Monday, March 4, 2024

TÂM SỰ VƯỜN SAU 3

  NGHE CHIM CU GÁY TRƯA HÈ



Nhớ con cu gáy đậu cành tre
cất tiếng cúc cu bóng mẹ về
Tan buổi chợ chiều chân bước vội
Một đời của mẹ với làng quê...

(Pham Khâm, Dòng Sông Thao Thức)


    Những lúc đi bộ quanh xóm hay một mình ngồi ở vườn sau, tôi thường lắng tai cùng để ý tiếng chim cu gáy rời rạc đâu đó quanh xóm tôi ở.

   Khác với những thứ chim khác, chim cu ở đây chẳng lớn hơn chim cu ở bên quê nhà chút nào. Từ vóc dáng đến màu lông, hai nơi đều giống nhau hết sức. Điều khám phá này làm tôi ngạc nhiên nhất. Chim ở Mỹ sao không to hơn mới lạ. Những con cu cườm, cu ngói, cu đất...còn vài con khác nếu bạn có khiếu về chim muông thì có thể nhận xét hay hơn tôi nhiều thứ.

   Đây là loài chim sống thầm lặng nhất. Khác với từng bầy quạ đen đúa, hung dữ, sống từng bầy đông nghẹt. Cũng không giông với bầy sẻ ríu rít ồn ào, hay những con kên kên to lớn, có bầy lên tới hơn gần cả trăm con.

 Chim cu sống từng cặp, từng hai con lặng lẽ đậu trong cành cây nào xa bầy chim dử.


Cặp chim cu đậu trên sợi dây điện, hay trên một cành khô nào đó vào trưa hè, hay bay qua thăm vườn tôi trong thoáng giây:

-Cúc cù cu cù
-Cúc cù, cu cù...

'Ngôn ngữ' loài cu muôn đời vẫn vậy. Tiếng nó kêu trong buổi trưa nắng hè oi bức chói chang hay buổi sáng mặt trời vừa lên chào một ngày mới vẫn vậy. Tiếng chim cu nghe buồn buồn xa vắng làm sao?

  Trời đông và trời tây, chim cu chẳng khác nhau dù thời gian  và không gian phôi pha mọi thứ. Khi những đàn bồ câu hoang tại xứ này càng ngày càng đông, nặng nề, chen chúc, xú uế khắp mọi thành phố. Loài chim cu vẫn hiếm hoi, xa cách, trầm lặng, giấu mình. 


   Đi tận chân trời góc biển, tiếng chim vẫn 'cúc cù cu', thanh âm  đưa tôi về kỷ niệm. Ngày xưa còn bé dưới bầu trời quê huơng, tôi hay lang thang trong buổi trưa hè. Có con chim cu đậu trên cành tre đu đưa theo gió. Chim cu ngày đó chẳng khác gì bây giờ, sống ít ỏi, im lìm.

Thỉnh thoảng chỉ đôi ba tiếng kêu nhau:

-Cúc cù ...
-Cúc cù

    Chúng như 'đối đáp' rồi vội vỗ cánh bay mất. Tôi chẳng biết chúng bay về đâu?  Nếu bầy cu đó trở lại, đó là lúc tôi nghe được tiếng "cúc cù" trên ngọn cây trước nhà. Tiếng "cúc cù" nhè nhẹ, dịu dàng, thoang thoáng rồi chúng lại bay.  Chim chẳng cần 'quan tâm' ai và chẳng ai trong xóm này để ý gì đến chúng. 

    Thật ra, trong lúc này đây, có những mảnh đời xa xứ nghe tiếng chim mà nhớ về quê huơng da diết. Tiếng chim cu gáy như phảng phất hồn quê, day dứt cho ai ngày tháng tha hương, biệt xứ. 




Có thể quê hương tuy xa mà gần là nhờ tiếng con chim cu gáy trưa nay. Nhưng quê hương có lúc bỗng trôi xa khi tiếng chim kêu buồn không còn nghe nữa. Một ngày như nhà thơ Phan Khâm từng viết:
...
Cu gáy không còn gáy cúc cu 
Từ ngày vĩnh  biệt mẹ..thiên thu
Thân tre được chẻ làm dây luộc
Trói chặt linh hồn mẹ thế ư

(Phan Khâm-Dòng Sông Thao Thức)

    Đó là lúc bóng mẹ vĩnh viễn đi xa như những bóng chim vỗ cánh bay đi không còn trở lại./.

ĐHL  EDIT 30/5/2023

======================== 

CHIM  RUỒI 

 

con chim ruồi làm tổ vườn tôi (30.4.2023) tội nghiệp nó xem chừng hồi hộp sợ sệt nhìn tôi  

CHỚ SỢ, TA KHÔNG LÀM HẠI MI ĐÂU! 


***



NHỮNG CHÚ HUMMINGBIRD VƯỜN TÔI

 

Nếu bạn thực lòng yêu thiên nhiên, thì nơi  nào bạn cũng thấy nó đẹp cả

 – Van Gogh –


*


    Tôi lặng yên ngồi vườn sau để theo dõi một con chim nhỏ xíu đậu trên một cành khô. Phải cố gắng để ý, tôi mới thấy được chú chim nhỏ bé kia.  Con chim im lìm bay tới lui, nói đúng hơn tôi chưa bao giờ nghe nó hót. 

Thưa bạn đọc, đó là những con chim hummingbird, loài chim nhỏ nhất khi qua xứ này tôi mới có dịp thấy.


  Điều đáng miêu tả  về giống chim này, trước tiên nhờ vào thân hình của nó. Mảnh khảnh, nhỏ bé , chẳng khác gì 'con ruồi' so với loài chim khác , theo mắt tôi nó nhỏ hơn cả chim sâu bên quê nhà ; hèn gì nó được đặt cho một thứ tên là 'chim ruồi' . Cái mỏ nhỏ xíu, dài , hình tượng như một que tăm, hơi cong, sẳn sàng chui sâu vào những cái hoa hình loa kèn , hút nhụy dễ dàng. 




Hôm nay tôi tả lại loài chim ruồi này với những gì mắt thấy tuy 'tai không nghe' vì như đã viết trên -chim này tôi chẳng bao giờ nghe nó hót.
Sau cái hình thể nhỏ bé của nó, phải nói là cách bay của nó hết sức đặc biệt. Đôi cánh nó đập nhanh đến nỗi tôi chỉ thấy hai vệt mờ hai bên hông nó . Tôi cho nó đập nhanh bằng đôi cánh ruồi không hơn không kém. Kỳ lạ, nó có thể đứng yên một chỗ, (đây là duyên cớ thứ hai người ta đặt cho cái tên là chim ruồi, vì ruồi có thể bay đứng yên một nơi , đập cánh vù vù) bay lên, xuống theo chiều thẳng đứng, xiên , ngang, tùy thích và tốc độ rất nhanh.

Thông thường, chim xuất hiện rất bất ngờ. Những lúc tôi đang ngồi vườn sau, từ đâu nó xẹt ngang trước mắt tôi như tia chớp! Nó vụt bay qua lại từng cái hoa xem không gì ưa thích-vụt- chú ta bay mất qua vườn bên cạnh hay đâu đó, có trời biết?









Quý bạn chớ tưởng tôi không biết mấy chú hummingbird này thích ăn gì ư? Nó thích nhất là hột cải vườn tôi đó. Những mùa trước, khi lấy giống hạt cải, tôi hay bực mình vì không biết 'giống gì' nó phá mấy bông cải của tôi ? Cứ sáng lại thì tôi phát giác ra những mảnh vỏ bị cắn tơi tả rơi xuống đất. Tôi lại trùm nylon cho mấy cụm bông cải giống.  Một sáng tôi dậy sớm ra vườn, một con hummingbird từ trong hốt hoảng bay vụt ra.


  -A!  thì ra là chú mày, hummingbird!


Ban ngày cũng thế, tôi ngồi  'canh' sau vườn, không biết từ đâu bay vụt lại; gặp tôi nó biết bị lộ nên bay mất.


Tôi chỉ lo canh chừng mấy chú hummingbird cùng bầy se sẻ, chim giẻ, chim sâu, đó là lúc tôi cần có mớ hạt cải làm giống thôi. Những lúc khác tôi cho chúng tha hồ bay giỡn qua lại, cho tôi ngắm chơi!


kể ra nhờ chủ vườn hiền lành nên con chim ruồi này làm tổ ngay trong tầm tay của tôi. Cây plum này ngay cạnh cửa sổ, có thể nhờ vậy con chim mẹ tránh được bầy quạ dữ chăng



Phải kể đến vài con chim sâu, tuy nhỏ nhưng so ra còn to hơn chim ruồi, chúng  đang nghiêng đầu trong lùm chanh hay len lỏi trong mấy nhánh plume vừa xanh lá.  Nhưng chim ruồi có khả năng sục sạo tìm tòi tất cả loài hoa trong vườn tôi. Khi hoa cúc, hoa lili thậm chí hoa ngò, tần ô vừa hé, mấy cái mỏ tí xíu nhưng dài của chim ruồi vẫn rúc vào.

Thứ chim ruồi này hay viếng vườn tôi rất lẹ và bất ngờ.  Chúng hoạt động thật im lìm và dĩ nhiên là không gặp sự đe dọa nào. Hơn nữa, chim ruồi quá nhỏ chẳng thứ chim nào để ý và làm hại chúng. Nói thế, tôi không bao giờ xem thường tốc độ bay của chim ruồi. Chúng xẹt qua như 'tia chớp' nhưng cũng có khi đứng yên một chỗ trong không khí. Có điều thú vị, cánh nó đập quá nhanh, nhanh đến nỗi mắt tôi chỉ thấy hai vệt lờ mờ bên thân nó. Chim hummingbird này còn bay lên xuống theo chiều thẳng đứng, bay ngang qua lại rồi đập cánh đứng yên, cái mỏ dài khoằm cắm sâu vào cái hoa bất kể lớn nhỏ...

Còn những chú chim khác... Bầy sẻ lâu lâu sà xuống miếng đất tôi vừa cuốc xong, xem có con sâu nào không? Chú Jay trên cành thông kia , nghểnh cổ hót líu lo. Con chim to hơn chim sâu đang nghiêng đầu trong lùm chanh hay len lỏi trong mấy nhánh plume vừa xanh lá. Chỉ có chú hummingbird,nhỏ bé, im lìm, đơn độc, thoáng nhanh là làm tôi chú ý nhất sau cái vườn này.
Mùa cải cay này tôi đang cần hạt giống. Khoảnh đất trồng cải cay này giờ đã ra hoa vàng tươi, trái bắt đầu nhú ra khá dài. Tôi đang chuẩn bị thì giờ ngồi vườn sau giữ cải khi hạt giống bắt đầu khô, cũng là lúc những chú hummingbird thèm thuồng ' tấn công' cho kỳ được. Có điều tôi đang lo,vì nghe rằng giống hummingbird hoạt động kiếm ăn cả ban đêm ?!


Nếu thế, thì tôi xin chào thua những chú chim hummingbird.


======================== 
CHÚT TÂM TÌNH VỀ HOA DẠI NGÀY XƯA 



Người viết nhớ có lần nhắc (hay viết) về một loài hoa dại làm bạn bè 'nhao nhao' cả lên. Trước tiên là cái tên. Văn hoa một chút thì là hoa ngũ sắc; quê mùa một ít thì gọi là tiêu hoang. Có vài tên cho thứ hoa này. Nhưng đó là quá khứ xa xưa của lũ con nít chúng tôi, một thời Quảng Trị.





Rồi bạn bè nói cách ăn nó ra sao? Có người thì nhắc lại chuyện 'hút' mật loài hoa này rồi khen ngọt và thanh. Khi hoa nở rộ ngứt từng cánh rồi hút ở đằng sau chất nước ngòn ngọt hiếm hoi nhưng ngọt thanh. Thật ra giữa đồng hoang cỏ dại có gì hơn nó? Có bạn vừa nhắc lại cái tên là tiêu hoang (không phải là tiêu pha hoang phí) nhưng cái tên tiêu hoang này được bạn đó cho hết vào miệng phun phì phì mà thôi không ngọt ngào thanh tao như hút nó lúc hoa hoang nở rộ.


Chuyện đáng nói là loài ngũ sắc, tiêu hoang gì qua xứ Mỹ này đều thấy người ta bày bán một cách trịnh trọng. Giá nó lại không rẻ mới là chuyện đáng bàn?


bạn bè mua hoa này ở Mỹ


bạn bè và sim hoa

Rồi Sài Gòn người ta dùng làm cảnh cho mọi nơi tư gia công sở. Thế là Tiêu Hoang đã có thế đứng và phẩm vị trong giới yêu hoa.


A té ra cuộc đời này cũng có nhiều chuyện 'đổi đời' ngay cả loài hoa hoang dại không đáng xu nào vào thời xa lắc xa lơ nói cho 'cường điệu' một chút là vào thưở "hồng hoang tuổi nhỏ' của ngoại ô QT. Lớp con nít thời đó tha hồ rong chơi vui thích biết chừng nào!


Rồi người viết nghe đâu ở Sài Gòn người ta lại bày bán loài hoa ngũ sắc này nữa?


hoa mua


Phải vậy chứ! ai giàu ba họ ai khó ba đời?


 Những loài 'hoa thượng lưu' phải nhường bước cho những loài hoa dân dã và ngay cả những thứ còn hoang dại hơn cả dân dã nay có dịp đổi đời.


          ngày xưa Quảng Trị có những đồi hoa sim lan xa  

Công bằng mà nói thì đâu phải hoa ngũ sắc như người viết trình bày đâu? Ngay cả hoa sim trâu nay cũng được người đời nâng niu trồng trong các chậu. Ôi một thời sim trâu, cái tên thời con nít tôi còn nhớ được, lúc đó không ai thèm ngó ngoài trừ sim thường. Sim trâu còn có cái tên khác nữa? Sau khi tìm tòi người viết mới biên thêm rằng...Sim không ăn được đó chúng ta còn gọi là "SIM MUA". Cây sim mua cũng có trái, nhưng thô ráp, không chín ngọt như sim thường, chỉ được một điều: sắc hoa mua màu E ẤP DỊU DÀNG xen kẻ với những lùm sim hoa trái ken nhau dưới một bầu trời mây gió thênh thang, hoang dại.

Từ những loài hoa dại cho đên các loài cây dại rồi đến các sinh vật hoang dại vào thời này đều có 'đẳng cấp' hết thảy.


Có thể đây không là chuyện lạ do nó là luật đời (hay chuyện đời). Nhưng có cái đáng nói do thời này ta khó tìm lại thú vui hồn nhiên của lớp tuổi thơ ngày cũ? Khó lòng có được trong một xã hội mọi thứ đều bị 'quy hoạch' ra tiền như hôm nay.


Ngày xưa có những lớp tuổi nhỏ dễ dàng có những niềm vui thơ dại. Chỉ một bụi hoa hoang dã bên đường hay một ít cành cây, khóm lá không mất tiền mua cũng đủ vui thích, thỏa mãn. Một thời, tâm hồn con người dễ dàng hòa điệu với thiên nhiên, không đòi hỏi giá trị và điều kiện tiền bạc, giàu nghèo... Mây gió, đồng hoang cỏ dại, cùng tuổi thơ từng 'hợp tấu' để làm nên khúc nhạc đời chất phác, hồn nhiên biết chừng nào./.



ĐHL tối 28/3/2019 



Để nhớ về những loài hoa dại QT


============================= 




No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...