Thursday, April 10, 2014

Chợ Cam Bình


                              một thuở Chợ Quê (1995)
- kinh gữi mẹ , một thuở nhọc nhằn nơi cái chợ thôn xưa


Khoảng năm 1977, chợ Tân Mỹ bỗng được dời từ chân dốc Trung Giang về địa điểm hiện nay. Khu chợ mới mang tên thôn Cam Bình có thể do người Quảng trị muốn lưu lại cái tên Cam Lộ-Bình Tuy chăng ? Nơi mua bán mới mẻ này nằm trên một khoảng cát trắng, bằng phẳng.  Như thế mỗi sáng, người thôn tôi khỏi cái nạn đi ngược lên dốc.  Thêm một thuận lợi do chợ nằm bên đường Tỉnh lộ 55 dẫn về thị trấn La Gi. Xã Tân Mỹ vào cuối thập niên 1980 xem như "xóa sổ" vi` nhập vào Tân Thiện một nửa , còn nửa kia trên đồi nhập vào xã Tân sơn.   Chợ Cam Bình, cũng như cái trường mang tên Cam Phú gần đó vẫn giữ nguyên tên tuy đã mang tên mới là xã Tân Thiện. Đó là những cái tên, nói từ miệng người dân chứ không thấy ghi tên văn bản giấy tờ gì. Người mình tự đặt với nhau lâu ngày thành quen miệng . Xã Tân Thiện mới rộng hơn , sáu thôn liền một dãy. Chợ  ở vào cái thôn cuối cùng của xã tức là Thôn Sáu.
Mấy thôn này dù sao cũng mang một chút hình ảnh  " đồng bằng" tuy không "thẳng cánh cò bay".  Cũng có vài ba mẫu ruộng hai bên con đường đất dẫn về thị trấn La Gi nơi phố phường đông đúc, thuộc huyện Hàm Tân. 
Cho đến bây giờ nơi này đã có cái "đình chợ". Người ta gọi thế  cho ra vẻ, thực ra nó chỉ là mấy cái vài nhà rộng , xiêu vẹo lợp tranh, sau này được thay thế hai mái tôn cũ. Tuy vậy, cái đình chỉ ưu tiên cho những sạp hàng nào giá trị như hàng vải hàng xén...chủ những cái sạp hàng "tạp nhạp" tạo thành hai dảy nằm ngoài đình. Những cái sạp đan bằng cây rừng , trên che vài ba tấm tranh tạm bợ. Người dân quê thuờng mua những thứ cần dùng tại đây, họ cần nhất là thuốc hút , gia vị. Vào buổi sáng khoảng trống trước chợ là nơi mua bán rộn ràng nhất . Những gánh bột lọc trắng tinh, những trái mít chín thơm ngát, những gánh khoai sắn nặng trĩu, nào dưa gang, dưa huờng, cùng bao thứ rau trái khác,  gà,  vịt ... đa phần từ trên dốc Tân Sơn gánh về. 
 Con buôn mua lại nông phẩm đem về chợ tỉnh dưới kia. Vùng này cao hơn gần dốc dân mình ở đây gọi là vùng trên còn miệt dưới huyện Hàm Tân thấp hơn , vùng đồng bằng sát biển thì người ta gọi là "dưới". Xe đạp là phương tiện chuyên chở thông dụng nhất lúc này. Những thúng khoai nặng nề , những trái bí tròn trịa được con buôn bỏ vào bao vắt vào xe đạp . Những trái mướp thơm dài "thòon" ưu tiên treo vào ghi đông đằng trước. Mấy o con gái giỏi giang Cam Bình  mua đi bán lại trong ngày,  nhanh nhẹn chạy về kịp chợ sáng Lagi. Tảo tần khuya sớm, trưa về cũng đủ tiền gạo- mắm nuôi cha, giúp mẹ.
  Người viết phải kể lên đây hình ảnh những chiếc xe thổ mộ, phương tiện xe ngựa này chắc hẳn ngoài quê chưa bao giờ có.  Họ ở dưới Ngả Tư Quân Cảnh hay là thôn đầu Tân Thiên thay phiên nhau lên đây chở hàng và khách. Mỗi xe một ngựa, xe độc mã. Con ngựa kéo gầy gò, nhẹ bấc so chiếc xe chở hàng quá nặng. Những bao khoai, sắn, chất cao trên mui , người chật nít bên trong ! chưa hết ! còn bao nhiêu thứ lủng lẳng treo hai bên nữa. Lúc này, cái càng xe đằng trước bị nhấc lên cao kéo theo cả con ngựa "khốn khổ" lên trời, bốn vó nó "chới với" trên không. Chú tài nhảy xuống cùng thêm vài người khách , í ạch một hồi mới kéo được con ngựa cùng cái càng xe xuống lại.  Tạm gọi là "bến xe ngựa", họ chờ khách trước nhà máy xay Liên Cao . Bến xe ngựa và  nhà máy xay đã góp phần  làm cho cảnh chợ thêm phần nhộn nhịp .
  Chợ cá "khiêm nhường , núp" phía sau, gần lối ra biển. Hiếm khi thấy cá lớn. Cá lớn , mực , tôm , những hải sản đắt tiền ngư dân chỉ đem về thành phố La gi, ưu tiên "xuất khẩu", chợ quê làm gì mua nỗi ! ngoại trừ vài ba mớ cá vụn, gánh vội vào đây. Trời bù cho là cá rất tươi, biển gần, mới vô, chỉ non cây số. Những lúc trời động, có khi cá đuối thật to hai người gánh mới nỗi. Cá đuối lúc này thành phố không chuộng,
"xuất khẩu " cũng chê, mới "trôi dạt" vào ngôi chợ nghèo.
 Đằng trước
, rộn ràng vài ba tiếng đồng hồ vì Cam Bình là đầu mối cho những mặt hàng rau quả buôn về thị trấn . Những chiếc xe đạp chở rau quả, những chuyến xe ngựa , chất hàng xong, lóc cóc theo sau chạy về huớng tỉnh. Rồi ngược lại, những o con gái Cam Bình buôn hàng từ La Gi cũng vừa lên tới . Chợ bán đi những hàng nông phẩm, thì cũng cần tiêu thụ những thứ buôn lên từ La Gi. Vài ba ký thịt heo, thịt bò loại hai, loại ba , có nghĩa là "thịt vụn" được buôn lên đây. Vài thứ rau quả Đà Lạt như ca rốt , su hào, ít mớ khoai tây cũng loại "hai, ba", người ta gọi là hàng legume , vài chục ổ bánh mỳ mới ra lò tô điểm  thêm cho "mặt hàng thành phố" ...Người bán kẻ mua , bà con thôn xóm cả thôi . Những cô con gái lớn lên từ vùng đất trước đó gọi là  Động Đền quanh quất chẳng ai xa lạ. Sau này ngôi chợ to dần, mấy chiếc Honda đời cũ dần dà thay thế mấy chiếc xe đạp .
cháu chờ mệ đi chợ Cam Bình về

Con đường đất dẫn về La gi khi nào vẫn vậy, lồi lõm qua mấy trận mưa, những ổ gà, ổ vịt. Khổ nhất sau khi mưa , con đường bỗng trở thành "dòng sông uốn khúc " do nước từ trên đồi  cao "ào ào" chảy xuống.  Người ta phải dắt xe mò mẫm dò lối đi . Hai ba giờ sáng , trời chưa tờ mờ sẽ nghe tiếng lao xao của những đoàn xe thồ chở than về phố. Người bán than trên các xã vùng cao đẩy than qua đây . Ngọn đèn dầu treo theo chiếc xe thồ, ánh sáng mập mờ . Vừa đẩy than họ vừa nói chuyện lao xao  khi ngang qua khu chợ, tiếng họ xa dần. Tiếp tục đoàn xe thồ than khác đổ dốc. Lại râm ran tiếng nói chuyện rồi lại nhỏ dần ...
Con đường tỉnh lộ 55 đi qua chợ Cam Bình,  tiếp tục được tu bổ nhiều lần. Bao lớp đất đỏ từ xa chở về, đắp dần cho đến Bình Châu. Bộ mặt ngôi chợ từ đó thay đổi. Vài ba quán cà phê -  quán chú Thậm, chú Thư. Tiệm chụp hình , thuốc tây như của chú Nho , tiệm bán đồ xây dựng Sáu Huế, đại bài gạo Lâm Tín  cũng theo nhau mọc lên . Trong đình chợ còn thêm vài ba tủ kiếng bán mua vàng bạc như Kim Ty , Kim Phượng . Hàng vải hàng xén gia đình bác Định, bác Miễn   Hàng ăn cùng kẹo đậu phụng nổi tiếng của vợ chồng chú thím Lý Sâm . Lò heo ông Giáo , tiệm tạp hóa o Cháu , o Đồng ,,, quanh đi quẩn lại cũng là bà con Cam Lộ Gio linh không ai xa lạ.   Cuối thập niên 80 những chiếc xe mô tô Minsk của Liên xô ra đời tạo thêm công ăn việc làm cho đàn ông trong thôn. Nghề chạy xe ôm khá tiện lợi, giúp cho mấy anh nông dân khi rãnh mùa kiếm thêm lợi tức...
 Thế mà...

Cái chợ quê như người viết đã kể trên không phải không gặp chuyện bất ngờ. Kinh tế đổi mới thêm, đường sá thông thuơng hơn . Con đường đất năm xưa giờ đã trải nhựa đến tận Bình Châu . Phương tiện dồi dào , đi đứng thuận lợi, nhấc điện thoại lên sẽ có xe đò chờ ngoài ngõ. Nhất là đời sống người dân Cam Bình nay đã lên cao. Nhà nào cũng có phương tiện xe máy ," rù" một xíu là đến ngay chợ La Gi. Ngôi chợ quê nay dưng ế ẩm , đông người bán, ít kẻ mua .  Chợ dần hồi thu nhỏ không giống như cái thời mới bắt đầu ..."đổi mới ". 

   Những con đường ra biển nay bỗng thông thuơng, trải nhựa, xe hơi chạy được. Quán sá, chợ đò, mở thêm sát biển cho khách hóng mát, du lịch. Nhà nghỉ , quán trọ, thi nhau mọc lên. Tất cả cộng lại khiến ngôi chợ phía trong  càng lúc càng khó làm ăn! Đã thế, nhà cửa thi nhau xây lớn thêm xung quanh khiến nó  càng  "co rúm " lại giữa, khó nhìn ra !

chợ Cam Bình ngày nay khách vắng dần nên càng lúc càng thu hẹp lại. Chỗ mua bán trao đổi nông phẩm rộng trước chợ nay chẳng còn. Lác đác một hai anh xe ôm uể oải ngồi đợi khách( hình Trần thiên Khải , Cam Bình )

 Gần hai mươi năm người viết về thăm lại thôn xưa , chợ Cam Bình nay
khách vắng dần. Các o, các mệ, bán hàng gần hai mươi năm trước, nay dần dà khuất bóng. Thế gian 'vật đổi sao dời', đó là lẽ thuờng ,  thế mà trong lòng người viết vẫn bồi hồi. Hình ảnh cái chợ quê mang hai chữ "CAM BÌNH"-Cam Lộ, Bình Tuy-  người dân Quảng trị mang theo quê huơng khi ra đi DI DÂN LẬP ẤP. Mong sao mai kia, dù nó mất đi dấu tích, vẫn còn người nhắc lại hai chữ CAM BÌNH  cho con cháu mai sau.


đinh trọng phúc
9/4/2014

No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...