Mục đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?...
(Hạ Trí Chương-Đường thi )
phỏng dịch
Giữa đàng gặp trẻ chăn trâu Hỏi ông khách lạ xứ nào tới đây?
*
MỜ PHAI KỶ NIỆM GIO LINH
Trí nhớ của tôi còn ghi mãi những kỷ niệm đầu đời lúc tôi khoảng bốn, năm tuổi đã theo chân mẹ tôi ra tận Gio Linh. Vào năm đó mẹ và dì tôi mở một cái quán hàng ăn ngoài đó.
Quán ăn mẹ tôi bán gần Quận. Buôn bán ở đây lèo tèo cạnh cái chợ có mấy cây bàng sum xuê lá. Cạnh chợ chỉ có quán O Phượng là lớn, giàu có nhất. Nhắc đến O Phượng thì ai ở xứ Gio linh tuổi đời trên sáu mươi tôi mới hi vọng còn nhớ đến o.
Muốn vào quận Gio Linh chỉ có một chuyến xe hàng. Một thời hoang vắng, xe cộ vắng vẻ làm sao. Ngoài Quốc Lộ Một chiếc xe dừng ở Chợ Cầu xong sẽ quẹo phải. Xe theo con đường đất đỏ vào độ hơn vài cây số rồi xe sẽ quẹo trái về Quận. Chiếc xe hàng đơn độc đó thuờng đậu bãi đất trước quán o Phượng. Vùng "thị tứ" nhỏ bé bắt nguồn từ đây cho tới Quận đường.
Theo con đường dẫn tới quận, bên trái đường là nhà bác Thiệu. Một cái nhà tranh dài, chia hai cho mẹ và dì tôi thuê một nửa, còn một nửa bác Thiệu ở. Vào thời đó, chắc hẳn không có cái nhà ngói nào dọc theo con đường này. Tôi không nhớ căn nhà ngói nào suốt con đường này. Nơi Quận cũ Gio Linh đóng, tôi nhớ có căn nhà lầu xây từ đời nào? Mạ và dì tôi là người "thị thành", tức là từ thành phố Quảng trị ra đây, nên quán ăn lúc nào cũng đông khách. Có thể người thành phố nấu ăn ngon và buôn bán "giỏi" chăng? Quán bán cơm tháng, hàng ăn. Khách đa số là người làm việc trong quận, các chú cán bộ, cảnh sát...
Đình Hà Thượng trong trí nhớ tôi hồi đó thâm u tĩnh mịch làng mạc hẻo lánh không người. Chỉ có tiếng ve kêu trong nắng những trảng đất cát xen kẻ bao bờ bụi hoang sơ.
Nhắc đến người xưa, tôi nhớ chú Cọi. Chú Cọi làm cảnh sát trong quận. Cái chuyện đáng nói do chú là người tôi "sợ nhất trên đời". Số là thuở này tôi là đứa con trai cưng của mẹ tôi, lại chưa đi học chỉ lẻo đẻo theo "làm nũng" suốt ngày?
Thế mà tôi chỉ sợ duy nhất là chú Cọi - sợ đến 'phát khiếp'. Có một bữa chú phạt tôi quỳ trước quán. Rủi thay do bận công vụ, quận hay ngoài chợ gọi nên chú phải chạy đi gấp. Ác hại thay, chú quên "hủy bỏ lệnh quỳ" cho tôi nhờ. Thế là tôi cứ quỳ mãi. Mẹ và dì tôi quá nóng ruột, bảo tôi đứng dậy nhưng tôi chẳng dám. Tôi vẫn đợi cho đến khi chú xong việc, về lại quán ăn cơm mới thôi.
Mấy năm sau, mẹ và dì tôi vào lại Quảng Trị cứ nhắc mãi chuyện này và nhờ vậy tôi còn nhớ như in tên và gương mặt của chú Cọi ngày đó. Gương mặt nghiêm nghị, bộ quần áo ka ki vàng...
Sau này tôi lớn lên, dì tôi kể lại chuyện tình duyên của dì cũng bắt nguồn từ cái quán tranh (nhưng đông khách) đó. Hồi này dượng tôi( Nguyễn văn Ngọ em ông Tuất thuơng gia Đông hà, em ông Nguyễn văn Vị chủ lò mỳ Vạn Hoa thôn Đệ Nhất QT ) hay "đóng vai" một người cán bộ thật nghèo. Khi nào vào quán dượng đó cũng mang bộ đồ đen, bạc màu. Dượng hay ngồi một góc, còn "ra vẻ nhà quê" bằng cách ngồi cả hai chân lên cái ghế đòn dài "xì xụp " ăn bún bò. Thế mà dì tôi "để ý" mới lạ. Do hay thuơng người nghèo, nên dì lại "ưu ái" bán cho Dượng rẻ và nhiều hơn. Thấy dì tôi là người nhân hậu, nên Dượng đem lòng yêu thuơng. Tình cảm hai người nảy sinh...
NHỚ THẦY CỬU HÀM và NGÀY ĐẦU TÔI ĐI HỌC
Đầu tiên người viết mượn lời giải thích của ông Linh Đàn Nguyễn một vị lão bối người gốc Gio Linh. Tại sao gọi là "Cửu"?
Cụ Linh Đàn Nguyễn hữu Kiểm
Trong facebook liên lạc với người viết, Cụ Linh Đàn có giải thích và nhắc đến nhiều nhân vật tại Gio Linh có cái tên Cửu đằng trước..Theo cụ Linh Đàn sau khi đọc bài ký ức này,cụ đáp hồi lại như sau...
"Ông Cửu Hàm người uy tín lắm, cách cư xử của ông rất tế nhị, tính tình phóng khoáng, với hàm cửu phẩm văn giai thời vua Bảo Đại, làng Hà Thượng hàm cửu phẩm thì khá nhiều ông như ông Cửu Dự, Ông Cửu Gà, Ông Cửu Séo, ông Cửu Ứng,.. ông Cửu nào cũng thông thạo chữ Hán, mà diện mạo họ ai cũng phương phi tư cách đúng là người có học thời xưa..."
Cũng nhờ sự giải thích của Cụ Linh Đàn, tôi mới biết Gio Linh thời đó có nhiều ẩn sĩ.
*
Mẹ tôi bắt đầu nóng ruột về chuyện "học hành" cho con, mặc dầu tôi mới bốn, năm tuổi. Thế là một ngày đẹp trời mạ tôi cố tâm đắt tôi đi học cho được.
Tôi còn nhớ, túi tôi đầy kẹo chanh, kẹo bạc hà. đủ thứ. Tay kia tôi còn cầm theo một chai lemonade hay nước chanh. Loại nước lemonade đóng chai màu xanh lơ, hơi bầu thế mà tôi vẫn nhớ. Bạn đọc thử tưởng tượng, thời trước 1960, thằng nhỏ như tôi được uống "nước chanh đóng chai" thì phải là 'con cưng' số một rồi. Thế mà tôi vẫn chưa chịu, vừa đi vừa khóc rấm rức. Tôi sợ đi học, xa nhà làm sao!
Hai mẹ con theo con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo lên tận dốc Hà Thượng. Vùng đất hơi cao, cây vườn rậm rạp, có nhà của thầy Cửu Hàm, vị hương sư dạy học cho trẻ con trong thôn.
Vương đọng trong trí nhớ tôi hình ảnh của một vị thầy bận áo dài đen khăn đóng. Dạy cho đám con nít đứng lố nhố trong nhà. Thầy chỉ có tôi là đứa học trò nhỏ nhất nhưng lại "hư" nhất trong đám.
Mẹ tôi năn nỉ Thầy cho tôi được thầy nhận. Thấy tôi khóc mãi, thầy làm bộ quát to, sai đám học trò đem chùm dây ra cột tôi vào thành ghế đẩu. Thật thế, hình ảnh này gây ấn tượng nhất, thì tôi nhớ lâu nhất.
Thầy Cửu Hàm sống cảnh "thanh bần lạc đạo", lấy dạy dỗ những lứa tuổi thơ trong làng làm niềm vui tuổi già. Thầy chọn an cư và lạc đạo tại một vùng quê có cái tên Hà Thuợng, nơi mà tuổi nhỏ của tôi bắt đầu đi học.
Vùng đất Hà thượng làm gì có cảnh ruộng đồng "thẳng cánh cò bay"? Tuy thế vùng này có hai loại trái cây có tiếng ngon một thời là mít và thơm. Thổ sản ở đây còn có một thứ mà tôi không quên được là bột sắn cơm (sắn dây) nổi tiếng. Ai đi Gio linh cũng không bao giờ quên mang về nhà ít ký bột sắn cơm. Sắn khoai làm bạn với người Gio linh do thiên nhiên chẳng hào phóng gì cho người dân "cận sơn, cận hải". Bao kinh nghiệm từ cây sắn vồng khoai tôi thiết tưởng chẳng nơi nào từng trải hơn nơi này- vùng kỷ niệm của tôi, cái thời bé bỏng, trẻ con.
Một vài tháng tôi đã quen nhà thầy Cửu Hàm va` bắt đầu biết siêng học. Trường của Thầy cũng là nhà ở, có nền đất cao. Những liếp cửa xếp cũ kỹ, vài ba cái bàn ọp ẹp, làm nơi dạy dỗ của một vị hương sư trầm lặng. Tuy vậy, bạn tôi quanh quận mới có may mắn đi học với Thầy.
Nhà bác Thiệu cho mạ tôi thuê có bạn tôi là thằng Mạnh. Thằng Mạnh con bác Thiệu. Tôi còn có thằng Giêng, cháu o Phượng, nhà giàu đầu xóm Chợ Cũ mà tôi viết ở trên. Ngày ngày đi học, men theo con đường sau lưng nhà O Phượng tôi kêu thằng Giêng ơi ới. Giêng làm lụng cho chủ nhà, tức O Phượng. Giêng lớn hơn tôi vài tuổi. Hắn siêng năng làm việc quần quật suốt ngày. O Phượng thưong tình cũng cho hắn đi học trên nhà thầy Cửu Hàm. Giêng tuy là bạn "vong niên" nhưng cũng vui vẻ đi học với tôi kiếm đôi ba chữ.
-Giêng ơi đi học, ơi Giêng!
Cứ mỗi lần đi học theo con đường mòn sau lưng nhà o Phượng, tôi cứ gọi Giêng đi học. Tôi nhớ làm sao, cái lưng đen trui trủi,mồ hôi bóng loáng của Giêng. Hắn đang gắng xay cho xong giã bột để đi học cùng tôi. Xe Gio Linh thường đổ trước chợ tức trước quán o hắn. Quán o hắn bán đủ thứ hàng hóa. Nhắc tới cái bến xe hồi đó, thật ra là miếng đất trống dưới mấy gốc bàng, cùng hình ảnh một một chú tên Sức hơi điên, say say tỉnh tỉnh. Sau này khi vào lại Tỉnh, tôi được biết có khi xe ghé Chợ Cầu do chợ đó có bến xe lớn sát Quốc Lộ. Có ai đó còn gặp chú Sức. Khi Gio Linh có chợ mới và quận mới, thì bến xe QT- Gio Linh đậu tại Chợ Cầu, sau đó sẽ ghé vô chợ mới sau này. Chú Sức vẫn còn sống và hay đi xin tiền nơi bến xe mới.
Đoàn bán quân sự VNCH thời 1958
Tuổi nhỏ tạt qua vùng giới tuyến những năm cuối thập niên 1950 thế mà trong tôi còn lảng vãng hình ảnh một đứa bé lẻo đẻo theo mẹ đi xem một buổi trình diễn của đoàn thanh nữ bán quân sự VNCH. Chốn quê địa đầu có một đoàn chính phủ từ trong nam ra tận đây là chuyện hiếm hoi. Đường xa mới tới một cái sân vận động nào đó. Giữa đường mẹ tôi rót nước trà pha đường từ trong một cái bình thủy của Pháp. Thật lạ lùng tuổi bé thơ sao tôi còn ghi được hình ảnh này dù thật nhạt phai. Tới nơi, bãi đất rộng từng toán thanh nữ biểu diễn hình thức cứu thương hay trình diễn đội hình gì đó...
*
Sau khi tôi vào lại Tỉnh (QT), thì nghe đâu thằng Mạnh bạn tôi theo phía "bên kia". Sau 1975 hắn về lại Gio Linh làm chức vụ gì đó.
Còn Giêng thì biệt tăm tích từ xưa, từ lúc tôi cùng mẹ và dì tôi vào lại Quảng Trị. Lạ một điều, tôi nhớ mãi cái tên cùng hình ảnh cái lưng trần, đen đúa bóng loáng mồ hôi.
Một thời gian sau nữa khi tôi khôn lớn, thì nghe tin đồn thầy Cửu Hàm không còn nữa. Thầy đã chết do 'xét đoán oan khiên' - giữa hai lằn đạn của cuộc chiến tương tàn (tôi nghe Thầy bị "xử tử " vì bị kết tội làm "tề điệp " cho VNCH) . Thầy muốn sống cảnh thanh bần lạc đạo lấy việc dạy dỗ lớp mầm non đất nước như bọn trẻ trong làng như Giêng, như Mạnh, như tôi, nhưng thầy chẳng yên được giấc mơ ẩn sĩ.
hội ngộ picnic Gio Linh 12/6/2022 tại San Jose (công viên Boggini Park)
Non bảy mươi năm qua, kể từ ngày xa Gio Linh, đến khi tuổi đã về chiều khi nhắc lại thầy xưa bạn cũ- hay bao hình ảnh, một thời bé nhỏ của tôi nơi vùng đất mang hai chữ Hà Thượng (Gio Linh), tôi e rằng chỉ là pha trộn, mù mờ huyển hoặc của trí nhớ. Có ngờ đầu người viết mới đây, may mắn có vài vị lão niên gốc Gio Linh biết tới những tên trong ký ức của tôi. Như người viết có nhắc ở phần trên về cụ Linh Đàn, người gốc Gio Linh vừa quá vãng năm kia (2020), cũng biết và giải thích về chữ Cửu. Trong facebook liên lạc với tôi vài năm trước khi quá vãng, Cụ Linh Đàn còn giải thích và nhắc đến nhiều nhân vật tại Gio Linh có tên Cửu đằng trước...
Tôi khó quên, một chú Sức "say say tỉnh tỉnh" lang thang đây đó trong vùng. Có o Phượng, giàu có, bán buôn, rồi đứa bạn đầu đời thời con nít có tên là Mạnh và người bạn vong niên một thuở ấu thời tên Giêng ...Người Gio Linh sau này như anh Phạm Thái Học (anh ruột bạn học của tôi là Phạm văn Hải), anh Trần ngọc Điềm, bạn Nguyễn Hiến đều biết.
Tuổi về già, nhưng tôi vẫn vấn vương nhớ về một thời tuổi nhỏ. Tôi tiếc một điều, lúc khôn lớn chưa có có dịp nào ra lại Gio Linh thăm lại thầy xưa. Dịp đó vĩnh viễn không còn do thầy Cửu Hàm đã ra người thiên cổ trước khi quận Gio Linh hoàn toàn bị xóa tên theo khói lửa chiến chinh, tuyến lửa McNAMARA thành hình, sau đó khoảng 1967, Gio Linh bị "bạch hóa", Định cư Cam Lộ Đông Hà Gio Linh thành lập nhưng rồi hai quận Gio Linh Cam Lộ lần lượt di dân...
Nhớ về Gio linh tôi nhớ vị thầy già, thằng Giêng cái lưng trần đen bóng, thằng Mạnh cất bước giang hồ theo con đưòng 'giải phóng'... cái chợ đìu hiu bên gốc bàng rợp bóng một thời./.
Đinh hoa Lư 8/6/2014
last edit 4/3/2023 San Jose USA
---------------------------
Góp ý của độc giả
· Tường Nguyễn Văn Lúc xưa chợ Gio Linh củ nằm ở đình làng Hà Thượng , từ Đông Hà đi ra khoảng 14km gặp ngã 3 quán Phượng (nay là tt GL ) đi khoảng hơn 1km rẽ trái là đình HT, nếu khg rẽ đi thẳng qua cầu gần 1 km sẽ có bến xe , chợ , quận lỵ , nhà thương và trường trung học GL
o Hai Lua Đinh xin thông cảm trí nhớ người viết lúc đó bàng bạc mà thôi
1
Tường Nguyễn Văn Hai Lua Đinh mình nói là sau năm 1960 , còn bạn kể chuyện trước nên địa điểm đã thay đổi , chứ nhiều chổ mình gần gủi nhưng khg nhớ được như P
Linh Dan Nguyen Ông Cửu Hàm người uy tín lắm, cách cư xử của ông rất tế nhị, tính tình phóng khoáng, với hàm cửu phẩm văn giai thời vua Bảo Đại, làng Hà Thượng hàm cửu phẩm thì khá nhiều ông như ông Cửu Dự, Ông Cửu Gà, Ông Cửu Séo, ông Cửu Ứng,.. ông Cửu nào cũng thông thạo chữ Hán, mà diện mạo họ ai cũng phương phi tư cách đúng là người có học thời xưa
======================================
ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG VÀ KỶ NIỆM THĂM CẦU BẾN HẢI 20/7/1964
hình ảnh sưu tầm được cho thấy đồng bào QT ra thăm cầu Bến Hải (1964) đang tụ tập bên kia cầu ngó qua và đội quân nhạc miền bắc sẽ tấu lên lúc đồng bào đang làm lễ đông đúc nhìn qua phía bờ bắc TỪ BỜ NAM NGƯỜI VIẾT LÚC ĐÓ CÒN NHỎ NHƯNG CŨNG NHỚ HÌNH ẢNH ĐỘI QUÂN NHẠC MIỀN BẮC ĐÓ NHƯNG NHÌN THEO CHIỀU NGƯỢC LẠI
hình báo LIFE của Hoa Kỳ
Ngày 20 tháng 7 năm 1954 đất nước VN bị chia đôi- miền bắc sống dưới chế độ Cộng Sản và miền nam xây dựng chế độ cộng hòa. Cũng từ ngày đó giòng sông Bến Hải trở thành một địa danh lịch sử, phân chia ranh giới hai miền đất nước với chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau.
Người viết sinh ra và lớn lên tại tỉnh Địa Đầu Giới Tuyến đúng 10 năm khi chỉ là một cậu bé 10 tuổi nói khác đi ngày 20/7/1964 may mắn có cơ hội đi theo gia đình và đồng bào Quảng Trị ra dự mít tinh kỷ niệm ngày ký kết Hiệp Định Geneva.
Quá khứ tiếp nối quá khứ như từng dãy núi chập chùng đưa tôi về lại hinh ảnh ngày xưa, những ngày còn bé, một thuở tạm thanh bình dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa của Cố TT Ngô Đình Diệm. Dịp kỷ niệm 20 tháng 7, 1964 tôi là một đứa bé được cả nhà cho theo ra quận Trung Lương cùng đồng bào Quảng Trị làm lễ Mit ting kỷ niệm ngày chia đôi đất nước.
Hồi đó muốn ra tới Cầu Bến Hải xe phải qua Đèo Ba Dốc. Đèo này không cao nhưng muốn xuống đèo xe phải lái rất cẩn thận, xuống được 3 cái dốc rất ngặt nên cũng rất nguy hiểm . Hết đèo là xe có thể ‘bon bon’ chạy trên một đoạn đường thẳng trên một đồng bằng hiếm hoi của quận Trung Lương để đến chân cầu Bến Hải, nơi này có trụ sở Kiểm Soát đình Chiến kết hợp cảnh sát Trung Lương làm việc ở đây.
Tôi nhớ rõ nhất là hai lá cờ to lớn có thể là ‘vĩ đại’ nhất trong trí nhớ. Dĩ nhiên cờ vàng ba sọc đỏ bên ‘miềng’ (tiếng gọi MÌNH của dân Quảng Trị chúng tôi) và cờ đỏ sao vàng bên “tê” (kia). Hai là cờ to lớn theo tôi nó có thể phủ kín một cái nhà một cách dễ dàng. Cái cầu cũng bị chia đôi, mỗi bên mỗi màu và sơn đúng một nửa bên mình thì màu xanh . Nhân viên 2 phía đi lui đi tới trên cầu thỉnh thoảng đi qua mặt nhau cũng đôi lúc cả 2 cùng nói gì đó và cùng ngó xuống mặt nước sông Hiền lương. Bề mặt của chiếc cầu rất hẹp và nó chẳng cần chi cho chuyện xe cộ, mà để trao đổi nhân viên 2 miền qua lại làm việc hàng ngày. Gia đình tôi kể rằng: mỗi ngày cảnh sát quận Trung Lương cũng qua làm việc bên kia, đổi lại bên kia cũng có một người qua ‘làm việc’ bên mình. Văn phòng làm việc của mỗi bên đều gần sát cầu, kế cột cờ.
Đến giờ hành lễ, đồng bào tới sát cầu, mặt hướng về bờ sông bên kia, tai thì nghe ban tổ chức đọc diễn văn và cáo trạng Cộng Sản miền Bắc đang đày đọa đồng bào ruột thịt miền Bắc, khi họ cố tâm xây dựng cho được Chủ nghĩa Xã hội áp đặt lý thuyết Cộng sản lên đầu dân chúng miền Bắc. Xen kẽ còn có những bài hát đề cao tự do no ấm của miền Nam như "Khúc hát thanh bình - Chuyến đò vĩ tuyến - Nắng đẹp miền Nam…"
Lúc này phía bên kia đâu có chịu yên, họ đem một đội quân nhạc bận complet trắng, cùng hướng về bờ nam hợp tấu những bài gì đó nhưng phía bên mình ồn quá làm sao nghe được? hơn nữa phía miền bắc chỉ muốn phá hay quấy rồi bằng tiếng nhạc của họ để cho buổi lễ của đồng bào phía mình bị xáo trộn mà thôi.
Hôm nay, phương tiện nhờ Internet, tôi TÌM ra được đội QUÂN NHẠC miền bắc trong bài viết và ngày tháng đồng bào QT ra thăm cầu Hiền Lương là dịp 20/7/1964
(trong hình, đồng bào phía bên tê sông chắc có tôi trong đó do trí nhớ tôi còn nhớ ttoan quân nhạc miền bắc bận toàn complet màu trắng như trong hình nhưng tôi thấy theo chiều ngược lại)
theo trang web của CSVN hiện nay tôi có được hình ảnh đội quân nhạc của miền bắc trong bài viết
*
LỘN XỘN NHƯNG MAY...
Bỗng có tiếng la hét và một đám đông đồng bào hốt hoảng chạy ngược lùi lại phía sau, Những hoảng loạn đó lan rất nhanh làm tôi cũng chạy mất luôn đôi dép "nhựa" (hồi đó ít ai có giày). Sau đó mới vỡ lẽ là một "ông cán bộ" đang trực trên cầu vô ý vứt tàn thuốc xuống một đám cỏ khô bên cầu, có gió nó bắt lửa lên khói làm đồng bào hoảng sợ. Những đám đông khác thấy chạy thì cứ chạy nên hoảng loạn mới lan nhanh như thế.
Tội nghiệp mấy chú cảnh sát Trung Lương vất vả giải thích một hồi lâu, thì đồng bào mình mới yên tâm. Hết lễ, bà con chia thành từng tốp nhỏ đi theo men sông để ngắm phía "bên tê".
Trí nhớ của tôi còn ghi lại một giòng sông nhỏ bé, nước lặng lờ trôi. Bên tê sông hình dáng những người dân miền Bắc kham khổ chịu đựng, những cánh áo nâu khom khom người "lùng sục" dưới đáy sông kiếm từng con cá; hay những chiếc thuyền nan bé tí teo, những chiếc nón lá chỉ biết im lăng, câm nín cúi đầu với công việc kiếm ăn. Họ im lìm tuyệt đối không có một cử chỉ tò mò gì khi bên này sông, đồng bào mình đang đi như trẩy hội. Bên kia sông chỉ một khoảng cách ngắn ngủi mà thôi, thế mà đồng bào bờ Bắc như không thấy không nghe, không dám ngẫng đầu nhìn. Một sức mạnh vô hình đang bắt họ phải điếc, phải mù?
Men theo bờ Hiền Lương, cách chừng một cây số theo bờ đều có những hình ảnh cổ động tuyên truyền hay trụ phát thanh, mỗi trụ gắn khoảng gần 20 cái loa đều mở hết "volume" hướng về bờ kia để phát thanh cùng ca nhạc tuyên truyền. Bên nào cũng mở hết cỡ âm thanh làm huyên náo cả một vùng, khiến tôi quên cả sợ hãi phập phồng.
Qua năm sau, cũng dịp này lần này tôi có dịp đi ra phía Cửa Tùng, cửa sông Hiền Lương. Cửa Tùng dáng vẻ đìu hiu buồn bả vô cùng . Bên “tê” chỉ lác đác vài ba cái thúng của dân đánh cá miền Bắc, không có dân. Còn phía bờ Nam cửa Tùng thì tuyệt đối đồng bào không có làm ăn ở đây.
Chiến sự leo thang, cường độ cuộc chiến càng ngày càng ác liệt. Những năm sau 1965, Trung Lương càng ngày càng hoang vắng. 1967 toàn bộ dân Gio Linh di tản hết lên Cam Lộ, vào Nam tái định cư. Tuyến MacNamara ra đời. Chiến tranh không tập miền Bắc gia tăng mức độ. Và chuyện đi chơi dự mít - ting ở cầu Bến Hải đã thực sự nằm trong dĩ vãng./.
=================================
LỤT VỀ THẠCH HÃN
Mỗi độ nước lụt về ngang thành phố Quảng Trị là lúc mặt hồ bao quanh Thành Cổ tràn lên mấy con đường Duy Tân, Lê thái Tổ, Phan đình Phùng, Lê văn Duyệt. Thành phố QT xưa có các đồng ruộng Thạch Hãn phía nam, Quy Thiện phía đông, ruộng hai làng Hạnh Hoa, Cổ Thành phía bắc. Mỗi năm lụt tràn Thạch Hãn, nước thuờng theo nhánh sông Vĩnh Định băng qua cầu Rì Rì, đầu tiên là tràn vào đồng Cổ Thành, Hạnh Hoa. Năm nào cũng thế, cái đập Rì Rì chẳng bao giờ ngăn được mức nước. Con đường Gia Long- còn gọi là đường Bờ Sông- chạy nắp theo bờ sông thuờng bị lụt tràn qua. Có khi nước tràn vào đến chợ tỉnh. Cầu Ga coi vậy nhưng kiên cố, chưa bao giờ bị nước lụt cuốn trôi, nhưng chỉ sụp đổ do cuộc chiến 1972.
Sau năm 1975 lụt thiên nhiên không còn thấy vì sông Thạch Hãn bị ngăn dòng để xây một con đập; đập đó có tên là Đập Trấm. Tuy vậy lụt vẫn xảy ra được, cũng như mọi con sông miền trung khác sau này, nếu người ta xả lũ. Đây là nạn lụt do người tạo ra mà thôi. Còn những trận lụt thiên nhiên do ôn 'trời làm ra' thì chỉ còn trong ký ức của người QT.
ĐHL edit 27/2/2023 San Jose USA
“Ông tha mà Bà chẳng tha
Làm nên cơn lụt hăm ba tháng mười”
(ca dao)
Thời con nít tôi luôn mang một ý nghĩ 'lạ lùng' rằng câu ca dao trên chỉ dành cho quê Ngoại thôi . Sao mà 'không riêng' cho được ! khi hàng năm cứ gần cuối tháng mười âm lịch, bầu trời QTrị chỉ một màn đen xám ngắt , tối ‘sầm sập’ của mưa- gió, một thứ không khí ẩm ứơt, nặng nề. Tất cả gom lại, báo trước dấu hiệu của cơn lụt tháng mười đến gần. Đêm đêm tôi nằm nghe tiếng sấm từ hướng biển, phía mấy thôn Gia đẳng, Ba lăng hay Long Quang vọng lên...
Ùng ục, ùng ục ...
Tiếng sấm nghe sao lạ tai, mệ ngoại tôi hay gọi là "sấm đất":
-Ôn Trời có sấm đất chắc sắp mần lụt rồi!
Tuổi nhỏ hay thắc mắc, tôi cứ la cà bên ngoại để hỏi hoài. Đêm về, tôi tuy nằm nhưng lại cố lắng tai nghe tiếng "sấm đất" đầy bí ẩn đó ra sao? Sao lại gọi 'sấm đất' hỉ? Đố ai biết? có thể nó vọng lên từ huớng biển chăng? có khi tôi nghe như dưới lòng biển dội lên chân trời hướng đông, nghe như xa lắm. Tôi gắng ghé mắt nhìn ra khe hở cửa sổ, bao tia chớp chốc chốc lóe lên trên nền trời đen thẩm.
Lại cũng tiếng "ùng ục... ùng ục" từng hồi. Chớp lóe liên tục huớng biển- mưa dội đầu nguồn; bầu trời QT như muốn 'trở mình', giăng giăng bao màn mây, mưa u ám.
-Rứa là lụt về!
lụt về Thạch Hãn
“Chớp bể mưa nguồn" là kinh nghiệm lâu đời của miền trung. Ban ngày hướng mắt lên Trường Sơn, tôi chẳng còn thấy màu xanh núi rừng nữa thay vào đó chỉ là một màn trời đen nghịt.
-Mưa nguồn!
Mưa không còn là tiếng rả rích, tôi hay nghe trên bụi chuối sau nhà ngoại mỗi khi đông về, tháng chạp gần tết. Mưa giờ là mưa to xám xịt trên nguồn. Hướng núi xa xa-dãy Trường Sơn nay là một 'cõi trời' riêng, huyền bí và ầm ỉ. Tuổi nhỏ chỉ dám tưởng tượng mà thôi. Mưa trên kia chắc đang gầm thét, che núi, phủ rừng. Cứ thế, suốt một tuần chỉ một màu đen. Mưa! mưa lớn lắm, những màn mưa khổng lồ trên đó che luôn cả ngọn núi cao, không còn thấy dạng. Tôi còn nghe tiếng sấm- sét trên đó vọng về. Rồi "cái sự kiện vĩ đại"nhất, tuổi thơ bọn tôi trong xóm mong đợi, trước sau gì cũng đến. Tiếng bọn tôi nghe như mừng rỡ kêu nhau, phá tan sự tĩnh lặng trong cái xóm thân yêu:
Lụt!, lụt! bây ơi đi coi lụt!
Tiếng mấy thằng bạn í- ới kêu nhau ngòai ngõ.
Có gì thích cho bằng mỗi năm lũ bạn chúng tôi được dịp cùng nhau chạy về hướng bờ sông coi lụt. Bọn chúng tôi sẽ được lội nước , được chứng kiến thỏa thích những gì ‘dữ tợn nhất' của ‘ôn Trời ' dành cho một dòng sông và một thành phố nhỏ bé .
*
Con đường Lê v Duyệt chẳng bao xa là đến giáp với đường bờ sông ngang cống của trại Quân Cụ là thông ra sông. Người đi coi lut khá đông. Dù mưa gió, ướt át nhưng người lớn con nít chi cũng ưa đi coi lụt. Thú vui với thiên nhiên không là cảnh nắng xuân hoa nở mà là cảnh mưa gió bão bùng. Thế mà ai cũng chạy ra khỏi nhà. Lụt về thì nước dâng, con sông thân yêu lại một lần nước lên cao.
Giữa đường người ta râm ran hỏi nhau:
- Lụt năm ni to hơn năm ngoái khôn hè?
-To hơn chơ nị !
Riêng bọn tôi cứ "cắm đầu, cắm cổ', cố chạy cho mau đến tận bờ sông, phía gần chùa Tỉnh Hội.
-Ôi chao ơi!
Mới mấy tuần núp trong nhà 'tránh mưa, trốn gió' , giờ ra đây mới thấy giòng sông hiền lành đã biến đổi không biết lúc mô? Con sông nhỏ bé giờ đã hóa thành một biển nước đỏ ngầu? Nước 'mô trên rừng trên núi', từ Trường Sơn trùng trùng -điệp điệp, đổ về...
Dòng nước rộng lớn, ùn ùn chảy về như vây khắp chốn. Nước đỏ chảy xiết không bến, chẳng bờ. Bãi cát Nhan Biều bên tê, không còn dấu vết. Nước trên nguồn tràn về, ‘hùng hổ', đỏ ngầu băng băng chảy. Lụt đã về. Nước chẳng cần biết bao nỗi âu lo của người hay ngay cả thú vui vô tư tuổi nhỏ là chi. Nước vẫn ‘cắm đầu, cắm cổ' trôi nhanh về biển. Giữa dòng vô số xoáy nước, to nhỏ, quay cuồng xoắn tít. Rồi vô số lau lách, củi gỗ cứ thế mặc sức đua trôi theo dòng. Tôi ngẩn người ra coi, xem chừng dòng nước đục ngầu như chen chúc với rác củi, đua nhau trôi thật mau về với biển cả. Theo làn nước dữ, nhấp nhô mấy cấy gỗ mục. Nhà ai thật gan, dám vớt được cả đống củi “trời cho". Thuở này thiên hạ còn nấu ăn bằng củi. Gỗ rừng trôi về tấp cho một mớ vào bờ làm họ "mừng ơi là mừng".
Hướng lên Cầu Ga, tôi vẫn thấy hình ảnh chiếc cầu màu đen quen thuộc. Cầu vẫn đứng vững, nối nhịp hai bờ.
-“ năm ni, chắc nước khôn vô chùa mô hè?"
Một ông già đứng cất rớ, kiếm mớ cá nước lụt, ôn lo ngại nói với bọn tôi.
Tôi ngoảnh nhìn hướng cống chùa Tỉnh Hội QT, nước còn một chút nữa là đến cổng ‘Tam Quan’. Bãi cát trước chùa thì hoàn toàn mất hẳn, nước đang mấp mé bờ đường. Cái Miệu Đôi tuy ngó ra sông nhưng cao hơn, nên chưa hề gì. Phía đâp “Rì Rì’ thì không còn thấy nữa, giòng lụt cắt ngang. Hướng Sải nay chỉ còn thấy hình dáng lũy tre mờ mờ, cong cong ...
- biết tin chi dưới ‘nớ’ khôn?
Chẳng ai biết do lụt chặn. Chẳng ai dám liều băng mình qua giòng nước đang xé con đập, tràn vào nhánh con sông nhỏ chảy vào Vĩnh Định. Không ai qua được đoạn đập dài non cây số bị nước cắt ngang. Bờ tre phía Sải xa xa, như đang ' rướn mình chịu đựng, oằn oại, cố sức ngăn cản' giòng nước dữ đang xô đẩy, hất tung tất cả để xoáy vô làng. Tuy biết lụt sẽ hết, nước sẽ rút dần, thế mà khoảng thời gian đó, không về được làng, không lên được Tỉnh, người ta xem chừng lâu quá, như "cả cuộc đời'.
Hai bờ lóng ngóng, những người kẹt lại trên này nhấp nhỏm chờ nước rút. Ai không liên can thì đi kiếm củi, rớ cá , hay mang 'tơi' đi xem lụt. Riêng bọn nhỏ chúng tôi đi xem lụt mà không bị cấm thì cũng thật may, không gì 'khoái chí' cho bằng. Tôi thích thú nhìn mấy con cá trắng nhảy long chong trong cái ‘rớ' ông già vừa cất lên. Ông rung rung cho mấy cọng rều rớt xuống nước, đùn mấy mấy chú cá trắng xuống tận đáy lưới. Buổi cất rớ của ông phần nhiều là cá 'lòng tong' nếu không muốn nói lái lại là 'long hội' ! Đôi lúc ông may mắn có vài con diếc 'ngu ngơ' đâu theo nước lụt trôi về, lọt vào lưới ông . Mùa lụt, cá diếc có trứng càng hay. Ông già vội hắt hết vào cái vợt nhỏ, xong ông bỏ cá vô cái oi bên thắt lưng. Tôi nhớ đến tô cháo cá diếc, trứng vàng hươm béo ngậy, mạ tôi thường nấu vào mùa này. Hình như mùa lũ cá diếc cũng tức trứng đi tìm nơi đẻ giống cá gáy. Tôi không hiểu lắm, nhưng con cá diếc mà to ra thì trông hơi giống con cá gáy. Đó là ý nghĩ của tôi ngày đó, chưa hẳn là đúng.
Xem chừng nước càng lúc càng dâng. Tôi nghe phía sau tiếng người kêu nhau í ới. Mấy con đường nhỏ trong xóm Heo. Người trong xóm bắt đầu lội nước. Xóm Heo thấp hơn mặt đường nên nước lên mau, có nơi sâu ngang ngực. Xế trưa nước tràn lên đường. Cống Quân Cụ trước mặt Ty Thú Y, giờ này nước đã tràn qua thật rồi. Vài con cá từ trong hồ, tôi không biết cá gì, như “bon chen” trườn mình theo làn nưóc lấp xấp trên mặt đường băng ngang để ra với sông.
Thằng Mẹo, một đứa trong bọn tôi vắng đi một hồi không thấy hắn đâu? thì ra hắn đang hì hục kéo một nhánh phượng gãy thật to đem về nhà làm củi.
- Cái thằng ! Ngó rứa’ mà thương nhà hắn dữ thiệt a , thật là thằng con có hiếu , đi chơi lụt hắn cũng không quên chuyện kiếm củi về cho mạ hắn.
Bao thân cây rừng thật to đang nhấp nhô trôi giữa dòng nước chảy băng băng . Người ta xuýt xoa chỉ trỏ, ước chi nó tấp được vào bờ . Riêng tôi chẳng màng chi thứ viêc 'người lớn'; con nít chỉ một 'cái thú', đó là lội qua xong lội lại trên làn nước đang băng qua hai cái cống trước mặt Trại quân cụ và Ty Thú Y. Nước tràn qua mặt cống khá mạnh, vừa lội tôi vừa hồi hộp, tim đánh liên hồi sợ nước cuốn tôi về biển mất thôi?
Lụt về đến đồng bằng thì trời lại ngưng mưa. Nhưng bao nhiêu nước trên nguồn dồn hết về đây. Bốn mặt hồ bao quanh thành, nước dâng cao tràn lên bốn con đường bao quanh. Nước tràn vào sông Vĩnh Định, ngập đồng ruộng An tiêm, Hạnh Hoa và luôn cả cánh đồng sau xóm Cửa Hậu.
một cảnh nơm cá ngoài đồng mùa lụt
Đây cũng là dịp trong xóm tôi nghe chừng rộn ràng, ‘bát nháo’ vì cái chuyện đi ‘ nơm’ cá ngòai đồng. Hàng năm vào lúc lụt như thế, rất nhiều cá gáy theo cơn nước lên đồng tìm chổ đẻ trứng. Thỉnh thoảng chúng ‘tức trứng’ thi nhau quẫy cạnh mấy bụi cây còn nhô lên làn nước đục. Đứng xa thấy cá quẫy, dân trong xóm đua nhau cầm nơm, bươn bả nhào tới, tiếng la tiếng hét ôi 'loạn xị ngầu' vui quá đi thôi. Trên cánh đồng ngập nước phía sau phường Đệ Tứ, lúc này người ra nơm cá rất đông. Nước ngập quá bụng mà chẳng ai lo chi chuyện ướt lạnh. Thú vui 'trời cho', hào hứng trong mùa nước dâng, làm người nào cũng không còn biết lạnh. Phía xa có ai dùng rựa chém một con gáy thật to; đằng kia có người nơm được một con, mừng quá la toáng lên, bà con lao tới phụ bắt.
Thằng Mẹo xóm trên, cái thằng coi bộ việc chi cũng rành. Hắn kết xong từ lúc nào cái bè chuối thật to. Vừa chống bè, hắn khoái chí kêu tôi cùng lên bè đi chơi với hắn. Tôi là thằng “nhát gan, thằng thỏ dế” làm chi dám nghĩ tới chuyện lên bè với hắn.
Nghĩ cũng “tội ” cho cái xóm mới 'mọc lên' sau. Nhà họ sát cánh đồng, bìa ngoài xóm Hậu của tôi. Họ đang bị cái họa “ách nước tai trời” đày đọa . Bà con phải đi tránh lụt, phải đi xin “ăn nhờ ở đậu” ít ngày tận xóm ngoài, tức mấy chục nóc nhà “ cố cựu” cạnh con đường nhựa, con đường Lê v Duyệt trước Cửa Lao Xá. Xóm ngoài này may mắn không bị nước lụt 'xâm lăng'. Dĩ nhiên, không ai nỡ lòng từ chối.
- Ai chà !
Răng lại mong cái cảnh lụt lội như thế này mãi để chạy đi xem, đi chơi, đi lôi lụt trong lúc bà con sau xóm lại đang vất vả ngược xuôi khổ sở trăm bề? Thật ra thì chính “Ôn Trời” gây họa chứ ai vô đây? lũ con nít bọn tôi chỉ là 'vui ké’ mà thôi. Cái nhà thằng Bốn bạn cùng lứa với tôi, ba hắn có xe đò QTrị- Huế. Năm trước, chú Ba -tức ba hắn- mới xây xong cái nhà ngói thật to sau xóm. Ba hắn bán nhà cũ ngoài đường mua đất sau đồng này có vườn tược rộng rãi vui thú tuổi già. Nền nhà thằng bạn ‘nối khố’ này xây lắm công phu và tốn kém rất ‘hung’ (nhiều). Cát đổ nền, ba hắn (xin lỗi, tức là chú hắn) thuê xe lấy tận bờ sông chở về, mất cả tháng trời mới xong. Nội cái nền không thôi đã cao hơn một mét thế thì làm chi có chuyện nước lụt làm ướt đồ đạc trong nhà hắn được. Xóm Hậu “Mới” này chỉ có nhà thằng Bốn không lo lụt thôi, chiếc xe hàng (xe khách) ba hắn (tôi lại quên nữa! của chú hắn) thì tạm thời ‘lánh nạn’ ngoài đường ‘quan’ tức là con đường nhựa Lê v Duyệt. Còn lại, đa số bà con ngoài này phần nhiều chạy giặc từ dưới làng lên ở tạm, bởi thế nhà cửa mới tạm bợ, bấp bênh. Bà con dưới làng, mấy năm chạy lên, chạy về, tránh bom đạn. Riết một hồi không biết làm chi ăn nên đành phải ở lại luôn. Nhà cửa tạm bợ: cái lợp tranh, cái lợp tôn, “lỏng chỏng, le te”. Vợ con gia đình, ăn theo đồng lương 'lính tráng', kiếm được đồng nào “xào đồng đó” nên vách nhà của họ thì tôn , ván ép Mỹ lung tung , tạm che gió lánh mưa mà thôi, cần chi cho đẹp. Nhà tạm dung thân, nên 'dựng vội - xây vàng' bên mé ruộng, bờ ao. Thế là những cái nền đất thấp lè tè; cơn lụt mới lên, nước đã 'liếm' tận vạt giường khiến bà con mất ăn bỏ ngủ...
Lội bì bõm dò theo con ĐƯỜNG NGỰ, tôi thấy cánh đồng thân yêu giờ đã loang loáng nước. Nước phủ tràn trề, từ con sông Vĩnh Định chặng thôn An Tiêm mênh mông lan đến xóm Tiêu, xóm thằng Hiệp vươn đến xóm Hậu của bọn tôi rồi lan qua đến tận thôn Hạnh Hoa. Đứng mé xóm sau tôi thấy giờ tất cả chỉ là một màn nước đục giống một cái đầm vĩ đại mà Ôn Trời sau một đêm đã tạo một “ cảnh biển dâu” như thế.
hình ảnh năm 2012 cho thấy ĐƯỜNG NGỰ nhà đã xây lấp mất--có chỉ mũi tên thẳng đứng --nền nhà của DHL ở cho đến 1972 là địa điểm nay la` cái nhà lầu 3 tầng- cạnh mũi tên
từ cổng thành ngó ra này đã bị cư dân mới xây nhà cửa bít hết không còn nhìn ra được nữa
Những làn sóng trên cánh đồng sau xóm chúng tôi chỉ nhỏ lao xao, nước đục ngầu. Theo làn gió nhẹ văng vẳng tiếng bà con đi nơm cá kêu nhau, loáng thoáng vài con chim nhạn bay lướt qua mặt nước. Thạch Hãn lụt về, cái vòng mưa lụt vẫn trở lại hàng năm đã an bài lên đôi vai gầy người dân Quảng Trị. Đông về gió thét mưa gào, bao con đò bập bềnh bên con nước lũ.
Người đi để lại phía sau, hình ảnh quê hương của nắng cháy da người, mưa dầm thối đất. Nhưng cứ độ lụt về Quảng Trị, ai ở xa chi mấy cũng hỏi thăm quê cũ vài câu. Bao kỷ niệm nhạt nhòa của người xa xứ; nhưng người xa quê lòng luôn nhớ về dòng sông kỷ niệm. Thương quá ngày xưa, một quá khứ êm đềm nay mãi ra đi không còn trở lại ./.
==========================
THƯƠNG VỀ QUẢNG TRỊ
Tôi hay hỏi chính tôi tại sao tôi hay viết về Quảng trị? Một điều dứt khóat rằng tôi không mơ làm một nhà văn mà tôi viết do tôi thương tôi nhớ về kỷ niệm vĩnh viễn chẳng trở về. Bao lâu nay với những dòng viết vội nhưng tôi mang hòai bão vẽ lại hình ảnh một Q trị ngày xưa nay nhạt nhòa trong trí nhớ bao người.
Vài con đường thân thương quanh góc phố nhỏ hay mái trường một thưở học trò. Thành Cổ rêu phong phủ kín năm nao, cùng bao nhiêu thứ khác giờ chẳng còn chi. Chúng nay đã là "cổ vật vô giá" trong lòng người.
Ai hay tìm bóng cố nhân - những người năm cũ nay đã lần lượt "rũ áo phong sương"?
Ôi thời gian! vòng tuần hoàn vạn thuở nhưng là "vị đắng" cho kiếp thế nhân, ngắn ngủi, tầm thuờng trước tạo hóa vô cùng hay khổ đau vì biến thiên nhân thế?!
Người Quảng Trị ra đi, đi mãi. Người Quảng Trị lưu hương từng đếm bước thời gian để ngày mai trở lại. Bao kẻ tha phương chợt nhận ra: họ chẳng còn chi khi đi tìm đường xưa lối cũ?
Có người may sao "trút gánh phong sương " nơi 'chôn nhau cắt rốn' . Nhưng cũng có kẻ vẫn mãi cất bước lưu phương mang theo nỗi lòng thổn thức. Người Quảng Trị tìm an ủi trong lời thơ tiếng nhạc, mong phai đi bao buồn thuơng lưu luyến trong lòng.
***
v/c tác giả tham dự Đại Hội 60 Năm NH Quang Tri 2012
Tiếng hát Tuấn ngọc vẫn vang lên bên tôi trong blog của Văn Thanh tùng với bài Hoài cảm .." còn đâu mùa cũ êm vui...sương buồn che kín hồn người..qua dần những tháng cùng ngày...".
Ca Sĩ Lê Mậu Duân Bích La Thượng Triệu Phong Quảng Trị
Hôm nay, sau mấy năm viết bài này tôi thật hạnh phúc được đón nhận một giọng ca truyền cảm chan chứa chất giọng quê hương của Lê mậu Duân. Những bản nhạc từ một tâm tình chân thật đầy tình cảm lồng trong một tâm hồn nghệ sĩ đã sống lại qua một giọng ca điêu luyện và hồn hậu nhưng đầy rung cảm của anh. Từ tâm tình của lính như Kẻ Ở Miền Xa, Thư về Em Gái, Thành Đô... nối tiếp về nỗi xúc động đối với tình quê hương, tình mẹ, tình người và người... như Lạy Mẹ Con Đi, Tâm Sự Người Hát Nhạc Quê Hương, Tình Ca Quê Hương...tất cả đều được giọng ca 'rất Quảng Trị', 'rất Quê Hương' do Lê Mậu Duân chuyên chở.
Càng mừng hơn khi tình cảm dành cho quê mình- Quảng Trị- sau này vẫn còn nhiều "tiếng hát tiếp nối" của thế hệ trẻ như Lê Thu Uyên, Bạch Trà và nhiều tiếng ca trẻ khác như trong "Em Có Về Quảng Trị với Anh Không"cùng nhiều bài hát khác. Người Quảng Trị hôm nay linh cảm rằng: dường như đó là "trái ngọt" sinh ra từ vùng đất "cày lên sỏi đá"- nhưng tâm hồn chân chất cùng tràn đầy hay tiếp nối một tình quê tràn đầy, tha thiết...
Em có về Quảng Trị với anh không?
Trong bão táp nghe gió Lào quạt lửa
Mảnh đất miền Trung cong như đón gánh mẹ
Suốt một đời dầu dãi với nắng mưa... (nhạc Nguyễn chí Quyết)
tình yêu quê hương QT và nhiều tiếng hát tiếp nối
Người viết đã bao lần lắng đọng tâm hồn mình trong nhiều bài hát về quê hương Quảng Trị. Đó là khi "cố nhân xa rồi có ai về lối xưa ". Và có ai về lối xưa? vẫn ngân vang tiếp nối tiếng hát của "người muôn năm cũ ", lúc tiếng hát cố ca nhạc sĩ Duy Khánh trong bản Làng Tôi "mơ trong bóng ngày về..quê tôi chìm trong trời mờ sương..là bao nguồn yêu thương " đang mong chờ bước chân viễn khách về thăm khung trời kỷ niệm dù chỉ một lần. Vẫn âm vang bên tôi tiếng ca gợi nhớ của Anh Thơ- bản Giọt Mưa Thu, "ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...".
Có thể giờ này trong cơn mưa dầm Quảng trị, vẫn những giọt mưa day dứt không thôi. Viễn khách đang trầm tư, một mình bên ly cà phê phố cũ như cố tìm dư hương ngày tháng xa xăm. Lại một mùa đông rét mướt giăng màn trên quê hương, trở lại. Ngày đó cũng là đây, cả thành phố như ẩn mình trong cơn lạnh đầu mùa. Những năm còn xuân xanh trong dĩ vãng, có những anh học trò hay chính là mấy kẻ tình si từng e ấp tiếng hẹn, đợi chờ ai một thuở mới yêu ./.
=================================
MƯA QUÊ HƯƠNG VÀ NỖI BUỒN GIÁP HẠT
(tu bút)
Mưa quê hương, đó là lúc ta đưa tay hứng những giọt nước trong ngần, mát lạnh; chợt một niềm thương, nỗi nhớ len lén vào lòng. Kỷ niệm về một thuở tuổi thơ, những chiếc thuyền giấy nổi bập bềnh theo trọt nước trước hiên. Ngày đó xa rồi, dưới mái tranh quê hay miền trung chứa chan hoài niệm. Nhưng mỗi khi quê hương mình đang chống chọi trong dòng nước lũ cố tìm sự sống thì bao giọt mưa kia lại hiện thân cho nỗi lo sợ hãi hùng. Mưa quê hương mỗi khi đông về kèm theo nước lụt từng biến thành khổ ải, tang thương. Bao dòng nước mắt đau thương của miền trung vẫn tuôn rơi mãi, trở thành số phận.
Cố gắng quên, nói cho văn vẻ hơn ta sẽ cho rằng mưa là khúc luân vũ "đáng yêu" của trời đất ban bao giọt nước trong ngần, long lanh rơi xuống trần gian. Chất phát cùng gần gũi với người làm ruộng- mưa là lúc kẻ nông phu ngước mặt nhìn trời, lòng hả hê vui sướng khi nghĩ đến bao hạt lúa vàng căng đầy nhựa sống cho mùa gặt tới.
Lắm lúc mưa là lúc người thi sĩ nhìn qua khung cửa hay nghe tiếng nước rơi trên hàng sầu đông rồi dệt nên nhiều vần thơ mượt mà, cảm tác. Người nhạc sĩ chợt rung động vội ghi ngay từng nốt nhạc buồn trong tiếng mưa rơi. Lại buồn thay cho người cô phụ, con tim giá băng quặn thắt, bao năm dài nhớ chồng vĩnh viễn đi xa. Tình cảm hơn, ta lại nghĩ về bao mối tình mãi vương vấn tơ lòng, ai đó lúc tương tư trên căn gác vắng. Sống với hoài niệm, biết ơn, ta sẽ nhớ về chuyện ngày xưa trên vùng biên giới xa xôi, có anh chiến sĩ vội kéo tấm poncho lúc màn mưa theo gió quất xối xả vào người...
Nói sao hết chuyện trần gian khi mưa trời rơi xuống. Dù sao chăng nữa, mưa muôn đời vẫn là mưa. Đó là sự kết tinh bao làn hơi, trả lại thế gian những giọt nước tinh khiết, sau bao chuyến phiêu lưu kỳ thú trong không gian thênh thang và quãng khoát. Những mầm xanh sẽ nhú, bao mạch sống sẽ tiếp nối vào đời cũng nhờ mưa. Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày... Niềm ước mơ, mong muốn của ngừơi dân quê mộc mạc biết bao. Những khao khát thực tế của những ai 'chân lấm tay bùn'. Cảnh sống của lớp người "cày sâu cuốc bẫm" như quyện vào những câu ca dao chất phát. Dù qua bao thế hệ người làm nông vẫn luôn ghi nhớ nằm lòng.Người bám đất và đất nuôi người. Người dân quê lớn lên từ ruộng đồng chỉ những ước mong đơn điệu. Cuộc đời mộc mạc, họ đâu mơ chi phù phiếm xa hoa? Bao ước mơ từ xóm làng lam lủ không gì hơn là hình ảnh của những "bát cơm đầy"hay "rơm đun bếp". Lụt về! Khi "ông tha mà bà chẳng tha" , điệu luân vũ của trời và đất giờ trở nên 'cuồng nhiệt say mê' sẽ gieo muôn triệu khối nước đày đọa tội tình lên bao tấm thân gầy nghèo khổ, những kiếp người chỉ biết những mong muốn đơn thuần bình dị. Mưa bỗng dưng hóa thân thành khổ ải, tang thuơng khi bao dòng nước lũ băng băng, chảy xiết! Ôi! những mái tranh tan tác, nổi trôi; bao ruộng nương chìm đắm. Mưa giờ không là thơ là nhạc, mà là những tiếng khóc ai oán tỉ tê!
Miền trung bao đời vẫn thế: căng mắt canh chừng cơn thịnh nộ của thiên nhiên khi thu về đông đến. Những giấc ngủ chập chờn trong gió thét mưa gào. Lụt -bão sao mãi hoài là 'định mệnh an bài' cho miền đất khổ -nắng cháy da người-mưa dầm thối đất? Thế mà lạ làm sao? Ai đi xa cũng muốn mau về nhà. Chỉ vắng nhà ít hôm thôi, người xa nhà chưa gì đã nhớ đã thương. Mẹ già nhớ hàng cau, thương bụi rơm bên mái tranh nghèo, vấn vương làn khói cơm chiều hay chắt chiu từng chút rơm đun bếp. Bác nông phu nhớ con trâu già cùng mấy thửa ruộng thân yêu. Bác nhớ làm sao những trưa nghỉ cày lúc ngồi vấn thuốc. Đó là những trưa bác dựa lưng bên gốc cây làng ngó lên Trường Sơn xanh thẳm. Tình quê chỉ ngần ấy thôi nhưng mặn mà chẳng chút nhạt phai. Một quê huơng gian khó với thiếu thốn gian nan nhưng tình quê mãi mãi nồng nàn, lòng yêu thuơng làng nước chẳng hề phai nhạt./.
ĐHL EDITION
13.8.2023 SAN JOSE USA
No comments:
Post a Comment