Friday, November 22, 2024

VĂN HOA NGƯỜI NGHỆ SĨ BÊN HẦM THAN XUÂN SƠN BÌNH GIÃ

 

 Ðố ai quét sạch ơi lá rừng

Ðể, để tôi
Ðể tôi khuyên gió ơi gió đừng
Gió đừng rung cây
Gió đừng rung cây...(Đố Ai / Phạm Duy)


***

tưởng nhớ Văn Hoa người nghệ sĩ  xuất thân từ thôn Đệ Tứ Quảng Trị cũ



    Làm sao quét sạch lá rừng? câu hỏi này xem chừng ta phải tạm quên khi đứng trước hầm than của Văn Hoa người thợ làm than bất đắc dĩ sau ngày 'tù cải tạo' về lại với thôn làng. 

Như bao thân phận, bao cảnh đời khác sau cái Tháng Tư Đen những người từng chịu đựng số phận cay nghiệt sau tháng ngày 'tù cải tạo' , tuy được trở về với gia đình nhưng phải chịu cảnh lận đận lao đao trong cuộc sống.

Những cánh rừng Xuân Sơn -Bình Giã trong thời gian bị bạch hóa vào thập niên 1980-1990 đó là lúc rộn rã tiếng rìu rựa...bao rừng cây thâm u, những loài gỗ quý ngày ngày gục ngã. Tất cả sẽ biến mất theo tốc độ ghê hồn nhường đất lại cho sắn khoai ngô đậu...giải quyết nạn đói cho con người.

Đó cũng là thời gian của bao hầm than ngày đêm nhả khói. Than từ rừng Xuân Sơn Bình Giã sẽ theo nhiều chuyến xe hàng cung ứng chất đốt cho người thành phố.

Văn Hoa người nghệ sĩ tạm quên tháng ngày xưa, sáng sớm đã vào cánh rừng Xuân Sơn thật sớm để chăm nom cái hầm than mà ông từng yêu mến. 

Người nghệ sĩ có cái tính rất sạch sẽ, ngay cái hầm than cố định nhưng bề ngoài ông vẫn luôn giữ gìn sạch sẽ trơn tru. Chẳng bao giờ ta thấy một cái lá rừng nào trên đó. Ông thương mến cái hầm than như người bạn chí thiết của mình. Sáng tinh mơ, vào đến nơi đặt cái ba lô thức ăn dụng cụ xuống, ông liền vội quét quanh lò than. Vòm lò, lớp đất pha sét giờ mang một màu vàng láng bóng. Người thợ rừng còn siêng năng, hàng ngày xoa láng lớp đất vòm lò chẳng khác gì ông đang "vỗ về" một người tri kỷ không bằng.

Những khúc cây bằng lăng, cẩm xe, vàng tâm nặng nề dài non cả mét, ông hì hục một mình vác về. Ông lại một mình kéo vào lò sắp đặt ngay ngắn...Công việc nặng nhọc, gỗ rừng càng lúc càng xa, đường mang gỗ về càng lúc càng gian khó. 

Ai nói người nghệ sĩ  chỉ biết tiếng hát và cây đàn? 

Lạ một điều cái lò than của người nghệ sĩ sạch sẽ vô cùng. Ai vào thăm cũng đều khen ngợi. Những lúc nghỉ ngơi, nơi lò than của người nghệ sĩ chẳng khác chi tại nhà. Vẫn nghe tiếng hát tiếng đàn nghêu ngao văng vẳng. Đó là lúc Văn Hoa muốn quên đi thực tại, trở về với mộng mơ ngày tháng cũ. Đó là những lúc lò than của ông đang nhả khói. Bao làn khói xanh nhẹ nhàng bay lên trời cao...đợi một ngày các thanh than đen bóng óng ả ra đời. Đó là mạch sống đáp đền lại cho những ngày chặt hạ cây rừng, những cây gỗ nặng nề ngã gục, mồ hôi tuôn rơi và da thịt đau nhừ, lem luốc bụi than...


Chất thơ và tính cách nghệ sĩ của người tiều phu Văn Hoa vẫn còn sống mãi trong người. Có những lúc tĩnh lặng người tiều phu cũng là nghệ sĩ ngồi nhớ tháng ngày qua... 

Quê hương đó lún sâu trong ký ức
Dòng chảy thời gian cày xới tuổi đời
Mơ ước bình yên dưới tàn cây cổ thụ
Tìm lại thanh âm tiếng mẹ hiền xưa...(Văn Hoa)

Cũng như bao triệu cảnh đời khác sau Tháng Tư Đen, những phận người bị hoàn cảnh 'đá lông lốc' vào tận rừng xanh. Thấp thoáng đó đây những tàng hoa bằng lăng còn sót lại, lung linh mập mờ sau làn khói nhẹ buông lơi. 


Đố ai biết lúa, lúa mấy câyBiết sông, biết sông mấy khúc, ơi ơi biết mâyBiết mây mấy từng, biết mây mấy tầng à ơi,,,



Hầm than và cánh rừng chẳng khác gì nhà. Sự tâm đắc giữa rừng và người nghệ sĩ vẫn thấy lòng dường như gắn bó khi ông ngồi đàn hát một mình. Thời gian đó quý báu làm sao. Đó là những lúc giúp người tiều phu quên đi hoàn cảnh nghiệt ngã cuộc đời. Đố ai biết được ngày mai, sự thách đố của ngày mai vẫn đó khi rừng đã hết, tất cả đều tan biến theo hoàn cảnh của một quê hương khô kiệt mọi nguồn sống, một xã hội đói nghèo.

6 người cậu của tác giả- xuất thân từ Phường Đệ Tứ Thị Xã Quảng Trị: 127 đường Lê Văn Duyệt cũ-
trái hình khoảng 1959 Lido Ảnh Quán
phải sang hàng trên: Võ Phương, Võ Bé, Võ Cư
trái sang hàng dưới: Võ Bình, Võ Ba, Võ Hoa (tất cả đều không còn tại thế)



Rừng hết, rồi người cũng phải bỏ đi. Như bước chân lãng tử, người nghệ sĩ có cái tên là Văn Hoa tìm về Thác Trị An khơi nguồn sống mới cho đến lúc cuối đời. Nơi đây gia đình thân thuộc của Ông khá đông nhất là bà con Quảng Trị , xóm làng cả thôi. Mấy mươi năm sống với cái nghề liên quan đến hai chữ "VĂN NGHỆ " và cũng kiêm luôn MC cho các đám đình trong vùng . Dần dà bà con quanh vùng ai cũng biết đến Văn Hoa hay nhà thơ Nguyệt Lãng. 

Tuy nhiên người Thị Trấn Vĩnh An còn biết đến Văn Hoa qua khả năng văn nghệ hơn là thơ văn. Từ ông già bà lão cho đến giới trẻ, phần đông là người Quảng Trị đều rất ái mộ lời ca trầm ấm, tiếng đàn ghi- ta điêu luyện của ông. Vùng đất mới, có con đập Trị An, một thị trấn mới, các thế hệ con em người Quảng trị sinh ra tại Đồng Nai, Trị An, hình như cả một trời quê cũ đang xúc động sống lại trong người nghệ sĩ.

   Tác giả là đứa cháu của người, còn biết thơ ông khá nhiều ngày xưa đều bỏ lại thành phố Quảng Trị sau mùa hè chinh chiến 1972. Có 2 đoạn thơ còn lại sau này ông ghi lại sau này và khổ thơ cuối cùng ông viết...

Mặt nước hồ thu lăn tăn trong gió thoảng
Lục bình trôi dạt nhẹ bờ xa 
Trăng nước thẩn thờ bên bờ hư ảo
Đâp vỡ gương xưa tìm bóng dáng ngày nào...

(Trị An tháng Mười năm Mậu Tý / Nguyệt Lãng)


Và cuộc đời người nghệ sĩ dần trôi cho đến  ngày cuối cùng 23/12/2017 thời gian người Trị An tất bật đón Mùa Giáng Sinh, Ông ra đi an nhiên như "mặt nước hồ thu lăn tăn trong gió thoảng" hồn phiêu bồng như cánh "lục bình trôi dạt nhẹ bờ xa" 

Tưởng nhớ hương linh cậu Võ văn Hoa bút danh Trần giã Viên và Thi danh Nguyệt Lãng 

ĐHL 22/11/2024

No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...