Monday, March 23, 2015

QUÊ Truồi



 hình chụp năm 2000: đò từ chợ Lộc Điền chèo qua bến Xóm Bột thôn Xuân Lai
     Tôi là đứa cháu ở xa quê nội tôi nhất vì tôi sinh ra từ quê ngọai Quảng trị trước ngày hiệp định Geneve chia đôi đất nước một năm. Hình ảnh một thời bé thơ đã khắc sâu trong tiềm thức nhất là những dịp Tết cũng là ngày giỗ Cố (lớp của tôi gọi là ông CAO hàng năm đúng vào mồng 4), ba tôi thuờng đem tôi theo mỗi dịp về Truồi . 
hình xưa : xe đò hãng Tiến Lực Đà Nẵng chạy suốt Quảng trị- ngang cầu Truồi năm 1965
   Xe dừng ngoài đường cái quan và con đường cái  vô làng không xa lắm,  tôi  đi một lúc thì đến bến đò Xuân lai thôi.  Con đường qua đình Bàn môn,  tôi còn nhớ  hình ảnh mấy căn nhà lợp ngói âm dương  nằm im lìm sâu sau mấy cây dâu Truồi  trĩu trái. Nhà ai đó còn  có cả vườn chè xanh ngắt nằm trước sân nhà . Chè xanh và dâu hai thứ cây  này vẩn in đậm trong trí nhớ non nớt của tôi . Cũng như sự nao nức của đứa cháu  từ xa về quê nội, tất cả cảm giác xưa kia sao vẫn còn mãi trong tim .


thuở 1960s khi vô thăm ÔN,  tôi hay qua ngôi đình làng Bàng Môn này rồi mới đến Xuân Lai gần sông  Cảnh cũ người xưa giờ đâu thấy?  


 dâu Truồi nổi tiếng ngọt 
   Theo lời ba tôi kể lại Ôn tôi ít đi đâu,  suốt  đời bên cạnh mệ , cạnh cái bến đò chèo qua bên kia là chợ Lộc Điền,  cái chợ không bao giờ vắng mấy cái bánh bột lọc gói của mệ tôi bán đó đã mấy chục năm. Còn Ôn tôi làm ông Từ, lo huơng khói quanh năm săn sóc cho cái miếu âm hồn trong thôn xây  lâu đời  cạnh  sông Truồi tháng ngày êm ả trôi về đầm Cầu Hai cách làng một khoảng không xa. Ôn tôi bên bà con làng xóm- người hiền từ đôn hậu nên xóm làng ai ai cũng thưong mến cả.
  Vào thăm Truồi tôi hay được nằm ngủ cạnh ông nội trên bộ ngựa đen bóng đó . Cái đòn gỗ cứng ngắt Nội tôi lại làm gối kê đầu là hình ảnh lạ lùng đối với thằng bé như tôi . Nửa đêm, Ôn cứ xoa xoa đầu tôi,
   -cha mi nờ !cha mi nờ !
 nưng nịu thằng cháu nội ở xa về thăm Ôn chỉ hai ba ngày là cùng .  Tôi nằm im cho Ôn xoa đầu , giả bộ ngủ, một cảm giác êm dịu, trìu mến khó quên . Tôi sinh ra đời và lớn lên gần ngoại, nhưng ngày đó thì ông ngoại tôi đã mất chỉ còn mệ ngoại 'hủ hỉ' với đứa cháu ngoại đầu tiên của mệ thôi .  Tôi ở xa Nội , đó là lí do cứ mỗi lần tôi vô  Truồi thì cả nhà nội tôi 'cưng' tôi, tiu tít với tôi . Con chú  tôi đông , ai cũng gần Ôn cả . Duy mấy anh em tôi là xa nhất.  Ba tôi làm việc xa, sau hiệp định Geneve làm việc lanh quanh mấy quận của tỉnh Quảng Trị . 

    Sáng  ngày tôi được nội tôi ưu ái cho ăn chung.  Hai ôn cháu ngồi ăn bữa trưa được dọn trên cái mâm gỗ tròn , cũ , ở bộ ngựa đằng đông . Thím Luông, vợ đầu chú tôi suốt đời bên Ôn; phận dâu con ngọt ngào hiền thục . TÔi nhớ  tô cá hanh' kho ám', ÔN tôi ưa ăn; ngoài ngoại tôi chẳng hề thấy kho kiểu này . Mỗi lần vô Truồi tôi lại thấy ôn tôi ăn cá hanh 'kho ám'.  Cá mới mua từ chợ Lộc điền, những con cá vừa được lưới lên từ dòng sông  êm ả trôi qua bến đò Xuân Lai . Tô cá kho nước trong vắt , vài lá hành nổi trên , thật đơn giản . Lúc này tôi là đứa cháu 'duy nhất' được ngồi ăn chung với Ôn .  Tôi nhớ lại hình ảnh hai Ông cháu ngồi ăn chung năm đó  tôi  mới biết ÔN thương tôi - đứa cháu ở xa ngoài vùng địa đầu giới tuyến .
   Chú Tương tôi làm xa lâu lâu mối về nhà. Mệ tôi lưng mỗi lúc mỗi còng thêm việc nhà thím Luông tôi, dâu đầu quán xuyến hết . Hình ảnh mệ tôi hè về vẫn qua lại chuyến đò ngang qua chợ Lộc Điền.  Tan chợ về, cái ướm đen mệ tôi mặc, lo bột, gạo cho buỗi chợ sáng mai .  Lưng Mệ cong lần theo năm tháng "gạo chợ nước sông", tảo tần nuôi sống gia đình làm tôi xúc động. Mệ tôi người Thanh Quít,  Quảng ngãi, 'biền biệt ly hương' theo chồng ra tận quê Truồi xứ Huế từ những năm đầu thế kỷ hai mươi.  Mệ ra đi không một lần nhắc đến quê nhà Quãng Ngãi, mù mờ trong trí nhớ tôi ngoài giọng nói của Mệ tôi thôi .   Năm 1972 Mệ tôi  ra đi trước ÔN tôi để thân xác lại quê chồng .  Khi tôi chạy loạn đến tận Mỹ Tho , tôi lại là đứa cháu phuơng xa có được ưu tiên có 1 vé máy bay từ Sai Gòn ra về đến Xuân Lai,  may thay về đến quê Truồi  linh hài linh Mệ cũng sửa soạn ra cửa.

    Và 1975 ! thời thế đổi dời - ba tôi chú tôi và ngay cả tôi cùng bao nhiêu người tất cả đều ra đi cải tạo Ôn tôi ngày ngày ngồi bên bến Xuân Lai thuơng nhớ cháu con chưa có ngày về. Biết bao gia đình trong thôn xóm cũng giống hoàn cảnh nhà ÔN, thiếu bóng đàn ông-- những cánh tay đắc lực nuôi sống gia đình.  Và biết bao gia đình,  phận đàn bà sau cuộc đổi dời "cánh cò lặn lội bò sông " gánh gạo nuôi chồng. 
 DI ẢNH ONG MỆ NỘI(1890-1972)

 Một ngày trong năm 1976 khi tôi còn trong 'trại Ái tử', bạo gan làm liều cởi lốt áo tù tạm một ngày đánh liều vào Huế thăm Truồi. Chuyến đi "bất họp pháp" này chỉ 'du di' trong 1 ngày khi tôi đã có sẵn gánh cũi dấu sẵn gần trại 4 Ái tử chỉ đi Truồi ra là gánh về trại lại thôi. Sự sắp đặt nhiệm mầu nào xui cho tôi vào lại Truồi rất sớm.  ÔN tôi ngồi thui thủi bên bờ xóm vắng , người đang phụ con cháu cạo đống sắn cạnh nhà để kiếm thêm mắm muối cho thím tôi. Ba tôi, chú tôi và ngay cả tôi ai cũng bị đi 'cải tạo' , kẻ bắc người nam tất cả đều 'ra đi' . Cả nhà vắng hết, tôi biết ÔN buồn lắm . Cảnh đời ly loạn, cảnh nhà ai ai cũng đổi thay theo. Hai ÔN Cháu ăn bữa trưa hôm đó. Thiếu gạo, thím tôi phải quậy thêm bột lọc thay cháo.  Có ngờ đâu đó là bữa ăn cuối cùng giữa hai ÔN cháu. Sau này tôi được biết khi tôi ra 'cải tạo' tại Lòng Hồ SÔng Mực Thanh Hóa 1977 thì ông tôi mất. ÔN mất không thấy mặt hai người con trai, tức ba tôi và chú tôi, và ngay cả thằng cháu nội ở xa như tôi, cho ÔN xoa đầu như ngày đó .



   Ba tôi có kể cho tôi nghe rằng, xưa ÔN trồng hai cây phượng vĩ để ghi nhớ hai người con trai là ba tôi và chú tôi. Sau này lớn lên, mỗi dịp xe chạy qua cầu Truồi , tôi hay ngó về hạ lưu nhìn tàng phượng dỏ nghiêng bóng bên sông . Cái bến đò thân thuơng, cái miếu quanh năm thâm nghiêm vắng vẻ, có tàng cây phượng vĩ che chở ấm êm,  và sau hết là nhà ông mệ tôi gần đó, chỉ vài bước thôi là bến nước ngó qua cái chợ cũ có tên Lộc Điền . Sau khi có thêm cái cầu mới bắc qua sông Truồi, tầm nhìn lùm phượng vĩ đỏ ối kia lại càng rõ hơn thêm.  Khi bóng ÔN vắng rồi, nhất là sau này khi ba tôi cùng chú tôi lần lựơt 'ra đi'   hai cây phượng gần cả trăm năm cũng lần lượt 'nối bước đi theo ' những người 'khuất mặt' ?  Lớp cháu con qua sông nay chỉ còn thấy một khoảng trống cô đơn bên bến vắng . Thời đại đổi thay, những chuyến đò ngang cùng ông lái đò nay cũng không còn . Phải chăng đò cùng theo số phận hai cây phượng vĩ , Nội tôi , ba và chú thím tôi... tất cả đều 'rũ áo trần gian'  ?

 miếu xóm Ôn tôi ,xóm Bột thôn xuân lai bến đò qua chợ Lộc Điền

Đất hẹp người đông , con cháu làng Truồi lần lựot tạ từ đất cũ  vào nam lập nghiệp. Thế hệ sau này đang hi vọng một cuộc sống sung túc hơn ở phương nam  .  Con cháu ra đi đã để lại phía sau để bao kỷ niệm vui buồn.  Thế hệ này sẽ giã từ ngọn núi Truồi, khởi nguồn cho một dòng sông êm xuôi về phía hạ lưu, những triền đất đầy hoa sim dại , mấy lũy tre nghiêng bóng trước khi trôi qua cầu đen trui trủi cùng cái chòi canh xây từ thời Pháp thuộc . Riêng tôi, đứa cháu xa quê khi nào cũng hoài niệm về Truồi hình bóng ÔN MỆ bên cái miếu thâm nghiêm cùng một bến đò u tịch.

đinh trọng phúc
                                                           con chau nam 2015
LỌC BỘT TẠI BẾN XUÂN LAI YOUTUBE 6/2012
youtube cua Dinh thi Hiep 

==================================================================

 THEO BA kể thì bà nội của ba tôi là người hoàng phái tại Huế sau này sinh ra các bác ông và ông nội của chúng ta thì về Truồi . BỞi vậy người mà ông Nội chúng ta kêu là CẬU , tức có họ Tôn Thất (phía ngoại của Ông Nội va ngang hang voi me cua Ong Noi )
THời Pháp , có người vào Sài Gòn lập nghiệp làm nhà máy in TÔN THẤT Lễ trong Sài Gòn giàu có vào thời đó . Do có bà con , năm 18 tuổi ba chúng ta mới vào SG vì có cậu Tôn thất Lập của ông Nội [tuc ba keu la Ong ] là nhà in Tôn thất Lập to lớn ,khá giả trong đó . Khi ba tôi vào SG thời Pháp và thời ông DIệm thì có liên lạc với O Dinh thi Luyến con của ông Nội nhưng khác mẹ của Ba và chú tôi . O Luyến có thể lớn hơn o Dinh thi Cháu vì o Luyến là vợ trước của Ôn nhưng sau này sao mà lương duyên không thành >>>
O Dinh thi Luyến có người con hồi đó là thiếu úy VNCH (anh còn nhớ ba kể lại ) . Trong gia đình ngoài Qt hồi 1960 còn giữ hình O Luyến , O ngồi bên cái bàn , áo dài chụp kiểu ảnh chân dung cho con cháu ...[ anh Phúc còn nhớ sau này cái hình đó mát rồi . ]
NHư vậy nhánh Tôn Thất theo ba kể là bà nội của ba là hoàng phái đó tức là mẹ của Ông Nội .
Giờ chắc Ái và con chú Tương ngoài Truồi có biết , phải sao lục lại cho con cháu .
[tấm hình ba tôi thời 18 tuổi vào Sài GÒn tìm cậu ông Nội tên là Tôn thất Lập hay Nhà in Tôn thất Lập nổi tiếng lớn tại Sài Gòn thời Pháp  ]


Loi Ghi Chep tu Anh Em ...
1-Dinh trong Binh:
Anh Hoa Lư Đinh kể lại đúng đó, mẹ của Ông Nội (Cố Bà) người hoàng Phái, gia tộc hiện còn sống ở Truồi, ngày xưa Chú Tương còn sống thường đến dự đám giỗ. Hiện anh Tôn Thất Tánh (gọi em bằng chú, có nghĩa là ba anh Tánh cùng ngang hàng với anh em mình) đang sống ở Cam Ranh, khi ba anh Tánh còn sống Ba mình có ghé thăm, ông ta lấy chị của Đại Tướng Lê Đức Anh, khi gần chết ông ba anh Tánh tự động về Truồi một mình trong nhà không ai biết, ông đi tàu Thống Nhất nhưng ông xin lái tàu cho xuống ga Truồi, khi xuống ga ông nhờ người về làng nhắn bà con đem ông về và ông chết ở Truồi. Con cái của ông sống ở trong này nên hằng năm đám giỗ trong này, năm nào em cũng xuống dự, gặp mặt đầy đủ. Tuổi em nhỏ nhưng các vị đó vẫn gọi em là chú, con cái họ gọi em là Ôn và cháu họ gọi em là Cố.


No comments:

Post a Comment

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...

CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...