Monday, March 4, 2024

TÂM SỰ VƯỜN SAU 1


TIẾNG CHIM GỌI SÁNG


Hoàng hôn về khi bóng nắng dần phai
Tiếng chim hót muộn màng gọi bầy lẻ loi ...

[Như cánh chim trời  ( nhac : Lê Tín Hương ca si : Duy Trac)


                              chim giẻ xám (gray jay)

     Mùa đông đã qua, nắng xuân đang lại California hai, ba tuần nay dù chỉ báo hiệu thôi nhưng đây cũng là lúc tiếng chim giẻ bắt đầu trở lại. Năm nào cũng thế, cứ gần hết tháng Hai khi cái lạnh cuối đông chưa tàn nhưng vài vạt nắng ấm mùa xuân bắt đầu xuất hiện. Cứ sáng sớm nếu tôi biết lắng tai nghe, tôi sẽ nhận biết tiếng vài con chim giẻ bắt đầu trở lại vùng này. Tôi chẳng hề biết bầy chim chúng bay đâu mấy tháng mùa lạnh, nhưng khi ánh xuân bắt đầu le lói, mấy rặng hoa đào vùng tôi ở bắt đầu nở là lúc chúng lục đục bay về. 
    Tôi để ý giống chim giẻ do có giống trong loại này hót nghe rất vui tai. Tôi có đọc một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Mark Twain viết về loài giẻ xanh Màu xanh biếc của loài chim tác giả đó viết thật đẹp. Tuy vậy. Thật ra, tôi chưa có dịp may nào để thấy loài giẻ xanh như trong truyện ngắn của nhà văn đó cả.  
    Bầy giẻ vùng tôi đa số mang màu lông xám, chẳng có gì để khen chúng  đẹp; bù lại trời cho chúng tiếng hót, nghe thật rộn rả, vui tai làm sao!


         giẻ xanh trong truyện ngắn "What Stumped The Blue Jays" của Mark Twain

    Ngang đây tôi lại nói về cái tính siêng năng của nó. Trời chưa sáng, còn rất sớm; chợt thức giấc,tôi đã nghe tiếng kêu khe khẻ của mấy chú giẻ bên vườn hàng xóm rồi! Những tiếng kêu nhỏ hơn của con giẻ khác đáp lại như lên tiếng với nhau hay 'canh chừng' cho nhau trong giấc ngủ chăng? Rồi sau đó, tất cả chìm vào im lặng để đợi trời sáng.    
                        
     Bầy giẻ vườn tôi thường thi đua gọi nhau tiếng đổ hồi như thúc giục ai đó? Có khi tiếng chúng nghe trong trẻo như sơn ca, khi chiêm chiếp nhỏ nhỏ, rời rạc nghe giống gà con hay mấy con chim sâu đang nghiêng đầu tìm mồi trong mấy bụi chanh. Cũng có lúc tiếng giẻ lại khản đặc, khó nghe như con tiếng con quạ đen đủi xấu xí nào đó. Nói chung tiếng loài giẻ thật đa dạng  phong phú. Chả trách nhà văn Mark Twain  cho là "Huyên Náo" trong truyện ngắn của ông.  

    Có một điều hơi lạ, tôi chưa bao giờ thấy giống chim giẻ này tôi đậu im lìm, ủ dột như loài chim bói cá (chài cá) bên nhánh sông Vĩnh Định năm xưa. Đó là thời gian đơn vị chúng tôi trú quân bên cầu Ba Bến. Hình ảnh một giống chim lông xanh, lặng lẽ đậu trên nhánh cây khô, soi hình trên bóng nước, kiên nhẫn chờ mồi. Những ngày sau ngưng bắn, hai bên giới tuyến 'trái độn, da beo', làng thôn im lìm, cảnh vật cũng im lìm, ngay cả tiếng những bầy chim cũng 'lặng im' không biết chúng bay về đâu trong tháng ngày đó?

      con chim bói cá ngày xưa bên cầu Ba Bến

***

     Trở lại chuyện mảnh vườn xứ Mỹ hôm nay khi nắng ấm càng nhiều, bầy giẻ càng kêu vui góp tiếng cho mùa xuân đang đến.Tiếng hót của chim làm lòng người cảm thấy vui hơn.  Cảm giác gần gũi với thiên nhiên, chan hòa trong tiếng hót của loài chim giẻ càng làm tôi nhớ tiếng chim cà cưỡng hay tiếng chèo bẻo của quê huơng trong cánh rừng  Bình Tuy sau này. Lại một lần nữa tôi phân biệt tiếng chim chèo- bẻo "ồn ào " hơn tiếng chim giẻ nhiều.

chim sẻ ở California

     Người viết muốn trở lại chuyện chim sẻ. Bầy sẻ ở đây xuất hiện thuờng luôn. Chúng trông chẳng khác gì chim sẻ ngày xưa Quảng Trị; từ màu lông cho đến độ lớn. Chim sẻ ở đâu mà không ở từng bầy! chúng hay bay thoáng qua vườn tôi, chen chúc trong khóm chanh hay đuổi bắt nhau trên cành thông cao hàng xóm, rộn ràng một hồi rồi lại bay mất. Lủ giẻ xóm tôi xem khác hẳn. Chúng quanh quẩn, thi nhau kêu hót trên mấy cây mận  hay thông trong vùng, không hề bay xa.

       Có điều chim giẻ chỉ ở vùng Bắc Cali này;  cũng như hai loài chèo bẻo và cà cưởng chỉ có bên quê nhà. Qua đây lâu ngày tôi không còn nghe lại tiếng chim chèo bẻo bên nhà. Mỗi lúc nắng lên cao tiếng chúng kêu nhau náo động trong rừng.

      Từ quê huơng sang đến xứ người, tôi có dịp so sánh tiếng hót của một vài loài chim. Chim trời cá nước, làm sao so sánh hết được? Thiên nhiên quá bao la rộng lớn, bao cánh chim bay khắp bầu trời mang theo tiếng hót giúp vui cho đời một ý nghĩa thanh tao bên sắc màu rực rở của lá hoa cây cỏ.


người viết đã chụp được hình con giẻ xám này, nó đang nghểnh cổ hót liên hồi như sơn ca. Xuân về là loài chim này bay trở lại 

        Đông đi xuân đến, vẫn mãi là vòng tuần hoàn bất tận của thời gian. Dù nắng ấm lên cao hoa rộ nở, nếu như đời này vắng tiếng chim hót líu lo thì xem ra tẻ nhạt biết chừng nào? Đó là cảm nghĩ của tôi, những lúc thức giấc cố lắng tai nghe tiếng chim gọi sáng. Bỗng nhiên trong tôi dâng lên một cảm xúc trìu mến lạ lùng. Thật thế, tôi thầm cám ơn tạo vật đã sinh ra cho chúng ta nhiều loài chim để hàng ngày chúng hót líu lo cho đời thêm vui ./.

ĐHL
San Jose April 14, 2013
edit 20.2.2023


===========================  

Chim Về Thăm Lại Vườn Xưa




Chim Về Thăm Lại Vườn Xưa

HÀNG NĂM khi những cành mận ngoài cửa sổ căn phòng vợ chồng tôi nhú đầy là non xanh là chú chim nhỏ này lại trở lại "thăm tôi". 

Thú thật với bạn đọc tôi phải dùng mấy chữ "trở lại thăm tôi" vì tôi bắt đầu để ý đến nó hai ba năm này rồi.

Đúng vậy, cũng khung cảnh này, vẫn bầu trời đầu xuân đầy nắng ấm qua những khoảng lá xanh lục của cây plum mười mấy năm qua. Hình ảnh này không bao giờ thay đổi đúng sau tiết lập xuân . Vẫn con chim nhỏ này, cái mỏ tí xíu cứ đánh "lóc cóc " liên hồi vào mặt kiếng. Năm ngoái năm kia cũng thế, hôm nay nó vẫn trung thành trở lại bên khung cửa sổ quen thuộc, gỏ đôi ba tiếng như muốn cho tôi nghe và để ý những gì nó "muốn" !

Một cảm giác thân quen chợt đến trong lòng. Tôi như muốn thốt lên "vào đây, vào đây chơi chim ơi !". Con chim chao cánh qua đậu trên cành mận, chút chi nó lại vụt bay qua gỏ tiếp vào thành kiếng. Tôi lại khám phá ra năm nay nó có đến hai con. Con kia chỉ đậu chờ nó trên cành.
vườn nhà cũ 3612 Bloomsbury Way San Jose CA 95132

Tôi thấy lạ, không biết chú chim nhỏ muốn gì? Làm sao tôi có thể hiểu được ý của "chim trời cá nước "? Nhưng điều tôi khó hiểu nhất là nó đi đâu, sống đâu, suốt mùa đông lạnh giá vừa qua? Nếu mùa đông nó đi tìm vùng nắng ấm nào đó, chắc nơi đó phải là xa lắm . Nhưng sao nó còn nhớ đến cái cửa sổ và cây mận này mà bay về lại được?

Một, hai tháng nữa, cây mận này lại nặng trỉu trái. Hai con chim này chắc hẳn sẽ bay về lại đây. Trên cành, sẽ có vài con sóc đưa những con mắt đen "thao láo" nhìn vào phòng.

Hai con chim bé nhỏ hôm nay đây đang mang lại niềm vui cũng "nho nhỏ" cho tôi. Chợt tôi thấy thích thú vói tập quán của chúng dù bay đâu xa hàng năm vào ngày tháng này chúng không quên bay về chốn cũ.

Chim còn thế, huống chi người?

ĐHL 2014
kỷ niệm
3612 Bloomsbury Wy San Jose CA 95132
=================================== 

CHẬU QUỲNH THẦY TRỊNH HUY TRƯỜNG TẶNG

 

Chậu Quỳnh Nở Muộn



- Phúc ơi nhớ ghé tới nhà thầy lấy mấy chậu quỳnh nghe!
- Thầy có gầy cho hai đứa Phúc và Hiệp 2 chậu quỳnh đây ...

Cú phôn bất ngờ của thầy Trịnh Huy Trường, báo cho hai đứa chúng tôi tới nhà thầy nhận hai chậu quỳnh, làm tôi sung sướng, xúc động. 




Từ sau buổi họp tại nhà thầy Trịnh huy Trường nhằm lúc thầy mới đảm nhận chức vụ tân Hội Trưởng Hội Đồng Huơng QT, ai cũng khen vườn sau của thầy thật đẹp, rất hợp với thú điền viên tuổi già. Ai cũng chú ý vào mấy chậu QUỲNH nhà thầy cô. Mọi người ra thăm vườn sau đều trầm trồ khen đẹp. Hai vợ chồng tôi thì khỏi nói, cứ suýt xoa khen hoài. Một hàng  quỳnh của nhà thầy được kê lên cao, sắp theo một bên lối nhỏ ra vườn. Trên đầu lá giống tiểu quỳnh này, không biết bao nhiêu bông tiểu quỳnh màu hồng tươi nở rộ, cong cong buông xuống trông đẹp mắt làm sao.

                                                    *
 Thế mà không ngờ họp xong ra về, chỉ một thời gian thầy mới gọi phôn cho món quà bất ngờ đầy ý nghĩa: thầy Trường đã săm soi tỉa là gầy hai đứa, gồm Lê Hiệp và tôi mỗi nhà một chậu quỳnh con...

*

Thời gian qua thật lẹ, mới đây mà đã hai mùa giáng sinh rồi. Cái vui năm nay là chậu quỳnh thầy tặng bắt đầu hé nụ để bù lại những ngày tôi xót xa nóng nảy chờ đợi nó ra bông.

Thú thật với bạn đọc, bản thân tôi chẳng có kinh nghiệm gì về trồng bông; dù đôi lúc cũng thích ngắm bông và thuởng thức những loài bông đẹp. Đem chậu quỳnh thầy về xong, tôi hết đem ra đem vô nào hứng sương nào phơi nắng thêm phân tăng trưởng... hơn một năm nó vẫn "ù lì" ra- lá vẫn hoàn lá thế mới lạ làm sao?

-Hay là nó không thích nắng?

Tôi nghĩ thầm như thế.

Thế là tôi vội bưng chậu quỳnh con ra hiên trước nơi huớng nhà không đón ánh mặt trời mọc.

Thời gian tiếp tục qua, chậu quỳnh nhà của tôi nó vẫn là "chậu quỳnh toàn lá " dù lá nó có xanh hơn, bụ bẫm hơn một ít khiến tôi có thể gầy ra một chậu nho nhỏ khác. Nhưng chuyện 'đau khổ'cho tôi nó vẫn trơ ra đó, trên đầu lá không có dấu hiệu cỏn con nào là "ra hoa kết trái" cả, thế mới lạ?

Người viết nhớ trong dịp tết đến, Thầy và  CÔ tới thăm nhà hai vợ chồng, bữa đó tôi vắng nhà. Khi về nhà, tôi nghe bà xã tôi mách lại thầy có trách nhẹ "cái số thằng phúc không biết chăm bông !" khi nhìn chậu quỳnh "quý hóa" nhà tôi đập vào mắt thầy trước cửa nhà.

Nghe vậy tôi buồn trong bụng làm sao.


-Hay là nó thiếu nắng?

tôi nóng lòng nghĩ thầm

Thế là tôi lại tiếp tục bế  "nàng Quỳnh" lui lại vườn sau nơi đầy ánh năng, hòa nhập với màu xanh của đám cải cùng mấy chục chậu ớt đang phô màu xanh biếc dưới ánh mặt trời ôn đới.

vườn nhà cũ lúc chậu quỳnh Thầy Trường cho chưa ra hoa để sánh với vườn sau của người viết năm 2012

*

Mùa hạ qua đi ... mấy tháng trời ngập tràn ánh dương rực rỡ cùng hai chậu quỳnh, của chờ đợi- của đợi mong- vẫn im "thin thít" một màu xanh "bí hiểm" tương tự như nụ cười của nàng "Mona Lisa" của danh họa Leonardo Da Vinci cho đến nay chưa ai "giải mã " được.

Tôi lại 'lủi thủi' bưng mấy chậu quỳnh ra trước nhà, miệng lẩm bẩm:

-Có thể nhiều nắng quá! 

Tôi tự an ủi mình như vậy.

Thu qua, mùa đông lạnh giá đang đến xứ người. Mấy hôm trước khi tôi mới bước chân vô nhà thì bà xã tôi vội vàng mách ngay:

-Anh ơi hình như chậu quỳnh mình sắp sửa có búp bông rồi!

Răng?!

Tôi chạy vội tới chậu quỳnh nhìn xem...

Trên đầu mấy nhánh lá vươn dài mạnh mẽ có vài nốt sần màu đỏ tai tái, một dấu hiệu lạ từ hai năm nay chưa bao giờ thấy.

Tôi cúi sát,  săm soi nhìn thật kỹ:

-Đúng rồi em ơi! hắn ra bông! hắn ra bông rồi!

Tôi mừng như trúng số 'super loto' ở xứ Mỹ này, bụng vui như mở cờ !

Mỗi ngày tôi tới quan sát mấy lần; những búp đỏ to dần, dấu hiệu của những đóa quỳnh tương lai đang đem niềm vui tới cho vợ chồng tôi ngày cuối năm.



Một cái vui khác nữa đến cho nhà tôi, tết tây này ngày đầu năm đúng lễ kỷ niệm 30 ngày cưới vợ chồng tôi (1/1/2013), ngày này trong số khách khứa bạn bè phải có mặt vợ chồng thầy Trịnh Huy Trường mới được.

Ngày đó trước tiên, dĩ nhiên tôi phải khoe ngay cho cô thầy thấy chậu quỳnh nhà tôi đang phô sắc. Ôi những đóa tiểu quỳnh từ chậu cây thầy tặng hai năm trước; chúng đang phô những búp hoa tươi hồng đẹp đẽ chẳng khác chi "tươi cười chào mừng" chủ cũ vậy.
*
Portrait of Jekyll by William Nicholson, painted October 1920; commissioned by Edwin Lutyens, donated to the Tate Gallery in 1921.
Born29 November 1843
Mayfair, London, England
Died8 December 1932 (aged 89)
Munstead Wood, Busbridge, Surrey, England
OccupationHorticulturistgarden designer, writer and artist
wikipedia mở

   Gertrude Jekyll (1843-1932), nhà tạo mẫu về vườn, một nữ họa sĩ cùng nhà văn có tiếng Anh quốc, bà từng nói rằng -"mảnh vườn là người thầy tốt nhất, nó dạy ta lòng kiên nhẫn cùng sự chăm nom; nó dạy ta về kỹ năng cùng tính tiết kiệm; và hơn tất cả nó dạy ta về lòng tin."

cho đến tết 2015 nhà cũ của chúng tôi đầy các chậu tiểu quỳnh do thầy Trịnh Huy Trường tặng


Câu nói này của bà thật giá trị, ít nhất là cho tôi như trường hợp chậu quỳnh thầy Trịnh Huy Trường  tặng cho vào hai năm trước. Chậu hoa kỷ niệm đã ra bông.  Những nụ tiểu quỳnh đỏ thắm, tươi đẹp nở đúng vào đầu tết cũng là một món quà tinh thần quý báu ý nghĩa cho gia đình chúng tôi trong dịp đón xuân/.


ĐHL
2012
=============================== 

2013

CÂY ỔI MỘT TRÁI

    CHUYỆN KHÓ AI TIN, nhà chúng tôi ở xóm cũ đó đúng mười ba năm tròn, từ năm 2002 cho đến 2015 là năm có nhà mới. Năm 2015 là lúc giã từ, tính ra đó là một khoảng thời gian không thể xem là ngắn được. Có một điều hôm nay người viết phải viết vài dòng nhắc về cây ổi lạ lùng ở vườn sau đó. Một chuyện tôi xem lạ lùng nhất do hai năm nay giã từ nó chỉ có  duy nhất ...MỘT TRÁI . đến nay nó chẳng có thêm trái nào nữa.


Chuyện lạ, may thay tôi có giữ tấm hình ghi lại trái ổi 'hiếm hoi' mong đó là kỷ niệm lúc con gái út còn nhỏ dại 



***

     Không biết gốc ổi vườn sau nhà tôi trồng đã bao nhiêu năm rồi, chứ từ ngày gia đình tôi về ở đây thì đã thấy nó .  Mười một năm nay cây ổi này nó vẫn 'hoàn ổi' có nghĩa rằng bông thì vẫn thấp thoáng có ra đó nhưng cuối cùng nó vẫn rụng hết trơn chẳng đậu được trái nào, thế mới lạ ?
    Tôi thực sự bực mình vì chuyện này. Đi dạo quanh đây thấy vườn người ta gốc ổi sum xuê trái thấy mà 'phát thèm' . Tôi thì có 'tay trồng' đó; nhưng chỉ rặc ròng mấy cây ớt cay 'xé lưỡi' , ăn tô bún bò kèm theo loại ớt vườn tôi ai cũng khen rằng ' hợp gu'. Hoặc giả mấy vạt cải cay loại ăn bánh xèo, nói theo kiểu dân Nam .
   Còn cây ổi này ! hơn mười năm nay , nào un gốc ! nào chôn thêm phân! nó vẫn 'ngang bướng' chẳng chút gì 'thiện cảm' với tôi. Bà xã tôi hay "so đo" phân bua ổi nhà người ta làm tôi thấy 'nóng lỗ tai' nhưng đành thúc thủ chẳng có kế gì hơn. Hàng năm lốm đốm vài bông hoa trắng nhú ra, tôi mừng khấp khởi ngắm từng cái, nhìn vài con ong vần vũ bay quanh , lòng tự bảo lòng:
"Biết đâu năm nay nó đậu trái?"

     "Đùng" một cái năm đó "gió đã xoay chiều"!

   Mùa thu qua đi, ngọn gió lạnh từ hướng bắc thổi về. Mấy chiếc lá ổi xanh lục dần dà chuyển qua màu 'huyết bầm' chực chờ rơi rụng. Đúng lúc đó, tôi khám phá ra một trái ổi 'hỏn hon' như "e lệ" lấp ló sau mấy chiếc lá màu đỏ bầm kia.

Một sự mừng vui đến bất ngờ, tôi kêu to:
-Miu ơi, ra coi 'trấy' ổi - ơi Miu ! 

Con gái út của tôi như các bạn thấy đó, nó là út đối với nhà tôi thôi, chứ năm đó học lớp mười rồi. Dĩ nhiên con gái tôi làm gì có nỗi mừng lạ lùng như ba nó. Hơn nữa, nó đâu cần biết ỔI là cái chi chi...

Trong nhà, nó mãi mê với cái laptop. Còn tôi mãi lay hoay đứng mọi góc ngắm nghía trái ổi "độc nhất vô nhị" muốn "no con mắt". Ôi trái ổi 'quý  báu' chỉ to hơn viên bi một tí thôi. Màu xanh non nớt khác hẳn với màu tàn úa của mấy chiếc lá xung quanh làm tôi thêm e ngại. 
   Thế là hết cột dây đỏ làm dấu, đến bọc ny lon xung quanh do tôi lo nó rụng mất. Ngày lại ngày, sáng sớm tôi ra vườn xem nó 'có sao không?" . Mùa đông về, hết giáng sinh rồi lại qua tết. Thật may, trái ổi vẫn còn mặc dầu nó chỉ to hơn một ít thôi. Nhưng có điều an ủi, màu da trái ổi coi bộ 'óng ả' hẳn lên như đáp lại tấm lòng mong đợi của chủ.
   Các bạn thấy, tấm hình trái ổi tôi post lên đây để viết về cây ổi 'bướng bỉnh' vườn nhà.
    Dĩ nhiên các bạn sẽ đoán đúng ý định của tôi rằng ít hôm nữa chờ trái ổi này 'láng da' thêm một chút , tự tay tôi sẽ hái nó đem vào tặng cho con gái: đó là... ÚT MIU.


hơn mười năm trước 2013 tôi vẫn siêng năng cầm cuốc chẳng khác gì bên quê nhà 

hình ảnh vườn cũ 



    Nơi xứ lạ quê người gia đình tôi sau mười ba năm cư ngụ tại đó lại tiếp tục giã từ. Tôi sẽ chia tay với bầy chim và mấy chú sóc. Những con vật đó chắc chắn sẽ thấy vắng tôi, người  từng lay hoay săm soi sau vườn như mọi khi. Dời nhà, di chuyển chỗ ở là chuyện thuờng tình tại Hoa Kỳ. Nhưng đối với tôi, dời nhà đồng nghĩa với giã từ cái vườn thân yêu vàng hoe hoa cải, khóm chanh  cùng cây plum trĩu trái. Cái đáng nhớ cho người kể chuyện là  cây ổi vươn cao nhưng lại đơn điệu, chỉ có một trái duy nhất từng làm cho con gái út của tôi sung sướng và ấm lòng người cha già hàng ngày cặm cụi sau mảnh vườn luyến lưu kỷ niệm.

3612 Bloomsbury way San Jose CA 95132


edit 12.11.2023









chiều vàng cạnh đồi xóm xưa



ĐHL


edit 12.11.2023


=========================== 

CHÚ SÓC ĐEN 


CHÚ SÓC ĐEN QUEN THUỘC CỦA VƯỜN TÔI


VƯỜN TÔI ĐƠN ĐIỆU chẳng có gì quý báu hơn vườn người khác. Nhưng quái lạ chỉ một mình chú sóc đen này cứ lẩn quẩn lanh quanh với mảnh vườn của thân già này.

Chú ta hết nhảy qua mấy khóm táo non mới lên lại mon men tới mấy trái bầu vừa đậu trái. Chú sóc này tinh khôn lắm nó chẳng cần ăn gì của vườn kẻ này nhưng chỉ tội một thứ là chuyên môn bới tung mấy chậu bông để cất "lương thực"

Nó hái và cất không biết bao nhiêu trái óc chó một loại trái hoang không ai ăn được ở tận vườn xóm khá xa về 'tích trữ' trong các chậu bông của tôi vừa nói.
Giờ thì mùa thu đang đến trái cây chín mà nó thích đã hết, chú sóc đen này bắt đầu bới lên để giấu thức ăn của nó.

Cái tội của nó đối với vườn tôi là thế.

Sóc đen nhà ta chẳng thấy có thứ gì 'đáng giá' trong vườn người viết bài này để phá cả. Thay vào đó nó dùng các chậu bông quanh vườn kẻ này làm nơi cất giấu thức ăn cho giống nòi nó.

Khi sóc cất giấu thức ăn tôi chẳng hề thấy. Có thể nó làm rất bí mật do sợ mất phần ăn và thiếu đói khi thu đông về hay chăng. Thật là bí mật chỉ khi nó đào tung các chậu trong vườn, gặm trái óc chó đã trở thành màu đen chạy biến thì tôi mới hay. Miệng gắm một viên tròn trịa, thức ăn dự trữ sóc đen nhà ta bám theo sợi dây điện chay vụn vụt đem đi đâu chẳng biết.

Rất lạ, hình như bầy sóc trong xóm tôi ở biết chia nhau 'địa giới lãnh thổ' nên vườn tôi mấy năm nay chỉ thấy chú sóc đen này lai vãng mà thôi. Thỉnh thoảng người viết còn thấy vài chú sóc màu xám nhạt bình thường nhưng chú này là chú sóc đi lạc, vụt qua rồi chạy đâu mất. Chỉ còn chú sóc đen này xuất hiện thường xuyên.

Nó xuất hiện công khai khi đào lương thực về tổ ăn, bạo dạn đến mức con gái tôi tình cờ chụp hình được rồi chuyển cho ba nó xem.

Nhân tiện có bức hình của tên 'tội phạm' sóc đen trong vườn, kẻ này mới viết vài dòng đến bạn hữu xem chơi.



Trời đã vào thu. Một tuần nữa là đến Tết Trung Thu Quý Mão 2023. Con cháu VN tại San Jose và các nơi khác đều chuẩn bị có đèn trung thu do cha mẹ sắm cho. Chúng chơi hơi sớm, còn 5 hôm nữa mới rằm Trung Thu mà mấy đứa cháu bắt đầu ngán cầm đèn rồi. Không biết chúng ưa gì nữa? do quá nhiều thứ chơi nên cái gì chúng cũng chẳng còn háo hức.
Nhìn ra vườn, chú sóc đen nhà tôi chẳng có gì ngán hay chán cả. Nhịp điệu hoạt động trời ban cho chúng vẫn mãi mãi như thế.

Ngọn gió báo thu ban sáng đã thấy lành lạnh, thời tiết không còn mùa hè nóng bức nữa. Ngoài vườn bông và trái đã hết. Bao ngọn lá bắt đầu ủ rủ chuyển màu cũng là lúc đàn sóc mọi vườn trong xóm tôi ở bắt đầu hoạt động liên tục.

Những trái óc chó trong mùa hạ sang thu đã chín đen héo khô giờ đang được chúng thu về cất giấu trong các chậu, không bao giờ sai chệch vị trí chút nào.

hinh Internet


Từ hình ảnh đó, tôi lại có thêm một kinh nghiệm đó là mỗi khi nhìn bầy sóc đào bới cất giữ thức ăn chính là lúc mùa thu hay tết Trung Thu đang đến ./.

Ngẫu hứng với chú sóc đen vườn tôi
ĐHL

No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...