Mấy anh chị người lớn thì mê phim tình cảm còn gọi là phim Pháp. Nhưng những loại "siêu phẩm" thì mấy khi ra đến thành phố địa đầu giới tuyến này, nên mấy vị hay vô Huế coi. Còn tôi thì mê phim Hercules, Samson mạnh như thiên thần. Những tảng đá lớn Hercules, Samson bưng nhẹ như chơi. Sau này thì phim cao bồi Django, chú cao bồi vừa cỡi ngựa vừa bắn súng "đoàng đoàng " thật oai. Còn phim Ân Độ khi nào cũng "ế khách " vì vừa phim trắng đen lại khi nào cũng múa hát. Trai gái ưa nhau, phải tình nhau xong là đến màn vừa múa vừa đuổi theo nhau tán tỉnh. Chuyện mới kỳ cho phim Ân Độ- phim đóng tân thời cũng múa và hát theo nhịp trống--không có không được.
DJango 1966 ( Sergio Corbucci )
Thì ra ai ai trong cái thành phố này cũng "mê xi nê " như tôi mới lạ. Tôi thưong cảm cái thành phố bé nhỏ này là vậy đó. Nhớ về những buổi phim hay, thiên hạ mua vé đứng chờ vào cửa nhưng mấy cuốn phim thì đang trên "đừơng thiên lý ", có thể phim còn 'bon bon' chạy trên chiếc xe đò Huế --Quảng trị ,chưa về đến bến Nguyễn Hoàng cũng nên?
Người này hỏi người kia- rồi người kia hỏi người nọ:
- Phim về chưa mi?
- Răng xe chạy chậm dữ rứa?
Thiệt tội! nhưng rồi cái gì đến sẽ đến thôi. Khoảng gần hai giờ chiều, chiếc xích lô đạp đổ phịch trứơc cửa rạp. Trên xe, chồng phim còn nằm trong cái bao bố hở miệng. Mọi người đồng loạt reo lên, mừng rỡ như thấy đứa con đi lạc phương xa mới về. Khách ùn ùn vô cửa. Chú chiếu phim hấp tấp vác chồng phim hình bánh xe đi mau lên lầu...
LÝ TIỂU LONG
Thời gian sau này những phim võ hiệp Hồng Công Đài Loan với những siêu phẩm quyền cước làm người thành phố QT mê mệt. Từ Khương Đại Vệ, Địch Long và sau này là Lý Tiểu Long...đều là thần tượng quyền cước trong lòng bao lứa trẻ cũng như tôi trong đó. Nhớ làm sao những cú đá liên hoàn hay cú đấm thần tốc của Lý Tiểu Long! Người kể còn nhớ Đại Chúng chỉ chiếu đến Đường Sơn Đại Huynh còn chờ Mãnh Long Quá Giang. Rồi phim Việt Nam đang say mê với Chân Trời Tím còn chờ Nắng Chiều thì Quảng Trị...CHẠY?
Hùng Cường -Kim Vui trong Phim CHÂN TRỜI TÍM
Thật tiếc làm sao!
Thú giải trí của người thành phố QT có gì đâu? dĩ nhiên chỉ còn rạp phim Đại Chúng là số một!
***
Gần qua đầu thầp niên 1970, sau vụ nổ lựu đạn trong rạp, Đại Chúng sang lại cho một bà chủ giàu có Ấn Độ nghe đâu tên là "Fatima" hay gì đó? Rạp mang tên mới là KIM CHÂU. Ngoài Kim Châu ra, QT chẳng có thêm cái mới ngoại trừ cái tháp nước máy khổng lồ mới xây bên cạnh. Người kể nhớ không lầm, nước máy này chưa hoạt động gì thì đã xảy ra chuyện 1972 Mùa Hè Đỏ Lửa.
Thế mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian như nước trôi qua cầu hay gió thoảng mây bay xa mãi về vùng dĩ vãng. Nếu giờ đây các em nhỏ đang sống trong thành phố Quảng Trị, thì các em chỉ quen giải trí với thế giới digital, remote control ... điều khiển từ xa cùng bao nhiêu phương tiện hiện đại khác. Kể sao hết bao thứ giải trí thừa mứa hôm nay; nào TV màu với nhiều phim truyện dài lê thê hàng cả trăm tập, nào compact disc, DVD, youtube, online... Kể không hết!
Có thể đến một lúc nào đó, trong thế giới dư thừa vật chất hôm nay, chúng ta bất kể người lớn trẻ nhỏ, không còn hào hứng hay xúc cảm với một cuốn phim hay bản nhạc nào nữa. Có thể tâm lý hôm nay đến từ tâm lý do mọi thứ đều sẵn có trong tầm tay, quá sẵn, quá dễ dàng và nhất là quá 'thừa mứa'!
Thế thì xin trở lại với thời gian quá khứ kể trên, nếu có thể, bằng hoài niệm, cái thời một thành phố chỉ có một rạp xi nê, khi TV chưa phải là hình ảnh phổ biến cho mọi nhà của người thành phố. Người viết tin rằng tâm lý chúng ta thời đó chắc hẳn phải thích thú, say mê sau những buổi đi vào rạp xi nê Đại Chúng. Một thời-khi thiên hạ chưa hề nghe cái từ Internet là chi?
Có thể các bạn và tôi đang có nhiều nỗi nhớ về một thành phố năm xưa. Lưu lạc bốn phương trời, nhưng còn lắm người khi ra đi còn nhớ về ĐẠI CHÚNG, một rạp xi nê từng "thủy chung" với số phận của một thành phố nay chìm khuất trong kỷ niệm xa vời ./.
=====================
NHỚ VỀ NHỮNG LOÀI HOA DẠI QUẢNG TRỊ
Người viết nhớ có lần nhắc (hay viết) về một loài hoa dại làm bạn bè 'nhao nhao' cả lên. Trước tiên là cái tên. Văn hoa một chút thì là hoa ngũ sắc; quê mùa một ít thì gọi là tiêu hoang. Có vài tên cho thứ hoa này. Nhưng đó là quá khứ xa xưa của lũ con nít chúng tôi, một thời Quảng Trị.
Rồi bạn bè nói cách ăn nó ra sao? Có người thì nhắc lại chuyện 'hút' mật loài hoa này rồi khen ngọt và thanh. Khi hoa nở rộ ngứt từng cánh rồi hút ở đằng sau chất nước ngòn ngọt hiếm hoi nhưng ngọt thanh. Thật ra giữa đồng hoang cỏ dại có gì hơn nó? Có bạn vừa nhắc lại cái tên là tiêu hoang (không phải là tiêu pha hoang phí) nhưng cái tên tiêu hoang này được bạn đó cho hết vào miệng phun phì phì mà thôi không ngọt ngào thanh tao như hút nó lúc hoa hoang nở rộ.
Chuyện đáng nói là loài ngũ sắc, tiêu hoang gì qua xứ Mỹ này đều thấy người ta bày bán một cách trịnh trọng. Giá nó lại không rẻ mới là chuyện đáng bàn?
bạn bè mua hoa này ở Mỹ
bạn bè và sim hoa
Rồi Sài Gòn người ta dùng làm cảnh cho mọi nơi tư gia công sở. Thế là Tiêu Hoang đã có thế đứng và phẩm vị trong giới yêu hoa.
A té ra cuộc đời này cũng có nhiều chuyện 'đổi đời' ngay cả loài hoa hoang dại không đáng xu nào vào thời xa lắc xa lơ nói cho 'cường điệu' một chút là vào thưở "hồng hoang tuổi nhỏ' của ngoại ô QT. Lớp con nít thời đó tha hồ rong chơi vui thích biết chừng nào!
Rồi người viết nghe đâu ở Sài Gòn người ta lại bày bán loài hoa ngũ sắc này nữa?
hoa mua
Phải vậy chứ! ai giàu ba họ ai khó ba đời?
Những loài 'hoa thượng lưu' phải nhường bước cho những loài hoa dân dã và ngay cả những thứ còn hoang dại hơn cả dân dã nay có dịp đổi đời.
ngày xưa Quảng Trị có những đồi hoa sim lan xa
Công bằng mà nói thì đâu phải hoa ngũ sắc như người viết trình bày đâu? Ngay cả hoa sim trâu nay cũng được người đời nâng niu trồng trong các chậu. Ôi một thời sim trâu, cái tên thời con nít tôi còn nhớ được, lúc đó không ai thèm ngó ngoài trừ sim thường. Sim trâu còn có cái tên khác nữa? Sau khi tìm tòi người viết mới biên thêm rằng...Sim không ăn được đó chúng ta còn gọi là "SIM MUA". Cây sim mua cũng có trái, nhưng thô ráp, không chín ngọt như sim thường, chỉ được một điều: sắc hoa mua màu E ẤP DỊU DÀNG xen kẻ với những lùm sim hoa trái ken nhau dưới một bầu trời mây gió thênh thang, hoang dại.
Từ những loài hoa dại cho đên các loài cây dại rồi đến các sinh vật hoang dại vào thời này đều có 'đẳng cấp' hết thảy.
Có thể đây không là chuyện lạ do nó là luật đời (hay chuyện đời). Nhưng có cái đáng nói do thời này ta khó tìm lại thú vui hồn nhiên của lớp tuổi thơ ngày cũ? Khó lòng có được trong một xã hội mọi thứ đều bị 'quy hoạch' ra tiền như hôm nay.
Ngày xưa có những lớp tuổi nhỏ dễ dàng có những niềm vui thơ dại. Chỉ một bụi hoa hoang dã bên đường hay một ít cành cây, khóm lá không mất tiền mua cũng đủ vui thích, thỏa mãn. Một thời, tâm hồn con người dễ dàng hòa điệu với thiên nhiên, không đòi hỏi giá trị và điều kiện tiền bạc, giàu nghèo... Mây gió, đồng hoang cỏ dại, cùng tuổi thơ từng 'hợp tấu' để làm nên khúc nhạc đời chất phác, hồn nhiên biết chừng nào./.
ĐHL tối 28/3/2019
edition 5/10/2022
Để nhớ về những loài hoa dại QT
=====================================
ÁO MỚI NGÀY XUÂN
Tôi nhớ xuân xưa lúc còn thơ dại, anh em chúng tôi cứ mong tết mau về để được ba mạ may cho áo quần mới. Năm hết tết đến, chuyện cha mẹ ưu tiên cho con cái những bộ áo quần mới là thứ ưu tiên hàng đầu. Cha mẹ nào cũng thương con, điều lo đầu tiên trong ngày tết là làm sao có quần áo mới cho con trong ba ngày tết.
Ba mạ tôi có khi đem con lên chợ tỉnh, có nhiều tiệm có áo quần mới may sẵn. Những cái áo sơ mi xếp ngay ngắn trong bao nilon, và quần dài cũng vậy. Có năm, mạ tôi mua vải, xong dẫn con vào tiêm may Thanh Bình trong chợ đo may cho con, chờ ngày lên nhận. Đi may như vậy thì phải đợi, nhưng không lâu; vài ngày là có. Gần tết, tiệm may hay quán may nào cũng đắt khách; nơi đâu cũng làm việc tận đêm áo quần may không kịp. Tiếng máy may trong chợ, tháng Chạp, rộn ràng làm sao...
Ngày xưa trẻ nhỏ nào mà không háo hức, chờ đợi áo quần mới của cha mẹ may cho. Thứ cảm giác đó giờ làm sao có lại. Chờ tết, là lúc chúng tôi quanh quẩn bên mẹ mình đang canh chừng thùng nồi bánh tét sôi sùng sục, nấu suốt đêm khuya. Chúng tôi quên cả đi ngủ, mải mê ngắm ánh lửa bập bùng, lung linh bóng người. Mấy que củi, thỉnh thoảng nổ lép bép, sao lửa văng tứ tung trông vui thật vui mắt. Bếp bánh nấu ngoài trời. Vườn về đêm, trời se se lạnh càng tăng thêm không khí ấm cúng, sự đợi chờ, nao nức của cái tết đến nơi. Tôi khó quên, bao giây phút cận kề, tình cảm gia đình sâu đậm.
Nhà hàng xóm cũng nấu bánh lúc này. Ánh lửa lập lòe bên kia như cùng nhau hòa chung niềm vui ngày tết. Sau một năm làm lụng vất vả, giờ này là thời gian đầm ấm, kề cận bên nhau. Bếp lửa hồng ở ngoài, ánh đèn bàn thờ từ căn nhà giữa chiếu hắt ra, phản chiếu chiếc lư đồng vừa được chùi sáng loáng. Tôi nhìn vào, tưởng tượng ông bà đang hiện về vui tết cùng con cháu.
Lửa tàn, bánh chín, trời quá khuya, thùng bánh sẽ được vớt ra cho ráo nước. Một hai đòn sẽ được ưu tiên tét ra cúng lễ giao thừa bên chiếc bánh chưng vuông vuông xinh xắn. Và chính ngay giây phút đó tình cảm gia đình, lòng yêu mến quê hương chắc từng sâu trong tiềm thức tôi, dù từ lớp tuổi thơ bé bỏng trong đời.
*
Từ khi chiếc bánh tét và cặp bánh chưng đầu tiên được mạ tôi vớt cho lễ giao thừa, thời gian chờ đợi tiếng pháo trừ tịch sao lâu và hồi hộp. Từng giây phút đi qua hồi hộp, nóng lòng do tôi sẽ nghe bao tràng pháo trong xóm thi nhau đì đẹt nổ, đón mừng phút đầu tiên của năm mới. Tiếng pháo chuột "tì tạch" từng tràng, tiếng "ùng oằng' của vài ba cái pháo đại đó là những gì tôi thích. Tôi phải kể đến sự vui sướng nhất khi tôi cầm được cây hương châm ngòi cho phong pháo nhà mình.
Có nhà nào tận cuối xóm đốt pháo trễ hơn. Thứ âm thanh cuối cùng của phong pháo đốt trễ xa xa đó nghe thật lẻ loi đơn điệu. Một điều đáng nói ở đây, dù ít hay nhiều tiền, nhà nào cũng mua một phong pháo cho có lệ thôi không cần "thi đua" nhau đốt thật nhiều và có tính cạnh tranh như thời sau này. Tôi nghiệm ra cái ý nghĩa từ cách sống hòa nhã cùng đầy phong vị ngày đó.
Những phút rầm rộ của những tràng pháo đón giao thừa trong xóm qua đi, trả lại không khí trang nghiêm tĩnh lặng. Khói trầm hương nghi ngút, người lớn trong nhà cúng mâm giao thừa. Đón năm mới, lòng thành lễ bạc, nhà nhà khấn nguyện thổ thần đất đai- ông bà tổ tiên- bước qua năm mới: gia đạo an vui, con cháu làm ăn thịnh vượng.
Nương theo ánh sáng lung linh từ hai cây đèn sáp cúng giao thừa, tôi cố tìm cho ra vài ba cái pháo đẹt chưa kịp nổ trong đống xác pháo tơi tả trước nền đất sân nhà. Những cái pháo lẻ này là của riêng tôi.
Sau khi lẻo đẻo một bên chờ trong nhà cúng giao thừa xong, khi chắc chắn không còn tiếng pháo giao thừa đốt trễ nào nữa, tôi mới vào nhà. Tôi cố dỗ giấc ngủ. Chỉ còn vài giờ nữa là trời sáng, là MỒNG MỘT TẾT. Trong đầu tôi cứ lan man mong trời mau sáng để mặc áo quần mới, bộ áo quần mạ tôi mới lấy trên tỉnh về.
Ngày mai, con đường trước xóm sẽ có chơi bầu cua tôm cá. Ngày mai tôi sẽ được người lớn "mừng tuổi"; tôi sẽ có tờ bạc 1 đồng mới toanh có hình "người đang cào ruộng muối" hay tờ 5 đồng có hình "con công xanh". Ôi đẹp làm sao những tờ bạc mới như thế. Tôi sẽ bỏ bạc mới vào túi áo trước lấy hên...
Niềm mong đợi, sự vui mừng rạo rực, hân hoan cộng chút gì ngường ngượng...đó là những cảm giác tôi còn cất mãi trong ký ức, một ngày MỒNG MỘT TẾT, khi tôi bận vào bộ áo quần mới... tất cả đưa tôi vào giấc mộng êm đềm./.
-=========================
ĐHL
nhớ tết ấu thơ
-----------------------------------