Tuesday, November 12, 2024

NGÀY ĐẦU QUA MỸ

 

CHUYỆN H.O. - NGÀY ĐẦU QUA MỸ

 YOUTUBE DÀNH CHO BẠN ĐỌC NGHE 


***



Chiếc xe wagon buick 'cà tàng' của tôi theo Freeway 101 đi quá phi trường San Francisco một đoạn rồi quẹo phải. Mừng quá, trung tâm  đứa con trai thứ của tôi nhờ ba nó chở đi thi, giờ này đã tới đúng địa chỉ rồi.


chiếc xe wagon đầu tiên trong gia đình

Mới qua Mỹ, mua được chiếc xe đầu tiên, tôi phải "ký cóp" trả góp tới mấy tháng. Tuy là xe cũ nhưng tôi cảm thấy mãn nguyện do đây là lần đầu tiên tôi có xe. Kể ra cũng 'hách'  thiệt. Tôi có thể tự mình hãnh diện hay cho cuộc đời nay đã "lên hương". 




Nói chi thì nói, xe hơi ở xứ người ta chỉ là phương tiện thôi. Tuy vậy, đối với tôi quả là một chặng "đổi đời" quan trọng. Có xe thì phải có bằng lái. Tôi có được giấy phép lái xe hay thẻ ID cũng "trầy da tróc vảy" do tôi thi tới ba lần mới nhận được cái bằng. Ai mà cho tôi đậu ngay, nhất là một người như tôi chưa bao giờ cầm cái vô-lăng? Tới nước Mỹ, tiếng Anh tôi nói nghe sao 'trọ trẹ'. Vào lần thi thứ hai, bà giám khảo người Mỹ phải "hoảng hồn" vội "kéo" vội tay lái qua lại do tôi đổi làn xe  quá ẩu. Cái lỗi 'to đùng' nên tôi phải thi lần 3 mới đậu. Có thi mấy lần chăng nữa tôi phải đậu bằng lái xe. Cả nhà tôi, nhất là năm đứa con tôi đang cần tay lái ba nó. Trước là đi làm, rồi chở con đi học.Không quên chuyện đi khám bác sĩ, rồi ngay  cả dịp chở con đi thi hôm nay...


Tôi chỉ mong chở con tới nơi, tìm chỗ đậu xe xong là điều mừng trước nhất. Người cha như tôi chỉ mong ngần ấy thôi. Nhớ ngày đó,  đi đâu cũngd lật bản đồ in sẵn.  Thứ bản đồ này tiệm xăng nào cũng có bán; mỗi cái khoảng ba bốn đồng bạc. Tôi thầm thì, định hướng trong đầu:


- Ta theo Freway 101, lên quá Phi Trường SFO, vượt đường X rồi đến Y chẳng hạn, xong quẹo phải gặp đường Z cua trái...v v 


Tôi lẩm nhẩm trong miệng, chẳng khác gì một ông thầy pháp đang đọc "bùa chú". Thật thế, đó là cách tôi từng dò theo bản đồ chỉ dẫn cho khỏi lạc đường. Thời gian này, thật sự tôi rất sợ lạc vào thành phố San Francisco. Mới lái xe, giá như mà đi quá, lạc vào San Francisco có lẽ tôi sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" mất. 


Khác với thời này, đi đâu cũng nhờ vào GPS, tài xế cứ lần theo lời chỉ vẽ trong máy iphone rồi  theo nó là xong.


Thật là một  kỷ niệm đáng nhớ cho tôi. Một gia đình vừa thoát khỏi vùng kinh tế mới: đói- thiếu kinh niên, qua được xứ Mỹ; dĩ nhiên vợ chồng tôi phải mang  'tòn ten'  ước mơ học hành cho con cái trong lòng.


Chiếc xe, tuy gọi 'gà tàng',  thế mà xem lại chính nó giúp cho tôi quá nhiều. Ngoài chuyện hàng ngày đi làm hay những chuyện khác như tôi đã nói, các năm sau chiếc xe còn giúp tôi chở con đi phỏng vấn để vào đại học. Khi chúng đã vào đại học, còn chuyện cuối tuần còn bới thêm thức ăn cho con nữa...

Rồi lại hôm nay, tôi thêm một lần nữa mừng rỡ do được dịp chở con tới đúng nơi hẹn thi MCAT, đại khái là khóa thi tuyển sinh vào y khoa sau này.

Tôi mở cửa xe cho con vào, người cha ở lại bên ngoài parking. Tôi chẳng cần tính chuyện  thời gian đợi lâu hay mau, chỉ một lòng khấn nguyện ơn trên.

 Ngày tháng dần qua, tôi không quên được cảnh một người cha kiên trì ngồi đợi suốt buổi dưới parking một hãng hay văn phòng nào đó. Trên căn phòng của công ty lấy hẹn, con tôi đang được phỏng vấn. Lòng tôi cứ mãi lầm thầm khấn nguyện trời phật, ông bà phò hộ cho con mình...mấy đứa con đang được phỏng vấn vào những trường đại học hàng đầu tại đất nước này.


***


hình minh họa: vịnh San Francisco và thuyền buồm du ngoạn thể thao

Ngọn gió biển buổi xế chiều từ vịnh San Francisco khiến tôi cảm thấy mát đến lạnh người. Trung tâm thi sát vịnh nên gió biển thổi vào lồng lộng. Một mình đứng đợi con, tôi có dịp ngắm vài cánh buồm của mấy chiếc thuyền thể thao im lìm lướt sóng. Người chơi thuyền  lập lờ tới lui; tất cả đều lạ lẫm với tôi. Tiếng qua Mỹ nhưng tôi chỉ ru rú ở San Jose chẳng dám đi xa,  ngoài cái việc là LÀM TÀI XẾ CHO CON.


Năm đứa con đang trên con đường học vấn. Tài xế cho con đi học trường này đi thi nơi kia, học thêm học phụ hay làm thiện nguyện làm sao tôi có thì giờ đi đây đi đó được. 


Bao nhiêu ước mơ trong lòng, giờ đây tôi đang thấy hiển hiện. Đó là những phần thưởng làm tôi không bao giờ biết khó nhọc là gì.


***


Buổi thi hôm đó lâu thật. Trời đã về chiều mà con trai tôi chưa ra. Gió biển càng lúc càng lạnh hơn. Tôi có thể vào xe  tránh gió, nhưng tôi muốn ngắm  biển Vùng Vịnh hôm nay bước chân chúng tôi mới lưu lạc tới đây. 


quê cũ ngày hôm nay:  mũi tên hướng vườn điều và mái tranh nghèo gia đình tôi trước đây. Ngày hôm nay thời thế thay đổi, quê nhà nay thật khác xưa, có đường nhựa và cột điện lưu thông cùng tháp sóng ở phía xã Sơn Mỹ trên xa

    Từ biệt quê hương, riêng đối với tôi thì bàn tay tôi giã từ cái rìu cái búa người tiều phu ngày ngày vào rừng đốn củi để kiếm tiền độ nhật. Gia đình tôi đã thoát được một quãng đời tăm tối nơi quê nhà. Nơi quê hương mới này, rõ ràng chúng tôi làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. 


Giã từ một quá khứ "đốt rẫy làm nương" 


     Đứng đợi con thi, tôi có thì giờ thư thả ngó ra biển. Một quá khứ lướt qua như một giấc mơ. Bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về trong một buổi chiều. Chính lúc này đây tôi có dịp ngó lại hai bàn tay mình chợt mừng vì những vết chai sần nứt nẻ trong quá khứ gian truân bên trời quê hương nay thực sự đã hết. Đôi bàn tay của người tiều phu bất đắc dĩ ngày đó không bao giờ có thời gian để lành lặn vết thương...nay cũng chấm dứt. Tôi vẫn mãi nhớ hình ảnh cánh rừng thâm u, mịt mờ bụi khói, những ngày đốt rẫy làm nương, lạy trời giờ chẳng còn trở lại. Tôi thật sự xa rời rừng thiêng với tiếng chim kêu, vượn hú, hàng ngày một nắng hai sương, đôi bàn tay và hai vai nhức nhối. Nhớ làm sao, những nhát búa và vết nứt nẻ lòng bàn tay không có cơ hội ngơi nghỉ cho kịp lành lặn, rồi ngày mai phải tiếp tục vào rừng, tiếp tục chặt hạ, đốn củi, và lại thêm một lần trăn trở với đau đớn thịt da...


    Đất nước Hoa Kỳ từng dang tay đón nhận biết bao nhiêu thân phận và hoàn cảnh như tôi. Giờ so lại, nơi đây có gian nan cực khổ gì cũng là thiên đàng nếu so với ngày tháng cũ. Tương lai, chắc hẳn mấy con tôi có thể tự hào hay kiêu hãnh những gì chúng đạt được nơi quê hương thứ hai này. Chắc hẳn, các con tôi sẽ khó tưởng tượng ra những điều cha nó nghĩ- Hãy trân trọng một quá khứ đói nghèo, do nó là sức bật thăng hoa cho một tương lai tươi sáng.


Làn gió biển càng về chiều càng trở nên lạnh buốt khiến tôi như chợt tỉnh trở về với thực tế, vội mở cửa xe quăng mình vào trong. Đứa con trai đã thi xong. Kết quả buổi thi này sẽ quyết định  cho những sinh viên ước mơ vào con đường y khoa bác sĩ. 


Trên đường về, tôi hồi hộp chẳng dám hỏi con. Nhìn nét mặt phấn khởi của con trai tôi mừng thầm chắc nó đang có gì toại ý. Xa lộ 101 hôm nay dường như vui hơn mọi khi. Chiếc xe hôm nay chạy thật êm; hình như nó cũng biết "hòa chung" niềm vui cùng chủ. Niềm sung sướng trong lòng người cha trào dâng. Một chút gì nao nao trong lòng, khi tôi liên tưởng một tương lai nào đó thật xa có khi nào con tôi chạnh lòng nhớ đến hình ảnh hôm nay. Có thể khi đó tôi hay những lứa bạn H.O những người lính cũ nay đã đi xa về một phương trời nào đó. Một nơi không còn buồn nhớ, trăn trở của những niềm đau mất nước. 

Ai mà biết được./.


tái đăng 12/11/2024

No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...