Lời nói đầu: Bình Tuy trước năm 1975 là một tỉnh rất nhỏ nằm về phía Bắc của Vùng 3 Chiến Thuật, tuy là tỉnh nhỏ nhưng không phải dễ ở! Bằng chứng chỉ trong có 4 năm (1971 1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là đại tá và 3 vị là trung tá. Ngoài ra trong mùa hè đỏ lửa 1972, khoảng 20 ngàn đồng bào nạn nhân chiến cuộc Quảng Trị (gồm 3 quận Gio Linh, Cam Lộ và Ðông Hà) đã vào định cư ở Bình Tuy (1972 1975), Hiện nay tại Song Thành Minnesota có rất nhiều gia đình quê quán Bình Tuy hay Quảng Trị thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ 3 sinh sống & làm việc ở Minnesota.
Tháng 6, 2012
Hoàng Thân Vinh***
Ðịa danh Bình Tuy có lẽ ít người biết đến vì nó chỉ là một tỉnh nhỏ trước tháng 4/1975 thuộc vùng 3 chiến thuật, đây là một tỉnh tân lập được chính quyền thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lập nên, vào năm 1957 với vị tỉnh trưởng đầu tiên là Thiếu tá Lê Văn Bường. (khác với ông dân biểu cũng tên Bường, người gốc Quảng Bình).
Ông Lê Văn Bường trước đó là đại úy quận trưởng quận Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Bình Tuy chỉ có 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh và Hoài Ðức với dân số của Tỉnh chỉ chừng hơn 70 ngàn người, trong đó hơn 10 ngàn là dân tộc ít người phần lớn ở quận Tánh Linh. Ông Bường được vinh thăng thiếu tá và được bổ nhậm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng tỉnh Bình Tuy. Về mặt địa lý, phía Bắc giáp tỉnh Phan Thiết, phía Nam giáp tỉnh Long Khánh, phía Tây giáp tỉnh Lâm Ðồng, và phía Ðông dĩ nhiên giáp biển Ðông. Thế mạnh của tỉnh là Lâm nghiệp và Ngư nghiệp (vì tỉnh có nhiều rừng và giáp bờ biển). Ðất đai thổ nhưỡng nói chung, không tốt lắm, như khu rừng lá (lá dùng để lợp nhà) mọc hoang dài dọc theo quốc lộ số 1, chừng 30 km, không cây nào khác mọc được, nên nông nghiệp còn yếu. Vì là tỉnh tân lập, nên có chừng 50% là dân địa phương và 50% là dân tứ xứ qui tụ về, như quận Hoài Ðức với 4 xã Vỏ Ðắc (quận lỵ) Vỏ Xu, Sùng Nhơn và Hiếu Ðức, quận này có con sông lớn La Ngà chảy qua, sông La Ngà phần thượng nguồn sau khi chảy băng qua Quốc lộ số 20 (ở đoạn cách ngã ba Dầu Giây chừng 33 Km) chảy qua tỉnh Long Khánh rồi về tỉnh Bình Tuy. Xã Vỏ Ðắc có một phần đất đỏ thích hợp cho cây công nghiêp, dân chúng phần nhiều ở Quảng Nam Quảng Ngãi vào định cư lập dinh điền từ thời đệ I Cọng Hòa của Tổng Thống Diệm. Quận Tánh Linh nghèo nàn, quận lỵ nằm trong xã Lạc Tánh, còn 3 xã khác là Duy Cần, Huy Khiêm và Hiếu Tín, có một số buôn làng dân tộc thiểu số (đồng bào Thượng). Quận Tánh Linh lâu rồi có một trận chiến ở Ấp Ruộng gần nhà thờ Công Giáo làm chết 2 phía giao tranh rất nhiều nhân mạng! Có thể nói Tỉnh Bình Tuy ngoài dân địa phương còn dung nạp 4 sắc dân có chữ đầu là Quãng (Tứ Quãng bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Bình, nếu nói thêm tỉnh tân lập thời Tổng Thống Diệm là Quãng Tín thì đúng là Ngủ Quãng). Riêng Quận Hàm Tân (Tỉnh lỵ), Hàm Tân là 1 trong 3 địa điểm tập kết của Cán binh Cọng Sản để trở ra Bắc, theo qui định của Hiệp định Genève ký 20 tháng 7, 1954, 2 địa điểm tập kết kia là Bình Ðịnh và Cà Mau, không biết trên thực tế CSBV còn để lại bao nhiêu cán binh hoạt động nằm vùng ở đây mà không tập kết ra Bắc! Quận Hàm Tân có nhiều đồng bào gốc Quảng Bình vào đây lập nghiệp trong thời TT Diệm, họ là những người cần cù chịu khó làm ăn, đa phần theo đạo Công Giáo, sống hòa hợp thích nghi với người dân địa phương một cách hài hòa tốt đẹp! Một con sông thứ 2 tuy không lớn nhưng khá quan yếu, có tên là sông Dinh chảy từ hướng Tây băng ngang qua Quốc lộ số 1 rồi chảy về hướng Ðông, sông này được các khe suối chung quanh góp nước trên đường đi rồi chảy ra biển Ðông, sông Dinh chỉ có nhiều nước vào mùa mưa, còn mùa khô hạn rất ít nước có khi cạn trơ thấy đáy! Trước khi ra biển Ðông chừng 2 Km, sông uốn khúc chảy qua gần Tòa Hành Chánh tỉnh, và gần đó có xây một con đập chắn ngang, gọi là đập Ðá Dựng, để giữ nước dùng cho nhà máy nước sạch ở đây, cung cấp nước cho tỉnh lỵ cũng như thị trấn Lagi, nghe đâu cũng vì đập Ðá Dựng và nhà máy nước sạch (cung cấp nước) này mà tỉnh trưởng đầu tiên của tỉnh ông Lê Văn Bường bị án tử hình! (Sẽ nói ở đoạn sau). Cách tỉnh lỵ chừng 4 5 Km có một phi trường nhỏ với phi đạo ngắn, chỉ sử dụng cho loại máy bay nhỏ đáp, như máy bay cesna chẳng hạn!
Ðầu năm 1971 tôi được cử về làm trưởng ty điền địa tỉnh này, tỉnh lỵ ở gần thị chấn thương mãi Lagi thuộc quận Hàm Tân. Ðối diện trước cơ quan tôi là trường trung học phổ thông cấp 2 và cấp 3 lầu đúc, đẹp bề thế khang trang! Tuy là tỉnh nhỏ ít dân cư, nhưng cũng không phải là dễ ở, bằng chứng là trong 4 năm làm việc ở đây (1971-1975) thay đổi tới 6 vị tỉnh trưởng, trong đó 3 vị là trung tá và 3 vị là đại tá! Trước khi nói về 6 vị tỉnh trưởng trên, xin được nói qua về ông Lê Văn Bường vị tỉnh trưởng đầu tiên của tỉnh tân lập, thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm đâu năm 1961 không biết ông tỉnh trưởng Bường làm việc gì sai trái hay tham nhũng trong việc xây dựng đập Ðá Dựng và nhà máy nước sạch cho tỉnh, mà ông bị kết án tử hình, án chưa thi hành, kịp đến đảo chánh 1 tháng 11, 1963 Tổng Thống Diệm và bào đệ cố vấn Nhu bị giết chết, ông Lê Văn Bường trốn thoát và nghe đâu qua sống lưu vong bên Cambodge, đâu cuối năm 1972 hay đầu 1973 ông có về lại Bình Tuy (tôi gặp ông duy nhất 1 lần ở Chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Tuy dưới tên mới là ông Tôn Thất Bình). Sau lần gặp đó đâu chừng 1 năm, được tin ông mất vì tai biến mạch máu não (stroke), do bà Th X. nói như vậy! Sở dĩ ông Bường về lại Bình Tuy là vì ông có người vợ trẻ đẹp ở đó, bà Vũ thị Th X và có với ông 4 người con, gồm 3 gái 1 trai. (Ông tỉnh trưởng Bường lấy bà Th X. khi tình cờ gặp cô nữ sinh trẻ mới 16 tuổi và quá xinh đẹp trong 1 buổi ủy lạo các chiến sĩ VNCH, sau đó không bao lâu bà trở thành vợ chính thức của ông ta!). Việc này tôi biết rõ vì cô Th. X. có người anh ruột là anh Vũ Phúc Th. là nhân viên trong cơ quan của tôi.
Ðầu năm 1971 tôi về nhận nhiệm sở, ông đại tá Trần Vãng Khoái người Bắc làm tỉnh trưởng, đâu gần 1 năm sau ông đổi về Saigon, Ðại Tá Huỳnh Công Thành thay thế, ông này lớn tuổi hơi mập và lùn, đâu giữa năm 1972 ông bị tai nạn rớt máy bay trực thăng phải vào Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Saigon điều trị (nghe báo chí lúc đó nói máy bay bị rơi do đổ xăng ở Phan Thiết trong xăng có lẩn nước, sau đâu chừng 2 tháng thì ông mất!). Trung tá Nguyễn Thọ Lập lớn tuổi tạm quyền tỉnh trưởng (ông này vừa lùn vừa lé, trước đây lúc làm việc ở Hội An Quảng Nam tôi đã gặp ông ta, khi đó ông là trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn 51 biệt lập, Bộ tư lệnh đóng quân cách Hội An chừng 3 4 Km). ông chỉ tạm quyền chừng hơn 2 tháng, vị thứ 4 là trung tá Nguyễn Ngọc Ánh (trẻ khóa 16 trường Võ Bị Ðalat), hiện định cư ở Austin Texas, lúc làm việc ở Austin TX tôi có qua lại thăm viếng ông ta (1994 1996), vị thứ 5 là trung tá Nguyễn Văn Sĩ đang là tham mưu trưởng tiểu khu Bình Tuy được lên thay thế Trung Tá Ánh (ông Sĩ lớn hơn ông Ánh chừng 3 4 tuổi, cả 2 ông tuy nhà binh nhưng trông rất bạch diện thư sinh). Hiện ông Sĩ định cư ở Nam California. Ðâu khoảng giữa năm 1974 thì vị thứ 6 là Ðại Tá Trần Bá Thành thay thế trung tá Sĩ (trước đây đại tá Thành đã là trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 48 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh). Trong buổi tiệc nhậm chức (tống cựu nghinh tân), tại phòng khánh tiết tỉnh, với chừng 30 ty sở trưởng nội ngoại và các trưởng phòng bên tiểu khu, khi nói chuyện về cuộc đời quân ngũ của mình, và nói chơi về tài thiện xạ của mình, đại tá đã dùng súng bắn hơi nòng dài nhắm lên trần béton, đã bắn rơi 1 con thằn lằn đang đậu trên đó rớt xuống sàn! Khách dự tiệc vỗ tay tán thưởng!
Các ty sở trưởng ngoại thuộc như anh Trần Bất Nhựng trưởng ty Công Chánh, anh Lương Thế Bỉnh trưởng ty Kiểm Lâm, anh Ðốc sự hành chánh Chi trưởng ty Xã Hội, tỉnh đoàn Cán bộ XDNT trước là đại úy Linh, sau là anh Bình người Bắc nhỏ con thay thế, sau 4, 1975 hình như anh ở Ngã ba Ông Tạ, và lái xe chở khách loại trung, anh Vũ Ðán Bình hiệu trưởng trường trung học, anh Trang thanh tra ty tiểu học, ông Bùi Xuân Huyến người Huế mập mạp, lớn tuổi làm trưởng ty nông nghiệp có lẽ là người lâu năm nhất ở đây, thiếu tá Hiền người Huế thì làm trưởng ty Cảnh Sát Quốc Gia, sau anh Hiền là trung tá Huỡn người Nam lớn tuổi thay thế, hiện nay 2 anh Hiền và Huỡn đều định cư ở San Jose Bắc California, anh Long trưởng ty cấp thủy, tuy trẻ tuổi nhưng đầu tóc bạc nhiều, sau 1975 đi cải tạo về anh giữ xe đạp ở chợ An Ðông,
Những người làm việc kỳ cựu trong tỉnh trước tiên là ông Trần Thanh Sử người Phan Thiết, phó tỉnh trưởng, đẹp trai hơn tôi chừng 4-5 tuổi, tánh tình dễ thương, các đốc sự hành chánh khác như các anh Diệm mập hơi lé trông coi về hành chánh, anh Anh mập tròn mang kính trắng coi về kinh tế, sau coi về nội an, anh Nguyễn Công X L. coi tài chánh (sau gọi là trung tâm chuẩn chi). Ngoài ra trong Tòa Hành Chánh tỉnh còn có 3 ông là ông Công, ông Tồn và ông Ngưỡng người Huế là lâu đời nhất (chức vụ của 3 ông này cao nhất chỉ là trưởng phó phòng mà thôi!) Như ông Công có nhà ở và buôn bán chạp phô tạp hóa ngay trong chợ Lagi, anh Tồn ở gần nhà thờ Tin Lành, còn như ông Ngưỡng người Huế chẳng hạn, tuy có xây được 1 căn nhà lầu đúc lớn, nhưng phải nói bà vợ ông Ngưỡng cũng tội nghiệp lắm, ngày nào cũng xách giỏ xách bán các món ăn đặc sản Huế như (bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít bánh ram, v.v.) bán đủ 7 ngày trong tuần, đi bộ vất vả từ Lagi lên tỉnh lỵ, vừa rao hàng, vừa bán!
Qua khỏi trường trung học đi về phía biển là trường tiểu học Ðồng Tiến, Cha Hoàng làm hiệu trưởng (cha cũng là sĩ quan tuyên úy Công Giáo bên tiểu khu). Ði xuống nửa là tỉnh đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, đi thêm chừng 50 mét là khuông viên ty công chánh kiến thiết rộng rãi lúc đầu là anh Trần Bất Nhựng làm trưởng ty, sau là kỹ sư Khôi thay thế, anh Tấn đeo kiếng trắng làm phó kiến thiết, anh Sơn làm phó công chánh, sau tháng 4,1975 anh ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật ở Saigon. Còn bên trái trường trung học, đi ngược về phía biển là Ty Tiểu Học, với 1 ông lớn tuổi làm trưởng ty, anh Trang mập làm thanh tra, sau ty tiểu học đổi thành Sở giáo dục, anh Lộc người Huế làm chánh Sở Giáo Dục. Bên tay mặt ty điền địa qua con đường nhỏ, là khoảng đất trống rộng rãi, tới gần ngả 3 đường đi vào Tòa Hành Chánh tỉnh, là trụ sở ty thông tin do anh Lê làm trưởng ty, sau này thay người khác không nhớ tên, đi vào hướng tỉnh, là khuôn viên đất ty điền địa mới, chỉ mới xây văn phòng nhỏ và hàng rào, (dự trù trong tương lai có ngân khoản sẽ xây trụ sở chính sau!). Ði tiếp vào là bệnh viện dân y và quân y hỗn hợp, do B/S Bạch làm giám đốc kiêm trưởng ty y tế, BS Thịnh phụ tá, bên quân đội đại úy BS Minh trông coi. Ði tiếp nửa là trụ sở tòa án Bình Tuy. Qua khỏi tòa án là con đường lớn (ngả 4 này là 2 con đường lớn giao nhau. Qua khỏi ngã tư là trụ sở rộng rãi của cơ quan cố vấn Mỹ tỉnh Bình Tuy. Tiếp theo là Ty Nông Nghiệp, tiếp theo nữa là Văn phòng Ðại diện Phủ Quốc Vụ Khanh Bác Sĩ Phan Quang Ðán, tiếp theo là vị trí đóng quân của chi đoàn thiết giáp (bánh hơi) do Ðại úy Tơ chỉ huy. Còn như ty điền địa hiện hữu chỉ là 1 ngôi nhà tuy biệt lập nhưng nhỏ làm việc chật chội! Từ trụ sở này đi về phía chợ Lagi, bên cạnh là nhà ở của trưởng ty điền địa, kế bên là nhà ở của trưởng ty an ninh quân đội (trước là Thiếu Tá Trí, người Quảng Trị, sau là thiếu tá Hùng người Bắc, thay thế chỗ ông Trí, còn Thiếu Tá Trí ra làm việc ở Phan Thiết), bên cạnh là nhà của ông Nghĩa, phó chủ tịch Hội Ðồng Tỉnh, nhà có mở cửa hàng bán đồ tạp hóa, (không may trong khi di tản ở Vũng Tàu tháng 4, 1975 ông bị thiệt mạng), kế bên là nhà ông Hà Tôn Ðông, chủ tịch Hội Ðồng Tỉnh, kế bên nữa là trụ sở Ty Sắc Tộc địa phương, anh Bah người thiểu số làm trưởng ty, cạnh đó là con đường đất sỏi dẫn vào các nhà trong khu cư xá công chức! Qua con đường này là trung tâm tiếp vận do Trung Tá Cát mập và thấp làm chỉ huy trưởng, qua nữa là cơ quan cấp thủy do anh Long đầu tóc bạc trẻ, làm trưởng cơ quan. Phía dưới thị trấn Lagi có 2 cơ quan, đó là Ty Kiểm Lâm với anh Lương Thế Bỉnh làm trưởng ty, và Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn mà anh Hữu làm giám đốc, phụ tá hay kiểm soát viên là anh Nam, rồi phòng Ngư Nghiệp, thuộc ty Nông Nghiệp, v.v…
phần 2 Liên quan đến Quảng Trị
Tháng 3 năm 1972, CSBV tràn qua vĩ tuyến 17, trước sự tấn công bất ngờ và vũ bão của họ, Sư Ðoàn 3 Bộ Binh VNCH bị tan rã, Chuẩn Tướng Giai bị kỷ luật. Quảng Trị tạm thời bị thất thủ (nhà binh, nhà văn Phan Nhật Nam khóa 18 Võ Bị Ðà Lạt đã viết cuốn sách “Mùa Hè đỏ lửa” nói về cảnh đồng bào chạy vào Huế lánh nạn trên đại lộ kinh hoàng Quảng Trị, cùng diễn tả trận đánh khổ nạn và dân chúng bị chết chóc điêu linh khi di tản này!). Sau đó nhân kỷ niệm Quân lực VNCH ngày 19 tháng 6, 1972, TT Thiệu đã ra lệnh cho tướng tư lệnh Quân Khu I Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trong vòng 3 tháng phải tái chiếm lại Quảng Trị, quân lính Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái như Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù, v.v… và cũng nhờ sự yểm trợ phi pháo tối đa của quân đội đồng minh Mỹ, vùng I Chiến thuật đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn đúng 3 ngày, nghĩa là ngày 16 tháng 9, 1972 lá cờ Quốc gia màu Vàng 3 sọc đỏ lại tung bay phất phới trên cổ thành Quảng Trị, và vì Bắc quân được lệnh liều mình, cố tử thủ trong cổ thành, tuy thắng lợi nhưng quân ta cũng đã bị nhiều tổn thất! Sau này ở Mỹ đọc được một số tài liệu về trận tái chiếm lại Cổ thành Quảng Trị, được biết sở dĩ Mỹ yểm trợ tối đa cho Tướng Trưởng được xem như cố ý đánh bóng vị tướng này, như là một con cờ dự bị trong tương lai của người Mỹ vậy! (Hãy nhớ lại mà xem trong trận chiến hành quân Lam Sơn 719 qua Hạ Lào, năm 1971 chỉ đâu có hơn 1 năm trước đó thôi, quân ta đã không thành công, và phải gánh chịu nhiều tổn thất, phải hiểu rằng vào gần vùng hậu cần của Bắc quân, chúng ăn thua đủ và đời nào chúng chịu thua!). Sau ngày quân lực 19 tháng 6, 1972 đâu chừng hơn 1/2 tháng, đúng ngày 7 tháng 7, 1972 Tổng Thống Thiệu đáp máy bay trực thăng xuống mặt trận An Lộc đang còn bốc khói lửa, gắn sao chuẩn tướng cho người hùng tử thủ trận địa An Lộc (đâu 68 ngày), là Tướng Lê Văn Hưng (trận này Cộng quân dùng 4 sư đoàn quyết tiêu diệt 1 sư đoàn phía VNCH nhưng đã không thành công). Và cũng nhờ các trận đánh này đã có bài hát: “Bình Long anh dũng, Kom Tum kiêu hùng và Trị Thiên vùng dậy.” Khi chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị (16/9/1972) lại có câu: “Cờ bay, cờ bay, trên thành phố thân yêu!”
Tỉnh Quảng Trị thất thủ cuối tháng 3, 1972, đồng bào Quảng Trị nhất là 3 quận Ðông Hà, Cam Lộ và Gio Linh phần lớn đi định cư ở Bình Tuy với sự giúp đỡ của Quốc Vụ Khanh, BS Phan Quang Ðán, 2 vị quận trưởng ở Quảng Trị là Thiếu Tá Ðăng mập lớn tuổi và Thiếu Tá Huệ trẻ tuổi ( thiếu ta Huệ hiện nay đang ở khu Checker San Jose đã già yếu/ĐHL )cũng đi theo dân vào Bình Tuy chọn giúp địa điểm định cư cho đồng bào, số lượng đâu chừng 20-25 ngàn người. (ông Huệ hiện ở San Jose nhà ĐHL) Tỉnh Bình Tuy thiết lập 2 khu định cư chính có tên là khu định cư Ðông Hà (sau này là Tân Hà( (nằm bên cạnh tỉnh lộ đi vào tỉnh cách ngả 3 Bình Tuy Quốc lộ số 1 chừng 3 4 cây số) và khu định cư thứ 2 có tên gọi là Khu định cư Ðồng Ðền (trên đường liên tỉnh lộ đi Xuyên Mộc Bà Rịa, cách ngã tư Hiến Binh củ chừng 5 6 cây số).
Ðất đai nói chung tuy không được tốt mấy, nhưng được phối hợp chọn lựa, có lẽ yếu tố an ninh là trên hết (gần tỉnh lỵ). Khu Ðông Hà này đối diện bên kia đường tỉnh lộ là Cô nhi viện Bồ Câu Trắng với Linh Mục Hoan làm giám đốc, đâu năm 2008 cha Hoan có ghé thăm tiểu bang Minnesota, tôi gặp đức cha ở nhà hàng Hoa Biển đường University Thành Phố Saint Paul MN (lúc này cha đã lên chức Giám mục). Cô nhi viện này còn có sự giúp đỡ của cha Mỹ, lúc còn nhỏ tôi và cha Mỹ cùng học chung lớp nhì (lớp 4) trường tư thục Việt Hương do cha Ðài làm hiệu trưởng thì phải, giáo viên đứng lớp là 2 chị em cô Nguyện và cô Hảo dạy, 2 cô giáo này có cô em ruột tên Trang, anh Hoàng Trọng Trạch học lớp nhất là nổi hơn cả!
Ðồng bào Quảng Trị định cư được cấp tiền nuôi ăn ít nhất là 6 tháng đến 1 năm, tính theo đơn vị gia đình được cấp đất thổ cư (đơn vị 200 m2), cấp tiền làm nhà, cấp đất canh tác mỗi gia đình chừng 1/2 mẫu (5,000m2) đất đã được khai quang sẵn để dễ dàng cho đồng bào canh tác (ở khu Ðông Hà đất canh tác do nhà thầu tư nhân khai quang, giá khai quang đâu gần 100 ngàn đồng/mẫu, còn Khu Ðồng Ðền do đơn vị Công Binh khai quang,( công binh này đóng tại dốc Tân Sơn ) có lẽ Phủ QVK chỉ trả tiền xăng nhớt.). Ðịnh cư với nhiều đồng bào là 1 công việc to lớn, nên Phủ QVK/PQÐ có lập riêng 1 văn phòng đại diện ở tỉnh với Ðại Tá Nguyễn Văn Chuyên làm giám đốc văn phòng này (trước đây đại tá Chuyên đã từng làm tỉnh trưởng Long Khánh).Nói chung các ty sở nội ngoại thuộc của tỉnh đóng góp sức mình tuy theo phần việc chuyên môn trong vụ định cư của đồng bào Quảng Trị bận rộn nhất là các Ty Xã Hội, Công Chánh Kiến Thiết, Ðiền Ðịa, Nông Nghiệp, Cán Bộ XDNT, Thông Tin v.v… và các ty hành chánh, tài chánh nội thuộc tòa hành chánh tỉnh.
Trong khu vực Ðồng Ðền này có một vị Linh Mục rất nổi tiếng, đó là LM Nguyễn Viết Khai người hơi thấp, và hình như cái đầu không bao giờ ở yên trên cổ ông ta (ông hay lắc lắc cái đầu!). Thời đệ nhất Cộng Hòa, LM Khai rất thân thuộc với Dinh Ðộc Lập, nhiều lúc ông tự nhận là người lo phần hồn cho các yếu nhân phủ Tổng thống thời đó! Có thể nói vào thời đệ nhất Cọng Hòa, LM Khai như là người có uy thế bao trùm ảnh hưởng lên chính quyền cũng như ngoài xã hội, nói khác đi chỉ sau có LM Cao Văn Luận, Viện trưởng viện đại học Huế mà thôi! Trong hơn 4 năm làm việc tôi chỉ gặp LM Khai có 2-3 lần, trong đó 1 lần ông tới cơ quan tôi về việc đất đai. Nhưng cũng lại có người nói ông bị rút phép thông công (không được đứng trên nhà thờ với tư cách là một vị linh mục!) nguyên do nghe nói hồi đó ông LM có liên hệ trên mức tình cảm với cô Năm Nhân H., chủ tiệm bán hay cung cấp văn phòng phẩm tòa hành chánh tỉnh, cũng như các cơ quan ty sở ngoại thuộc. (LM Khai được biết đã qua đời đâu năm 2000).
Ở Bình Tuy còn có Linh Mục Hoa hạt trưởng, ngài cũng có làm thơ với bút hiệu Xuân Ly Băng! Nghe nói sau 1954, ông Trần Ðình Trường lúc đó ở Nghệ An thấy không thể ở với CS, ông đã trốn qua ngả Lào rồi sau vào Saigon, lúc đầu tạm trú tại khu nhà chung của giáo phận Vinh số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm Saigon quận 1, mới đầu ông tạm làm tài xế cho Linh Mục Khai, hiện nay ở Mỹ là ông tỷ phú Trường chủ nhân của nhiều khách sạn ở New York, thường là mạnh thường quân cho các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, trong vụ khủng bố 911 ở New York năm 2001 ông từng hiến tặng cho hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ cả 2 triệu dollar, cũng như đã cứu trợ và giúp đỡ thiên tai ở châu Phi! Cũng nhờ ông Trường là chủ của nhiều tàu buôn lớn trước 30/4/1975 (tàu có tên gọi Trường Xuân, là tên ghép của ông và người vợ) mà bao nhiêu ngàn người lánh nạn CS đã được vượt thoát khỏi VN tháng 4, 1975. Những điều về ông Trường tôi biết được qua ông Dược Sĩ Nguyễn Ðức Chân (sanh 1932), quê ở huyện Hương Khê, Nam Hà Tỉnh (cỡ ngang tuổi ông Trường), ông Chân năm 1955 vượt biển bằng ghe gần Thanh Hóa, ghe chở cả 100 mạng người, tấp vào Truồi, Cầu Hai sau đó được đưa lên Huế làm ở cơ quan phủ đặc ủy di cư, 2 năm sau ông Chân vào Saigon, (có lúc LM Khai mời ông Chân làm hiệu trưởng trường tư thục Ngô Ðình Khôi ở Phan Thiết nhưng ông từ chối vì đang là sinh viên trường Dược), sau này tên trường được đổi là trường Chính Tâm và ông Cao Xuân Hiệp (sanh 1935) người Diễn Châu Bắc Nghệ An, sau đi Khóa 22 Thủ Ðức, qua Mỹ diện HO 4, hiện định cư ở Houston Texas, cả 2 ông này đều đã từng tạm ngụ số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 Saigon nói trên, ông Hiệp ở chung phòng với ông Trường, còn ông Chân khác phòng, thì nay ông Chân đã định cư ở Virginia, lúc đó ông Long cũng là bạn ông Trường và là thư ký riêng của cha Trương Cao Khẩn, Linh Mục Khẩn phụ trách các việc liên quan tới giáo phận Vinh.
(Bỏ qua về vấn đề tình cảm riêng tư, mà mỗi cá nhân một khác nhau, không ai giống ai, “bá nhân bá bọc chứa,” người thích uống rượu, người hút thuốc, người thích ca hát có máu văn nghệ, người có máu cờ bạc, có người lại thích đa thê! Nhưng nếu chỉ nói riêng về lãnh vực kinh doanh thì xin hiểu cho tôi, tôi nói về ông Trường với tất cả tấm lòng kính trọng và khâm phục! Người tay không mà dựng nên cơ đồ dù ở VN trước 1975, hay sau 1975 qua Mỹ định cư mới là người tài giỏi!). Ca dao ta vẫn nói; “nước lã mà vả nên hồ, tay không mà dựng cơ đồ mới hay!” (Ðược biết ông Trường đã mất tháng 4, 2012)
trích từ báo
(nguoiviet.com)
================================
CÁI QUÁN NGHÈO BÊN CON DỐC TÂN SƠN
hình ảnh một cái quán nước nghèo nàn bên dốc SƠn Mỹ (hình tác giả tháng 7/1995)
Thưa thật với bạn đọc ngày xưa tôi hay đọc và mê bộ truyện Võ Lâm Ngũ Bá (Kim Dung) như "điếu đổ". Tập truyện này lúc học sinh tôi từng đọc lui đọc tới không biết chán. Từ trường Nguyễn Hoàng về nhà, có khi tôi không theo đường Duy Tân, lại theo Lê thái Tổ đi lên hướng Chơ Tỉnh, xong men theo Trần Hưng Đạo đi xuống. Trên đường Trần H Đạo, tôi hay ghé tiệm sách Tao Đàn hỏi mấy tập kế của Võ Lâm Ngũ Bá về chưa?
Trong Ngũ Bá có Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công coi về Cái Bang, là "sếp" của phái Ăn Xin trong truyện. Hồng Thất Công có môn "Đả Cẩu Bổng Pháp" tức 'võ đánh chó' ; dỉ nhiên, người Cái Bang thì hay gặp chó, mà găp chó thì phải có võ để trị ; nhưng trong truyện "Đả Cẩu" này lại là món võ mà quần hùng phải sơ. Đó là chưa kể đến Giáng Long Thập Bát Chưởng từng sánh vai với Nhất Duơng Chỉ, thần công cái thế, của Vuơng Trùng Dương sau này là tổ sư của Toàn Chân phái mà đứa cháu là Truơng Tam Phong kế truyền và là tổ sư của Võ Đang Phái.
Miên man chuyện võ hiệp của Tàu, thực ra không ăn nhập gì câu chuyên tôi sắp kể đây, ngoại trừ hình ảnh cái áo của Trưởng Lão Cái Bang là Hồng thất Công.
Những ngày di dân Quảng Trị vào Bình Tuy, cụ thể hơn là Hàm Tân và chi tiết hơn nữa là xứ Động Đền, những làng xã QT bên bờ đại duơng, vùng vịnh Hàm tân. Tôi ghi nhớ hình ảnh của một 'Hồng thất Công thứ hai' chăng?
Bạn đọc sẽ thắc mắc tại sao lại là 'Hồng thất Công thứ hai'? Ý tưởng của tôi sao 'ngồ ngộ' khi so sánh hình ảnh một ông già bán quán bên đường quê huơng với một nhân vật võ hiệp.
Bà con sống trên Dốc Sơn Mỹ (trước là xã Tân Sơn-Hàm Tân) ai mà chẳng biết ông. Ông là người Bắc Di Cư, từng sống tại QT. Nhà ông cũng theo bà con QT vào đây thời Khẩn Hoang Lập Ấp, thập niên 1973 cho đến bấy giờ.
Theo con đường đất đỏ, tức là tỉnh Lộ 23 (giờ là tỉnh lộ 55) Bình Châu-Hàm Tân. Trước khi đổ dốc, xuống chợ Cam Bình để về thi trấn LaGi, người ta thấy căn nhà tôn nho nhỏ của ông bán hàng ẩn mình dưới vài gốc mít. Sinh kế của ông ngoài cái quán nhỏ trước mái hiên nhà, vài thẩu kẹo, vài nải chuối, chẳng có món hàng nào đắt giá. Tôi không biết nhà ông có vào rừng canh tác làm rẫy hay không? Mỗi lúc đi ngang, tôi chỉ thấy ông ngồi giữ quán, tay cầm ống thuốc lào, thỉnh thoảng rít một 'hơi' thuốc dài lê thê cùng buông ra làn khói bay bay...
Thân phận tôi chẳng khác gì hơn? Đó là hình ảnh một gã tiều phu đang khom mình thồ chiếc xe củi nặng. Tôi cố dùng hết sức mình, ghì chiếc xe thồ bắt đầu đổ dốc. Mỗi ngày ngang qua nhà ông, hình ảnh 'đậm nét' làm người viết nhớ mãi là gì? tôi sẽ lần lượt kể lại cho bà con QT mình nghe 'chơi'...
Ông bán hàng đang 'rít' ống thuốc Lào, mắt tôi không thể bỏ qua cái áo ông mặc. Những lớp vá chằng chịt, chồng lên nhau không còn một chỗ trống. Hình như ông chỉ mặc cái áo hơi quái dị đó ? Những miếng vải kaki xanh vuông, hết lớp này chồng lên lớp khác. Hình như càng rách, ông lại càng vá thêm! Tôi không mặc nhưng hình dung chiếc áo kia ắt hẳn phải nặng chình chịch mà thôi!
Tôi thông cảm cho ông, có thể do đây là một hành động âm thầm, ông đang chống lại cái gì đó? Sự nghèo túng, thiếu thốn của một miền đất khổ hay hoàn cảnh chung cho toàn thể bà con lối xóm quanh ông ? Vá- chắp tiếp nối vá- chắp? Chiếc xe thồ củi của tôi chẳng hơn gì thân phận ông ? chiếc ruột xe vá 'chằm vá đụp' đến nỗi mấy thợ vá và sửa xe đạp trên xã Sơn Mỹ như anh Hạ (Thuỷ) gần Chùa Huệ Đức, anh Lợi, anh Oai đều là thợ sửa xe đạp trước chợ Xã từng lắc đầu một cách ái ngại. Chiếc xe tôi cùng 'thân phận vá chắp' do hai chiếc lốp xe không còn chỗ nào để vá? Cái thời: mua cái ruột xe đạp, cái đùm, sợi xích, cái rô líp "Trung Quốc' là cả "một gia tài"?!
Lớp trẻ lớn lên sau này không có cơ hội sống qua "CHẾ ĐỘ TEM PHIẾU". Mỗi năm 'tiêu chuẩn' vài tấc vải, ai không may có thể khác màu. Cái áo ' trường kỳ kháng chiến' của Ông có thể là câu trả lời cụ thể và hình tượng nhất cho sự thiếu thốn này. Cán bô- công nhân viên chức- cách gọi thời đó, có thể khá hơn một ít. Một ít thôi; nghĩa là mỗi năm hơn dân vài ba tấc vải,dăm ba lạng thịt heo (nhưng ai cũng ưa nhiều mỡ , rán để dành), một vài lạng trà đường . v v..
Người viết ngang đây cũng chưa nói hết ý mình. Cái áo cùng cái quán nghèo ven đường ngày đó làm tôi nhớ lại Cụ "Hồng thất Công" trong Võ Lâm Ngũ Bá, đề cập ở đầu bài. Cửu Chỉ Thần Cái mà sống lại, đem áo ra so ư ? cũng thua cái áo của 'cụ bán hàng' mà tôi miêu tả vào thời chúng tôi thôi. Bạn thử tưởng tượng xem: cái quần đùi ka ki bạc phếch, bên trên là cái áo vá chằng chịt, chồng chất lớp lớp thời gian, lưu dân QT sống tại vùng này, rẫy rừng làm bạn.
Ông lão ngày ngày ngồi trước cái quán nghèo, lơ đãng ngó ra từng đoàn xe đạp thồ, những toán phụ nữ gánh gồng ngang qua truớc mắt ông. Những đoàn dân quê lao lực, củi than cùng nông phẩm thi nhau đổ dốc. Dưới kia là phố thị La Gi; đêm về từng hàng ghe tàu ra khơi, hàng vạn ngọn đèn măng -sông câu mực thi nhau lấp lánh...
Biển Hàm Tân vào mùa câu mực
Quá khứ của Ông, cũng sống cùng người dân QT ngoài kia, đồng cam cộng khổ theo bà con mình vào tận Bình Tuy, khai sơn phá thạch, tạo nên một quê huơng thứ hai nói 'rặc giọng mình'; trừ ông, vẫn cái giọng Bắc rất chuẩn. Quá khứ của ông có gì nổi trội? chẳng ai biết ngoại trừ câu chuyện là ông "nấu thịt chó rất ngon", đơn giản chỉ có thế. Tôi cũng xin nhắc lại chuyện ông nhạc tôi kể lại cho tôi rằng: ông nấu thịt chó 'cừ khôi' đến nổi có ông cố vấn Mỹ thời trước đóng tại Quảng Trị 'từng yêu chó, quý chó' mà phải 'chết mê chết mệt' vì món thịt chó của ông!
một 'thời thịt chó' của Ông bán hàng thời sống tại QT trước 1972
Có thể trong bút ký này, Ông hay bà con không bằng lòng về chuyện cái "áo vá" ; nhưng nghĩ lại vào thời này bà con mình và ngay cả người viết đều cùng cảnh ngộ. Một hoàn cảnh của rách rưới, cơ khổ, chắp vá cùng mong cầu ...
Dù "áo vá" nhưng tôi nghĩ không ai có thể vá áo chồng chắp, chằng chịt bằng Ông, một hình ảnh làm cho tôi nhớ mãi. Một ý nghĩ hơi 'tếu' thoáng qua: nếu ai đó đi 'thi vá áo' thì khó lòng thắng được ông? Ngay cả Cửu Chỉ Thần Cái, trưởng phái Cái Bang trong truyện Kim Dung ngày trước giá như sống lại chắc cũng chào thua ông lão bán hàng bên dốc Sơn Mỹ ngày đó.
*
Chuyện ngày qua, vài thập niên trôi nhanh như gió thoảng. Một con dốc bên triền đất lỡ, có cái quán nghèo chỉ vài nải chuối đong đưa trên vài ba thẩu kẹo rẻ tiền... có ông lão bán hàng với chiếc áo vá đầy ấn tượng. Ông đang mơ màng...cụm khói thuốc lào từ từ bốc cao. Làn khói thuốc như muốn theo đám mây trời đang bảng lảng trôi về phương trời Quảng Trị ./.
========================================
GIỐNG LÚA NGẮN NGÀY
ký ức gia đình của ĐHL
-Mời, mời, mời eng mời chú ….
Mâm cúng cơm mới của nhạc phụ tôi vừa tàn hương và đang dọn xuống. Khách khứa trong nhà chẳng ai xa lạ. Lui tới gì tôi cũng gặp chú Bửu chú A, chú Mạnh và ông Hai Than là bốn người mà ông gia tôi thân nhất. Những lúc trống vắng, ngày đơm tháng kỵ tết nhất, ông năng lui tới nhà mấy chú này. Lợp nhà dựng cửa chi, chẳng bao giờ thiếu vắng mấy người hàng xóm thân thiết đó. Khác với mọi năm, mâm cơm mới hôm nay có "chuyện lạ" để bà con bàn tán tới thêm vui cửa vui nhà, đó là gạo chuyện lúa“Xê Ka”? Lạ thật? hai tiếng kia tôi nghe sao thì viết lại chứ chưa bao giờ đọc được bằng chữ nên chẳng biết nó đúng hay sai? Tôi phải nhận rằng nó là loại lúa quý. Sao mà không quý? Giống lúa gì mà vừa ngon vừa ngắn ngày nhất: chỉ non hai tháng là có ăn. Ông gia tôi không biết kiếm đâu ra giống lúa quý như vậy? Trong thôn ông lanh lợi không thua ai. Ngày trước trong quân đội ông là một Thường Vụ tháo vát; hôm nay ‘cày sâu cuốc bẫm” ông cũng dạn dày kinh nghiệm thuộc lớp "lão nông tri điền" trong cái việc ruộng nương khiến người con rễ như tôi thật lòng thán phục.
(hình nhạc phụ tôi đang gói bánh tét tết cuối trong đời 2017)
Mâm cơm mới dọn xuống cái bàn chính, giữa nhà. Mẹ gia tôi tất bật bếp núc nên ậm ừ lấy lệ chứ trước sau gì bà cũng chối từ và chạy lui xuống bếp lo nấu nướng thêm. Ngày xưa khi nào cũng vậy, đàn ông ưu tiên ngồi bàn giữa. Người con rễ như tôi hôm nay may mắn được ưu ái cho ngồi chung với ông gia cùng mấy chú. Cánh đàn ông chuyện trò tương đắc hơn nhất là khi khề khà thêm chút rượu. Rượu vào thì lời ra. Phải vậy chớ, nói ra cho vơi đi bao ngày cuốc cày, rìu rựa, đã quá chai tay!
Cái lệ cúng cơm mới hàng năm thật ra vào thời này ít ai còn giữ. Thế mà vào làm rể trong nhà tôi mới biết ba vợ tôi từ khi vác cái cuốc lên vai vẫn còn duy trì cái lệ ấy. Đất ruộng hiếm hoi, một mùa về chẳng đặng là bao nhưng ông không đợi được mùa, lúa vô đầy ăm ắp mới bày chuyện cơm mới. Đối với người dù được mùa hay mất ông vẫn cúng một mâm cơm cho đủ lễ vừa tạ ơn đất đai vừa cùng gia đình liên hoan cho quên đi tháng ngày nặng nhọc. Chén tạc chén thù, ba tôi và mấy người khách gật gù khen loại gạo Xê Ka nấu ra miếng cơm ‘thơm lạ, thơm lùng”?! Thêm vài ba chung rượu, rồi từ chén cơm thơm từ nguồn gạo quý đó và cái ý cuối cùng trong câu chuyện cơm mới là chú nào cũng xin ông gia tôi đổi cho một ít giống “Xê Ka” này mới được?
-Chỉ nửa thúng thôi nghe!
Tiếng Ông vừa nói vừa cười sang sảng.
Chú A khà khà:
-Cái rẻo đất tốt của tui vô mùa đầu, có nửa thúng giống của eng thì tha hồ cắt đó nghe!
Chú Mạnh và các chú khác chỉ tủm tỉm cười, chỉ có ông gia tôi và chú A là cười nói thoải mái nhất. Không khí trong nhà thay đổi và vui nhộn hẳn lên chẳng khác chi ngày tết.
Ông gia tôi không lạ gì cái rẻo đất cuối đám ruộng của đội Sáu, sát lối ra biển. Ông cũng nhòm ngó nó lâu rồi. Nhìn tranh lên cao gần bằng người thì ông đoán chắc đất nó tốt ra sao? Nhưng con người ta chỉ hai bàn tay thôi, hơn nữa chẳng nên tham lam quá, mình sống thì phải để bà con xóm giềng sống với. Ông gia tôi không bon chen giành giựt miếng rẻo đó làm gì, để thời gian cố công san cho được cái hố bom cho ‘liên canh liên cư’ cái sào ruộng trong nhà. Chú A nhờ vậy, có được rẻo đất này. Không thiệt thòi gì, mình có cơm thì kẻ khác có miếng cháo, ông gia tôi thường bảo trong nhà vậy. Hơn nữa, bạn bè lối xóm chứ ai vô đó? Có điều hay là những miếng đất này không tính vào phần thuế trong Hợp Tác do công sức khai canh của người làm nông chính quyền chưa liệt vào dạng đất tính thuế; ít nhất là trong ba năm đầu…
HỐ BOM GIỮA RUỘNG
Lúa “Xê Ka” chỉ ròng năm mươi lăm ngày, con số mà ông gia tôi nói như “đinh đóng cột”. Ai mà chẳng tin? Lúa về tới nhà, cơm và vào miệng như buổi tiệc hôm nay trước mặt mọi người mà. Qua bữa Cơm Mới này, miệng thử giống gạo thơm chú A được đổi nửa thúng giống thì còn gì vui hơn. “Xê Ka” quý thì quý đó, nhưng nhưng tình bạn vẫn quý hơn, ba vợ tôi không nệ hà gì mồi người được ưu tiên đổi cho nửa thúng. Mỗi người được đổi nửa thúng thôi - nhưng bốn người khách hôm nay, ba vợ tôi đã mất đi hai thúng giống rồi. Cái giống lúa này trồng và ăn để “lấy vị” để thưởng thức. Nó không ra tiền bạc được do thu hoạch quá ít so với lúa Thần Nông thì có đất nhiều cũng chẳng ham. Đã quý thì phải hiếm, thứ gạo cất làm của cho nó “vui cửa vui nhà”. Cả sào ruộng loại lúa đó, ông gia tôi chỉ cắt được năm sáu thúng. Một sào đất ruộng mới “toanh” ở giữa là cái hố bom nó đã biến mất sau bao ngày cả một gia đình kiên trì chịu khó san lấp cho bằng được.
Dù Thôn Cam Bình đất ruộng hiếm hoi nhưng ai nhìn cái hố bom ‘quỷ tha ma bắt’ kia, nước sâu đến nỗi cá tràu lội từng bầy, họ đều ‘ngán’! Công sức đâu lấy đất lấp cho đầy cái hố kia? Chẳng ai dám, thế mà ba vợ tôi làm được. Cái tính kiên trì chịu khó của ông, trong thôn ai cũng biết tiếng. Một năm trời, lúc có thời gian là ông đem hết người trong nhà ra lấp. Người gánh kẻ khiêng; đất từ các gò mối hay lấy bớt bề mặt của miếng ruộng trong nhà. Hố bom kia không thể sâu hơn nhưng đất gánh tới ngày này qua ngày đương nhiên càng lúc càng nhiều …thế là xong.
Sào đất mới, những nhánh lúa mới vàng óng nặng trỉu khiến ông gia và chàng rể tương lai tức là tôi, đứng ngắm say sưa không chán mắt. Ngọn gió biển thổi vào làm từng nhánh lúa nặng hột chen nhau lay động. Chúng như xì xào vui lây với chủ. Tôi thấy rõ cái phần lúa trên mặt cái hố bom trước kia tốt hơn so với xung quanh. Những nhánh lúa nặng hạt hơn chĩu xuống sâu hơn đang đu đưa lúc lắc theo gió. Chỉ còn ít hôm thôi, những gánh lúa mới sẽ về sân nhà vợ tôi. Đụn rơm sẽ cao thêm và thơm mùi rơm mới.
cảnh chợ xế trưa Cam Bình, vắng ngắt. Chợ này nay đã xây mới gọi là Chợ Tân Phước
Chén tạc chén thù... Có dịp đặc biệt như hôm nay trong nhà mới kiếm cho ra ba xị rượu gạo. Cái chai bia con cọp thời xưa còn đó nhưng chỉ để mua rượu. Chai bia này đong đúng ba xị lúc đó. Nó đem ra mua rượu chỉ để vào dịp tết nhất hay liên hoan vui vẻ như hôm đó mà thôi. Một thời, nếu ai còn cái tâm mà nhớ lại thì nấu rượu gạo là điều ‘quốc cấm’ là điều ‘tội lỗi’ ngoại trừ rượu mì là thứ dễ mua dễ làm.
Tình bạn của ông gia tôi đối với mấy người bạn lối xóm có thể gọi là “tri âm tri kỷ”. Tôi vẫn nhớ, cứ sáng sớm tinh mơ ông Hai Than đã gõ cửa nhà ba vợ tôi cùng nhau đối ẩm -uống trà. Trà gì cho cam, chỉ là loại nước hột chè nấu cho đậm thay trà đó thôi. Chuyện xưa tích cũ đâu từ thời ngoài Quảng Trị, một thuở huy hoàng một thời làm việc và sau hết là nhớ thương bao kỷ niệm vơi đầy...
Tiếng nói tiếng cười cùng nhau, khật khù, chan hòa, để ngày mai lại là những buổi vác cuốc ra đồng. Ruộng vườn đâu phải là ‘thẳng cánh cò bay’ nên những miếng ruộng hiếm hoi kia nó quý báu làm sao? Người nào cũng phải tém nhặt hay chắt chiu từng bờ mương con nước, thậm chí từng cọng cỏ cọng rơm. Bao sức lực dù muốn hay không ai nấy đều cùng cả gia đình bao tháng ngày miệt mài trên rẫy. Những thời gian một nắng hai sương nhưng hoa lợi chẳng là bao? Những sào đất rẫy, tiếng là rộng nhiều nhưng càng lúc càng bạc màu, chỉ còn trơ cát trắng. Mang tiếng là đất rẫy nhưng tranh còn chưa lên nỗi huống gì là bắp và mỳ? Bao nỗi lo toan, tuyệt vọng theo với thời gian với những vồng khoai luống bắp thiếu chất kia mà cùng nhau tạm quên với nhau trong ly rượu trắng hôm nay trong niềm vui cơm mới.
Đó là giống lúa lạ nhưng nó tồn tại chỉ được một thời gian không bao lâu. Tiếc làm sao, do nó hoàn toàn mất giống khi lúa Thần Nông theo phong trào hợp tác đem về? Người ta cần năng suất, thiên hạ đang cần số nhiều cho no cái bụng hơn là 'thơm và ngon'? . Những cây lúa "Xê Ka" tuy quý thì quý đó, nhưng khó đương đầu nỗi với hàng hàng lớp lớp giống lúa Thần Nông tràn ngập bủa vây xung quanh. Thế ba vợ tôi dần dà mất giống lúa này! Ông không còn sức đâu giữ được cái giống lúa ngắn ngày ngon thơm, một thời gian vang tiếng trong vùng.
Người ta đồn rằng, trong nam, châu thổ Cửu Long một đồng bằng bao la bát ngát. Vào thời trước, nổi tiếng không biết bao nhiêu giống lúa ngon thơm? Nào gạo Nanh Chồn, Nàng Hương, Nàng Thơm ...tôi ngày đó có nghe tiếng. Giờ đây những giống lúa quý này cũng 'đội nón' ra đi theo lợi tức canh nông, kinh tế là trên hết. Ngẫm lại trên đời này, con người ta xấu còn tu thân còn tốt lại được. Nhưng của "trời cho" trong đó có những giống lúa quý báu đã lỡ mất giống đi thì xem như vĩnh viễn chẳng còn, không bao giờ với lại được.
Chuyện ngày xưa, khi ruộng và người làm nông còn gắn bó trong tình cảm chân thành giữa người và đất. Đất nuôi người và người yêu đất. Từng gánh lúa thơm từng được người gánh về, vẫy nhịp về nhà nơi miền thôn cũ. Những gánh lúa ngày đó, kỷ niệm một vùng quê một thời gian khó nay đã theo nhạc phụ tôi trôi xa về miền dĩ vãng. Lúa “Xê Ka”, cái tên tôi chỉ nghe chứ chưa hề thấy chữ, một giống lúa ngắn ngày gắn bó với hình bóng của những người thân thiết, làm tôi cứ mãi nhớ suốt đời./.
Đinh Hoa Lư 12/6/2020 (21/4 Canh Tý)
San Jose USA
EDITION 6/4/2021
hình phụ:
Nồi bánh tét đón tết 2017 tại Cam Bình còn gặp Nhạc Phụ tôi
================================
ÔNG 'CÓC' XÃ SƠN MỸ
ÔÔN "CÓC" XÃ TÔI
hình minh họa: ÔÔN 'Cóc' cụt cả hai chân
Chuyện có thật của xã Sơn Mỹ nơi gia đình tác giả từng sinh sống sau ngày 'tù cải tạo' về, cái thời hạt gạo "quý như vàng"
Thường ngày trên mấy chuyến xe hàng từ Hàm Tân lên Đức Linh hay từ Đức Linh về, khách đi không lạ gì "Ôôn Cóc". Cái tên nghe lạ tai nhưng cũng có nguyên cớ của nó. Tuy mất cả hai chân nhưng nhờ sức mạnh hai tay nên gã phóng nhanh 'phong phóc', trông chẳng khác chi "con cóc" đang nhảy.
Tật nguyền như thế nhưng ông ta là người khách thường trực của tuyến xe Hàm Tân- Đức Linh. Nói đến đi lại thời đó, ai cũng nhớ xe cộ quả là thứ hiếm hoi. Vào thời buổi NGĂN SÔNG CẤM CHỢ, đi lại thiếu xe, nhưng người khách khác lạ này lại hay có mặt trên mấy chuyến xe hàng mới là điều khác thường ?
Bạn đọc chắc hẳn còn nhớ, muốn đi đâu xa, trước tiên phải gõ cửa Công An. Ai cũng mong xin cho ra tờ Giấy Đi Lại.
Một thời trên vạn nẻo đường quê hương đều thiếu phương tiện. Khó khăn làm sao cho mấy cái vé xe tại Bến Lagi! Vé thì ít, lại phải 'ưu tiên một, hai cho cán bộ, cho hưu trí, phục viên...' phần còn cho dân thì vé chỉ còn mấy cái!?
HẾT VÉ THÌ ĐI 'CHUI', CỨ LÊN XE, VÉ NƠI MIỆNG TA TRẢ GIÁ
o..o đến phiên tui o?
cái thời "THỦ KHO TO HƠN THỦ TRƯỞNG"
Đi lại thì ít xe, mua bán thì NGĂN SÔNG CẤM CHỢ? Ai cũng khát khao hạt gạo, ký đường, chút dầu hay tấc vải che thân... Mọi thứ đều thiếu, hiếm, tiêu chuẩn...khó quên câu:
THỦ KHO TO HƠN THỦ TRƯỞNG
Đó là một sự thật 'trần truồng' trong một xã hội TEM PHIẾU làm đầu.
*
NHƯNG BÀ CON CHỚ COI THƯỜNG Ôôn 'CÓC' KHI HIỂU RA CÁCH GÃ CÓ "CƠM TRẮNG CÁ TƯƠI"
Đi lại khó khăn, thế mà Ôôn "Cóc" lại luôn có mặt trên mấy chiếc xe hàng Hàm Tân-Đức Linh mới hay?
Làm sao mà gã leo lên xe? Thế mà chỉ "vụt" một cái, hai cánh tay khỏe mạnh đã đưa cái thân mình cụt ngủn lên sàn xe nhanh 'hơn sóc'? Ai trong xe cũng khen,ông ta giỏi. Người khách bất hạnh đó chẳng bao giờ giành ghế của ai, gã biết thủ phận thu mình ở một góc sàn xe, lổ đổ rác rưới. Khách ngồi trên ai cũng thương hại cho gã. Lơ xe chẳng màng hỏi han, hắn đã quen thuộc cái bản mặt 'ù lì' của người khách này rồi. Lúc thu tiền xe, gã chỉ biết đưa mấy chiếc răng vàng khè ra cười... thế là xong chuyện!?
Đẩy ông ta xuống ư? Chuyện này quá ác, ai làm? Hay là đem ông ta vô Công An? Thôi thôi rắc rối, CA đâu lo chuyện này? Chú tài xế và lơ xe nhiều lần cầu an làm thinh cho qua chuyện. Chẳng mất mát chi bao nhiêu? thôi cho Ôôn một góc trên xe, không ai muốn làm chuyện ác nhân thất đức lại mong xe đi mau qua trạm.
Đó là lúc ĐI. Độ hai hôm sau trên chuyến VỀ, Ôôn "Cóc" còn đèo thêm hai cái "ruột tượng" đựng đầy gạo.
Ôôn "Cóc" ba hoa:
-Bà Con Cho!
Bà con cho sao cứ cho hoài? Bà con nào? Ai tin?
Khách trên xe tạm thời tin lời gã nói. Cứ cho là gã nói THẬT đi. Gã lên Đức Linh "kiếm ăn". Tàn tật thế, làm gì cuốc đất làm nông cho được? Phải đi xin bà con thôi?
qua trạm quản lý thị trường Lán Gòn, xe sẽ ngang cầu Suối Đó trước khi về thị xã La Gi
Xe qua Tân Hà, Tà Mon ngang trạm Lán Gòn, cái trạm người đi buôn Hàm Tân đặt cho cái biệt hiệu 'Láng cón'. Đây là điểm mà bao nhiêu 'trái tim' trên chuyến xe về (cũng như đi) hồi hộp, lo lắng, nhưng ông "Cóc" thì 'tỉnh bơ"!
Mấy người cán bộ Quản Lý Thị Trường chẳng ai 'thèm' hỏi chi về hai cái 'ruột tượng' gạo mà người cụt chân đang ngồi đè lên.
Gã 'đi xin bà con về ăn"- nói vậy thì bà con hay mấy chú du kích gắng mà 'tin' vậy. Rồi chẳng ai làm khó ông ta chút nào. "Cùi không sợ lở", ai dám đụng 'vị khách' này xem nào? tiền xe ư? Ông ta lần nữa, nhe hai hàm răng ra cười là xong!
Chuyến về lại Bến Lagi, hình ảnh lạ lùng đập vào mắt người khách lạ nào mới tới. Khi xuống, con người mất chân này chẳng nhờ ai. Chỉ dùng hai bàn tay, gã nâng người lên và phóng xuống. Hai cái ruột tượng gạo thì đứa lơ quăng giúp cho.
Móc xong hai xắc gạo lên hai vai, gã tiếp tục dùng hai cánh tay di chuyển thân mình nhanh thoăn thoắt hướng về chiếc xe lambro đang đợi khách lên Xã Sơn Mỹ...
*
Kể ngang đây, người viết tin bạn đọc hiểu ra tại sao ông ta được đặt tên là "CÓC". Rõ ràng, con người này phóng đi chẳng khác chi "con cóc", nhất là lúc lên và xuống xe hàng.
Mấy chiếc xe Lambro đời cũ lên Sơn Mỹ hay bị vạ oan do Ôôn 'Cóc' "đi chùa".
Sao mà "chùa"? Do gã đi mà chẳng tốn đồng nào?
Sao mà bị vạ oan?
Người viết xin giải thích:
Mấy chuyến xe hàng chạy than Hàm Tân- Đức Linh tuy bị ông ta 'đi chùa' không trả tiền lần nào nhưng còn 'vớt vát' nhờ đông khách. Đa phần khách đi vé "chợ đen" xe hàng còn 'kiếm chác' được. Mấy chiếc xe Lambro đời cũ lên- về Sơn Mỹ hay bị mất tiền xe do ông chuyên xin đi nhờ?
Bạn đọc có thể cảm thông nếu nhớ ra xe Lambro chỉ chở được hơn mười người khách thôi. Ôôn "Cóc" lọt thỏm vào trong sàn xe ngồi ngó ra nhưng chú tài chưa bao giờ dám đòi tiền. Không phải vì sợ ông, mà do chú lái xe lam NỂ tình bà con thôn xóm. Người quê mình nặng tình làng nước. Ai nỡ đòi tiền con người tàn tật lại là người quen biết trong làng?
Tiếng chiếc xe lambro cũ kỹ kêu bành bạch. Rồi nó gầm rú lên cho được con dốc Sơn Mỹ. Tiếng máy nghe 'thảm thiết' làm sao!
"rột rạt, leng keng"... hơn mười mấy người trong xe nín thở. Ai cũng có cảm tưởng chiếc xe ba bánh đến hồi 'rã rời' máy móc đến nơi?!
Chiếc xe lam leo dốc lâu chừng nào thì chú Đỉnh, người tài xế càng nóng ruột chừng đó. Lên xong dốc, chỉ còn non hai cây số là đến Chợ Sơn Mỹ thôi. Chú Đỉnh mong làm răng chiếc lambro lết lên cho đến được Chợ, thả khách xong rồi về nhà ngay. Chú lại tức tốc lo sửa máy, thêm dầu chêm nhớt. Ngày mai chiếc xe Lambro lại tiếp tục hành trình nặng nề khoai sắn đổ dốc về chợ tỉnh Lagi.
Hai xắc gạo của Ôôn "Cóc" này ít lắm cũng gần ba chục ký. Ba chục ký gạo là con số mà ai cũng thèm. Ông ta đã đem được mớ gạo về đến nhà. Nhà gã không xa chợ Sơn Mỹ bao nhiêu. Hai hàng cây bạch đàn theo con đường đất dẫn vô nhà gã "Cóc" cũng chẳng 'lạ" chi với nhiều chuyến gã ta mang gạo về như thế.
Té ra con người tàn tật này là một tay BUÔN GẠO thứ thiệt'!
Không gì là quá bí mật cả. Ai trong thôn cũng biết, nhưng bà con làm thinh để Ôôn "Cóc" kiếm chút cơm hay ý nghĩa đẹp hơn là "nuôi vợ đợ con" đó mà!
Một chuyến đi như thế ông ta lời chẳng là bao, nhưng "năng chuyến hơn đầy đò"!
Người mình ai mà không hiểu câu này? Cụt hai chân, bà con không ai nỡ lòng 'bươi móc', mấy 'eng' du kích tại cái trạm 'Lán Cón' nói trên 'dư sức' biết nhưng cũng lơ đi làm phước cho người đi xe 'đặc biệt' đó kiếm ăn.
*
Nói chuyện 'nuôi vợ đợ con', người viết mới có vài dòng về đời sống riêng tư về gia đình của người tàn tật này. Sau cái thời "KHẨN HOANG LẬP ẤP" tiếp đến cái thời điểm 'trời nhào đất lộn' 1975, khi mọi sự 'lắc lư chao đảo' yên lặng lại rồi, vùng đất cũ Động Đền -Sơn Mỹ chỉ còn lại lớp dân an phận cho số kiếp còn lại của mình.
Trong lớp di dân này dĩ nhiên có người tàn tật mất cả hai chân này. Nhưng Trời còn dành cho gã một cơ hội, như tia sáng cuối đường hầm tăm tối. Mụ T. là gái 'quá sổi' còn sót lại trong thôn, nhờ vậy mới chịu chấp nhận lấy người đó làm chồng.
Mái nhà tranh, không biết ai dựng nên cho hai vợ chồng, khiêm nhường nằm tận cuối rìa làng bắt đầu con đường vô rẫy. Nhà hai vợ chồng ngoài cùng, tiếp đến là những vạt tranh đất đai bạc màu cùng những gò đất mối mọc lên 'vô tội vạ' khoai sắn khó lòng mọc nỗi...
CHA CÚ ĐẺ CON TIÊN
Hình như luật thừa trừ của ông trời luôn có do Mụ T. tuy "quá thì" nhưng vừa lúc lấy Ôôn lại còn 'đẻ được'. Lạ nữa? Mụ T. cho ra đời hai đứa con gái dễ thương làm sao! Đứa nào da cũng trắng bóc, đôi mắt to đen nhánh, cặp lông mày cong vòng. Ai nhìn cũng thích và ưa bồng. Đã đẹp, hai đứa con gái đó lớn lên vài ba tuổi lại thấy hai cái núm má đồng tiền to lồ lộ, nên càng xinh thêm.
Mụ T. bồng con ra chợ Sơn Mỹ không ai tin là con mụ T.. Xong chuyến 'buôn gạo' từ Đức linh về, Ôôn chỉ ở nhà lo giữ con cho vợ ra chợ kiếm 'mắm muối' thêm. Ôôn ngó vậy mà rất cưng con, đó là hai 'hòn ngọc' quý nhất trong đời. "Cha cú đẻ con tiên" ông bà ta nói mà thật. Trong làng xầm xì bàn tán. Ôôn lại bon chen xin cho hai cô "công chúa" cưng vào lớp mẫu giáo trong xã. Con lão đẹp đến thế! cô Nghĩa vừa làm cô, vừa làm hiệu trưởng trường mẫu giáo làm sao chối từ cho được?
*
Mấy đồng bạc Ôôn kiếm ra nhờ vào mấy chục ký gạo từ Đức Linh về đến miền cát trắng ven biển Hàm Tân là mạch sống. Cái thời 'quỷ tha ma bắt' - những chuyện khốn nạn trên xe hàng- những xắc gạo cỏn con bị du kích lạnh lùng lôi xuống. Những bàn tay chới với của những người bị liệt vào giới "con buôn" trong thời "củi quế gạo châu" thế mà Ôôn thoát được tất cả mới hay.
Một thời, Ôôn 'Cóc' chỉ biết nhe hàm răng lởm chởm, vàng khè, cười trừ với mấy ông "quản lý thị trường", du kích hay với lơ xe. Có thể con người tật nguyền này từng một thời mãn nguyện với số phận, tuy mất cả hai chân nhưng biết đâu chính hai cái chân mất đi là 'vị thần cứu độ' cho Ôôn một thời HẠT GẠO QUÝ NHƯ VÀNG ./.
Đinh hoa Lư
=====================
HOA MƯỚP NGÀY XƯA
nhớ về giàn mướp nhà tôi
Mấy bụi mướp lên mau thật. Lớp lá xanh mượt mà che ánh mặt trời tạo khoảng im rộng. Trong mẩy lỗ trống lấp lánh nắng còn sót lại vài bông hoa mướp vàng đong đưa, đàn ong cuối mùa ăn muộn. Những trái mướp thơm dài ngủng ngẳng, da xanh lục non mượt mà. Đầu trái còn chút hoa khô quéo sót lại, phía trên là trái mướp bụ bẫm căng tròn, những sọc dọc , xanh đậm chạy từ cuống tới chóp cùng trái mướp. Giống mướp huơng hạp vùng đất rẫy, hợp khí hậu, leo giàn. Ba Ti lo ủ thêm phân nên ra nhiều bông cái. Khi những nụ vàng ở đầu bông khô dần, phần trái ở dưới sẽ to mau. Trái vừa non nhưng lại dài. Thế mà nhờ giàn cao nên không sợ bị chồng chéo, khuất lấp như những cây mướp mọc leo tạm bợ dọc hàng rào.
Những bó cây ba Ti vác từ rừng về không uổng công Ba chút nào. Mướp hương loại dài lại bán được giá, con buôn vô tận nhà mua. Có khi mẹ Ti đem ra chợ, vừa bỏ xuống là mướp bán hết ngay. Có khi Ti ngồi chơi một mình dưới giàn mướp đang che rợp cả vườn sau nhưng Ti không biết rằng những trái mướp huơng đang đu đưa trên đầu mình là gạo cơm cho một gia đình, là những gì ba con mừng nhất.
Ti và Ba ngày tết 1995 (Cam Bình, Hàm Tân) năm gia đình từ giã quê huơng
Rồi gia đình chúng ta ra đi, giã từ đất mẹ cùng những kỷ niệm vui buồn
Ti dưới mái tranh nghèo năm 1 tuổi 1992 Sơn Mỹ Hàm Tân Bình Thuận
Ti cùng gia đình ra đi, từ giã vườn xưa. Cả gia đình phải xa vườn điều lộn hột,cái chuồng heo bên cạnh có cây xoài tượng giống Mỹ Tho vừa trổ cành, mái tranh nghèo, và cuối hết là xa cái giàn mướp thân yêu che nắng cho Ti.
Nhớ sao những trái mướp màu xanh mát mắt, thoang thoảng hương thơm- mùi mướp. Dưới bầu trời quê thênh thang lộng gió, mấy nụ hoa vàng phất phơ. Những con bướm trắng, bướm vàng hay đàn ong tới lui không ngớt...
hình xưa kỷ niệm tại thôn nghèo
Cha Me của Đinh Viễn Dương năm 1984 tạm trú dưới mái trường vách mái đổ nát của xã Sơn MỸ, Hàm Tân một vùng quê cát trắng bạc màu
Đó là hình ảnh của ngày xưa, của một vùng quê nơi các con chào đời, một nơi chứa chan bao kỷ niệm nhọc nhằn.
Đúng hai mươi ba năm qua trong trí nhớ non trẻ của đứa bé từ giã quê huơng lúc vừa tròn bốn tuổi, chắc không còn ghi dấu được gì? Riêng ba chỉ mong rằng, khi con thành công nơi xứ người, đã vươn mình lớn dậy con chớ quên quê cũ. Con đừng quên rằng trong thân thể cường tráng khỏe mạnh của một thanh niên, trong trí óc làm việc của thời đại văn minh, có những 'góp nhặt ban sơ" từ từng lon gạo, từ những trái mướp năm xưa đong đưa trong nắng quê nhà...
Dẫu biết rằng con đường tương lai trước mắt thênh thang rộng mở. Các con đang có quá nhiều cơ hội và chọn lựa tốt đẹp. Ba Mẹ biết thế trong bao mừng rỡ hân hoan, hãnh diện. Nhưng con ơi! mai đây trên những lối đi huớng đến tương lai nơi Miền Đất Hứa này, đằng sau có một lối về: đó là quê huơng- là nơi 'chôn nhau cắt rốn' của các con. Những người thân thuộc sẵn sàng dang tay đón bước con về. Một vùng quê có Vườn Xưa, một thưở hàn vi là nguồn sống cho cả nhà mình. Trong lớp bụi mờ quá khứ có hình ảnh mẹ con tảo tần đi bán chợ xa hay cha con đang chống cuốc say sưa lặng nhìn một giàn mướp hoa lá tươi xanh dưới vòm trời lộng gió./.
ĐHL
update 17.9.2022
HẾT
No comments:
Post a Comment