Friday, August 6, 2010
Nguyễn Hoàng Du Lịch Mexico 2004
Hồi ký / Trần túy Huệ[/b](NH 65-72)
“Huệ ơi!sắp tớI Nguyễn Hoàng họp mặt ở Nam Cali Huệ có muốn đi không?”
Cú điện thoại của cô bạn cùng trường làm tôi nôn nao vì nghe nhiều người đã có ghi danh tham dự và sau đại hội còn du lịch sang Mể nữa.
Từ ngày qua Mỹ đến nay vợ chồng tôi chưa có dịp đi đâu xa cả vì lũ con còn lúc nhúc tí teo. Nay ngồi ngẫm lại chuyện nhà, đứa lớn xong năm thứ ba đại học, đứa kế mới hết năm đầu, thôi thì cũng tạm sắp xếp mà đi một chuyến để hai vợ chồng có dịp sống bên nhau. Rứa là tôi quyết định ghi danh tham dự. Phương tiện đi là mối ưu tư đầu tiên, cũng còn may vì có anh chị Tình và Khuê rủ hai vợ chồng tôi đi theo cùng chung xe của anh chị cho vui vẻ dọc đường, rủi một điều trước khi lên đường ông Xã tôi vì một chút bất cẩn bị gãy xương ở bàn tay phải, đáng ra phải đi bác sĩ nhưng ngại thủ tục nhiêu khê của mấy phòng mạch làm trễ chuyến đi nên đành phải dán Salonpas tạm thời cho đỡ nhức để lên đường nên suốt lộ trình xuôi nam ông xã tôi không thể phụ lái cho anh Khuê, ông xã chị Tình được. Trước khi đi tôi đã liên lạc với mấy người bà con và bạn bè dưới đó. Bạn dưới đó có Hiến, ông bạn học từ đệ thất lên đệ tứ, sau ngày ‘cải tạo’ về, Hiến lại là phụ rễ cho đám cưới nghèo của hai vợ chồng tôi. Thế mà hơn hai chục năm rồi giờ mới có dịp gặp lại người bạn thân thiết đó. Xe chúng tôi khởi hành lúc năm giờ chiều thứ Sáu nhưng đường kẹt xe khiến đến mười một giờ khuya chúng tôi vẫn chưa đến Westminster được. Tội nghiệp bạn Hiến vì sợ chúng tôi lạc đường nên cứ liên lạc phôn canh chừng mãi. Lòng vòng quanh quất xe chúng tôi tới được nhà Hiến thì đã hai giờ sáng. Tội nghiệp Hiến cứ cầm đèn pin, lăng xăng vô ra ngõ đợi mãi. Vợ chồng Hiến đã sắp xếp chổ nghỉ sẵn từ lâu, anh chị Tình vì quá khuya nên không về nhà bà con được nên Hiến cũng mời ở lại luôn. Lâu năm bạn bè mới gặp nhau đúng ra phải thức trọn đêm để nói chuyện nhưng ngày mai đại hội phải ngủ dưỡng sức không thì ngày mai gương mặt phờ phạc khó coi lắm. Đặt lưng xuống giường tôi cố dỗ giấc ngủ đến thật khó, giống như một chuyến lãng du thật xa.
Rứa là trong trí tôi hiện lên cái thuở ấu thời còn cắp sách tới trường nơi quê cũ, những ngày thơ dại đẹp và ngây thơ tựa trang giấy trắng. Thầy Cô xưa, bạn bè cũ lần lượt từng khuôn mặt hiện lên trong hồi tưởng chầm chậm từng người, kỷ niệm thiếu thời nào cũng dễ thương, cũng đáng nhớ, đáng trân trọng nhưng thời gian quái ác thì cứ xồng xộc qua nhanh.
Trời vừa rạng sáng chúng tôi đã dậy lo vệ sinh trang điểm. Anh chị Khuê Tình phải từ giã sớm để hội ngộ trước với nhóm bạn Đông hà. Vợ chồng Hiến đã dậy từ sớm để lo bữa điểm tâm bằng nồi bò kho thật đặc biệt do chính tay bà Xã Hiến nấu lấy, còn Hiến từ rạng sáng lái xe tới tận lò mỳ mua cho được mỳ mới ra lò thật nóng. Mới ăn sáng xong thì anh Điềm bà con của Hiến cũng từ San Diego lên đến nơi. Bà xã Hiến chu đáo nhờ một bà giữ trẻ tới tận nhà để giử mấy đứa con, tạo điều kiện cho Hiến có một ngày rộng rãi gặp thầy cô bạn bè. Địa điểm đại hội mở tại một nhà hàng khang trang ở đường Lincoln.
Mới tới nơi chúng tôi đã thấy lố nhố thật đông người trước nhà hàng, tay bắt mặt mừng, nói cườI tíu tít, không hiểu người khác đang ở trạng thái nào, riêng tôi thì nôn nao khôn tả vì đây là giây phút mình sắp gặp lại thầy cô, bè bạn. Chuỗi thời gian ba mươi hai năm ròng rã lìa xa trường cũ giờ không biết mình sắp được gặp khuôn mặt thân quen nào của vùng trời xa xưa Quảng trị đây? Ngoài Hường đã hẹn tôi từ trước, tôi mang một tâm trạng nao nức đó cố len vào trong đám người đông đúc, huyên náo nói cười, những khuôn mặt lạ mà quen. Lạ vì họ giờ đã là quí phu nhân của quí ông tóc bạc hoa râm, mắt đeo kính lão. Quen vì trên nét mặt họ bàng bạc một chút gì thân thương của quê hương Quảng trị. Trên những vầng trán hói, những mái tóc điểm sương, tôi vẫn còn nhận ra một chút gì hơi hám Nguyễn Hoàng chưa thể phai nhòa. Học sinh NH hết cả đó, tôi tự nhủ và càng thấy xúc động vì những mái đầu kia đã một thời tóc xanh của buổi hoa niên với bao giấc mộng vá trời lấp biển hay bình dị đời thường.
Thấy đâu đó một giọng cườI quen quen, tôi chợt nhìn quanh. Ơ kìa chị Thạnh! ThờI gian cũng chưa làm tôi quên được tiếng cườI trong trẽo của chị Thạnh. Qua đôi mục kỉnh chị hướng khuôn mặt mừng rỡ hướng về phía tôi.
-Đứa mô rứa?
-Em nì, Túy Huệ nì.
Chị Thạnh nhào tớI ôm lấy tôi, cả hai ngườI quá vui quên cả chuyện va vào ngườI khác.
-Mi đó ờ, rứa mà con ‘mạ LợI’ không chịu đi.
Quanh tôi ai ai cũng nháo nhác tìm nhau, nhíu mày nhận diện rồI ôm lấy nhau như nghẹn như ngào, thắm thiết lẫn xúc động. Cảm giác chung nhất là thế, chụp hình lưu niệm, í ớI gọI nhau
“Tau bên ni, mi đứng bên nớ tề” rộn ràng sắp chổ, tớI tớI, lui lui.
Sau khi ghi tên để vào đạI hộI, tôi vẫn cứ xáo xác ra vô tìm cho ra những mặt thân quen của mấy thầy bạn. Cô thầy dạy tôi không có ai trong buổI hộI ngộ này, đám bạn cùng lứa chỉ có hai vợ chồng tôi và Hiến. Hường, con bạn học chung từ lớp nhất cho đến đệ lục, có hẹn từ trước vẫn chưa thấy tới. Cô Ngọc Lan dạy quốc văn hồI tôi lớp đệ ngũ nghe nói cô sẽ có mặt sao tôi cũng không thấy?Tất cả ra sao? Có còn là Hường thân ái ngày xưa, có còn là cô Ngọc Lan duyên dáng, thân tình thuở nào hay thờI gian đã thay đổI mọI điều.
Phòng hội rộng rãi và trang trí thật đẹp. Tất cả đều vào bàn thế mà tôi chẳng thiết gì ăn uống cứ ngóng ra cửa mong thấy bóng dáng bạn Hường đến chưa?Ơ Hường tới rồi, Hường tới với một đám đông bạn Đông hà nữa. Hường mới gằp tôi hơi khựng lại, tôi đoán biết, hồi chơi với nhau chúng tôi chỉ là hai con bé 14-15 tuổi, giờ thì đứa nào cũng ‘trung niên nữ nhân’ sao mà không ngỡ ngàng cho được. Chỉ vài ba năm chúng ta cũng thấy thời gian đủ có một quá trình biền đổi của nó huống hồ ba mươi năm một chặng đường quá dài chúng ta khó mà tìm lại được tâm trạng hay cảm giác thuở xưa. Hồn nhiên tuổi nhỏ đã không còn nữa, gặp nhau giờ đã hay sắp sửa làm bà nội hay ngoại cả rồi, chào nhau cũng trong chừng mực của giao tế mà thôi.
Bây giờ đến lúc đại diện NH nam Cali lên giới thiệu chương trình đại hội, thầy cô thân hữu gần xa. Tiếp đến là những màn văn nghệ, các cháu thế hệ thứ hai phát biểu , giúp vui. Đặc biệt nhất có phần xổ số trong đó có mấy phần quà của NH bắc Cali mang xuống phụ vào. Chị Diệu Minh từ Canada cũng theo chồng sang tận đây góp mặt trong ngày đại hội. Cuộc vui cứ thế mà kéo dài cho đến chiều, còn những ai ngày mai đi du lịch Mể thì về sớm hơn để sửa soạn cho chuyến đi. Về đến nhà Hiến thì vợ chồng tôi được Hiến chở đi thăm Little Saigon. Nhưng trước hết Hiến chở chúng tôi thăm khu Tượng đài chiến sĩ vì nhà Hiến ra khu tượng đài rất gần. Trời chiều dịu nắng, hai bức tượng chiến sĩ Mỹ -Việt sừng sững uy nghi mới xây lên thời gian gần đây, xung quanh hoa lá rất đẹp. Tôi xúc động nhớ về một thuở oai hùng của người chiến sĩ VNCH mà có lúc lắm kẻ ngưỡng mộ, hoặc ấp ủ mộng sông hồ, giờ chỉ còn hai bức tượng đồng đứng ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’. Sau khi chụp lưu niệm vài tấm ảnh ở đây, tiếp tục chúng tôi ra thăm khu Phước Lộc Thọ. Trời đã xế chiều, khu chợ lúc này khách đă vãn. Khu này bán đủ thứ, đặc biệt có rất nhiều cửa hàng vàng bạc. Chúng tôi đứng trên tầng hai của chợ, nhìn bao quát xung quanh thấy đa số là khu buôn bán của người Việt nó chạy dài theo suốt cả con đường Bolsa.
Ngày mai Hiến không thể đi Mể được vì bốn đứa con còn nhỏ. Eo ơi! tôi cứ tưởng chỉ có hai vợ chồng tôi có con muộn té ra Hiến có con còn muộn hơn chúng tôi nữa. Hiến có 4 ‘hoàng tử’ mà ‘hoàng tử’ đầu mới 12 tuổI trong lúc con gái út của tôi năm nay đă lên 10 rồi, thế mà ‘nàng’ còn nũng nịu theo mẹ suốt ngày huống hồ gì là bầy con của vợ chồng Hiến.
Sáng Chủ nhật cả nhà dậy thật sớm, vợ chồng Hiến đã chu đáo nấu sẵn một nồi cháo lòng nóng hổi ngon lành. Hiến ép vợ chồng tôi và anh chị Huế và các con mới ở lại đây hôm qua tất cả ăn no nê để lên đường. Bà xã Hiến thật chu đáo và tế nhị, biết giúp chồng lo trọn vẹn tình bằng hữu nên tôi thầm khen Hiến thật có phước, khi có được người vợ hiền hiểu được ý chồng. Xong xuôi tất cả đều lên một xe để Hiến chở ra bến xe du lịch. Chúng tôi ra tới nơi té ra còn sớm hơn nhóm NH khác nhiều.
Khoảng non một tiếng đồng hồ sau, các thân hữu NH mới tập trung đông đủ, chuyến du lịch này chúng tôi may mắn đi chung một xe. Ai ai cũng lo sẵn passport lên xe để sang thăm xứ ‘đấu bò’. Duy nhất chỉ có gia đình bạn Hậu vì quên giấy tờ nên cả nhà đành phải ở lại không đi Mể được. Lần lượt chúng tôi qua mấy nơi như ‘tour guy’ đã giới thiệu khi mới lên xe. Nói chung thì không có gì đặc sắc lắm. Có vui là câu chuyện sau khi coi đua chó xong, ai cũng hỏi nhau “có ăn chó không?’ nghĩa là mua vé có mang số con chó về nhất không?chớ không phải là ăn thịt chó. Tối lại, tất cả chúng tôi được ở lại một khách sạn, thầy Lê nghiêm Kính, manager của tour đã sắp xếp trước: vợ chồng nào đi đủ cặp thì ‘ưu tiên’ cho ở một phòng riêng mà thôi và thầy còn ‘ân cần’ dặn thêm là cố gắng làm sao sau đêm xứ lạ mấy cặp ‘ông nội bà ngoại’ ráng ‘bòn’ cho được ‘một cu tý’ làm kỷ niệm, nghe thế ai cũng không nhịn cười được. Vào khách sạn xong, chúng tôi ai cũng lo tắm rửa rồi vội xuống tầng dưới kiếm gì ăn tối. Trong gian hàng làm restaurant của khách sạn giờ nhìn quanh chỉ là NH cả không có ai khác. Đêm đó tội nghiệp mấy chú waiter và chef cook người Mể chạy muốn ‘hụt hơi’ mà không kịp cho mọi người vì ai cũng quá đói bụng sau một ngày ròng rả. Tuy bụng đói nhưng cài gì ở đây cũng dở, món beef steak nghe nổi tiếng thế mà hai vợ chồng phải cố gắng nuốt cho qua cơn đói mà thôi.
Vui nhất là ngày thứ hai, không phải vui vì những nơi tới thăm mà vì không khí văn nghệ và tâm tình cởi mở trên xe. Anh Trần minh Châu (Colorado) được đề cử làm MC, ai cũng hăng hái hát ca,kể chuyện, tâm sự. Tiếng cười tiếng nói tiếng vỗ tay rộn rã suốt cả chặng đường. Quá khứ thơ mộng với những hoa khôi một thuở như chị Gòn, chị Minh, chị Vinh…được các thầy khơi lại, hay có thầy được lên cầm micro có dịp xưng tụng vợ hiền. Có những giây phút chạnh lòng khiến có ‘trang hảo hán’ cũng không cầm được nước mắt. Ai cũng xao xuyến nghĩ đến hiện tại, lớp tuổi tóc đã hoa râm để càng vui vẻ với nhau thêm được chút nào càng hay chút đó vì biết rằng chiếc xe đang chuyển hướng về Mỹ quốc có nghĩa thầy trò bằng hữu sắp sửa chia tay mai đây chắc gì còn tái ngộ?
Về lại Little Saigon thì trời đã quá chiều, thế là hết hai ngày du lịch . Mọi người cứ ôm nhau, nắm chặt tay nhau bịn rịn không muốn rời. Trước khi xuôi ngược mỗi người một ngả, tất cả đều không quên chụp chung vài tấm hình lưu niệm, mai đây chắc hẳn mấy tấm hình đó sẽ quý vô cùng.
Thế là vợ chồng tôi lại phải ở lại thêm tại nhà bạn Hiến một đêm nữa. Vừa rạng sáng xe anh chị Khuê Tình đã tới đón chúng tôi để cùng nhau về lại San Jóse. Bạn bè bịn rịn chia tay, hẹn ngày tái ngộ, ngậm ngùi lưu luyến. Nhưng chúng tôi cũng mừng vì còn gặp lại nhau nơi xứ lạ quê người. suốt đường về, con đường như ngắn lại, chuyện trò với nhau trên xe một hồi, như mỏi mệt tôi nhìn qua cửa xe, núi đồi mây núi chập chùng. Tôi cố dỗ giấc ngủ nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn hơn để từng khuôn mặt lướt qua trong đầu. Tình bạn chân thành của bạn Hiến, sự vui vẻ dễ mến của anh chị Khuê Tình. Chị Diệu Minh, mái tóc bạch kim kèm giọng nói dịu dàng như một bà tiên. Chị Mỹ Lệ vớI những bài hát của Trịnh công Sơn còn âm vang trong đầu. Chị Thạnh nụ cườI tươi vui, nét phúc hậu của chị Quỳnh Hoa. Giọng ngâm thơ của Học, bạn của‘mệ ngoại’ dáng vẫn trẻ trung.
Tôi cũng không quên vợ chồng Hường và sự hăng hái mua sắm mấy món quà xứ lạ, thật chu đáo khi Hường về lại Geo rgia những món quà kỷ niệm cho bầy con đang đợi và bạn bè lối xóm. Vợ chồng anh Huế cùng mấy đứa con thật ngoan và còn nhiều, nhiều nữa đã đi theo ký ức tôi sau cuộc hành trình.
San Jose- thanks giving 2004
Túy Huệ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ...
CHUYỆN CÁI RẪY KHỔ ĐAU VÀ NHỚ THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI EM VỢ ... Thôi đúng rồi! Ngọn lửa bốc lên từ đằng cái khe nhỏ nơi những thợ săn Tân Thắng...
-
Tricastin là nhà máy điện hạt nhân trong số 59 lò của Pháp Tất cả cung cấp tới 75% điện năng cho toàn nước Pháp. NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN HOẠT ...
-
Mạ tôi kể tôi sinh ra ngày 21 tháng 5 AL năm QUý Tỵ như thế tra cứu lại đúng là ngày 1/7/1953 Sau vài tháng được mệ Ngoại giữ cho mạ tôi ...
-
hình chụp năm 2000: đò từ chợ Lộc Điền chèo qua bến Xóm Bột thôn Xuân Lai Tôi là đứa cháu ở xa quê nội t...
No comments:
Post a Comment