền không thôi đã cao hơn một mét thế thì làm chi có chuyện nước lụt làm ướt đồ đạc trong nhà hắn được. Xóm Hậu “Mới” này chỉ có nhà thằng Bốn không lo cơn lụt mà thôi, chiếc xe hàng (xe khách) ba hắn (tôi lại quên nữa! của chú hắn) thì tạm thời ‘lánh nạn’ ngoài đường ‘quan’ tức là con đường nhựa Lê v Duyệt đó. Còn lại đa số bà con ngoài này chỉ toàn là ‘tạm cư’ bởi thế mới long đong . Bà con dưới làng mấy năm nay chạy lên chạy về tránh bom tránh đạn , đi riết một hồi không biết làm chi ăn nên đành phải ở lại Tỉnh luôn . Số bà con này mang kiếp ‘tản cư ‘ nên nhà cửa đương nhiên tạm bợ, cái lợp tranh , cái lợp tôn , “lỏng chỏng, le te” . Vợ con gia đình nhiều phần ăn theo đồng lương lính tráng, kiếm được đồng nào “xào đồng đó” nên vách nhà của họ thì tôn có , ván ép Mỹ cũng có , tạm che gió lánh mưa mà thôi cần chi cho đẹp. Nhà cửa tạm dung thân, vì thế nên dựng vội xây vàng bên mé ruộng bờ ao nên nền nhà mới thấp lè tè , cơn lụt mới lên mà nước đã liếm tận vạt giường khiến bà con mất ăn bỏ ngủ .

Lội bì bõm dò theo con ĐƯỜNG NGỰ (đường ngày xưa vua trong Huế có ra thăm Thành Cổ vua không biết niên hiệu nào ngài có ngự ra thăm cánh đồng này , đường đắp cao và to cho vua ngự nên gọi là Đường Vua Ngự hay là Đường Ngự ) tôi chỉ thấy cánh đồng thân yêu giờ đã loang loáng nước. Nước phủ tràn trề, từ con sông Vĩnh Định chặng thôn An Tiêm mênh mông lan đến xóm Tiêu xóm thằng Hiệp (Lê v Hiệp đang ở tại San Jose) vươn đến xóm Hậu của bọn tôi và lao qua đến tận thôn Hạnh Hoa “lãnh thổ” của thằng Hậu (Nguyễn Hậu đang ở tại Hayward CA). Đứng mé xóm sau tôi thấy giờ tất cả chỉ là một màn nước đục giống một cái đầm vĩ đại mà Ông Trời sau một đêm đã tạo một “ cảnh biển dâu” như vậy đó .

Những làn sóng nhỏ lao xao , nước cũng đục ngầu. Theo làn gió nhẹ văng vẳng tiếng bà con đi nơm cá kêu nhau, loáng thoáng vài con chim nhạn bay lướt qua mặt nước.
Tôi nhìn ra thằng Mẹo, hắn như một “anh hùng trên biển cả ” đang chống chiếc bè chuối thật to, công trình “vĩ đại” của hắn. Chiếc bè rong chơi của thằng Mẹo đi men theo mấy vườn chuối sau xóm mà giờ đây mấy vạt chuối đó chỉ còn phần đọt ló lên trên mặt nước mà thôi.

“Cảnh biển dâu ?” xem chừng đúng thật : mới ngày nào –MÙA HẠ - bọn tôi với những cánh diều no gió thi nhau đứa nào cao đứa nào thấp cũng ngay trên cánh đồng này.
Cũng những chiều mùa hạ có gió, lại có thêm sự xuất hiện của con diều cậu tôi. Đây là con diều lớn nhất xóm, nội hai cái cánh thôi cũng dài hơn một mét. Thật là thứ diều của người lớn vì rất khó làm. Nội chuyện cột dây “LÈO” dưới ngực nó không thôi để cho con diều bay được cũng khó lắm rồi. Một thứ rất đặc biệt nữa -- nó mang tới 3 ống sáo trên lưng-- thứ sáo này một tay ‘nghề’ tận Gio linh làm ra. Con diều cứ mãi ăn gió bay thâu đêm cùng vơi tìếng sáo nghe “O.. O “ vui tai, bất tận. Sợi dây diều làm bằng loại dây gai loại to, mua trên Chợ Tỉnh mới có, dây cứ căng mãi trong đêm. Đây là thú chơi diều của người lớn, tụi nhỏ như bọn tôi không bao giờ làm được, hơn thế nữa sức yếu làm gì kéo nỗi.

Tiếp đến cái cảnh những thửa đất cày khô nứt nẻ , cảnh mấy bác nhà nông 2 thôn Hạnh hoa , Cổ Thành, đập đất bằng cái chày vồ. Những tảng đất cày to lớn , được cày lật lên từ lâu, khô cứng , dưới ánh nắng gay gắt mùa hạ. Những cái đập đều tay chắc nịch , đầy bụi mờ, rồi những giọt mồ hôi mệt nhọc, mấy bác kiên trì đập mãi cho xong thửa đất.

Đó là chuyện mùa hè , mùa nghỉ học, mùa thả diều, mùa đá rế , mùa của trò chơi ‘đá lon’ hay “ hô la manh” (haut –la main ?) .
Thu đã qua, lũ bạn tôi đi học lại ít tháng thì trời chớm đông. Tháng mười, giờ trước mắt tôi đang là mùa lụt, mùa của “ông tha mà bà chẳng tha “. Tuổi nhỏ rong chơi, vô tư vui thú trong cái nhịp điệu nắng mưa của trời đất, của một miền Trung khô căn cát đá , nắng dãi mưa dầu. Bữa cơm mùa lụt, chợ đò ít đông nên món ăn chẳng có chi. Có khi bữa cơm chỉ là mớ cá “lòng tong” mạ tôi kho sỗi với ít ớt , ít gừng nhưng sao ngon miệng lạ lùng.

Thời gian qua nhanh, băng băng như giòng lụt năm xưa đó. Những thăng trầm thời cuộc kéo thêm những lở lói của núi rừng Trưòng sơn cùng những loang lổ của lịch sử và luôn cả tâm hồn nhân thế .

Trường sơn loang lổ, Trường sơn bị ‘lóc da xẻo thịt ‘ từng ngày, thiên hạ còn đốt phá rừng xanh chạy theo miếng cơm manh áo. Bởi thế từ phương xa mỗi khi tôi nghe tin lụt quê hương, ôi chỉ toàn là tin chết chóc thảm thương. Lụt mỗi năm mấy trận, lụt “răng lụt mãi rứa hè?” trận này chưa dứt thì tiếp nối trận kia , lại còn hung hãn tàn ác khác xưa nhiều lắm. Những cơn lụt “Thế Kỷ-thuật ngữ sau 1975” thứ lụt mà cả đời ông già bà lão cũng chưa từng ‘chộ’ , chết chóc , nhà trôi, người dân quê ngoại tôi hôm nay quá nhiều thống khổ , vừa qua chiến tranh bom đạn giờ thì lại vật vả, lo âu , hồi hộp theo từng trận mưa cơn gió và cứ thế hàng năm cái đói cái lạnh, thiếu ăn rách nát sao mãi đi cạnh cuộc đời ?

Tôi lại càng nhớ câu hát ngày xưa mà cậu tôi thường nghêu ngao:

“ …quê hương em nghèo lắm ai ơi
mùa đông thiếu áo , mùa hè thiếu ăn,” ( Phạm đình Chương)

Sông Hương hay Thạch hãn cũng giống nhau, cũng nước trong leo lẻo, giòng chảy lững lờ và giống nhau hơn hết là cùng nghèo cùng khổ như nhau. Xa nhau chẳng mấy dặm đường , quê Nội tôi có giòng Hương giang thơ mộng và quê Ngoại tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên có giòng Thạch hãn hiền hòa theo năm tháng.

Tiên tri trong câu hát của cố nhạc sĩ Phạm đình Chương vần còn vận vào số mang người dân quê ngoại đến tận bây giờ không hề thay đổi. Quê ngoại vẫn còn, giòng Thạch Hãn vẫn còn , nhưng người dân quê ngoại càng khổ càng lo . Ốm o gầy mòn, thiếu ăn thiếu mặc sao mãi hoài đậm nét. Và càng đói càng thiếu, rừng Trường sơn càng bị đốt phá càng mang thương tật , sứt mẻ, tang hoang. Rồi hàng năm cơn giận dữ của thấn Thuỷ Tinh sẽ mãi gầm thét không thôi . Tháng mười “ Ông tha mà Bà chẳng tha, ” muôn triệu khối nước mà Ông Trời trừng phạt sẽ dằn lên những đôi vai còm cõi của dân nghèo , lên những tấm thân khẳng khiu , xác xơ của “ mùa đông thiếu áo , mùa hè thiếu ăn” của người dân Quảng Trị .

Và nếu như thế , tôi biết rằng quê ngoại tôi vĩnh viễn không còn cái “thú vui thơ dại ” như xưa được nữa . Một thuở có những tháng mười “Ông tha mà Bà chẳng tha” bọn tôi tha hồ đi ‘chơi lụt’ , đi lội lụt. Nhưng, những cơn lụt ‘dễ thương ‘ này chỉ có trong quá khứ, một quá khứ mà bọn tôi nhớ mãi suốt đời .

San Jose chớm thu 2008
Đinh trọng Phúc


http://www.yeunhacvang.com/?pg=play&song=24


bài hát "chuyện tình cô lái đò bến Hạ" biết đâu, theo thiển ý của tôi, có thể tác giả muốn nói về chuyện tình ở 1 bến sông Thạch Hãn là Bến HỘ -- có lẻ cố nhạc sĩ Hòang thi Thơ không muốn dùng chữ "HỘ!" nên ông nói chệch đi là bến HẠ chăng? ][/i]
Trên sông Thạch Hãn không có bến đò nào tên là Bến Hạ cả ,

Friday, July 22, 2011

LỚP TÔI NGÀY ĐÓ




LỚP TÔI NGÀY ĐÓ

Trần túy Huệ
(nhớ về Mỹ Liên và các bạn cùng lớp)




Nhân gian có câu: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, thật quả không sai, áp dụng vô lớp tôi thì đúng 100%. Thuở đó, lớp đệ tam C2 của tôi niên khóa 69-70 học ở dãy gần MACV- Lũ học trò được góp từ nhiều lớp đệ tứ trong trường, cùng với một số từ các trường công tư ở các quận lị như Triệu phong - Đông hà - Cam lộ- Gio linh- Hải lăng. Có nhiều bạn chưa biết nhau. Duy có điều là nghịch ngợm và ngổ ngáo là trong lớp có lắm đứa tương đồng. Phía nữ chúng tôi nghịch nhất là cô nàng Mỹ Liên. Ngoài ra các bạn nữ khác thì vui tính và chăm học như TN Diệu Liên, Ng thị Nhạn , Tống thị Huê, Lê thị Hạnh, Hương Thủy, Mỹ Tín, Huyền, Lệ Hằng V.v..

Mỹ Liên- Túy Huệ 1970

Trưởng ban 'chọc phá' lớp tôi Lê thị Mỹ Liên thuở đó dong dỏng người nước da không được trắng lắm, tóc dài ưa thắt bím hai bên - Cứ mỗi lần điểm danh , nghe đến tên bạn nào thuộc ‘giống trái’ là ả ta tiếp theo : “rụng cuống”. Trong lớp Mỹ Liên hay đặt tên các bạn theo đặc điểm từng người: Ví dụ, Mỹ Tín có mấy cái răng cời duyên , y thị bèn dỏng dạc gọi Mộng Cời, NG thị Muội trong một lần điểm danh cô giáo đọc nhầm là Nuôi, rứa là cô nàng được mang tên mới là Ngọc Nuôi. Lê đình Bình bị y thị kêu là Cu Lì Lì chẳng biết tại răng ? Còn riêng tôi hắn cải sang tên mới là Mộng Đở. Chẳng là tại vì có lần giờ CD thầy giáo bận việc phải rời lớp. Trước khi đi, thầy dặn lớp trật tự rồi ra bài cho học sinh làm, đề bài tôi còn nhớ rõ: Quốc hồn, quốc túy là gì? Lớp học im lặng làm bài được một lát. Có vài tiếng thở ra, tôi dòm quanh thấy cả lớp nghệt mặt ra , cắn bút nhíu mày hỏi nhau:

- Quốc túy là chi rứa bây?

đứa ni dòm đứa kia lắc đầu. Bất chợt có ai đó cao giọng:

- hỏi Túy Huệ tề, quốc túy là chi rứa Huệ ơi ?

Đang ngẫm nghĩ làm bài , tự nhiên nghe réo tên, phản ứng tự nhiên tôi kêu lên:

- Đỡ rứa, răng hỏi tui?

Cả lớp cười ầm lên làm tui đỏ mặt cúi đầu. Lại tiếng một ai đó nữa, giọng kéo dài:

-Người ta hỏi thôi, có ai dở chưởng ra mô mà đòi đỡ?

Rứa là từ đó Mỹ Liên mỗi khi muốn kêu tới tui, hắn dõng dạc:" Mộng Đỡ", và cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho của tui hắn đã thực sự quên luôn . Nói tới điều ni vì có lần lớp tôi tổ chức du ngoạn lăng tẩm Huế. Cả lớp tập trung đúng giờ tại nhà Mỹ Liên để chờ xe. Tui vì còn phải cầu viện ông anh họ xin giúp ba tôi mới cho đi nên tới trễ. Vừa bước tới cửa, Mỹ Liên thở ra:

-Con Mộng Đở tới rồi thầy, đi thôi cả trưa !

Thầy Anh Văn nhìn tui rồi thở ra:

-mai chừ cứ nghe nói chờ M Đở, thầy không nghĩ ra ai, té ra là T Huệ.

-Cho tới chừ hai đứa cách nhau nửa vòng trái đất, mỗi khi tâm sự qua phôn, thỉnh thoảng hắn vẫn còn kêu tui là M Đở. Ngoài mấy cô bạn trong lớp còn thêm một bạn nam sinh bị cải tên nữa. Từ cái tên hiền lành: Nguyễn văn Hiếu sang gọi là Babilac chỉ vì anh chàng có khuôn mặt 'búng ra sữa' , thật là tội nghiệp và bất lợi cho anh chàng khi tán gái !

Cô bạn có lắm chiêu đùa tai quái; một bận nghỉ hai giờ đầu y thị rủ tui lên dãy lầu chơi, tui cũng đi theo hắn. Tới phòng cuối của dãy, hắn dừng lại gõ cửa. Vị giáo sư phụ trách môn toán hay lý hóa chi đó mở cửa ngó ra. Mỹ Liên tới gần nói với thầy xin gặp một ai đó, thầy giáo kêu tên một anh học sinh đi ra cửa, mặt lạ hoắc. Mỹ Liên quay qua tui:

- Đở tề, dôn mi ra đó, ưng nói chi thì nói đi.

Tui thộn mặt ra không biết hắn đang muốn điều chi; anh con trai cũng rứa, M Liên liến thoắng quay qua tui lay vai nói:

-Con ni bờ hớ quá! cấy dôn rồi mà còn ồ ngai chi nữa, ưng chi thì nói đi để dôn mi còn phải vô học cho kịp giờ.

Anh con trai mặt đỏ lừ, hấp tấp trở vô lại chỗ ngồi. Thầy giáo biết M Liên muốn đùa nên chỉ đứng cười, còn hai đứa tui vừa kéo nhau đi xuống cầu thang vừa gây gỗ nhau. M Liên vừa cười toe vừa chạy bay về lớp. Những trò đùa vẫn từng ngày- từng ngày xảy ra. Có lần ra chơi tui với M Liên lục 'cặp táp' Mộng Cời để tìm đọc trộm thư tình mà mấy ông con trai trồng cây si cô nàng gởi tới. Vốn Mỹ Tín rất dễ thương , đào hoa nên có nhiều chàng để ý, thỉnh thoảng có thư nên tụi tui hay ưa đọc lén. Bữa đó không có thư, hai đứa tìm thấy có bốn đồng bạc lẻ, bèn ‘xi tiêu’ rồi rủ nhau xuống nhà chú Phi mua kẹo ăn . Cả bọn 3 đứa: M Liên, Muội và tui đang vừa đi vừa giành ăn. Tới lớp sớn sác không nhìn, đi ào vô tỉnh bơ, nửa đường mới nhận ra trên bàn giáo sư có thầy giáo mới đang ngồi nhìn cả bọn, thất kinh 3 đứa chạy ùa về chỗ ngồi, quên không lên tiếng xin phép. Thì ra vị giáo sư mới dạy thay thầy sử địa cũ đã vô lớp, tụi tui cứ tưởng chưa có thầy nên mới tự nhiên như 'người Hà Nội'. Lúc này M Liên nhìn lên, tui cũng rứa và liếc qua hắn tui thấy hắn đang bụm miệng che nụ cười rồi ghé tai tui nói nhỏ :

-Thầy ni giống Ấn độ quá mi hỉ ?

Tui dòm kỷ thầy, quả thầy giống ông Ấn độ nơi gói bột cà ri. Tui buộc miệng:

-cà ri nị !

Con nhỏ khoái chí cười to: "đúng quá" . Thầy nghiêm mặt nhìn hai đứa, M Liên bụm miệng nín khe. Hắn còn nhận xét,

-thầy có hai chùm râu mép dài le ngoe coi mất trật tự, nhìn khó chịu quá mi hí !

Tui chêm vô:

-hay là có dịp mô đó mình tết con rít râu cho thầy đẹp trai hơn hơn hè!

Nhỏ liền đập vai tui cười đưa ý kiến:

- mi phải cột ruy băng nữa mới đẹp nghe!

Hai đứa khúc khích cười. Thầy giáo nghe nhưng vốn tính độ lượng không truy tội chúng tôi .

Tuần tiếp đến giờ thầy, M Liên ôm bụng rên lên:

- thấy thầy là tau đói bụng quá!

Tui hỏi:

- tại răng?

- môn sử địa, hai giờ cuối , trưa rồi mà nhìn thầy là cứ nhớ đến tô cà ri vẻ răng mà không đói cho được? Mô rồi, dây nơ mi hứa đem đi mô ! mau lên tết rít cho thầy đi.
Rứa là lại cười toe cả hai đứa- và chúng tôi gọi thầy là thầy 'cà ri nị' từ đó.Và cũng từ đó tụi tui rất trông đến giờ sử địa để được nghe thầy giảng bài. Thầy có lối giảng bài rất hấp dẫn nên cả lớp đều chú ý nghe dù giờ thầy lúc nào cũng thấy đói bụng .

Bao nhiêu năm qua rồi, chuyện cũ có thể được bắt đầu kể lại bằng hai tiếng ngày xưa, rứa mà mỗi khi nhớ lại như mới vừa xảy ra hôm qua, vẫn làm tui bật cười vì sự nghịch ngợm của nhân vật thứ ba sau quỉ và ma! của lũ học trò lớp tôi ngày đó./.

Saturday, July 16, 2011

QUA CỔNG TRƯỜNG XƯA



SƯƠNG TRẮNG MIỀN QUÊ NGOẠI
TÁC GIẢ : ĐINH MIÊN VŨ
người bạn tù cùng lán trại
******************************************************************


hồi ký- Quảng trị sau NOEL - cuoi tháng 12/1973

Có một sức lôi cuốn nào đó khiến ngày mãn khóa cùng chọn đơn vị không chút đắn đo tôi chọn ngay tiểu khu Quảng trị, mặc dầu lúc đó với kết quả cuối khóa tôi có thể chọn tiểu khu Định tường tức Tiền Giang bây giờ, nơi gia đình ba mẹ tôi chạy vào từ năm 1972.

Trên đường ra đơn vị tôi không quên ghé Đà Nẵng thăm bà con đang còn tạm cư tại đó vừa lúc Đà nẵng đón Giáng sinh 1973. Thời gian này lại là khi lưu dân Quảng trị thêm một lần chia tay: một nửa vào Bình tuy theo chương trình Khẩn Hoang Lập ấp, một nửa hồi cư về lại quê hương.

Nấn ná ở Đà nẵng chơi đến khi tôi ra trình diện đơn vị thì đã trễ phép. ..Tôi có dịp thăm lại Diên Sanh khi trình diện Tiểu Khu QT ,cồn cát Diên sanh nơi đồn trú của Tiểu khu một vùng đất tôi thấy khô khan và nghèo nàn lắm, đất chưa hồi sinh vì thiếu bóng dân về.

QUA CỔNG TRƯỜNG XƯA

Tôi theo chiếc xe GMC tiếp tế ra trình diện tiểu đoàn cũng như sẽ về đại đội đang đóng quân ở cầu Ba Bến. Chiếc GMC ra đến xa lộ Đại Hàn thì quẹo phải hướng về thành phố Quảng trị. Khó diễn tả nỗi xúc động trong lòng tôi lúc đó, nó cứ trào dâng mãi không thôi. Mới hơn một năm giã từ QT trong cơn loạn lạc của chiến chinh, giờ thì tôi trở về trong quê hương với màu áo lính. Màu áo trắng vĩnh viễn không còn nữa nó đã bay xa và cuốn theo bao nhiêu mộng ước của tuổi học trò. Thực tại hôm nay chỉ là cảm giác nôn nao bỡ ngỡ của một anh lính trẻ ngày đầu về đơn vị mới.
......
Chiếc xe đơn vị ì-ạch qua dấu vết cũ của ‘bót’ Long hưng, lắc lư chạy theo con đường Lê Huấn hoang phế hướng về Cổ thành, rồi nó quẹo phải…Nguyễn Hoàng đây chăng? Trường cũ của tôi trước mắt chỉ là một đống gạch đá đổ nát hoang tàn. Tôi thật bàng hoàng vì cảnh tan nát của mái trường thân yêu vượt xa sức tưởng tượng của tôi. Ôi chiến tranh chỉ là tàn phá và hận thù. Tôi cố tìm lại vị trí của cái cổng trường nhưng giờ đây chỉ còn lại mấy lõi sắt cong queo.



Cổng đón em vào ôi những tà áo trắng
Cổng tiễn em đi cứ độ trống tan trường
Em có biết không những ngày hè phượng thắm
Là lúc cổng buồn vì cổng biết tương tư…



Những dòng thơ tập tành , non nớt trong những ngày đi hoc, giờ chiếc cổng đó đã thật sự chết rồi còn đâu nữa để biết tương tư. Chiến tranh đã xô đẩy biết bao nhiêu đứa học sinh Nguyễn Hoàng trôi dạt khắp mọi nẽo đường đất nước. Ôi hôm nay tôi trở về đây, bơ vơ bên ngôi trường thân yêu đã chết cạnh một thành phố tan nát, đìu hiu, tất cả đang đứng chịu tang trong cơn lạnh mùa đông nơi miền địa đầu giới tuyến.

DÒNG SÔNG QUÊ TÔI

Đến cầu Ba bến chiếc cầu sắt nhỏ bắc qua con sông Vĩnh Định, chiếc GMC chạy thẳng vào sân BCH tiểu đoàn, tôi vội nhảy xuống xe lo ‘gôn’ quần , xắn tay áo cho đúng quy cách. Tôi cố gắng chuẩn bị tư thế nhà bình thật nghiêm chỉnh trước khi vào trình diện tiểu đoàn trưởng. Thật sự tôi đã trễ phép gần 2 tuần lễ, biết ăn nói sao với tiểu đoàn trưởng đây? hay là mình lấy lý do gia đình ở tận Mỹ tho tỉnh Đình tường, tôi còn phải thăm bà con chiến nạn đang tạm cư ở Đà nẵng nữa. Tôi hy vọng mấy lý do này cũng tạm ổn.

Tôi đứng nghiêm chào, xưng tên họ, số quân, cấp bậc; bên ngoài tôi cố gắng làm ra dáng bình tĩnh nhưng trong bụng tôi thực sự run run. Tiểu đoàn trưởng trợn mắt gằn giọng hỏi lý do trễ phép, ông to giọng phê phán vấn đề vô kỷ luật của tôi, hơn nữa tôi là một sĩ quan trẻ mới ra trường.

Tội nghiệp cho tôi, ấp úng trình bày lý do trễ phép mong tiểu đoàn trưởng ‘thông cảm’. Hình như Tiểu đoàn trưởng thấy vẽ mặt ‘búng ra sữa’ của tôi ông cũng thấy ‘tội nghiệp’, dịu giọng ông cho phép tôi ra ngoài chuẩn bị qua trình diện đại đội trưởng Lê kim Chung anh người gốc làng BÍCH KHê, đại đội anh đang đóng bên kia múi cầu Ba bến canh BCH tiểu đoàn .

Ra đứng tần ngần ở sân tiểu đoàn, cũng may tôi gặp anh Trần quang Hiền, trưởng ban 3 tiểu đoàn. Anh Hiền coi bộ biết thương khóa đàn em mời ra trường như tôi. Thật đúng với cái tên Hiền anh hiền lành vui vẻ, mới gặp anh lần đầu mà tôi đã thấy gần gũi vững lòng lại sau một phen bị tiểu đoàn trưởng "quạt cho một trận".


ngã ba sông Thạch hãn & nhánh sông đào Vĩnh Định chảy qua cầu BA Bến


Chia tay anh Hiền, tôi lại mang ba lô(ballot) súng đạn đi bộ qua lai cầu Ba Bến chiếc cầu mà mấy mùa vắng bóng dân đi. Bên kia ngã ba sông là thôn Nại cửu, làng ngoại tôi, nghe văng vẳng tiếng kẽng liên hồi kêu dân đi ‘sản xuất’ của phía 'bên kia'. Đi ngang giữa cầu trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẵng ngày này qua ngày khác. Đối dân Quảng trị như tôi thì chẳng lạ gì với cảm giác mưa lạnh mùa đông nhưng sao hôm nay tôi thấy cảm giác nao nao buồn buồn của một người đã hết phép và phải về đơn vị mới và hình như tôi có một cảm giác nhớ gia đình ba mạ các em đang ở xa tít trong Nam.



mặt sông Vĩnh định

Có ai về phía thương yêu xa xôi muôn trùng cách biệt,
Một miền quê cũ có con sông mầu xanh bát ngát.
Ai có về chốn xưa giữa nắng ban chiều, xin nhớ
Qua cây cầu bắc ngang sông đào, chốn quê nghèo.

[Dòng Sông Quê Tôi
Tác giả: Phạm Duy]

Tôi dừng lại giữa cầu lặng ngắm nhánh sông đào Vĩnh Định. Con sông vắng vẻ in bóng tre, đôi bờ đìu hiu không một con đò. Dân chưa về hồi cư để cùng nhau xây lại nếp sống thanh bình với đồng lúa xanh cùng bóng mục đồng, hình ảnh ngày xưa tôi thường thấy mỗi lần về thăm quê ngoại Nại Cửu.


VỀ ĐƠN VỊ ANH LÊ KIM CHUNG
Sau khi trình diện đại đội trưởng Lê kim Chung , tôi được nằm chờ tạm ở một căn hầm nằm sát bờ sông để chờ ngày ra giữ trung đội. Đại đội 2 đóng phía bên này sông có nhiệm vụ bảo vệ cho Tiểu đoàn nên tương đối nhàn hạ hơn mấy đại đội khác. Đại đội trưởng Lê kim Chung tính trầm lặng - hình như anh cũng thông cảm khóa đàn em có lẽ những cảm giác bỡ ngỡ đó cũng giống anh những ngày đầu khi anh mới ra đơn vị . Ngoài trời vẫn mưa, những cơn mưa phùn dai dẳng lê thê tưởng như bất tận. Ánh sáng nhạt nhòa của mấy cục pin xài lại từ máy truyền tin trong hầm trú ẩn là cơ ngơi cho tôi ngày đầu tiên về đơn vị mới. Tôi may mắn được nằm trên một tấm ván ép Mỹ cũ kỷ, có lẽ do lính đại đội lên tận Cổ thành đào kiếm đem về đây.

Lính tráng xa nhà thú vui giữa các sĩ quan đại đội là bộ cờ quân đã cũ. Cái nền nhà và vài vách tường còn sót lại của ban chỉ huy đại đội là cơ ngơi cho tất cả mọi người ở đây. Bộ cờ quân là thú vui duy nhất cho anh Chung và mấy sĩ quan khác. Chiều mưa anh Ba, đại đội phó dạo khúc đàn với bản nhạc "DONNA DONNA" tự nhiên lòng tôi lâng lâng xao xuyến.

Chẳng màng đến cởi giày, tôi nằm thừ trên miếng ván kê gần sát mặt đất nên tôi ngửi được cả mùi ẩm thấp và ướt át trong căn hầm. Ngày ra trường tôi tự nguyện chọn về đây kia mà! Tôi đã chọn quê hương Quảng trị vì tôi nhớ nó, vì tôi còn thương cả một vùng trời đầy ắp kỷ niệm.


Tôi cố gắng lấy giấc ngủ, trong cơn lim dim tôi mơ màng thấy những khuôn mặt bạn bè năm xưa trong lớp học hiện về, tiếp đến mài trường Nguyễn Hoàng còn nguyên vẹn…những tà áo trắng xôn xao trước cổng …và mơ hồ trong giấc ngủ mệt mõi tôi nghe phảng phất một thứ âm thanh nào đó của chợ Quảng trị ngày giáp Tết.

Chợt mở mắt tôi nhìn qua khe hở của căn hầm- trời mùa đông chiều xuống thật mau. Tôi nghe đâu đây, hình như dưới chân cầu Ba bến có tiếng con chim bói cá kêu từng hồi buồn não ruột, trên mặt sông Vĩnh định màn mưa phùn theo gió lướt thướt bay./




dinh hoa lu

reedited from "ngay ve"
--------------------------------------------------------------------------
ghi chú: anh Lê kim Chung đã mất chiều 23 tháng 3 năm 1975 tại làng Lương Mai Phong Điền , người sq duy nhất mất trong ngày tàn cuộc chiến của đơn vị tôi .
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Dong-Song-Que-Toi-Ngoc-Lan/IWZDE0DC.html

Thursday, July 14, 2011

TẤM THẺ HỌC SINH


lời dẫn:
Năm 2006 khi nghe tin Thầy Thái Mộng Hùng sắp qua dự đại hội NH Nam Cali 2006 tôi liền viết bài này để mừng thầy qua. Ai ngờ số phận éo le thầy đã qua đời trong một tai nạn lưu thông tại Đà Nẵng. Bài này tôi xin phép post lại như là một dấu ấn ghi nhớ một khỏanh thời gian ngắn ngũi Thầy lưu lại trên đất khách quê người Đà Nẵng để sinh họat với các cựu hs Nguyễn Hòang tại đó.
thân kính


Đinh trọng Phúc nien khoa (1965-1972)


Cuộc đời con người là cả một quá trình thay đổi, như trăng tròn lại khuyết, hoa nở để mà tàn. Lá xanh kia còn đó trên cây thấm thoắt thu về trước ngọn đông phong chợt rụng rơi theo vòng quay trời đất.

Chỉ có kỷ niệm của con người mới hi vọng thoát khỏi định luật đào thải khắt khe của thời gian. Kỷ niệm con người thì vô hình, nó nằm mải trong tâm hồn ta, đến những khi trống vắng chợt sống lại trong tâm tưởng để nhớ, để thương, để tiếc nuối rồi đưa ta về quá khứ với những hình ảnh gấm hoa thơ mộng.

Dĩ vãng thăng trầm của đất nước trong cơn lốc xoáy của chiến tranh thì người ta hay mất mát đổi thay. Ai ai trong đời ít nhất cũng có một lần nuôi một giấc mơ thêu hoa dệt mộng, nhất là ở lứa tuổi học trò thì biết bao là mộng đẹp. Tôi cũng thế, thuở cắp sách đến trường thì làm sao kể hết những chuyện mộng mơ và đôi khi lại dám mang một hoài vọng vá trời lấp biển. Nhưng thành bại lại tùy theo số mệnh và khi số mệnh đã an bài cho một lớp người hay cả một thế hệ thì chúng ta lại an ủi nhau bằng hai chữ mệnh trời.

Thời hoa bướm học trò đã thuộc về quá khứ xa xưa. Nó lại càng xa hơn nữa khi ta đứng bên này xứ người hướng tâm tư vượt nửa vòng trái đất mà vọng về cố hương Việt Nam. Hình ảnh mái trường Nguyễn Hoàng xưa, đường Quang Trung ngập tràn áo trắng nữ sinh lúc tan trường. Dễ thương thay nét e ấp thẹn thùng dưới vành nón lá nghiêng che một thời xuân sắc. Thật tội nghiệp cho bước chân mấy gã si tình cứ lẽo đẽo theo sau.



NHỮNG CÁNH CHIM NGUYỄN HOÀNG ĐANG NHỚ VỀ TRƯỜNG CŨ THẦY XƯA



Tấm thẻ học sinh vẫn mải thủy chung theo tôi cho trọn một đời. Nó đã từng theo bước chân lưu dân Quảng trị đi hết những nẻo đường đất nước. Rồi đến khi xếp áo thư sinh theo tiếng gọi quân hành, tôi vẫn có nó bên mình. Ngày rời xa quê hương nó cũng theo tôi đi đến xứ người. Có những lúc chạnh lòng nhớ về lối xưa trường cũ tôi lục lọi tìm nó trong ngăn tủ, tôi cầm tấm thẻ đã vàng úa theo cát bụi thời gian mà hình dung lại những kỷ niệm xưa. Ba mươi mấy năm rồi mà ! từ ngày tôi phải xa ngôi trường cũ, phải bỏ nó mà đi, cho đến khi ngôi trường tan nát có mấy ai trong đám Nguyễn Hoàng đã chứng kiến giây phút cuối cùng của ngôi trường thân mến đó. Ba mươi mấy năm là cả một chặng đời cho một người đủ khôn lớn, trưởng thành. Tấm thẻ học sinh này tôi coi như là một kỷ vật của trường trao lại. Nó không chỉ đưa trí tưởng tượng của tôi về lại thuở biết yêu mà còn xa hơn nữa, đó là ngày tôi bắt đầu đi học.


Tôi nhớ lại buổi học đầu đời niên khóa 1960. Ngày đó tôi cứ níu lấy tay mẹ tôi khi người đem tôi đi xin nhập học vào lớp năm trường Nam Quảng trị. Ngày đầu tiên theo chân mẹ đến trường tôi là đứa con trai cưng vừa đi vừa mếu máo khóc. Trẻ thơ thuở đó tôi đâu biết gi về những cảm xúc như hình ảnh “mấy chiếc lá vàng rơi” hay “trên không có mấy đám mây bàng bạc” giống nhà văn Thanh Tịnh đã tả trong ngày đầu đi học. Ngày đầu tiên đi học của tôi chỉ là những cảm giác lo sợ, những giọt nước mắt bịn rịn khi tôi phải xa nhà, xa ba mẹ để bắt đầu tập tành bước vào thế giới của thầy cô bè bạn, của sách vở bút nghiên.

Đã vào lớp nhưng mắt tôi luôn rớm lệ, tôi cố nhìn ra cổng trường hướng bờ sông Thạch Hãn. Mẹ tôi thương con chưa nỡ về nhà, người cứ mải đứng trước cổng chờ con cho đến khi tan buổi học đầu. Cô giáo Tâm lớp tôi, bằng giọng Quảng hiền dịu cô đã dành thì giờ dỗ dành, an ủi tôi. Cũng nhờ sự vỗ về của cô nên chỉ sau hai ngày đi học tôi quên ngay cảm giác sợ hãi lo âu ban đầu. Tôi còn nhớ trên vách lớp khi nào cũng có những túi kẹo bi hay đồ chơi nho nhỏ, cô Tâm sẽ thưởng cho những em ngoan, nhưng có khi cô cũng tặng cho em nào hay ngủ gật trong lớp nữa. Có cô giáo, có bạn bè tôi quen dần nếp sinh hoạt của trường của lớp. Tuổi nhỏ học trò ngày hai buổi đến trường, con đường Lê văn Duyệt dẩn đến trường Nam sao quá thân quen, đường Gia Long ven bờ sông lộng gió. Trong trường hình ảnh mấy cây ngô đồng rợp bóng, mấy đứa bạn cùng tôi hay lượm trái ngô đồng khô để làm bánh xe cho mấy chiếc xe đồ chơi tự tạo.

Mới chớm cơn nắng hạ thì bầy ve trên mấy cây ngô đồng đã vội râm ran kêu. Hè về là mùa đá rế của lũ con nít chúng tôi. Tôi thường cùng mấy đứa bạn băng qua cánh đồng rộng mênh mông về tận mấy rẫy dưa ở làng An Tiêm hay cả gan vượt sông qua tận Nhan biều, tìm cho ra năm ba con ‘rế nhất, rế nhì’ về nhà so tài cao thấp. Mấy ngày hè tiếng la tiếng hét của bọn con nít chúng tôi vang ầm khắp xóm.

Thời gian của tuổi thơ êm ả đi qua như giòng Thạch Hãn lững lờ theo năm tháng trôi qua thành phố Quảng trị hiền hòa và trầm lặng. Niên khóa 1965-1966 tôi bắt đầu bước lên trung học. Trường Nguyễn Hoàng lúc này thầy Thái mộng Hùng làm hiệu trưởng. Sau này tôi mới biết cô giáo đầu đời của tôi, cô Tâm, chính là hiền nội của Thầy. Nhưng giờ đây Cô đã trở về với ‘người muôn năm cũ’. Nhớ Cô, tôi chỉ biết thắp lên một nén hương lòng, vọng về cố quốc để tưởng niệm đến cô giáo lớp vỡ lòng năm xưa.

Thầy Hùng bận bịu chuyện văn phòng nên tôi ít khi thấy Thầy xuất hiện ngoại trừ những sáng thứ Hai làm lễ chào quốc kỳ. Sau nghi thức chào quốc kỳ Thầy nhắc nhở cho toàn trường vài ba huấn thị. Đôi khi thầy Hùng cũng có đảm nhận thêm mấy giờ Pháp văn vì trường thiếu giáo sư. Những lúc này tôi mới thấy bóng dáng dong dõng cao của thầy Hùng thoáng xuất hiện trước hành lang rồi bước vào lớp Tứ một. Hết giờ dạy Thầy về ngay văn phòng tiếp tục công việc.

Hay đi kiểm soát trong trường là phần hành của thầy giám thị Hồ ngọc Thanh. Mấy lúc này thật ‘rủi’ cho mấy chàng đi học nhưng chân lại mang ‘dép Nhật’ hay quên mang bảng tên trên túi áo.

hè chia tay 1969 của lớp đệ tứ Ba (68-69) tại nhà Nguyễn Kiệt (em cô Hoàng ) đường Lê v Duyệt Quảng trị
bên trái bình bông là Lê đức Mê- Nguyễn thị Nhạn / bên phải bình bông là Lê thị Kim Lan, Nguyễn thị tăng Phước, Đinh trọng Phúc (cười) Dương v Khôi (cười) Nguyễn duy Thượng (đang đọc cảm tưởng )


Vào khoảng sau năm Mậu Thân 1968 khi có mấy khóa sư phạm Huế ra trường, thì trường Nguyễn Hoàng được bổ sung một số cô thầy mới như cô Tương Anh văn, cô Hồng quốc văn, thầy Hiệp lý hóa, thầy Toản toán, thầy Điền Pháp văn, thầy Dinh sử địa và một số thầy cô trẻ khác. Dạo này không khí sinh hoạt của trường nhộn nhịp khởi sắc hẳn lên như văn nghệ, cứu trợ bão lụt, du lịch biển Gia đẵng, Mỷ thủy, thăm lăng miễu tại Huế hay tháp tùng phái đoàn đi trao vòng hoa và uỷ lạo chiến sĩ…


Lứa tuổi đệ nhị cấp cũng có niềm hãnh diện riêng của nó như được thêu bảng tên bằng chỉ xanh để phân biệt với đệ nhất cấp có bảng tên thêu bằng chỉ đỏ. Màu chỉ xanh bảng tên là đàn anh, đàn chị là sắp sửa “dùi mài kinh sử” để vào Huế mà thi tú tài. Ngày mai đây Trường sẽ có thêm nhiều ‘cô tú- cậu tú’ tân khoa. Làn chỉ xanh trên áo trắng cũng là chỉ dấu của lớp tuổi bắt đầu yêu đương và mơ mộng, biết dệt bao nhiêu vần thơ hay nhất rồi e ngại, ngập ngừng hay kín đáo gởi cho nhau. Cũng có lúc ai đó âm thầm lặng lẽ theo bước chân nàng về tận ngõ nhà. Tuổi biết yêu đồng thời cũng biết nuôi bao nhiêu hoài vọng thiết tha cho đời để mai đây trên mọi miền đất nước có những cánh chim Nguyễn Hoàng góp phần xây dựng.

Bay xa hơn nữa, ngoài tầm đất nước, có những cánh chim Nguyễn Hoàng còn gặp lại nhau nơi xứ lạ quê người. Tha hương viễn xứ, chúng ta may mắn được trùng phùng khi vầng trán đã in nhiều vết hằn năm tháng, những mái tóc đen nhánh mượt mà năm xưa giờ đã nhuốm bụi phong sương. Rồi chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xa xưa, một thời hoa bướm. Tay bắt mặt mừng. “Ừ nhỉ, mới ngày nào đây mà đã ba mươi mấy năm rồi.” không ai bảo ai mà cũng xuýt xa một niềm lưu luyến ấy. Thời gian quái ác vẫn lạnh lùng trôi nhanh như “vó câu qua cửa sổ,” mải theo tháng ngày lận đận đến khi giật mình nhìn lại mình thì đời đã quá ‘rêu phong’.

Cách nhau ngàn trùng mà vẫn không xa cách, những Nguyễn Hoàng ngày xưa vẫn có lúc hội ngộ như bây giờ. Trái đất vẫn tròn thì chúng ta còn gặp lại nhau- “mô tê răng rứa” cứ nói thật nhiều cho thỏa những nỗi nhớ mong. Bạn cũ trường xưa “ bây chừ gặp lại- mi cách xa tau cả mấy múi giờ” Ừ nhỉ ! khung trời Quảng trị giờ ở đây, mái trường xưa giờ cũng là đây. Thầy trò chúng ta giờ phút tao ngộ này, tuổi đời ai cũng ‘ mấy bó giống nhau’. Hãy nói với nhau những gì chưa nói, hãy vui cho thật trọn vẹn trong những khoảnh khắc bên nhau, rồi ngày mai chia tay mỗi người một ngả thì xin ghi những hình ảnh hội ngộ này như là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời.
Dinh hoa Lu

Tuesday, July 12, 2011

RỪNG KHUYA NHỚ MẸ




VUNG NUI DONG ONG DO - THANG 9/1974

Mẹ ơi biên cương giờ đây
trời không mưa mà nhiều mây
nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
nghe gió rung cây đổ lá vàng
sương xuống mênh mang
…(Anh Bằng)


Mẹ ơi, biên cương giờ đây trời vắng quá, vắng cả những đóm sao khuya từng làm bạn với con. Thỉnh thoảng chỉ vài tiếng con tắc kè gõ nhịp trong những hóc cây nào đó hay đôi ba tiếng con mang con hoẵng rời rạc kêu lên trong đêm trường. (…)

. Đêm nay kỷ niệm chập chùng xa vời đang sống lại trong tim con, trong màn đêm biên giới. Giờ đây sau lưng con, khoảng xa vời kia giờ chỉ là một thành phố đổ nát hoang tàn còn ba mẹ và mấy em thì đang ở tận phương nam, đường xa hun hút. Con không biết giờ này trong nhà có ai đang nhớ đến con không? riêng con, đêm nay ngồi đây con nhớ nhà lắm mẹ ạ. Nhưng nhà còn đâu nữa để nhớ ngày tháng ly hương bà con lôi xóm mỗi người mỗi ngả, nhà mình vào tân phương Nam. Thế là từ ngày đó người dân Quảng trị trở thành lưu dân biệt xứ.

Xếp áo thư sinh bao nhiêu mộng ước con đành bỏ lại sau lưng. Ôi Quảng trị, thành phố thân yêu ngày hai buổi đến trường. Bạn, thầy yêu dấu giờ chẳng còn ai trong những ngày ly loạn Con quên sao được từng khuôn mặt thất thần, hốt hoảng của người dân mình ngày phải bỏ xứ mà đi, tứ tán khắp nơi.

Mẹ ơi, mấy tuần nay trên vùng biên giới này con vẫn sốt trong người (…) con chưa về được, tóc con rụng nhiều.Mẹ ơi mấy lúc này con biết đã mang chứng sốt rét trong người, người con gầy rọc đi, nhưng con chưa về được mẹ ơi. (…) chứng sốt vẫn hoành hành trong đơn vị. Mà về đâu hỡi mẹ trong nam thì cả nhà mình đang ăn nhờ ở đậu.(…)

Mẹ ơi con từng gắng nấu sôi nước khe pha miếng sữa lấy sức trong người nhưng con vẫn luôn có cảm giác buồn nôn, trong mình lúc nào cũng hâm hẩm sốt.

Từng giờ từng phút con cố căng mắt nhìn vào màn đêm sâu thẳm phía trước.
Trong đêm có tiếng con dế mèn nào nỉ non rền rỉ, điệu nhạc buồn giữa chốn rừng khuya. mẹ ơi, con đã từng phơi khô một đống cây rừng rễ giống nhân sâm phơi khô để dành trên chốt tự bảo rằng cây thuốc.

Mẹ ơi chúng con nơi này sống bên nhau khổ bên nhau không than vản không phiền hà ai cuộc sống đơn giản đến mức cùng của sự đơn giản chúng con từng chia sẽ cho nhau từng miếng ăn từng điếu thuốc. Lam sơn chướng khí da mặt chúng con tuy đã đổi màu nhưng tình huynh đệ luôn luôn nồng thắm.
(…)
Mẹ ơi nhìn anh em còn lại, nhớ những khi hẩm hút bên nhau làm sao con nỡ bỏ nhau mà về lại phía sau cho được.

thời gian không phai lòng son
Trường sơn không ngăn tình con
Ngày nao con ra đi nhớ câu mẹ khuyên:
-yêu nước như yêu mẹ..
hãy còn giữ trong linh hồn.

(Anh Bằng)
Thế nên, con chưa về được mẹ ơi./.


Đinh trọng Phúc
Động Ông Do Quảng Trị 1974

Thursday, July 7, 2011

PHƯỢNG TÍM XỨ NGƯỜI




hè về vắng tiếng ve kêu
vắng cành phượng vĩ dấu yêu sắc hồng
ta đi tìm nhánh phượng xưa
bước chân xứ lạ chỉ là giấc mơ

tìm đâu trường cũ người xưa
xôn xao tiếng guốc trống trường giục xa
hè hồng phượng thắm chia tay
ra đi bỏ lớp phượng buồn ngó theo

*************************************************





Thú thật qua Mỹ đã lâu mà tôi chưa bao giờ thấy bóng dáng cây phượng vĩ như ở quê nhà.Tôi không còn thấy màu hồng thắm từng tàng cây phượng vĩ như ở Quảng trị hay mấy tỉnh trong nam. Tôi không còn nghe lại khúc 'hòa tấu ' rền vang bản nhạc 'hè về' của mấy chú ve sầu nữa! Tôi nhớ về hình ảnh những lùm phựợng bắt đầu trổ bông, sắc hồng thắm nổi bật trên những nhánh lá rậm màu xanh lục. Sân trường vắng bóng học trò chỉ còn những đốm nắng lung linh dưới bóng cây râm mát. Tiếng ve kêu làm bạn cho mấy cậu học trò ngày hè mượn trường làm chỗ ôn thi. Kỷ niệm nào nhạt nhòa lần trong trí nhớ tôi nhưng sắc thắm phượng hồng cùng tiếng ve dai dẳng thì còn vương vấn mãi trong tâm trí tôi, một người hay luyến lưu kỷ niệm.

Xứ người cũng hè về cũng nghỉ học như mọi trường khác ở quê nhà nhưng sự thảnh thơi thật sự từ ý nghĩa nghỉ hè có thể không bằng thời trẻ dại của tôi.
Ở đây những đứa con tôi phải lo học thêm trong dịp hè để có thêm credit cho học trình . Mấy đứa lớn hơn thì lo chuẫn bị vào các trường đại học và cứ thế chuỗi thời gian lo toan của những áp lực cứ thay phiên nhau đè nặng lên con người xứ Mỹ. Thế mới hay "nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc" xét cho cùng câu tục ngữ này có mang ý nghĩa nào đó cho những ai đang xa xứ sở .

Tôi nghe loáng thoáng về cây phượng tím , lời đồn của lớp người ngang trang lứa với tôi. Những người cùng chung kỷ niệm thiết tha với sắc hồng phượng vĩ với kỷ niệm ngây thơ từ thuở học trò của những ngày xa xưa. Từ thiết tha với kỷ niệm , có lẽ vậy theo tôi nghĩ họ mới đặt tên cho cây trong hình của bài này là PHƯỢNG TÍM .

Thế là sáng nay tôi bỏ thì giờ chụp lấy vài ảnh cây phượng tím vùng tôi ở để làm kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm gì đây? thật khó nói vô cùng vì đây là sự chắp vá tạm bợ cho những tâm hồn còn nhớ về phượng vĩ cùng những ngày hè thời thơ dại thôi.




Giờ đây những lùm PHƯỢNG TÍM xứ người đang đồng loạt trổ bông, những chùm bông tim tím thi đua khoe sắc trong nắng hè tràn trề mạnh mẻ. Một mình tôi đứng bên đường lặng ngắm chúng và ước ao có tiếng ve kêu thì hay biết chừng nào ! Trên đường những chiếc xe vội vả vút qua họ đâu biết được tôi đang nghĩ gì- làm gì- khi tôi đang đứng bên đường tay cầm chiếc máy ảnh? Tôi chợt cười một mình vì ai đã đặt cho cây này cái tên PHƯỢNG TÍM !

Nhưng! có thể họ giống tôi một điểm là cùng thiết tha nhớ về hình ảnh những tàng phượng vĩ , khi chúng đồng loạt rộ lên màu "máu con tim", hòa cùng tiếng ve rền rỉ lúc hè về .

Đinh hoa lư



Mission College Library July 7 2011 [ngày chở út Miu đi học hè]

Tuesday, July 5, 2011

XUÂN VỀ ĐỈNH CAO



...sông Nhùng như một làn chỉ bạc, lượn lờ uốn khúc chảy về tận dưới kia thuộc quận Hải Lăng..

Đồi 90, đón giao thừa Ất Mão 1975

[co' xe'n nhieu doan cho thich hop]
DHL


Ngày về lại với quê hương Quảng trị, khung trời kỷ niệm ôm ấp mình từ tấm bé cho đến lớn khôn. Vùng núi cao đón bước chân mình trở lại. Những mảng trời đêm, sao trời làm bạn. Gió núi thì thào rằng mùa xuân 1975 đang tới.

Độ cao đỉnh còn giúp cho mình nhận ra được một vệt sáng dưới kia, xa thẳm và mờ nhạt, đó là đoạn đường duy nhất có đèn đường trước mặt thị tứ Diên Sanh. Mình dễ nhận ra và đoán biết vị trí vì đó là thứ ánh sáng phố thị hiếm hoi ưu tiên dành cho Hải Lăng sau ngày hồi cư. Giờ này dưới đó đang đón giao thừa. Tết năm nay dân có mai vàng có pháo nổ không hỉ? Ngày xưa, khi mình còn nhỏ Tết thật vui thật xôn xao. Về lại trên vùng cát trắng Hải Lăng thêm mùa xuân thứ hai này , xuân 1975 người dân Quảng trị về lại quê hương trong nghèo nàn mất mát[...]

Ban ngày mình đứng trên đỉnh cao nhìn xuống chân núi, sông Nhùng như một làn chỉ bạc, lượn lờ uốn khúc chảy về tận dưới kia thuộc quận Hải Lăng. Con sông thỉnh thoảng chảy qua đôi ghềnh đá nước tung lên trắng xóa. Trong nắng hanh vàng yếu ớt, loáng thoáng vài làn mây, mây còn thấp hơn chỗ mình đứng. Vị trí chúng mình đóng trên đồi tranh. Xung quanh đều là những đồi tranh bạt ngàn. Những đồi tranh hoang vu đang theo làn gió cuối đông gợn lên trông như những làn sóng biển nối tiếp nhau, xô đẩy nhau chạy mãi, lan tới tận mấy ngọn đồi khác. Vùng núi động Ông Do không có những đối sim tím như La Vang, Tích Tường, Như Lệ để mình thấy được cái lãng mạn của “xác hoa tàn rơi trên báng súng” mà chỉ là những hố B52 cách nhau đều đặn và những cây rừng chết khô hoặc cháy xém.


TOP OF THE HILL 90
...Những đồi tranh hoang vu đang theo làn gió cuối đông gợn lên trông như những làn sóng biển nối tiếp nhau, xô đẩy nhau chạy mãi, lan tới tận mấy ngọn đồi khác...

“…ngồi ngóng mấy lúc trời trăng
mơ rằng đây mái nhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương..”
(phiên gác đêm xuân /Nguyễn v Đông)


Ngày kia quà xuân đã được gởi lên tận đỉnh này một số bánh chưng bánh ú tượng trưng cho hương vị xuân của xóm làng, của quê hương. Quà tuy đơn sơ nhưng tụi mình cảm động biết bao! Người dân hồi cư, không còn trợ cấp, đa số sống nhờ vào đồng lương ít ỏi và mất giá chật-vật khó khăn thế mà tấm lòng hậu phương không bao giờ quên làm ấm lòng người. Mới ngày nào những tà áo trắng nữ sinh trung học Nguyễn Hoàng đã lên tận vùng này trong ngày xuân dân tộc, thế mà lẹ thật ! giờ mình đang đứng đây.

Bếp lửa hồng, nồi bánh chưng xanh trong đêm trừ tịch của khung trời kỷ niệm ngày nào gợi lại trong tâm tưởng mình qua mấy cái bánh ú đơn sơ từ hậu phương gởi tặng. Xin cám ơn những tấm lòng vàng, xin cám ơn cám ơn tình cảm thắm thiết.(***) Trên đỉnh quê hương dù đón Tết bằng những túi gạo sấy, ít lon thịt heo nấu loãng thế mà tụi mình vẫn khắn khít biết bao. Chiều ba mươi Tết có vài đứa bò lên chóp cao kiếm ra một bao đầy rau má chia thêm chút chất tươi. Tụi mình vẫn quen rồi, không than vãn không buồn phiền; thật đơn sơ bình dị, về đóng trên đỉnh quê hương trong nghèo nàn thiếu thốn.

Động Tiên (295 met) tháng 3/1975--những ngày cuối cùng

Ngày nào trời quang đãng, mình ngó về dưới kia qua khe Trai, giòng Thạch Hãn lượn vòng qua Trấm, tạo thành khúc sông hình chữ U rồi xuôi về An đôn Như Lệ. Giòng sông đó sẽ chào tiễn biệt chiếc cầu Ga đen đủi và bất hạnh đã sụp đổ từ lâu, xuôi về hạ lưu qua Cửa Việt mà đổ ra biển Thái Bình.

Xuân đang về trên mọi nẻo đường đất nước. Riêng trên đỉnh cao này mình vẫn đối diện với những đồi tranh trãi dài bất tận, vẫn chiều về nghe bìm bịp kêu tiễn ngày đi. Ban đêm mình cố căng mắt hướng về bóng tối sâu thăm thẳm lắng nghe tiếng chim Từ Quy gọi đàn, ngóng đợi ánh dương lên để biết mình đã qua một đêm vô sự. Mùa xuân đang về trên muôn vật- mình biết thế, nhưng mùa xuân chưa về nơi đây- chốn núi rừng mình vẫn chưa có quyền nghĩ đến một mùa xuân.

ĐỒI 90 ĐÓN GIAO THỪA 1975

----------------------------------------------------------------------

0h00 giao thua 2011 San Jose CA


Ghi chu:
(***):lời cám ơn muộn màng sau 35 năm, người dân Hải Lăng- Diên Sanh đã tặng bánh tết cho các đơn vị TKQT đón xuân 1975 trên miền núi động Ông Do .
Dinh Hoa Lu

Monday, July 4, 2011

SÓNG BIỂN QUẠNH HIU

tuổi đời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm 21 tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai. ..[ biển mặn ]


Hồi ký
mùa Hạ 1974-

[hồi ký có cắt bớt nhiều đoạn cho thích hợp ]

xa nhà đã mấy xuân qua
làm trai thời chiến nước non vui cùng
lao xao sóng biển quê hương
vi vu gió hát một vùng quạnh hiu


Thế là tôi phải tạ từ quê ngoại Nại Cửu, tôi phải xa cầu Ba Bến im lìm không tiếng xe qua. Giã từ để thấy lòng còn vương vấn, nhơ nhớ thương thương từng cơn mưa phùn dai dẵng, cái lạnh buốt xương của miền quê ngoại. Tôi lại lặng lẽ chia tay với thôn Tả hữu nhỏ bé, thưa dân, lác đác mấy mái tranh nghèo bên con đường đất đìu hiu ven nhánh sông Vĩnh Định ngày đêm không bóng con đò.

THÔN BA LĂNG

Bãi cát vàng ven biển tưởng như xôn xao dưới gót giày những người mới tới. Cát như bồi hồi lưu luyến tiển đưa những người sắp được trở về tuyến trong, nơi đó tạm gọi là đông dân chứ không hoang vắng như ở chốn này. Thôn Ba lăng là căn cứ của đơn vị chúng tôi đứng đây như người khách mới, tần ngần ngắm từng đợt, rồi từng đợt sóng lao xao đang vỗ vào bờ. Tôi cố ngước mắt nhìn ra khơi. Phong cảnh ở đây chỉ là một vùng biển hoang sơ, chấm phá vài con chim biển, lại có mấy đám chim bay vờn quanh chúng tôi như muốn theo dõi hai đơn vị đang hoán chuyển với nhau vậy.

THÔN VĨNH HUỀ

Đại đội 2 chúng tôi nhận lệnh Tiểu đoàn men theo mép biển, lội bộ sát mép sóng tiến ngược lên hướng bắc độ 5 cây số thì đến ranh giớI hai bên. Trên bản đồ đề thôn Vĩnh Huề, nó chỉ còn tên trên bản đồ, thực tại là một đồng cỏ hoang vu. Tôi lặng lẽ quan sát quanh mình, họa hoằn lắm tôi mới khám phá ra vài ba nền nhà cũ, nhưng dấu vết thật nhạt nhòa chúng chỉ hơi gợn lên trên một đồng cỏ ẩm ướt gần mấy đầm nước lợ (nửa mặn nửa ngọt). Tôi chợt thấy mấy chữ Vĩnh Huề nghe sao hay hay, vừa đi tôi vừa suy nghĩ miên man: Thanh Hội thì sẽ dành cho ban chỉ huy đại đội, xa xa trong kia là Lễ Xuyên, Long Quang…vùng địa đầu giới tuyến, quê ngoại tôi đồng chua nước mặn thế mà tên từng thôn, từng làng khi đọc lên nghe sao thật văn vẽ, thật chữ nghĩa.
Tôi dừng quân đây-thôn Vĩnh Huề- cách Cửa Việt chẳng bao xa chặng hành trình cuối cùng của giòng Thạch Hãn thân yêu. Nghĩ đến Hà Tây, Phó Hội tôi nhớ lại hồi còn bé hình ảnh mấy ông già nặng chĩu trên vai gánh cá hấp bằng nhiều cái om đất(niêu), rồi bằng chân không họ chạy lên bán tận chợ Tỉnh, hay bán rao xóm này qua xóm khác. Có khi họ gánh lên tận Tỉnh để bán nước mắm và ruốc nổi tiếng ngon cũng từ hai thôn Hà Tây và Phó Hội này .


NHỮNG GÌ TRONG LÒNG ĐẤT HOANG VU

Thôn Vĩnh Huề chỉ là một đồng cỏ hoang vu ẩm ướt, không một bóng cây ngoại trừ mấy vạt dương ven biển. Đâu bóng dân làng? Họ đã lưu lạc tận phương trời nào? Có ngày tôi đào lên một số hầm. Thì ra trước lúc bỏ làng ra đi vì chiến cuộc người dân Vĩnh Huề đã chôn dấu nhiều lu, vại bằng đất nung và tôi thấy nhiều nhất là dĩa nhỏ, nói chung những thứ này không giá trị cho lắm. Mấy người trung đội tôi quê ở vùng này thì cho biết rằng: người dân vùng biển có tục lệ phải cúng trước khi ra khơi đánh cá nên họ có thật nhiều dĩa nhỏ, còn lu vại thì để làm mắm hay ruốc, những lu vại nào tốt thì để đựng nước mưa vì dân vùng biển quý nước mưa lắm, chỉ để dùng khi giỗ chạp mà thôi.


BÊN BỜ BIỂN VẮNG

CÁT TRẮNG MỊN MÀNG

Một ngày anh Lê kim Chung điều tôi ra sát biển ,đóng sát với ‘làn chỉ xanh’ (mạn biển).

Hầm của tôi nằm gọn trong một đụn cát lớn, cát màu trắng tinh, hầm lại kín đáo trong mấy lùm dương. Tôi chỉ có một poncho cũ tạm làm chiếu thế mà chỉ mấy phút cát lại phủ đầy.
Chiều buông xuống thật lẹ. Tôi nhìn về hướng tây, dãy Trường Sơn in đậm nét trên nền trời của một buổi chiều vàng. Tôi lại ngoái nhìn ra khơi, mặt biển từ từ tối dần lại. Lác đác vài cánh chim còn uể oải bay men theo bờ. Thật sự gió Nồm đã trở từ lâu, đưa ngọn gió mát rượi vào đất liền. Trong những khoảnh khắc sảng khoái của một buổi chiều tà ven bờ biển vắng, tôi cùng Lợi lấy miếng xốp khá lớn bị sóng đưa vào bờ lúc sáng sớm đem ra đẽo thành một chiếc thuyền nhỏ, còn cánh buồm thì Lợi làm từ một miếng tôn rách. Xong xuôi tôi không quên thêm vào một bánh lái đằng sau , phía trước tôi viết hàng chữ ‘Cửa Việt River mouth’.

Sáng dậy, chờ cơn gió Lào thổi ra mạnh, hai đứa chúng tôi đem thả con thuyền nhỏ ra biển. Thuận buồm xuôi gió, chiếc thuyền bé tí của chúng tôi theo làn gió đưa ra tít ngoài khơi. Một chút tưởng tượng, tôi chống nạnh đứng nhìn theo chiếc thuyền nhỏ từ từ mất hút, lòng tôi nửa hãnh diện như đã làm được một 'công trình vĩ đại', nửa như lưu luyến một người bạn 'vĩnh viễn ra đi'. Tôi thầm ước mong một bến bờ nào đó có ai vớt được thuyền tôi, với hàng chữ ghi trên thuyền họ sẽ biết nơi phần đất này còn có sự hiện hữu của bọn này


Ngày đầu ra mạn biển, thứ chúng tôi cần nhất là nước. Đừng tưởng chúng tôi đóng quân sát biển là ngồi chịu cơn khát nước hành hạ, trái lại chúng tôi chỉ cần đào lên một hố xấp xĩ một mét là có nước ngọt ngay thôi. Điều này cũng dễ hiểu vì mặt bằng của biển ngoài kia thấp hơn mặt đáy túi nước ngọt đọng dưới lớp cát trắng tinh mịn màng . Thế, truyền tin găp may vớ đâu ra đươc nửa tấm tôn cũ rồi Thế uốn cong lại làm thành giếng, cuối cùng tôi có được một giếng nước ngọt quý giá vô cùng. Nón sắt làm gàu, chỉ cần với tay tôi có ngay một gàu nước ngọt thơm tho không lẫn mùi phèn như cái giếng trong chốt đại đội. Nhưng chúng tôi không dám tham lam đào sâu thêm nữa vì chỉ sâu thêm ít nữa là giếng sẽ bị nhiễm mặn ngay. Tôi chợt nghĩ đến Linh, trung đội nặng; có lẽ cái số nó dính liền với chữ nặng nên người nó không được cao lắm nếu tôi không muốn nói rằng ‘lùn’. Cái thằng- miệng khi nào cũng ồn ào, cứ ‘lè-kè’ bên đại đội trưởng Lê kim Chung, nhưng dù sao nó cũng được lòng đại đội trưởng Chung hơn tôi nhiều.

-Chừ thì mày làm sao thoải mái bằng tau hả Linh? Tau chừ thì ở xa ‘mặt trời’ (ám chỉ đại đội trưởng), tau lại có nước trong có cả biển thơ biển mộng nữa đây nghe Linh- Tôi thầm đắc ý một mình.

Tôi lại nhớ đến mấy đứa bạn khác mới ra trường cùng về đơn vị này . Nào Tùng, nào Ngọc cũng là dân Huế như Linh, Tùng và Ngọc thì ít nói hơn, trầm tĩnh hơn. Bốn chúng tôi cùng xếp áo thư sinh tòng quân sau 1972, lại cùng gặp nhau nơi này. Trong lúc đó, dân Nguyễn Hoàng như Thái Đào cũng khoác áo ka ki một năm nhưng lại phục vụ ngược vào xứ Huế. Số phận Thái Đào thiếu may mắn, chỉ một thời gian ngắn ra đơn vị Đào đã trở thành phế nhân mất một chân.

Chuyện thực tế tiếp đến là củi. Chúng tôi chỉ dám thu dọn rồi gom lá dương khô (phi lao)mà nấu ăn thôi. Hơn nữa, đất ven biển rất cần mấy hàng dương này để chống nạn cát lấn dần vào phía trong. Chốn biển vắng vẻ buồn tênh, đôi khi tôi cũng có cảm hứng ngồi một mình ngắm trời mây và lắng nghe tiếng dương reo theo gieo gió. Trời vào hạ rồi đây, mấy tuần này gió Lào bắt đầu thổi mạnh. Sóng biển ban ngày bị gió Lào thổi ra cản lại nên chỉ thấy lăn tăn, đến lúc chiều về trời trở Nồm đưa gió vào lại đất liền sóng mới lớn hơn và lúc này tôi mới nghe rõ tiếng sóng vỗ vào bờ cùng làn gió mát lạnh sãng khoái vô cùng.

ĐÙA CHƠI VỚI SÓNG NƯỚC






Biển sát cạnh tầm tay, chúng tôi lo xong chuyện ‘cơ ngơi’ mới rủ nhau ra tắm biển. Thế là cả một toán ‘đực rựa’ lột phăng hết áo quần để trở về với “thời nguyên thủy”. Dĩ nhiên ở vùng hoang vắng này làm gì có bóng đàn bà để phải ngượng ngùng. Cả một toán đàn ông ‘không áo lẫn quần’ giữa thanh thiên bạch nhật dàn một hàng ngang ra hụp lặn đùa chơi với sóng nước. Khi đang nhấp nhô với sóng biển, tôi chợt nhận ra một đám nuốt, chúng như những cánh bèo trắng lờ đờ, bập bềnh theo sóng dạt vào bờ. Chẳng suy nghĩ tôi chụp một con nuốt đưa vào miệng nhưng tôi vội phun ra ngay vì nó cay và rát miệng vô cùng!

- Nuốt lửa đó Ch. úy ơi!

Lợi đang bơi gần tôi thấy vậy vội kêu lên. Lợi dân làng Phó Hội nên rành những thứ ở biển lắm.
Làn nước trong xanh vào buổi sáng cho tôi thấy rõ từng đàn cá lướt qua vun vút. Tôi tưởng tượng như đang ở tại một hoang đảo nào đó, mà ở đây hoang vắng thật! Cố nhướng mắt nhìn ra khơi tôi nhận ra phần đỉnh của đảo Hòn Cỏ.

Hưởng xong thú tắm biển, một lần nữa cả bọn mình trần trụi ‘hiên ngang’ vượt qua bãi cát trống trở về chốt. Chúng tôi cũng biết dội lại nước ngọt từ cái giếng cỏn con tự tạo , riêng tôi được ưu tiên hai gàu nước còn mỗi người còn lại chỉ một gàu thôi thì giếng đã cạn khô rồi, phải chờ nửa buổi nữa giếng đầy lại.

Cuộc vui nào cũng qua mau, cảnh tĩnh mịch lại trở về với chúng tôi. Càng trưa ngọn gió Lào càng thổi ra mạnh. Cát bay khắp nơi, nhìn dọc theo bờ biển, gió cát tạo thành từng lớp mây vàng nhạt. Chiều xuống thật lẹ; tôi nhìn về hướng tây, dãy Trường Sơn in đậm nét trên nền trời của một buổi chiều vàng. Tôi lại ngoái nhìn ra khơi, mặt biển từ từ tối dần lại. Lác đác vài cánh chim còn uể oải bay men theo bờ. Ngọn Nồm thật sự đã trở từ lâu, đưa ngọn gió mát rượi vào đất liền. Trong những khoảnh khắc sảng khoái của một buổi chiều tà ven bờ biển vắng, tôi cùng Lợi lấy miếng xốp khá lớn bị sóng đưa vào bờ lúc sáng sớm đem ra đẽo thành một chiếc thuyền nhỏ, còn cánh buồm thì Lợi làm từ một miếng tôn rách. Xong xuôi tôi không quên thêm vào một bánh lái đằng sau , phía trước tôi viết hàng chữ ‘Cửa Việt RIVER MOUTH’.



ĐI HỐT CÁ BÀU NƯỚC LỢ



Mùa tháng hạ (hè), cánh đồng trũng nước khô đi nhanh chóng. Cá nước lợ thiếu nước nằm chờ chết khắp nơi. Mới mấy năm dân bỏ đi khỏi đây, cá sinh sôi nảy nở nhiều vô số. Lúc này đàn chim biển tha hồ bay vào bắt cá; từng đàn cá giãy đành đạch trên mấy thảm cỏ nước đang khô dần. Tuy vậy Lợi hứa sẽ dẫn chúng tôi đi ‘hốt cá ‘ chứ không thèm ra bắt mấy thứ cá nhỏ như vậy. Chúng tôi men theo mép biển đi về hướng nam cách chốt chừng ba cây số thì gặp một bàu nước lớn nằm cách bờ biển chỉ vài trăm mét. Lợi hướng dẫn mọi người dùng xẽng đào một đường hào dài và sâu hơn nửa mét cạnh bàu nước hướng nhìn ra biển. Đào xong đường hào thì trời đã xế chiều, Lợi bảo tất cả ra về chờ khuya sẽ đi ‘hốt cá’. Tôi tuy nghe vậy nhưng trong lòng vẫn nghi ngờ.

Chờ tới khuya khoảng một giờ sáng Lợi đánh thức cả bọn dậy đi hốt cá thật. Lợi không quên đem theo ba cái bao lớn nữa. Chúng tôi lầm lủi đi trong đêm. Trời về khuya khá lạnh, không gian chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Chúng tôi cứ theo mép sóng mà đi. Sóng biển về đem lấp lánh ánh lân tinh. Bầu trời thỉnh thoảng có vài ánh sao băng xẹt ngang, tôi vừa đuổi theo cho kịp bọn vừa ngắm ánh sao băng thấy chúng như đang chui vào lòng đại dương vậy. Gió đêm càng về khuya càng lạnh dần. Đi hơn nửa giờ thì chúng tôi đã đến con hào cạnh bàu nước chiều qua.

Trời ơi ! tôi không thể ngờ cá nhiều đến như thế: cá chen chúc nhau dưới đáy con hào, chỉ toàn là cá lóc mà chúng tôi thì quen gọi là cá tràu. Chúng tôi vui sướng thi nhau hốt cá đựng đầy cả ba cái bao gạo mà Lợi đem theo rồi cùng nhau vác về . Trên đường về Lợi mới giải thích cho tôi hiểu: thì ra mùa hạ nước trong bàu cạn dần, mấy chú cá nhất là cá tràu và trê, ban đêm chúng cảm nhận theo tiếng sóng biển mà ‘cằn’(trườn) ra, thế là chúng rơi hết xuống con hào chúng tôi đã đào. Tôi thực sự thán phục kinh nghiệm của Lợi, một người dân sinh ra từ vùng biển mặn. Về đến nơi chúng tôi đem cá nhốt ngay vào cái thùng phuy (puits) mà Lợi kiếm đâu ra từ lúc nào. Cá trê và rô thì bị nhốt riêng ra vì mấy cái ngạnh nhọn hoắc của chúng biến chúng thành mấy tên ‘sát thủ’ đáng sợ, chỉ cần sơ ý để đám này lẫn lộn vào đám cá tràu một lúc thôi thì đã có mấy con tràu chết lật ngửa bụng trắng hếu.

MONG CHỜ XE TIẾP TẾ

- Ngày mai có tiếp tế rồi , Ch. úy ơi !

Tiếng Sơn nhắc nhở làm tôi vui hẳn lên. Mà thật sự ai nấy trong đơn vị này đều cùng chung một tâm trạng giống tôi. Ai cũng mong ngày tiếp tế mau về lại. Đóng lâu ngày ở một nơi hoang dại anh lính nào cũng mong mau thấy lại bóng dáng chiếc xe tiếp tế của tiểu đoàn; mặc dầu nó đã cũ kỷ, ọp ẹp nhưng lại là niềm vui trong đơn vị. Cứ cách hai tuần chiếc xe quen thuộc đó về một lần tiếp tế thực phẩm cho chúng tôi. Tôi mường tượng chiếc xe đó mỗi khi về lại mang theo một ít hơi hám của chốn thị thành; Diên Sanh, Mỹ chánh ư? Hay Phò Trạch, mà nếu là Huế thì càng tốt, vì tôi không cách Huế bao xa mà hình ảnh phong kẹo mè xững Huế, cái tên Song Hỹ giờ tôi nghe sao quá xa vời. Chiếc xe đó còn mang ra chốn này những niềm vui cho lính bằng những cánh thư gia đình hay từ người yêu của mấy anh lính trẻ. Tôi thì cô đơn hơn, lính mới ra trường , hai mươi mốt tuổi đời. Tôi thực sự chưa có mối tình đầu nào làm hành trang mang vai để nhớ để thương cả.

Sáng dậy, quả đúng là một ngày hội cho đại đội 2 này. Mỗi trung đội chỉ cắt năm sáu lính ra bãi biển chờ đồ tiếp tế thế mà khi tất cả tụ lại trên bãi biển cạnh chốt tôi đang đóng thì nghe sao mà ồn ào rộn rã. Tiếng cười tiếng nói, mày tau í ới , lẫn tiếng văng tục ‘loạn xà ngầu’. Trung đội tôi đóng cạnh bãi biển thì thong thả đi vài ba bước là đến chỗ đợi. Tôi hướng mắt trông theo sát mép biển về hướng nam, chiếc GMC vừa đổ hàng xong cho BCH tiểu đoàn ở Ba lăng nó đang theo mép biển đi ra hướng chúng tôi . Lúc đầu thấy nó chỉ là một chấm đen rồi hình dáng thân yêu của nó cáng lúc cáng rõ dần.

-Xe đến rồi tụi bây ơi !

Có tiếng anh nào reo lên. Từ trên xe, tr. sĩ nhất Thĩu, tiếp tế đại đội vội nhảy xuống xe. TS Thỉu dáng người khô khan, nước da ngâm đen, vừa phân phối thức ăn vừa nói lớn để mọi người cùng nghe:

- Kỳ ni đồ ăn tươi là bính ngô và thịt heo thôi nghe.

Thức ăn tươi chia về từng tiểu đội độ nửa ký thịt heo và góc trái bí ngô, chỉ trong ngày đầu là hết sạch. Những thứ còn lại gồm hai ba lon thịt heo hay thịt ngựa của quân nhu, thêm ít ruốc và vị tinh( bột ngọt), mấy thứ sau này thì phải tiết kiệm tính toán ăn làm sao cho đến giáp vòng tiếp tế khác. Còn gạo thì chia cứ mỗi đầu người một ngày một ca ‘y-nốc’ (inoxidable) đong đầy-- gạt sát, thế là xong, đơn giản lắm.

-A còn một ít thư cho anh em đây !

Ts Thỉu vừa đưa thư vừa lo chuyển đồ cho BCH đại đội.
Giờ mới đến lúc chúng tôi lo chuyện đổi chác thùng phuy cá. Sau một lúc kỳ kèo thêm bớt, Ts Thỉu chịu đổi thùng phuy cá với 2 ‘tút’ (toutes) thuốc lá Bastos luxe thế Bastos xanh vì loại Bastos Luxe hút ‘phê’ hơn.

-Nhưng phải chờ kỳ tiếp tế sau mới có đó nghe.


TS Thỉu hứa hẹn với chúng tôi như vậy.
Chúng tôi hì hục một hồi cuối cùng thùng cá nặng nề cũng lên được trên xe. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thà chịu thiệt một ít mà có thuốc chia nhau hút còn hơn ôm hết cá mà ăn thì chỉ có ngồi đây mà gãi sưng phù cả người thôi.

-Nhớ mấy tút thuốc nghe TS. Thỉu, chúc bồ mua may bán đắt, vào chợ Diên Sanh mà ‘thẩy’ (bán vứt) nó đi nghe .

Chiếc xe GMC chạy rồi tôi còn đứng nói vói theo. Lính tráng xa nhà chia ngọt xẻ bùi, có nhau từng điếu thuốc, thân thiết như anh em, nhất là cùng mang thân phận làm lính bên nhau . Tôi hơi tức cười trong lòng nhớ lại lời nói kiểu ngắn gọn khi chúng tôi nghe chung một chiểc radio bé nhỏ:
“Mở cái đài (radio)-sang ngang(đổi băng tầng)-không Thúy(ca sĩ Thanh Thúy) thì Tuyền (ca sĩ Thanh Tuyền).”

Tôi vừa nghĩ đến sự hồn nhiên chất phát của mấy anh lính trẻ vừa nhìn theo hình bóng chiếc xe tiếp tế chạy xa dần rồi khuất hẳn trong màn gió cát vàng nhạt. Chúng tôi mang đồ trở về chốt. Hôm nay Lợi, Phê. Sơn lo vá lại mấy mãng lưới rách đã từng bị chôn vùi trên bãi biển này. Tối nay chúng tôi sẽ đi kéo tôm tại mấy bàu nước lợ quanh đây.





CHIỀU CHIỀU TÔI NHÌN LÊN HƯỚNG TRƯỜNG SƠN


Sự yên lặng sớm trở về bên bờ biển vắng. Và cứ thế ban mai tôi có dịp chiêm ngưỡng cảnh bình minh huy hoàng trên mặt biển rồi chiều về tôi lại ngắm ánh tà dương từ từ khuất dạng sau dãy Trường Sơn, phương đó đang ngóng chờ những gót giày chúng tôi nay mai trở lại. Giờ đây ngoài kia, biển quê hương tuy sóng vẩn vỗ rạt-rào, vì biển mãi đợi dân về nên sóng mãi quạnh hiu./.


San Jose, October 2005

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...