Saturday, November 30, 2024

ÔNG NGOẠI TÔI



GIỖ ÔNG NGOẠI TẠI NHÀ CẬU MỢ LÀNH NGÀY 1/11/ GIÁP THÌN 2024 THỊ TRẤN VĨNH AN 



Tôi sinh ra đời dưới mái nhà của bà Ngoại và các cậu dì thân thương tại thôn Đệ Tứ Quảng Trị xưa nhưng ông Ngoại tôi đã qua đời bốn năm về trước tức là năm 1949.

Đứa cháu ngoại ở dưới đại gia đình bên Ngoại nhưng có điều may mắn là trí nhớ tôi nhớ dai, khá tỉ mỉ về những gì trong đại gia đình Ngoại. Nhắc chuyện ông Ngoại là những lời bà ngoại tôi hay kể lại cho cháu hay tôi hay lắng tai nghe trong nhà lúc các cậu các dì kể về ông, hay chuyện xưa tích cũ nào xa xôi lắm...

Ông Ngoại là Lính Khổ Đỏ. Thời thuộc địa Pháp khi chính quyền VNCH chưa có, người Pháp có hai thứ lính thuộc người địa phương để phục vụ cho chế độ thuộc địa là Khố Xanh và Khố Đỏ.

Ông Ngoại gọi là Ông Bếp Thỏn do ông mang lon Binh Nhất. Thời thuộc địa các chức vị trong quân đội thuộc Pháp thì ta gọi...

Binh Nhất gọi là Bếp

Hạ Sĩ gọi là ông Cai. VD ông Cai Trà Ô Cai Hy ô Cai Ngữ trong thôn Đệ Tứ

Trung sĩ gọi là ông Đội vd như Ô Đội Lạp là cha của các chú Ngô Tùng Chú Ngô Dũng , Ngô thị Sáu ,.

Thượng sĩ gọi là ô Quản vd ông Quản Hiệt ở góc Bầu đường Duy Tân ngó qua nhà Hộ Sinh o Hóa. Ông Quản Lợ là con rể của Mệ Cai Hai mắm Cà

Thời xưa thiếu úy là Quan Một, Đại Úy là Quan Ba to lắm.

Ông Ngoại trước tiên đóng trong Thành Cổ trong Lao Xá Cửa Hậu bởi vậy nhà Ngoại mới ở Cửa Hậu. Sau này có đổi quân lên trấn đóng tại Lao Bảo thì nghe Mệ kể lại Ông bị bệnh nặng, bụng trướng to lên. Ngày xưa thì khoa học chưa tiến bộ nên người ta không biết. Ai đi biên ải xa xôi thì gọi là bị đi ở vùng Lam sơn Chướng Khí hay gọi là vùng "nước độc". Sau này y học đều khám phá ra sự là bệnh sưng gan cổ trướng một loại của Ung Thư Gan. Ông Ngoại mất tại nhà thương Mang Cá trong Thành Nội Huế và hai năm sau mới CẢI TÁNG ÔN VỀ NẠI CỬU.

Trong nhà Ngoại kể rằng Lúc cải táng ông Ngoại thì mả của Ông lại "KẾT vàng hươm" do đó sau này con cháu mới làm sĩ quan nhiều.

Bà Ngoại kể lúc Ông Mất, cậu Bình mới BA tuổi nên không biết gì (cậu sinh 1946)

Mệ kể rằng Ôn rất nghiêm Mệ luôn luôn im lặng không dám nói chi. Đó là Mệ kể lại thế mà nay đứa cháu vẫn còn nhớ

Khi Chính QUyền chuyển qua Chế Độ Cộng Hòa thì ông cũng xem như là lính Cộng Hòa nên mệ xem như là Cô Nhi Quả Phụ và mệ vẫn có cuốn SỔ HƯU ĂN LƯƠNG TỬ SĨ NUÔI CÁC CẬU ĂN HỌC

Cho đến nay tôi vẫn nhớ hình ảnh CUỐN SỔ QUẢ PHỤ của Mệ. Một quý 3 tháng mệ lên Ty Ngân Khố QT lãnh tiền Tử Tuất ...

Ngày xưa có một điều là Đàn Ông Lính Tráng chi cũng uống rượu rất nhiều. Bệnh Gan về Ung THư Gan khoa học chưa tiến bộ nên cứ cho là "Đi vùng Nước Độc"

Con ông Võ Ổn (bà con nhánh phái với Ông) các cậu kêu là Chú có Dì Hồng, năm 1968 làm cho Dì Liễu. Tưởng cũng cần giải thích thêm. Ông Ngoại là bác trưởng trong nhánh phái. Ông Võ Đồng , Võ Ổn, Võ Hạch hay cha cậu Hòa (Dâu) đều là em con các ông chú trong Chi Phái họ Võ.

Dì Hồng có em gái tên là Dì Ba có ở làm với dì Liễu. Dĩ Ba bị Ung THư Gan qua đời tại BV Quảng trị chỉ mới 16 tuổi còn trẻ lắm. Dì Ba là con út của Ông Võ Ổn, mất vào khoảng năm 1969, cũng xơ gan cổ trướng bụng Phình to và từ trần tại BV Quảng Trị. Tôi có lên BV và chứng kiến.

Trở lại cuốn sổ Hưu của Mệ ngoại, và nhờ đó có tiền tử tuất chỉ ít thôi nhưng dưa mắm qua ngày và các Cậu như Cậu Phương cậu Ba cậu Bình đi Thiếu Sinh Quân được là nhờ CON TỬ SĨ

Như thế Ông Ngoại là lính Khố Đỏ nhưng xem như là Binh Nhất VNCH thời Cụ Ngô Đình Diệm

Hôm nay là ngày Giỗ thứ 75 của Ông Ngoại, Đứa cháu Ngoại sau khi ra đời 72 năm không có cơ duyên gặp mặt Ô Ngoại nhưng tấm lòng Cháu Ngoại nhớ Ông mới tâm nguyện nhờ các anh chị làm giúp MỘT BÀI VỊ gọi là CHÚT LÒNG CHÁU NGOẠI KÍNH NHỚ ĐẾN ÔNG

Cháu tin rằng từ TẤM LÒNG THÀNH CỦA CHÁU, HƯƠNG LINH ÔNG MỆ NGOẠI NAY SẼ VUI LÒNG TIẾP NHẬN

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Cháu ngoại
Đinh trọng Phúc
San Jose USA 1/11/ AL Giáp Thìn


một hình ảnh người lính KHỐ ĐỎ xưa 

Thursday, November 28, 2024

TÂM SỰ NGƯỜI TRỞ VỀ QUÊ XƯA TRƯỜNG CŨ VỀ LẠI QUÊ XƯA

 

Quảng Trị 2012

Tôi về lại quê xưa sau bao nhiêu năm xa vắng . Nói sao hết bao cảm giác ban sơ thật nhiều xúc động cùng háo hức. Dĩ nhiên tôi đồng ý  những lời bình phẩm sau:

-Quảng Trị khác rồi, nhất là Đông Hà lớn lắm không còn nhìn ra  mô!

- Phố phường giờ khác xưa dữ lắm, nhất là chợ dời rồi không còn chỗ cũ nữa!



Quả đúng! nhất là chính mắt tôi chứng kiến Quảng Trị khi về lại mảnh đất xưa vào dịp trường cũ của chúng tôi, Nguyễn Hoàng, kỷ niệm 60 năm thành lập. Những con đường cũ nay tôi chẳng mảy may nhìn ra, nhất là nhà cửa san sát bên nhau ,thú thiệt không còn dư một mét đất nào. Những nhà trọ, khách sạn mọc lên nhiều từ đường  1 gần Cầu Ga cũ đi theo múi Trần hưng Đạo vô. Vài mảng vách Trường tư thục BỒ Đề cũ loang lỗ dấu đạn còn được giữ lại để ghi nhớ dấu tích chiến tranh... đó là những gì tôi có thể lấy tay sờ nó và có thể cảm nhận một vết tích còn lại sau bốn thập niên. Ngoài ra tôi chẳng còn một thứ gì để làm mốc rồi theo trí tưởng tượng hình dung lại và tự nhủ thầm:

-Quảng trị ơi, ta đã về đây! 

   Cái chợ mới của thành phố, đúng ra ngày xưa người thành phố hay gọi là Chợ Tỉnh, nay vị trí đã xa lìa chốn cũ chẳng còn giúp tôi hình dung lại chỗ nào là trung tâm chợ xưa? Thật tệ cho trí óc tôi ! có thể tôi đang choáng ngợp  với số lượng xe máy quá nhiều, tiếng còi "tinh tinh"  inh ỏi suốt ngày. Mặc dù tôi còn nhớ có số đông di dân QT (năm 1973) vào Bình Tuy lập nghiệp , nhưng khi về lại quê huơng,  người QT hiện tại rất đông!  những thế hệ sinh sau, khi chúng tôi ra đi, hay  di dân từ ngoài kia vô giờ họ đang cư trú khắp nơi, mua bán sinh hoạt, những tiếng nói còn pha lẫn ngoài kia vào , có điều ít có giọng nam.

   Thế thì giờ người dân thành phố Quảng trị đang ở hiện nay là ai? "con bầy cháu lũ " mới đó mới đây giờ toàn là thế hệ trẻ -mới. Trong tôi hình như có một cảm giác họ chẳng còn dính dáng gì mình nữa , mặc dầu họ đang sống trên đất QT và tôi là cư dân sinh ra lớn lên trên thành phố QT nay đang trở về.

   Bốn cổng đường thành nay đã xây lại, nhưng lạ thay tôi có cảm giác đường nét không còn mềm mại - uyển chuyển như xưa. Với tôi, người sống trước cổng thành QT ngót hai mươi năm mới xa ; hình dáng thành xưa đã khắc ghi trong trí nhớ tôi. Quảng trị mới,  có cổng thành mới, bao gạch đá đổ nát trong cuộc chiến  nay đã vùi sâu dưới lòng đất, ai cũng tiếc cho một di tích  ngàn xưa lưu vết tiền nhân.



  Tôi theo con đường về làng quê. Tất cả mọi làng đang đang ồ ạt "bê tông hóa”. Nhà nhà thi nhau xây mới -mái ngói vách xi măng. Giờ tôi khó tìm ra mái tranh xưa ẩn hiện bên hàng cau hay bờ tre xanh ngắt. Những con đường vào làng đang lần lượt đổ xi măng thay nhựa đường. Tất cả đều đi lên theo tiện nghi cùng điện khí hóa về tận mọi ngõ ngách . Giờ đây ánh sáng điện đã về khắp nơi, từ thành phố đến nơi thôn dã. Bà con đang đầy ắp tiên nghi nhờ đường dây điện mang về.

  Khi xưa vừa ra khỏi thành phố tôi phân biệt ngay là đang về làng. Những mái tranh , những con đường đất quanh co qua bao đồng lúa, bao làn khói lam chiều cho nồi cơm dùng rơm nấu bếp. Cái nghèo, cái mộc mạc đơn sơ khi về quê ngoại  vẫn mãi lưu giữ trong lòng  kẻ tha huơng bao tình cảm và  nỗi nhớ nhung theo chân tôi qua đến xứ ngừơi,  bao năm trôi nổi.

  Sẽ có người trách tôi sao có những ý nghĩ khắt khe -cứng nhắc?  quê huơng đổi thay rồi, từ làng  đến tỉnh -sao vẫn khư khư cố chấp với bao chuyện xa xưa vô ích?

    Thật tình tôi khó giải thích thứ tâm lý trong lòng người trở về như tôi. Tôi nhớ mang máng lúc tôi còn nhỏ, có đọc một chuyện kể ngắn  một người đàn bà sau bao năm lưu lạc về lại quê làng.  Nhìn lại hình ảnh cây đa bến cũ bà không cầm được nước mắt. Những hình ảnh thân yêu lúc bà ra đi từ thời son trẻ cho đến ngày bà lui bước trở về thôn xưa nó vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Tâm lý của người trổ về như tôi còn buồn hơn bà già trong câu chuyện  kia vì bà về còn có “cây đa cũ- bến đò xưa” để an ủi, còn tôi thì chẳng có chi !

 Nỗi buồn man mác, niềm nhớ vương vương đó là tâm lý cho bao kẻ trở về khi tóc bạc trắng. "con tim có lý lẽ riêng của nó mà chính lý trí cũng không thấu được", câu xưa này tôi có thể nhớ lại để tự biện minh cho tâm lý của tôi, một thứ tâm lý dùng dằng khó giải thích. Tôi hy vọng đây là tâm lý hay ý nghĩ chung cho nhiều người trở lại làng xưa quê cũ sau ngót nửa thế kỷ rời xa. Đó là những sự thật nội tâm, bỡ ngỡ lạ lẫm giữa mới và cũ, giữa mất và còn, giữa tiếc nuối vấn vương cùng  ngạc nhiên khen ngợi.



   Thế mới hay về lại quê xưa tôi bỗng dưng hụt hẩng, khác với sự háo hức lúc sửa soạn khởi hành. Lý do do khó tìm lại hình ảnh đồng quê - hình ảnh phân biệt để biệt giữa nông thôn và thành thị. Có thể dần hồi chúng ta sẽ không còn nhận được làn hơi ẩm thấp từ cái vách đất, mùi ngai ngái của tấm phên lá, hay thứ cảm giác là lạ khi nằm trên cái giường tre ngày trước. Từ tỉnh về quê, khó cởi thoát được cảm giác cái vách xi măng xung quanh mình. Sự phát triển là đây- khi ranh giới giữa đô thị và thôn làng từ từ biến mất. Nhưng nó lại kèm theo sự mất mát tâm lý cho ai có cái thú "du lịch đồng quê " . Tôi có cảm tưởng rằng giờ đây mọi người đang thi đua "xi măng, cốt sắt hóa" tất cả - mọi huớng, mọi nơi. Tôi hình dung cuộc sống giờ như đang đuổi theo tốc độ của những chiếc xe máy. Mọi trao đổi giao tiếp đều hối hả, vội vàng, pha trộn, khô khan, cộc lốc.


hình ảnh xưa

  Hình ảnh Quảng trị ngày xưa giờ thật sự xóa nhòa. Tôi cho rằng có đông người trở về cùng chung ý nghĩ với tôi. Từ bến đò bên dòng sông Thạch cho đến bãi Nhan Biều đều lạ lẫm.  Thời học trò, bốn mươi năm trước tôi từng đứng bên ni sông ngó qua bên tê , bãi Nhan Biều đất bồi thoai thoải , sâu vào trong- những truông bắp một màu xanh ngắt.                 


   Một đất nước đang chuyển mình - sống dậy - nhưng vội vã chẳng một mục đích nào và nhất là không biết về đâu? Quảng trị đang tìm cách hòa mình vào một nhịp sống khác xưa; cố gắng 'sánh bước' với nhiều thành phố lớn hiện nay- Đà Nẵng, Sài gòn, Hà nội... những giấc ngủ ngắn hơn -chờ ngày mai thức dậy lại lao vào một chuẩn mực mới nào đó của thế hệ- đi kiếm sống, sắm sanh, trả nợ, nhậu nhẹt lấy sức và lại tiếp tục kiếm tìm. ..

                                    hình ảnh xưa 

 Chỉ có đi lâu trở về dễ nhận  ra rằng mình đã lạ hẳn đi trong cách giao tiếp, bở ngỡ rụt rè- vì trong tâm người  về nhận ra rằng “đường xưa lối cũ” không còn ! kể cả người xưa - những con người "thị xã"-  giờ phiêu dạt nơi đâu ? họ ra đi biền biệt phương nào? Tôi là người trở lại nhưng lại tự mâu thuẫn với chính mình khi cố đi tìm chút gì hình ảnh xa xưa nhưng sự thật hoàn toàn không còn gì nữa.



Giờ tôi lại giã từ Quảng Trị, một thành phố mới, xa lạ với riêng tôi. Tôi ra đi vẫn mang theo hình ảnh một thị xã xa xưa mờ nhạt trong lòng. 




 KHI MÔ VÔ SÀI GÒN RỨA BA?

                                                                 
Chỉ vài ngày về Quảng trị vội vàng, vợ chồng tôi lại vô nam. Thời gian về thăm quê quá nhanh. Sau bốn mươi năm xa vắng chẳng đâu vào đâu, nhất là những hình ảnh , âm thanh của ngày đại hội 60 Năm Trung Học Nguyễn Hoàng QT như còn lởn vởn trong trí óc.

Vợ chồng tôi về quê lần này có nhiều sự kiện mới lạ, đặc biệt khó quên.

 

Trên chiếc xe "giường nằm cao cấp" xuôi nam, tôi đã có dịp so sánh với các phương tiện giao thông trên con đường độc đạo 1A , thì những chiếc xe giường nằm đời mới này nó đương nhiên hơn hẳn. Tuy giá vé cao hơn, nhưng xe chạy nhanh, lại thêm ăn uống dọc đường hãng xe phục vụ chu đáo hơn. Chuyện này làm tôi phải nhắc đến cái tên "chuyến xe bão táp " người viết chỉ ví von lại với cái tựa đề trong một phim ngắn trên chương trình truyền hình nào đó nhằm đặt cho chuyến xe vợ chồng tôi ra trung này.  Chuyến ra quê này là xe khách bình thuờng. Ghế ngồi chứ không loại xe giường nằm như  lúc vô lại miền nam trong đoạn kể ở phần dưới. Chuyến xe ra chạy chậm, không an toàn, tài xế lại thiếu tinh thần trách nhiệm quá mức cho phép. Có thể khách đi đã quen với tình trạng đó, nhưng đối với người về như tôi thì quả là một vấn nạn trong lòng.

 Quý bạn có cho người viết quá lời hay quá 'ca cẩm' đó chăng? Nếu bạn thấy hình ảnh anh tài trong chuyến xe ra vừa lái xe vừa nói điện thoại di động. Có thể anh chàng lo  "tán cô đào " nào ngoài Hà Tỉnh, Vĩnh linh gì đó? Có khi xe đang chạy, thấy quán bán chuồng chim đẹp, anh ta dừng lại mua chơi! Anh chẳng màng chi bao nhiêu hành khách đang nôn nóng trên xe? Có thể tôi quen đời sống chính xác, đúng giờ, nơi xứ người ta, nên qua đây lại "dị ứng" chăng? Hay tánh tôi khó chịu, không biết 'nhẩn nại" chăng? Dù sao khi trở về nam,  vợ chồng tôi lại chọn xe GIƯỜNG NẰM là phản ứng tự nhiên, sau khi tôi đã gán cho chiếc xe ra kể  trên là chuyến xe 'bão táp' như trong cuốn phim nào đó của Việt Nam vừa chiếu.

 Trở lại chuyện trên xe GIƯỜNG NẰM. Chuyến xe chạy êm, không nhồi, lắc mạnh khi có đoạn đường xấu. Nằm thư thả tôi có cơ hội ngó nghiêng qua thành cửa sổ, vừa ngắm hình ảnh quê huơng vùn vụt chạy lui phía sau, vừa ôn lại chuyện vừa qua...

Tôi hình dung lại những cái bắt tay vội vàng, những lời nói dứt khoảng chưa hết ý của bạn bè, của những người quen lâu hay mới quen. Trong mớ hỗn độn vội vã trong mấy ngày về lại quê huơng đột ngột của tôi, thời gian chưa định sẵn nó như tạo dựng trong trí tôi một thứ cảm xúc pha trộn khó phân biệt.

hình ảnh trong chiếc xe giường nằm của người viết đi

 Có hai cha con trên cái giường cách tôi một hành lang hẹp. Người cha cở tuổi con trai đầu tôi. Dáng dấp người bố. Nếu tôi không lầm, thì là một công nhân hảng xưởng nào đó trong nam. Tôi lại chẳng lầm khi qua giọng nói thì anh ta phải là người Nghệ -Tĩnh, có nghĩa là không phải là người Quảng trị. Cháu gái khoảng ba tuổi , tóc hớt ngắn theo kiểu con trai. Bộ đồ cháu mặc như đang chơi trong nhà không có vẻ gì là đi nam, nói đúng hơn là đang cùng bố làm chuyến viễn hành vào nam trong đời cháu. Anh thanh niên, người bố, coi bộ cưng yêu đứa con gái nhiều lắm. Thỉnh thoảng anh lúi húi lấy từ túi đồ dưới chân ra một chút quà đút cho con ăn. Suốt chặng hành trình dài, hành khách ai cũng thiu thiu ngủ; tôi để ý cháu gái đó cứ lổm ngổm ngồi ngồi trên bụng bố,chẳng chịu ngủ chút nào. Anh thanh niên thỉnh thoảng vỗ vỗ cho con ngủ. Hai bố con đang vô nam, chắc chắn đó là sinh kế; nhưng mẹ cháu gái đâu, tôi đoán chẳng ra. 

 Sự quấn quít giữa hai cha con làm tôi nhớ con gái tôi. Cha thì hay thuơng con gái, phải vậy chăng? Có điều con gái tôi nay đã lớn, không còn nhỏ dại như cháu gái trước mắt tôi. Hơn hai mươi năm trước, tôi làm gì có thì giờ để gần con như thế. Bao hình ảnh trước ngày ra đi- qua Mỹ, còn hằn sâu trong trí nhớ tôi... Trên mảnh đất Bình Tuy - miền nam mưa nắng hai mùa - trước lạ sau quen cho lưu dân Quảng Trị. Khoảng thời gian của quá khứ, mười lăm năm...rẫy rừng là bạn, khói núi sương sa, đi sớm về chiều đã ngốn mất những hạnh phúc như cảnh hai bố con trong chiếc xe giường nằm hôm đó...


             - Khi mô vô SÀI GÒN rứa ba?

 
Câu hỏi đột ngột của cháu bé kia chợt cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Tôi bắt đầu chú ý về một câu hỏi hồn nhiên của cháu bé, bất chợt lòng tôi cảm thấy nao nao buồn. 


Hai tiếng "Sài Gòn", tưởng chừng đã nhạt nhòa, phủ lấp theo mấy mươi năm quên lãng. Thế mà hôm nay trong một chuyến xe, lại thốt ra chính miệng một cháu bé từ ngoài bắc vào. Câu hỏi của cháu thật sự khiến tôi vừa ngạc nhiên lẫn xúc động. 

 Một thoáng liếc qua cháu như một phản xạ thật nhanh mà tôi không kìm được. Từ những gì sâu kín, bấy lâu nay (có thể hay nhiều người khác) tôi giữ mãi trong lòng nay bỗng sống lại từ một câu hỏi của một cháu nhỏ, một tâm hồn chất phác, ngây thơ. 

Tôi lại nghĩ chính đó là một sự thật hiển nhiên: kết tinh từ những mong đợi thiết tha của bé và ngay cả cha mẹ bé hay xóm làng ngoài kia- Vĩnh Linh, Nghệ Tĩnh- những truông cát dài hẹp, đất đai khô khan, người đông bao đời vẫn mãi đói nghèo.  Cháu bé hàng ngày nhìn thấy bà con lần lượt theo nhau, huớng về nam. Một phương nam cũng là việc làm, đồng lương, cơm gạo mà bố bé từng gói ghém, tém nhặt về đem quê giúp đỡ gia đình...

 Có thể tôi đoán đúng.  Chính hình ảnh những bận bố cháu về thăm quê, từng vẽ nên một miền nam no ấm. Từ những chiếc bánh, gói kẹo hay quà cáp mà người bố này mỗi lần về quê từng dựng nên một bức tranh Sài Gòn giàu có trong trí óc bé thơ:

            -Khi mô vô SÀI GÒN rứa ba?


 Câu hỏi của cháu cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt hành trình vô nam. Có chút gì chua chát, bồi hồi, bất giác dâng lên trong lòng tôi về cái chuyện 'hay quên' của người đời. Có thể lắm, một số người sinh ra, lớn lên từ đất phương nam nhưng lại 'mau quên' khi đã thỏa mãn với những gì hiện có trong tay. Thế mà trái lại trong lúc này, một em nhỏ không liên hệ chi về một địa danh- nói đúng ra một thành phố mất tên, em vẫn nói lên một cách vô tư như đã từng xưng tụng, ước ao, mong chờ, cùng tràn đầy mỹ cảm về một miền nam tràn đầy hứa hẹn.

Người mình chỉ thích gọi hai tiếng "Sài Gòn" chẳng khác chi tiếng nói phát ra từ trái tim chân thật. Tiếng gọi như là một sự níu kéo của những gì mà chẳng ai muốn mất!

 Tôi tin người bố kia lúc ra quê hay những người ngoài kia từng vào nam làm ăn, chắc hẳn họ từng gọi thế. Hai tiếng Sài Gòn sẽ không còn xa lạ cho người mình nói chung. Đó là những gì của thân thiện, chở che, bao dung cùng chia sẻ. Thật vậy, cho đến hôm nay trong tâm khảm tôi, hay trước mắt tôi câu hỏi của một cháu bé từ ngoài kia vào, rõ ràng hai tiếng "Sài Gòn" như một quán tính cho cả ba miền. 

Sài Gòn- hai tiếng cháu gái đã quen. Xóm làng của cháu ngoài đó thường nghe. Một chút tưởng tượng nào đó nhưng người viết lại tin. Bà con ngoài quê cháu bé chỉ cần nghe hai tiếng Sài Gòn, mọi người đều hiểu đó là một nơi cần tới- một phương trời có sức cám dỗ mặn mà, nồng ấm một vòng tay dang rộng chẳng khác chi  là một vùng "đất hứa". 




Người viết lại muốn thả hồn về dòng nhạc cũ của Lam Phương, ông từng ca tụng "vùng đất hứa" nam phương trong bản nhạc  NẮNG ĐẸP  MIỀN  NAM. Bốn mươi năm sau, qua cuộc 'đổi đời' để hôm nay chúng ta tình cờ nghe câu hỏi ngây thơ của một cháu bé từ bắc vào nam -"KHI MÔ VÔ SÀI GÒN RỨA BA?"  lần đầu tiên trong đời, cháu có dịp theo bố vô nam và cùng chung một chuyến xe với kẻ viết bài này.

 Một câu hỏi đơn sơ, lạ thay tôi hình dung tất cả xưa và nay đều hòa chung một ý tưởng; đó là một "MIỀN NAM CÓ NẮNG THANH BÌNH 
,CÓ ĐỒNG LÚA ĐẸP CÓ TÌNH QUÊ HƯƠNG ..."./.


ĐHL 

tái biên 5/11/2024

Friday, November 22, 2024

VĂN HOA NGƯỜI NGHỆ SĨ BÊN HẦM THAN XUÂN SƠN BÌNH GIÃ

 

 Ðố ai quét sạch ơi lá rừng

Ðể, để tôi
Ðể tôi khuyên gió ơi gió đừng
Gió đừng rung cây
Gió đừng rung cây...(Đố Ai / Phạm Duy)


***

tưởng nhớ Văn Hoa người nghệ sĩ  xuất thân từ thôn Đệ Tứ Quảng Trị cũ



    Làm sao quét sạch lá rừng? câu hỏi này xem chừng ta phải tạm quên khi đứng trước hầm than của Văn Hoa người thợ làm than bất đắc dĩ sau ngày 'tù cải tạo' về lại với thôn làng. 

Như bao thân phận, bao cảnh đời khác sau cái Tháng Tư Đen những người từng chịu đựng số phận cay nghiệt sau tháng ngày 'tù cải tạo' , tuy được trở về với gia đình nhưng phải chịu cảnh lận đận lao đao trong cuộc sống.

Những cánh rừng Xuân Sơn -Bình Giã trong thời gian bị bạch hóa vào thập niên 1980-1990 đó là lúc rộn rã tiếng rìu rựa...bao rừng cây thâm u, những loài gỗ quý ngày ngày gục ngã. Tất cả sẽ biến mất theo tốc độ ghê hồn nhường đất lại cho sắn khoai ngô đậu...giải quyết nạn đói cho con người.

Đó cũng là thời gian của bao hầm than ngày đêm nhả khói. Than từ rừng Xuân Sơn Bình Giã sẽ theo nhiều chuyến xe hàng cung ứng chất đốt cho người thành phố.

Văn Hoa người nghệ sĩ tạm quên tháng ngày xưa, sáng sớm đã vào cánh rừng Xuân Sơn thật sớm để chăm nom cái hầm than mà ông từng yêu mến. 

Người nghệ sĩ có cái tính rất sạch sẽ, ngay cái hầm than cố định nhưng bề ngoài ông vẫn luôn giữ gìn sạch sẽ trơn tru. Chẳng bao giờ ta thấy một cái lá rừng nào trên đó. Ông thương mến cái hầm than như người bạn chí thiết của mình. Sáng tinh mơ, vào đến nơi đặt cái ba lô thức ăn dụng cụ xuống, ông liền vội quét quanh lò than. Vòm lò, lớp đất pha sét giờ mang một màu vàng láng bóng. Người thợ rừng còn siêng năng, hàng ngày xoa láng lớp đất vòm lò chẳng khác gì ông đang "vỗ về" một người tri kỷ không bằng.

Những khúc cây bằng lăng, cẩm xe, vàng tâm nặng nề dài non cả mét, ông hì hục một mình vác về. Ông lại một mình kéo vào lò sắp đặt ngay ngắn...Công việc nặng nhọc, gỗ rừng càng lúc càng xa, đường mang gỗ về càng lúc càng gian khó. 

Ai nói người nghệ sĩ  chỉ biết tiếng hát và cây đàn? 

Lạ một điều cái lò than của người nghệ sĩ sạch sẽ vô cùng. Ai vào thăm cũng đều khen ngợi. Những lúc nghỉ ngơi, nơi lò than của người nghệ sĩ chẳng khác chi tại nhà. Vẫn nghe tiếng hát tiếng đàn nghêu ngao văng vẳng. Đó là lúc Văn Hoa muốn quên đi thực tại, trở về với mộng mơ ngày tháng cũ. Đó là những lúc lò than của ông đang nhả khói. Bao làn khói xanh nhẹ nhàng bay lên trời cao...đợi một ngày các thanh than đen bóng óng ả ra đời. Đó là mạch sống đáp đền lại cho những ngày chặt hạ cây rừng, những cây gỗ nặng nề ngã gục, mồ hôi tuôn rơi và da thịt đau nhừ, lem luốc bụi than...


Chất thơ và tính cách nghệ sĩ của người tiều phu Văn Hoa vẫn còn sống mãi trong người. Có những lúc tĩnh lặng người tiều phu cũng là nghệ sĩ ngồi nhớ tháng ngày qua... 

Quê hương đó lún sâu trong ký ức
Dòng chảy thời gian cày xới tuổi đời
Mơ ước bình yên dưới tàn cây cổ thụ
Tìm lại thanh âm tiếng mẹ hiền xưa...(Văn Hoa)

Cũng như bao triệu cảnh đời khác sau Tháng Tư Đen, những phận người bị hoàn cảnh 'đá lông lốc' vào tận rừng xanh. Thấp thoáng đó đây những tàng hoa bằng lăng còn sót lại, lung linh mập mờ sau làn khói nhẹ buông lơi. 


Đố ai biết lúa, lúa mấy câyBiết sông, biết sông mấy khúc, ơi ơi biết mâyBiết mây mấy từng, biết mây mấy tầng à ơi,,,



Hầm than và cánh rừng chẳng khác gì nhà. Sự tâm đắc giữa rừng và người nghệ sĩ vẫn thấy lòng dường như gắn bó khi ông ngồi đàn hát một mình. Thời gian đó quý báu làm sao. Đó là những lúc giúp người tiều phu quên đi hoàn cảnh nghiệt ngã cuộc đời. Đố ai biết được ngày mai, sự thách đố của ngày mai vẫn đó khi rừng đã hết, tất cả đều tan biến theo hoàn cảnh của một quê hương khô kiệt mọi nguồn sống, một xã hội đói nghèo.

6 người cậu của tác giả- xuất thân từ Phường Đệ Tứ Thị Xã Quảng Trị: 127 đường Lê Văn Duyệt cũ-
trái hình khoảng 1959 Lido Ảnh Quán
phải sang hàng trên: Võ Phương, Võ Bé, Võ Cư
trái sang hàng dưới: Võ Bình, Võ Ba, Võ Hoa (tất cả đều không còn tại thế)



Rừng hết, rồi người cũng phải bỏ đi. Như bước chân lãng tử, người nghệ sĩ có cái tên là Văn Hoa tìm về Thác Trị An khơi nguồn sống mới cho đến lúc cuối đời. Nơi đây gia đình thân thuộc của Ông khá đông nhất là bà con Quảng Trị , xóm làng cả thôi. Mấy mươi năm sống với cái nghề liên quan đến hai chữ "VĂN NGHỆ " và cũng kiêm luôn MC cho các đám đình trong vùng . Dần dà bà con quanh vùng ai cũng biết đến Văn Hoa hay nhà thơ Nguyệt Lãng. 

Tuy nhiên người Thị Trấn Vĩnh An còn biết đến Văn Hoa qua khả năng văn nghệ hơn là thơ văn. Từ ông già bà lão cho đến giới trẻ, phần đông là người Quảng Trị đều rất ái mộ lời ca trầm ấm, tiếng đàn ghi- ta điêu luyện của ông. Vùng đất mới, có con đập Trị An, một thị trấn mới, các thế hệ con em người Quảng trị sinh ra tại Đồng Nai, Trị An, hình như cả một trời quê cũ đang xúc động sống lại trong người nghệ sĩ.

   Tác giả là đứa cháu của người, còn biết thơ ông khá nhiều ngày xưa đều bỏ lại thành phố Quảng Trị sau mùa hè chinh chiến 1972. Có 2 đoạn thơ còn lại sau này ông ghi lại sau này và khổ thơ cuối cùng ông viết...

Mặt nước hồ thu lăn tăn trong gió thoảng
Lục bình trôi dạt nhẹ bờ xa 
Trăng nước thẩn thờ bên bờ hư ảo
Đâp vỡ gương xưa tìm bóng dáng ngày nào...

(Trị An tháng Mười năm Mậu Tý / Nguyệt Lãng)


Và cuộc đời người nghệ sĩ dần trôi cho đến  ngày cuối cùng 23/12/2017 thời gian người Trị An tất bật đón Mùa Giáng Sinh, Ông ra đi an nhiên như "mặt nước hồ thu lăn tăn trong gió thoảng" hồn phiêu bồng như cánh "lục bình trôi dạt nhẹ bờ xa" 

Tưởng nhớ hương linh cậu Võ văn Hoa bút danh Trần giã Viên và Thi danh Nguyệt Lãng 

ĐHL 22/11/2024

Thursday, November 21, 2024

CHÁU ƠI SAO QUÁ DƯ THỪA

 

                                            TIẾP TỤC QUA NHÀ CHÁU NỘI NĂM NAY ĐỒ CHƠI PHÒNG CHÁU NỘI RÔ 11/2024 CŨNG DƯ THỪA CÒN NHIỀU HƠN CHÁU NGOẠI NỮA?


    Mới ba sinh nhật mà đồ chơi trẻ con của thằng cháu ngoại vợ chồng tôi sao nhiều thế này? Xe truck, camion, máy bay, siêu nhân…không kể hết. Bạn bè vợ chồng con gái tôi đông, dĩ nhiên xứ này đồ chơi mỗi lần sinh nhật lại không biết bỏ đâu?

Dần hồi có một cảm giác ái ngại đối với cháu ngoại tôi, có thể riêng tôi ‘khám phá’ ra là nó đang ‘lâm vào khủng hoảng dư thừa’? Thứ tâm lý này do ông ngoại nó biết chứ thằng cháu làm sao hiểu thấu? Đứa cháu chỉ lâm vào hậu quả không biết thích chơi cái gì nữa? Nó đá lông lộc một thứ một nơi. Có thứ nào nó thích lắm cũng chỉ hai ngày là chán. Ông ngoại giữ cháu, mất công dọn dẹp… có những thứ đồ chơi nhỏ bé linh tinh, nó lại nghịch đổ ra một đống, ông ngoại lại xếp vào thùng đủ mỏi cả lưng.


                                    ***


Có khi ngồi giữ cháu, ông ngồi nhớ về quá khứ, một thời khổ cực trước đây bên quê nhà. Ngoại nhớ con búp bê “mắt nhắm mắt mở” làm sao! Đó là nhờ chuyến đi xa thăm bà con, được mớ tiền, nhịn sắm mua cho con gái- tức mẹ đứa cháu ngoại hôm nay. Ôi con búp bê kia quả là 'một trời thích thú' của đứa con gái vợ chồng tôi. Kiếp sống rẫy nương làm gì sắm nổi? Con gái tôi ‘vang danh’ khắp xóm nhờ con búp bê mắt ‘nhắm mở’ này. Bạn nó quanh xóm, đứa nào thân con tôi chỉ cho bồng hay rờ “một xí” thôi, không hơn không kém. Con gái tôi say mê với con búp bê chơi không hề chán, lũ bạn nó chuyên ...la cà xin xỏ. 

Thật là cả một bầu trời vui sướng cho con gái tôi nơi vùng nương rẫy!




Con búp bê tôi nhớ trong khoảng thời gian gian nan nghèo khó như thế quả là của hiếm. Mà nó hiếm thật; trong thôn tôi ở chỉ một mình nó thôi! Nó được nâng niu, được bà xã tôi may cho 'áo mới'. Con gái tôi chơi cho đến lúc nó cũ mèm, màu da nhạt đi, mắt không còn ‘nhắm’ được cho đến khi mất cả cánh tay. Thế nhưng con tôi, và lũ nhỏ bạn vẫn chơi với nó suốt một thời gian cho đến ngày gia đình tôi từ biệt quê hương.


Tôi hay nghĩ: phải chăng “nghèo có một triết lý” của nó? Nhìn cảnh con nít bên này quả là một vấn đề cho tôi suy nghĩ như thế. Đâu phải riêng cháu tôi? Con nít nhà nào ở đây cũng một phòng đồ chơi đầy ăm ắp. Túng quá có nhà bê luôn cả thùng đem bỏ lề đường do con cháu họ chẳng còn “đoái hoài”? Cái nghịch cảnh do dư thừa là thế? Cha mẹ chúng ở đây cũng biết dư thừa là lũ nhỏ nó mau chán nhưng một lần đi shopping thương con không sắm không được.

Hay cứ lần sinh nhật hay Giáng Sinh …là dịp quà gói đầy nhà…


Vợ chồng tôi vừa qua tiểu bang khác thăm đứa cháu nội con của con trai thứ hai. Nó sinh sau hai đứa cháu ngoại ở đây. Đứa cháu nội tôi cũng lâm vào thứ “bệnh dư đồ chơi” này chẳng chút gì khác biệt. Đồ chơi nó đầy một phòng ngủ, lại lan qua phòng living room, rải rác góc bếp hoặc cầu thang. Lại tội cho đứa cháu nội. Bốn ngày thăm cháu, tôi chẳng được phút nào mục kích nó “mân mê” thứ đồ chơi nào cả? Nó chẳng thích và chẳng "đoái hoài".


Rồi năm nay 2024, nhà 2 đứa cháu nội con trai cả- cu Rô cu Ryn đồ chơi lại đầy ăm ắp còn ...nhiều hơn mấy đứa cháu trước nữa?!


Hình ảnh ngày cuối tháng 11/ 2024 nhà cháu Đích tôn - cu Rô đồ chơi dư thừa không chơi lại bỏ một ...đống sau khi vừa cho bớt mấy bao lớn?




======


Phải chăng do quá dư thừa, mà con cháu chúng ta ở xứ này không hề có được cái cảm giác hạnh phúc sung sướng khi sự ước ao được thỏa mãn? Tôi lại tưởng tượng giá như cháu tôi chỉ có một chiếc xe nhựa nho nhỏ nào thôi, không còn sự chọn lựa nào khác, có thể nó có những phút giây sung sướng ngập tràn.

 Nếu như ông có "phép mầu" nào đưa mấy đứa cháu tôi về lại thời ông chúng hay cha mẹ chúng lúc còn nhỏ dại. Ôi nhớ làm sao...cái chong chóng làm bằng lá dứa dại hay vài viên bi hay chỉ một con búp bê thôi; có thể mấy đứa cháu thời bây giờ sẽ mân mê, sung sướng ngập lòng.

Có thể ông nghiệm ra: ở đây nên cho con nít 'in ít'  đồ chơi, chớ cho chúng dư thừa nữa.

Té ra thừa cũng khổ! Ông lại thấy tội cho mấy đứa cháu ông chẳng hề "chịu chơi" trước cả 'núi' đồ chơi quá nhiều như thế. Khi có quá nhiều chọn lựa, chính người lớn cũng lúng túng không biết chọn thứ gì huống gì trẻ nhỏ. 

Nhìn cảnh thời nay mấy đứa cháu nội ngoại chẳng đoái hoài gì bên đống đồ mà lòng ông lại thấy tội cho các cháu biết chừng nào? Ông không hề nói dối khi ông nói "tội" cho các cháu. Lý do dễ hiểu lắm là sự thích thú mân mê của các cháu khi không bị "đánh mất" tự lúc nào. Niềm thích thú và trân quý hay mân mê tuổi nhỏ té ra phải được đem lại từ sự chừng mực và hạn chế hay nói đúng ra là vừa phải thôi. Giá như mà được thế thì các cháu của ông đây sẽ vui sướng biết chừng nào?

Đây là suy nghĩ thật lòng của một người ông khi nghĩ lại một quá khứ của thiếu thốn mọi thứ trên đời nhưng đổi lại cái giá trị vật chất từng có được cái giá của nó đích thực hơn cái thời đại dư thừa của các cháu hiện tại. Dù ở Mỹ hay tại các thành phố bên quê nhà hiện nay có thể đang lâm vào một tình cảnh chung cho bao lớp trẻ nhỏ đó là quá thừa quá dư?

Ông tin có ngày các cháu hay ba mẹ các cháu sẽ tin vào điều ông nghĩ./.


ĐHL 2/12/2021

edit 4/12/2024

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...